xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trách nhiệm phần nhiều thuộc về các công ty XKLĐ

Nguyễn Lê Bách

Những thông tin trên báo chí những ngày qua về việc hơn 100 người lao động (NLĐ) VN chết ở Malaysia trong vòng một năm đã gây nên sự bàng hoàng, đau xót không chỉ đối với các gia đình của những người xấu số, mà là cú sốc đối với tất cả những ai quan tâm đến vấn đề xuất khẩu lao động (XKLĐ) của đất nước. Xin góp thêm lời bàn thẳng thắn với những người có trách nhiệm trong công tác XKLĐ của nước ta.

Đừng "tốt khoe, xấu che"

Đến nay, có nửa triệu NLĐ của VN đang làm việc có thời hạn ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đó là một nỗ lực đáng ghi nhận của Cục Quản lý lao động ngoài nước và hàng chục công ty được cấp phép chính thức XKLĐ.

Trong những dịp tổng kết cuối năm, chúng ta thường được nghe những con số và kết quả phấn chấn: Hàng trăm ngàn NLĐ được đưa sang hàng chục quốc gia và lãnh thổ, tiền gửi về hàng tỉ USD... Tuy nhiên, chưa thấy “bảng thành tích” của công ty XKLĐ nào thống kê trong năm có bao nhiêu NLĐ bị đuổi về, bao nhiêu người bị tai nạn lao động, bao nhiêu người mang bệnh hoặc chết... Từng công ty khi đăng quảng cáo hoặc đi tuyển lao động, cũng chỉ nêu mức thu nhập mỗi tháng, tiền đặt cọc khi đi, chưa thấy công ty nào nói rõ cho NLĐ biết những chi tiết không thể coi là nhỏ: Có BHXH hay không, khi ốm đau hoặc bị tai nạn lao động sẽ được giải quyết ra sao, sau khi hoàn thành hợp đồng có được ở lại hay không, nếu về nước có được xếp công ăn việc làm hay không... Nhiệm vụ của các công ty là phải nói rõ với NLĐ những chi tiết đó, chứ không phải chỉ cốt tuyển chọn cho thật nhiều, đưa đi cho thật nhiều để lấy thành tích và thu lợi nhuận, mặc kệ NLĐ xoay xở khi gặp khó. Hình như trong lĩnh vực này, bệnh ham thành tích cũng khá phổ biến – mà thành tích ở đây gắn chặt với lợi nhuận, với doanh thu của công ty. Từ trước đến nay, chưa có công ty XKLĐ nào... kêu lỗ vốn, mà chỉ có lãi nhiều hay lãi ít mà thôi!

Thi tuyển lãnh đạo công ty XKLĐ

Nghe thì có vẻ... hài hước, vì xưa nay chỉ có các công ty tuyển chọn NLĐ đưa đi xuất khẩu, chứ chưa thấy nói đến việc tuyển chọn những người... lãnh đạo công ty XKLĐ. Xin bắt đầu bằng một câu hỏi: Có bao nhiêu giám đốc, tổng giám đốc công ty XKLĐ có trong tay cuốn Luật Lao động của nước mà NLĐ sẽ đến? Có và phải đọc được, phải nghiền ngẫm kỹ lưỡng, chứ không phải sưu tầm các cuốn luật đó để xếp trong tủ kính. Nói như vậy không phải là ngoa ngoắt, bởi thực tế đã có vị tổng giám đốc có đến mấy cuốn Luật Lao động của nước sở tại nhưng... bằng tiếng Ả Rập (song cả công ty thì không bói đâu ra một người phiên dịch tiếng Ả Rập!).

Cục Quản lý Lao động ngoài nước hãy thử tổ chức một buổi giao lưu giữa các giám đốc, tổng giám đốc các công ty XKLĐ để từng vị trình bày về một chủ đề thôi: “Những điểm khác biệt giữa Luật Lao động của nước X so với Luật Lao động của VN”. Chắc không ít vị sẽ “rớt”, hoặc tìm cách thoái thác sớm! Đưa cả trăm NLĐ đi mà người chỉ huy không thèm biết Luật Lao động của nước đó ra sao thì tất yếu dẫn đến những hậu quả mà ai cũng có thể đoán được. Có lẽ đã đến lúc Cục Quản lý Lao động ngoài nước cần tổ chức “thi tuyển” hoặc ít nhất là sát hạch khả năng các lãnh đạo những công ty XKLĐ trước khi trao giấy phép XKLĐ.

Ngoài ra, phải tìm hiểu kỹ đối tác trước khi ký hợp đồng, quan tâm tỉ mỉ đến điều kiện ăn, ở của NLĐ, cách giải quyết, xử lý khi gặp phải tai nạn lao động, bệnh tật... Tất cả những chi tiết này phải được phổ biến cho NLĐ trước khi ra đi, chứ không phải ra đến nước ngoài mới biết, bởi một trong những nguyên nhân của các cuộc đình công, lãn công là vì những chi tiết nhỏ nhặt này.

Dẹp bỏ nạn "chạy" giấy khám sức khỏe

Trước khi đăng ký ở một công ty, NLĐ nào cũng phải có giấy chứng nhận sức khỏe. Có công ty quy định chỉ được khám sức khỏe ở bệnh viện này hoặc bệnh viện khác nên đã phát sinh những tiêu cực ở khâu này. Trong hơn 100 NLĐ xấu số ở Malaysia, có những trường hợp đột tử vì làm quá sức, vì tiền sử đã mắc bệnh tim, huyết áp... Vậy mà vẫn được chứng nhận là “đủ sức khỏe để làm việc dài hạn”! Ngay cả khâu “chạy” giấy chứng nhận sức khỏe cũng không hiếm tiêu cực. Đã có NLĐ kháo nhau rằng “ông bác sĩ chiếu điện bảo sao phổi bên trái hơi có nám đen, thế là phải rút cho nhanh một tờ xanh (tờ 100.000 đồng) che lên ngực bên trái, để được ghi 2 chữ BT (bình thường)!”. Tất nhiên, không thể vơ đũa cả nắm, nhưng trong thực tế, đã có những trường hợp như vậy, dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.

Chuyện xót xa ở Malaysia thì đã xảy ra rồi, cũng không nên “khóc trên bình sữa đã đổ”, nhưng vấn đề cần bàn bây giờ là phải tìm ra những nguyên nhân dẫn tới thực trạng đau xót trên. Và đã đến lúc nên nói thẳng, nói thật với nhau, dẫu “thuốc” có “đắng” một chút, nhưng may ra sẽ “dã tật”.

Kiểm tra tay nghề phải hết sức chặt chẽ

Việc kiểm tra tay nghề cũng không ít chuyện... hài hước. Đã kiểm tra, đã ra đến công trường, mới “té ngửa” ra là thợ mộc mà cầm cưa còn ngược, hoặc thợ nề mà không biết cầm bay ra sao. Kiểm tra tay nghề cho thật đúng mức sẽ tránh được nhiều hậu quả tai hại khi ra đến nước ngoài. Những người làm công tác XKLĐ không được phép nể nang, không vì “anh A. gửi gắm hoặc chị B. nhờ vả” mà nhận những NLĐ không đủ tiêu chuẩn ra nước ngoài. Đã có không ít những chuyện gửi gắm như vậy để rồi chính các vị lãnh đạo công ty lúng túng như gà mắc tóc ở nước ngoài khi gặp “chuyện”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo