xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xe buýt tìm hướng phát triển

THU HỒNG

Nhiều giải pháp tâm huyết được đưa ra nhằm phát triển xe buýt nhưng để thực hiện được cần quyết tâm của lãnh đạo, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành và chung tay của người dân

Sáng 15-10, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM tổ chức tọa đàm “Làm thế nào để xe buýt tiếp tục phát triển?”. Đã có nhiều giải pháp được các lãnh đạo, chuyên gia tâm huyết với ngành xe buýt đưa ra tại buổi tọa đàm.

Thiếu bến bãi, khách sụt giảm

Đánh giá thực trạng xe buýt hiện nay, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho rằng sản lượng khách đã bão hòa, có xu hướng giảm, hiện tại chỉ đáp ứng 7% nhu cầu đi lại của người dân. Nguyên nhân chủ yếu là do phương tiện xe cá nhân phát triển rầm rộ (khoảng 90%); cấu trúc đô thị TP HCM không phù hợp với hoạt động của xe buýt (thiếu bến bãi, không có làn đường ưu tiên...) và thói quen đi lại của người dân.

Lượng khách đi xe buýt đang sụt giảm do thiếu bến bãi, điểm dừng đỗ và nhiều bất cập khác Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Lượng khách đi xe buýt đang sụt giảm do thiếu bến bãi, điểm dừng đỗ và nhiều bất cập khác Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo ông Thanh, trong số 147 tuyến xe buýt đang hoạt động, chỉ có 22 vị trí điểm đầu, cuối được phép đặt đàng hoàng, còn lại xe buýt phải đậu nhờ đầu đường, vỉa hè, góc chợ và thường xuyên bị đẩy đuổi. Mặc dù quy hoạch về sử dụng quỹ đất cho vận tải hành khách công cộng do Thủ tướng phê duyệt đến năm 2025 là dành 1.141 ha cho bến bãi nhưng qua nhiều năm “giành giật”, vẫn chỉ đạt 80%... trên giấy.

“Hiện nay, việc đưa xe buýt vào các trung tâm thương mại, khu dân cư, khu vui chơi rất khó. Xe buýt muốn vào sân bay, hành khách phải đi một đoạn rất xa từ điểm dừng xe buýt đến phòng chờ sân bay. Những khu dân cư mới, trung tâm thương mại trong quy hoạch có khu dành cho xe buýt, taxi đến đón khách nhưng khi đặt vấn đề thì chủ đầu tư thoái thác” - ông Phạm Đình Đức, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở GTVT, nói.

Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP, phân tích thêm nguyên nhân khách sụt giảm do tốc độ di chuyển xe buýt quá chậm bởi không có làn đường ưu tiên; thường xuyên kẹt xe do công trình; tình trạng cướp giật, ma túy tại các trạm dừng, nhà chờ, móc túi trên xe buýt khiến hành khách bất an.

Vấn đề được Sở GTVT đề xuất nhiều năm nhưng chưa thực hiện được là làn đường ưu tiên cho xe buýt, ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, cho biết cả 4 tuyến đường thí điểm ưu tiên dành riêng cho xe buýt, như: Trần Hưng Đạo B, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trần Cao Vân, Nguyễn Kiệm đều phát huy hiệu quả nhưng gặp trở ngại từ phía người dân nên dừng thực hiện.

Vừa kéo vừa đẩy

Hai nhóm giải pháp được đưa ra thảo luận nhằm tìm hướng cho xe buýt phát triển là: kéo (hạn chế phương tiện xe cá nhân) và đẩy (đẩy phương tiện vận tải công cộng). Tuy nhiên, cả 2 giải pháp này đều vướng, chưa thể triển khai. Trong đó, đề án “Phát triển hợp lý phương tiện tham gia giao thông” nhằm hạn chế xe cá nhân của TP đến nay mới được các sở, ngành bắt tay nghiên cứu, chưa có lộ trình cụ thể. Riêng đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, cần nhất là vốn để thay thế phương tiện cũ cũng đang chững lại do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp ngại đầu tư.

Ông Lê Trung Tính cho rằng trước mắt phải sử dụng hiệu quả tiền trợ giá của nhà nước bằng cách tăng thu, giảm chi. Tăng thu bằng nhóm giải pháp mở rộng hình thức bán vé (nhiều loại vé tập, tháng, quý, lượt...); sớm thực hiện quảng cáo trên thân xe buýt; mở rộng đấu thầu; cắt những tuyến không hiệu quả, những tuyến có cự ly trên 30 km, những tuyến xe lớn nhưng khách ít. Về lâu dài phải chuyển hình thức trợ giá trực tiếp sang gián tiếp; đồng thời, phải thực hiện các biện pháp hạn chế xe cá nhân, bao gồm cả ô tô và xe máy, bằng cách tăng phí để dùng số tiền này nuôi xe buýt và duy tu bảo dưỡng đường.

Để hạn chế tình trạng mất an ninh trên xe buýt, theo ông Dương Hồng Thanh, Sở GTVT đã đề xuất UBND TP cho phép đơn vị này phối hợp lực lượng TNXP hỗ trợ bảo đảm an ninh trên xe buýt. Riêng làn đường ưu tiên, Sở GTVT tiếp tục đề xuất triển khai một số tuyến đường như xa lộ Hà Nội, Nguyễn Hữu Cảnh, Trường Chinh.

“Tôi cho rằng đối với TP HCM, không thể giải quyết vấn đề xe buýt một sớm một chiều, cần sự góp sức của người dân, các sở, ngành chức năng khác” - ông Dương Hồng Thanh nói.

“Bơi” giữa dòng xe máy

Theo thống kê của Sở GTVT, số phương tiện giao thông cá nhân trong năm 2013 đã tăng 15% so với năm 2010. Tính đến hết năm 2013, TP có hơn 5,5 triệu xe, trong đó có gần 500.000 ô tô (chiếm gần 1/3 lượng ô tô của cả nước) và hơn 5 triệu mô tô, xe máy. Ngoài ra, hằng ngày có trên 1 triệu mô tô, xe máy, ô tô mang biển số các tỉnh, thành khác tham gia giao thông trên địa bàn TP. Trong khi đó, quỹ đất dành cho phát triển hệ thống giao thông quá ít, chiếm 5% so với diện tích toàn TP (các nước tiên tiến trên thế giới, tỉ lệ này đạt từ 10%-20%) khiến xe buýt “bơi” trong dòng xe máy.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo