xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chấm dứt đẩy rủi ro của nhà nước sang doanh nghiệp

Bài và ảnh: Minh Chiến

Doanh nghiệp mong muốn nội dung Luật PPP phản ánh đúng như tên của luật là "đối tác công - tư" thay vì quan niệm doanh nghiệp là cấp dưới

Đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc thiết kế dự thảo phải bảo đảm bình đẳng, hấp dẫn để nhà đầu tư yên tâm, sẵn sàng bỏ tiền đầu tư các dự án lớn trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế.

Chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp

Theo bộ trưởng, dự thảo đã chú trọng đến cơ chế bảo đảm của Chính phủ đối với các dự án PPP quan trọng và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu. Trong dự thảo đã đưa vào 2 nội dung bảo lãnh là về cân đối ngoại tệ (điều 76) và chia sẻ rủi ro doanh thu (điều 77).

Về vấn đề ngoại tệ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào một dự án, thu phí hoàn toàn bằng Việt Nam đồng, trừ hết chi phí đi thì nhà đầu tư mang lợi nhuận ra ngoài bằng cách nào? Nếu không có cơ chế về việc này, các nhà đầu tư sẽ rất e ngại. Chính phủ phải bảo đảm phần doanh thu sau khi trừ hết chi phí bằng tiền đồng, căn cứ vào quy định quản lý ngoại hối, phải đổi đủ tiền cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, theo bộ trưởng, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu cũng rất quan trọng bởi rủi ro nhiều khi không phải từ lý do bất khả kháng mà lại đến từ chính sách của nhà nước. Ông ví dụ một con đường được đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), nhà đầu tư làm xong trên tính toán lưu lượng, giá thu phí, thời gian thu phí sẽ ra phương án tài chính. Nhưng sau đó có một con đường được xây dựng bên cạnh, chia sẻ lưu lượng và ảnh hưởng đến phương án tài chính của nhà đầu tư. Nếu không bảo đảm doanh thu thì ai dám đầu tư!

"Nhà nước cần ổn định về chính sách để bảo đảm phương án tài chính, lúc đó nhà đầu tư mới yên tâm tham gia. Nhà nước không thể chuyển toàn bộ rủi ro của nhà nước sang doanh nghiệp (DN) bởi ở đây nhiệm vụ là nhiệm vụ công, đầu tư công nhưng đang kêu gọi đầu tư tư" - bộ trưởng lo ngại.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, đồng tình với việc thiếu cơ chế bảo lãnh, chia sẻ rủi ro là nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư không mặn mà. Luật PPP đòi hỏi nhà nước quy định rõ ràng, minh bạch vấn đề này, từ việc cam kết hỗ trợ công trình, đến vay vốn, vốn đối ứng, phương án thu phí hoàn vốn. Luật PPP phải thiết kế để hạn chế những bất cập hiện nay khi đấu thầu thực hiện dự án dẫn đến không sòng phẳng trong quan hệ công - tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, cho rằng nhà nước cần làm rõ các cơ chế chia sẻ quyền lợi và rủi ro ngay trong bước phê duyệt dự án và lựa chọn nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư làm tốt, rút ngắn tiến độ, tiết giảm vốn, chất lượng tốt giảm chi phí duy tu bảo trì thì cần khuyến khích.

"Khi dự án gặp rủi ro từ nguyên nhân khách quan, nhà nước cần chia sẻ, không nên đẩy hết rủi ro về phía DN như hiện nay" - ông Hồ Minh Hoàng nói và kiến nghị có cơ chế mở để huy động nhiều nguồn vốn tham gia như cho phép DN phát hành cổ phiếu, trái phiếu, nhà nước cùng tham gia góp vốn để tăng hiệu quả đầu tư…

Chấm dứt đẩy rủi ro của nhà nước sang doanh nghiệp - Ảnh 1.

Tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được đầu tư theo hình thức BOT

Thông thoáng để hút đầu tư

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhà nước có rất nhiều quyền, trong khi nhà đầu tư chỉ có một quyền nhưng quyền này lại vô cùng quan trọng. "Đó là họ có "chơi" với chúng ta hay không, có bỏ tiền ra đầu tư với chúng ta hay không? Còn cái gì cũng có lợi cho nhà nước, cái gì cũng không chặt chẽ, không thông thoáng thì nhà đầu tư không tham gia" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ông Hồ Minh Hoàng cho rằng Luật PPP phải thể hiện tinh thần bình đẳng giữa đối tác công - tư. Theo đó, DN mong muốn nội dung luật phản ánh đúng như tên của luật là "đối tác công - tư" thay vì quan niệm DN là cấp dưới. Đồng thời, bảo đảm các cam kết của hợp đồng dự án.

Nhiều dự án đã triển khai trong thời gian qua phát sinh nhiều vướng mắc do nhà nước thay đổi chính sách, như thay đổi quy hoạch, đầu tư đường song hành; thay đổi chính sách về giá phí; ban hành các văn bản hành chính làm thay đổi các điều khoản của hợp đồng.

Theo ông Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ngoài thủ tục thông thoáng thì các cơ chế bảo đảm về ngoại tệ và chia sẻ rủi ro doanh thu là vô cùng quan trọng. Đây chính là lý do vì sao trong một giai đoạn dài chúng ta đã kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông nhưng rất khó.

Hạn chế tối đa chỉ định thầu

Để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, bảo đảm minh bạch, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề xuất việc lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP cần được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, theo quy định của pháp luật. Hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế để tránh rủi ro về lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, giảm tính cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Ông cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo