xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thủ tướng: Đừng say sưa với kết quả đạt được

Phương Nhung - Thế Dũng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý nếu chúng ta cứ say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ nặng nề ở quý IV thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch

Ngày 3-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2017.

Thoái vốn nhà nước tại Sabeco

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu những kết quả kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm. Nổi bật là tăng trưởng GDP có bước đột phá (quý III tăng 7,46%); kinh tế vĩ mô ổn định; đã cắt giảm trên 5.000 thủ tục hành chính...

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương triển khai ngay kế hoạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco đúng quy định pháp luật; xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả hành vi cố tình làm chậm hoặc vi phạm pháp luật trong cổ phần hóa. "Nếu chúng ta cứ say sưa với kết quả đạt được trong 9 tháng mà quên nhiệm vụ nặng nề ở quý IV thì vẫn có khả năng không hoàn thành kế hoạch, đặc biệt là tăng trưởng GDP. Để cả năm GDP tăng 6,7% thì quý IV phải tăng 7,4%-7,5%, đây là con số không phải dễ dàng" - Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng: Đừng say sưa với kết quả đạt được - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông giải đáp các câu hỏi tại cuộc họp báo Ảnh: Nhật Bắc

Chiều cùng ngày, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Tăng trưởng GDP là nhờ tăng trưởng từ sản xuất, dịch vụ chứ không phải từ tín dụng hoặc khai khoáng". Theo Chủ nhiệm VPCP, tổ công tác của Thủ tướng đã báo cáo việc kiểm tra chuyên ngành đang gây nhiều khó khăn, tốn kém thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp (DN) và cả nền kinh tế. Tính chung mỗi năm, việc kiểm tra chuyên ngành làm DN mất tới 30 triệu ngày công và hơn 14.300 tỉ đồng. Thủ tướng yêu cầu tổ công tác tiếp tục kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao và công khai, minh bạch với người dân, DN.

Vẫn chờ công bố thanh tra "biệt phủ" Yên Bái

Tại họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về sự chậm trễ việc công bố kết luận thanh tra tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Yên Bái, mà Thanh tra Chính phủ đã thanh tra. Theo đó, việc thanh tra tài sản của giám đốc Sở TN-MT tỉnh Yên Bái đã kết thúc từ ngày 26-7, đến nay gần 3 tháng nhưng vẫn chưa công bố kết luận khiến dư luận nghi ngờ về tính công khai, minh bạch.

Trả lời, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam thừa nhận: "Vụ Yên Bái, thanh tra có chậm khi công bố do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Quan điểm của chúng tôi là vụ việc phải được kết luận một cách thận trọng, chính xác, khách quan. Khi vụ việc sáng tỏ, chúng tôi sẽ sớm công khai trước dư luận. Đến thời điểm này, tôi chưa nhận được thông tin việc phải thanh tra lại mà vẫn đang thực hiện".

Không hài lòng với câu trả lời, báo chí tiếp tục đặt câu hỏi đâu là nguyên nhân khách quan và chủ quan của chậm công bố kết luận thanh tra? Giải đáp, Phó Tổng Thanh tra cho biết Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, không chỉ vụ Yên Bái mà với các cuộc thanh tra khi kết luận rồi thì phải công bố.

"Việc chậm công bố kết luận không có mục đích nào khác ngoài việc xem xét chính xác, khách quan, thận trọng, nhất là với cán bộ quản lý nhà nước. Vụ việc này cũng chưa chịu sức ép nào" - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Xử nghiêm cán bộ sai phạm và công khai

Trả lời câu hỏi về việc Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật Bí thư TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ có ảnh hưởng đến công tác tổ chức sự kiện APEC tại địa phương này vào tháng 11? Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định: "Sẽ không ảnh hưởng".

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin Hội nghị APEC sẽ có sự tham dự của tổng thống Mỹ, chủ tịch Trung Quốc và nhiều nguyên thủ quốc gia khác nên phải tổ chức tốt, đúng vai trò là nước đăng cai. "Việc điều tra, xem xét kỷ luật là của cơ quan chức năng và quy trình tiếp theo vẫn tiếp tục. Còn việc tổ chức APEC đã được các cơ quan chức năng, lãnh đạo Đảng, nhà nước tính toán" - ông Dũng nói và nhấn mạnh Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và cả hệ thống chính trị quyết tâm chống tham nhũng và tiêu cực, đặc biệt là chấp hành nghiêm Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XII về đẩy lùi tự diễn biến, tự chuyển hóa, sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Từ vấn đề về sử dụng bằng cấp, ô tô, đặc biệt là liên quan vụ án nghiêm trọng xảy ra tại các ngân hàng, tập đoàn kinh tế nhà nước đều được xem xét, điều tra, kết luận rất kỹ. Tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư và quyết tâm của Chính phủ là xem xét, thanh tra, kiểm tra, kết luận công khai, minh bạch, xử lý đúng người, đúng tội và không có vùng cấm.

"Không chỉ vụ án nghiêm trọng mà những vụ việc dư luận quan tâm, báo chí phản ánh đều được xử lý. Như các vụ: quán cà phê Xin Chào, đánh nhân viên hàng không tại sân bay, việc cấp giấy chứng tử, tăng thu học phí của các trường học... đều được xem xét xử lý nghiêm theo quy định pháp luật" - ông Dũng dẫn chứng và cho biết Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục giao cơ quan thanh tra điều tra các dự án thua lỗ kéo dài, đầu tư kém hiệu quả để công khai với công luận.

"Xử" Grab, Uber thuộc thẩm quyền địa phương

Trả lời câu hỏi về Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp Grab và Uber trong tháng 9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho hay loại hình vận tải có sử dụng các công nghệ kết nối (bằng điện thoại, Facebook…) đã có khoảng 10 hãng áp dụng, rất tiện dụng cho người sử dụng.

Về thẩm quyền, theo ông Đông, Thủ tướng đã đồng ý cho thí điểm và triển khai loại hình này trên các đô thị. Theo Luật Giao thông đường bộ, UBND các tỉnh, TP sẽ quản lý giao thông trên địa bàn, gồm phát triển hạ tầng và tổ chức quản lý giao thông, trong đó có quản lý từ quy hoạch. Quy hoạch GTVT có cả quy hoạch phát triển hạ tầng, quản lý lượng xe và tổ chức các loại hình vận tải.

Liên quan đến quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết Hà Nội đang lấy ý kiến các bộ, ngành, trong đó có Bộ GTVT. Thủ tướng đã có chỉ đạo thận trọng khi lập quy hoạch.

Theo ông Đông, việc UBND TP Hà Nội quy hoạch phân khu chức năng trong quy hoạch đô thị là cần thiết và theo quy hoạch tổng thể phát triển thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011, các quy hoạch phân khu chức năng, chi tiết phải phù hợp với quy hoạch chung và chuyên ngành.

Về khía cạnh giao thông liên quan đến khu vực ga Hà Nội, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết sẽ nghiên cứu và có ý kiến với Hà Nội nhưng theo đánh giá chung của bộ, Hà Nội và TP HCM đang quá tải hạ tầng giao thông nên việc kiểm soát phát triển không gian đô thị là hết sức quan trọng.

"Về giao thông, chúng tôi phải xem xét mật độ người dân sống ở khu vực đó, xem xét chỉ tiêu đất dành cho giao thông trong quy hoạch, mật độ đường/1.000 dân… Tất cả đang được nghiên cứu kỹ và sẽ có ý kiến với Hà Nội trong thời gian tới" - ông Nguyễn Ngọc Đông thông tin.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo