xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

GIA NHẬP CÔNG ƯỚC 98: Hướng tới thương lượng thực chất, hiệu quả

VĂN DUẨN

Chủ tịch Công đoàn hưởng lương doanh nghiệp nên rất khó để có thỏa ước lao động tập thể tốt. Vì vậy, cần quy định tổ chức Công đoàn cấp trên tham gia vào việc thương lượng, ký kết các thỏa ước

Sáng 7-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Đáp ứng lợi ích đôi bên

Đại biểu (ĐB) Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đồng tình với việc gia nhập Công ước 98, bởi đây là công ước rất quan trọng, quy định những điều kiện thiết yếu để Công đoàn (CĐ) có thể tiến hành thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả.

Đồng quan điểm, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết trước yêu cầu của hội nhập, nhất là khi Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thì việc gia nhập Công ước 98 là rất cần thiết.

GIA NHẬP CÔNG ƯỚC 98: Hướng tới thương lượng thực chất, hiệu quả - Ảnh 1.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho rằng cần quy định tổ chức Công đoàn cấp trên tham gia vào việc thương lượng, ký kết các thỏa ước lao động tập thể Ảnh: QUANG VINH

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết những năm gần đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp CĐ đã và đang tập trung đổi mới, đặc biệt là quan tâm đến việc thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ cho người lao động (NLĐ). Trong đó, công tác đối thoại và thương lượng tập thể được đặc biệt quan tâm. "Ngoài mô hình hiện tại thì thương lượng ở nhóm doanh nghiệp (DN), thương lượng ở ngành đã được triển khai với rất nhiều mô hình và lợi ích của cả hai bên - NLĐ và người sử dụng lao động - đều được đáp ứng" - ông Hiểu nói.

Trong khi đó, một số ĐB như Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) bày tỏ băn khoăn về quy định đóng 2% kinh phí CĐ của chủ DN, liệu có vi phạm Công ước 98 hay không. Còn ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đặt vấn đề: "Sắp tới đây, chúng ta cho phép các tổ chức đại diện cho NLĐ được thành lập. Cơ sở pháp lý vấn đề này như thế nào?".

Trước những băn khoăn trên, ĐB Ngọ Duy Hiểu khẳng định tổ chức CĐ hoàn toàn không lấy kinh phí từ Chính phủ để hoạt động. 2% kinh phí CĐ được dùng để chi tiêu cho toàn hệ thống, bao gồm lương, các hoạt động thường xuyên, các hoạt động chăm lo như xây dựng thiết chế CĐ...

Về vấn đề về biên chế bộ máy, theo ông Hiểu, CĐ Việt Nam là tổ chức thành viên với sự lãnh đạo của Đảng và CĐ rất chủ động trong việc phối hợp với các cấp ủy, địa phương. "Hiện nay, chúng tôi hoàn toàn không bị can thiệp bởi Đảng và Chính phủ. Đảng lãnh đạo và Chính phủ là cơ quan phối hợp với chúng tôi trong việc thực hiện tổ chức các công việc của tổ chức CĐ" - ông Hiểu thông tin.

Chỉ hơn 60% doanh nghiệp ký TƯLĐTT

ĐB Bùi Văn Cường (Gia Lai), Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, bày tỏ sự đồng tình thống nhất cao việc phê chuẩn Công ước 98. Theo ông, CĐ Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước. Tuy nhiên, khác với tổ chức chính trị - xã hội khác, CĐ không sử dụng ngân sách nhà nước mà tự thu kinh phí để trang trải cho hoạt động của mình, cũng như chăm lo cho NLĐ. "2% kinh phí CĐ là một chính sách của Đảng và nhà nước để tổ chức CĐ thực hiện nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ của mình. Vì vậy, hệ thống tài chính, tài sản CĐ là theo hệ thống dọc" - ông Cường lý giải.

Về sử dụng 2% kinh phí CĐ, ông Cường cho biết 69% trong số này dành cho CĐ cơ sở để tổ chức hoạt động, 31% dành cho từ cấp trên cơ sở về đến tổng liên đoàn để trả lương, tổ chức các hoạt động chăm lo, đại diện, xây dựng các điều kiện phục vụ NLĐ.

"Hiện nay, CĐ đang xây dựng các thiết chế của mình ở các khu công nghiệp, trong đó có nhà ở, nhà trẻ và các thiết chế văn hóa khác phục vụ công nhân lao động. Báo cáo rất rõ ràng với các ĐB để chúng ta có sự chia sẻ. 2% phí CĐ thu theo đúng quy định của pháp luật và theo quy định của tài chính" - ông Cường nói thêm.

Về thương lượng tập thể khi phê chuẩn Công ước 98, ông Bùi Văn Cường cho biết hiện nay, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong các DN còn rất hạn chế khi chỉ hơn 60% DN có tổ chức CĐ thực hiện. Ngoài ra, hiện luật quy định DN chỉ ký TƯLĐTT với cấp DN và đang có những bất cập, bởi chủ tịch CĐ hưởng lương tại DN.

Cũng theo ông Cường, thực tế cho thấy nếu chủ tịch CĐ đấu tranh mạnh cho quyền của NLĐ thì sẽ bị người sử dụng lao động tìm cách sa thải hoặc gây khó dễ. Vì vậy, luật cần thiết kế giống như các quốc gia trên thế giới là CĐ cấp trên - tức là tổ chức NLĐ cấp trên - sẽ tham gia vào việc thương lượng ký kết này thì mới có TƯLĐTT tốt. Điều này càng quan trọng khi thực hiện nghị quyết về tiền lương mới, khi đó người sử dụng lao động và đại diện của NLĐ sẽ thỏa thuận về vấn đề tiền lương.

"Nếu vẫn để chủ tịch CĐ cơ sở hay đại diện của NLĐ ở cơ sở ký kết TƯLĐTT, sẽ khó có quyền lợi tốt nhất cho NLĐ. Đây là điểm chúng tôi cần báo cáo để Quốc hội có thêm thông tin" - người đứng đầu tổ chức CĐ Việt Nam nói.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh bà tin rằng tổ chức CĐ Việt Nam chắc chắn sẽ vươn lên trong tình hình mới để hoàn thành vai trò của mình theo Hiến pháp, luật pháp, để bảo vệ lợi ích của công nhân và NLĐ Việt Nam; đồng thời cũng góp phần vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. 

5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đổi mới

Liên quan đến đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ Việt Nam, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh đây là điều kiện, thời cơ và cũng là thách thức mà tổ chức CĐ Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để thực tốt nhiệm vụ của mình. Tổng LĐLĐ Việt Nam đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức hoạt động CĐ Việt Nam trong tình hình mới.

Theo đó, CĐ Việt Nam tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất: CĐ phải đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Thứ hai: Chăm lo lợi ích đoàn viên, lấy lợi ích làm điểm tập hợp để NLĐ đến với tổ chức CĐ Việt Nam.

Thứ ba: Xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm năng lực, trình độ, ngang tầm nhiệm vụ và đáp ứng được yêu cầu, nhất là đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở.

Thứ tư: Xây dựng nguồn lực đủ mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Trong đó, vấn đề tài chính, tài sản CĐ phải công khai, minh bạch.

Thứ năm: Đẩy mạnh công tác truyền thông để NLĐ biết đến và tham gia CĐ Việt Nam.

Chất lượng thỏa ước lao động tập thể chưa cao

Theo ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng), thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp CĐ nghiên cứu, triển khai xây dựng, thương lượng ký kết thực hiện TƯLĐTT tại DN, đơn vị. Đặc biệt, CĐ Việt Nam đã tổ chức thí điểm ký kết TƯLĐTT ở các ngành, nhóm DN, một số địa phương (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu) và CĐ ngành trung ương, bước đầu đã có kết quả.

Tuy nhiên, ĐB Vang cho biết dù có những chuyển biến tích cực nhưng việc thương lượng các TƯLĐTT còn nhiều tồn tại, hạn chế; số lượng các CĐ cơ sở thương lượng và ký kết TƯLĐTT khu vực ngoài nhà nước và có vốn đầu tư nước ngoài còn thấp; chất lượng của bản thỏa ước chưa đáp ứng nguyện vọng của NLĐ và "không ít DN hợp thức hóa bản thỏa ước mang tính đối phó".

Theo nữ ĐB tỉnh Sóc Trăng, bản thân tổ chức CĐ, cán bộ CĐ là người trong cuộc đã thấy được những mặt mạnh, mặt yếu của tổ chức mình. Vì vậy, hơn ai hết, chính tổ chức CĐ phải tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động. "Cán bộ CĐ, nhất là ở cơ sở, phải đổi mới tư duy và hành động, tập trung vào nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ nhằm khẳng định vai trò của mình" - ĐB Tô Ái Vang nhấn mạnh.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo