xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bà Tú ơi, bà Tú ơi!

Vu Gia

Khi viết về cuộc đời và văn nghiệp của nhà thơ trào phúng nổi tiếng Tú Mỡ, tên khai sinh Hồ Trọng Hiếu (1900-1976), tôi đã đến nhà riêng của ông ở Láng (Cầu Giấy - Hà Nội). Nơi đây, chị Hồ Thị Chuyên, con gái nhà thơ, đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu về bố mình, trong đó có chuyện tình của ông.

Với gánh nặng gia đình: bà nội, mẹ, cô và bốn em nhỏ… nên khi vừa đỗ thành chung, Hồ Trọng Hiếu xin vào làm thư ký (thầy phán) tại Sở Tài chính Ðông Dương từ tháng 7-1918. Lương hằng tháng 40 đồng, thầy phán Hiếu đưa mẹ 30 đồng, giữ lại 10 đồng đi tàu điện, ăn quà sáng và tiêu vặt. Mẹ ông vẫn tiếp tục nghề xe hương (cho bột trầm vào mảnh giấy bản, vê vào que nhỏ có một đầu nhúng phẩm đỏ gọi là chân hương) tại nhà để nuôi sống gia đình. Ngày đó, có một nhà buôn hương thường cho con gái lại cất hàng từng bó lớn. Ông kể với nữ sĩ Anh Thơ, một lần ông chạm mặt cô gái ấy. Cô ta "đi chân đất, đầu đội nón quai thao có rủ tơ vắt vẻo cùng với cái đuôi gà. Áo dài bằng vải rồng, nâu, thắt lưng nhiễu tam giang, nom có duyên như các cô Tố Nữ" (Anh Thơ, Hồi ký văn học, NXB Phụ nữ, H, 2002, trang 717). Ông kể tiếp: "Khi mẹ tôi đi vắng, tôi ra tiếp rót nước mời cô ấy uống" (Hồi ký văn học, sđd, trang 717). Rồi họ "phải lòng" nhau nhưng không ai dám mở lời, mà phải qua mai mối. Cô gái "nom duyên như các cô Tố Nữ" ấy có tục danh Nguyễn Thị Nhàn trở thành mợ phán Hiếu vào năm 1921.
 

img

Khi Nhất Linh nhận lại tờ Phong hóa của Phạm Hữu Ninh, ra mắt bộ mới (số 14, ngày 22-9-1932) thì Hồ Trọng Hiếu là một trong năm thành viên đầu tiên của nhóm Tự lực Văn đoàn (sau đó có thêm Thế Lữ, Xuân Diệu) và tên tuổi Tú Mỡ được "khai sinh" từ đó. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, ông theo Bộ Tài chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rời khỏi Hà Nội nhưng không biết vợ con tản cư nơi đâu. Không an tâm, ông xin nghỉ việc đi tìm vợ con. Lúc đó là giữa năm 1947, cũng là lúc thầy phán Hồ Trọng Hiếu chấm dứt đời "gãi giấy" và tên tuổi của Tú Mỡ tiếp tục xuất hiện trên mặt báo suốt hai mùa kháng chiến.

Cuộc "tình hương" này có với nhau 8 mặt con: Năm trai ba gái bát tiên/ Trung, Hiền, Thảo, Dũng, Hùng, Chuyên, Vĩ, Cường. Về già, họ vẫn còn vui vẻ, đùa cợt như những ngày đầu chung sống. Nguyễn Công Hoan kể hồi đầu thập niên 60, ông đến chơi với Tú Mỡ, gặp bà đi chợ về. Các cháu nội ngoại xúm lại khuân giúp đồ cho bà. Bà than cô bán hàng ở cửa hàng cung cấp phố Nhà Thờ thấy bà ăn mặc xuề xòa nên hỏi bà có phải người giúp việc cho nhà thơ Tú Mỡ không, bà đành bảo phải. Nguyễn Công Hoan viết: "Tú Mỡ cười và nói khẽ. Nhưng tôi nghe lỏm được từng tiếng: - Bận sau, có ai hỏi thế thì bà nói rằng vâng, tôi là người giúp việc của ông Tú Mỡ hơn bốn mươi năm nay và cứ đến tối thì tôi lại ngủ với…".

Không để ông dứt câu, bà lại tặc lưỡi:

- Trẻ con! (Tú Mỡ - Thơ và đời, NXB Văn học, H, 1995, trang 297).

Cuối thu năm 1968, "mợ Hàn kiêm mợ Tú" qua đời, Tú Mỡ viết bài thơ Khóc người vợ hiền và đọc trước bàn thờ của bà. Bài thơ này, Tú Mỡ viết theo thể song thất lục bát với 114 câu. Về mặt kỹ thuật khỏi phải bàn vì Tú Mỡ là bậc thầy ở thể thơ này. Về nội dung, qua 114 câu thơ, Tú Mỡ viết bằng cả tấm chân tình dành cho người vợ vừa khuất bóng: "Bà Tú ơi, bà Tú ơi!/ Té ra bà đã qua đời, thực ư?". Tiếng kêu như tiếng gọi hồn vô tình xiêu lạc đâu đó trở về. Khi tỉnh lại mới biết vợ đã bỏ cõi trần gian tạm bợ mà đầy hấp dẫn này nhưng vẫn có chút gì đó muốn níu kéo… "Tôi cứ tưởng nằm mơ quái ác/ Vùng dậy là tỉnh giấc chiêm bao/ Tỉnh đây, nào thấy đâu nào/ Nào đâu bóng dáng ra vào hôm mai"…

Tôi đã từng chảy nước mắt và nghẹn lời khi đọc hết áng Văn tế Trương Quỳnh Như của Phạm Thái (1777-1913): "Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sụt sùi hai hàng tình lệ, giãi bày một bức khốc văn. Ðốt xuống tuyền đài tỏ cùng nương tử". Lúc đọc bài thơ Khóc người vợ hiền của Tú Mỡ, tôi cũng có tâm trạng như thế. "Ba thước đất đã vùi sâu/ Cặp môi cắn chỉ ăn trầu đỏ tươi"… Cứ như "chàng trai" Tú Mỡ khóc người vợ tuổi đôi mươi tràn trề nhựa sống chứ không phải khóc cho người đã có "Con khôn lớn năm trai ba gái/ Nội ngoại vừa hăm bảy cháu ngoan"…

Với tôi, đây là bài thơ khóc vợ hay nhất trong thế kỷ XX và là một trong vài bài cùng đề tài hay nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Từ cuộc tình của Tú Mỡ, tôi nghĩ về chuyện tình của lớp trẻ hôm nay, cứ thấy sao sao ấy. Phải chăng mình đã già rồi?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo