xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chị ơi, em cưới mùa Xuân nhé!

AN NHIÊN

(NLĐO) - Bạn đón Tết xa nhà, bạn không nhớ ai đó như là Mẹ hoặc Chị mình mới lạ?! Xin gửi cho người phụ nữ của chúng ta một cái Tết ấm nồng...

 
1. Đó là lần cuối cùng tôi đón Giao thừa với Mẹ.
 
Tết năm ấy, Kỷ Tỵ, Mẹ bước qua sang tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”, tiếp tục lặng thầm thực hiện cái thiên chức vĩ đại nhất của người phụ nữ cho đàn con 5 đứa. Một nửa thế kỷ đời Mẹ, nửa thế kỷ bão giông.
 
Tôi - thằng con trai một - lại là con út, nên được Mẹ cưng như trứng mỏng. Sau giờ Giao thừa, khi tiếng pháo từ phía đông, hướng Xuyên Trà, thôi đì đùng và ánh pháo sáng của những người đi tìm phế liệu không còn lấp lóe trên bầu trời núi Chúa là Mẹ diện áo the, thắp nhang ông bà rồi vẫy tôi lại, lôi từ chiếc túi rút vải ra 2 đồng tiền xu kẽm.
 
Tiền lì xì của Mẹ cho đó!
 
Tính tôi vốn cẩn thận từ bé. Tôi đem 2 đồng xu, chà sạch rồi cất tận trên gác trính, nơi “trú ẩn” của mớ bi ve.
 
Tiền để lâu, quên mất. Chắc Mẹ cũng chẳng nhớ, cũng vì những cơn hen liên miên làm Mẹ nhọc nhằn, đãng trí. Vườn cây cà dược trong nhà trở thành thuốc trị hen của Mẹ, uống kèm thuốc Tây. Rồi cà dược hết, tôi - tuổi lên 10 - tuần dăm ba bữa đạp xe ra phố chợ mua thuốc trị hen cho Mẹ. Rồi tiền hết, Mẹ tự mình chống chọi với những cơn đau thắt ngực. Nhiều lúc, dường như Mẹ không phải cố sống cho mình, mà cho lũ con.
 
Tôi hay lén nhìn chị đấm lưng cho Mẹ, để hạ đàm, kéo cơn ho chết tiệt ấy xuống cho cơn đau qua đi. Rồi cái đêm ấy cũng đến, một đêm tháng 11 âm lịch lạnh lẽo, cơn ho đến không hẹn ước, Mẹ quờ tay, tìm thuốc, cũng là tìm lũ con. Chị bấn loạn. Tôi choàng dậy giữa cơn ngái ngủ của thằng bé con. Bất giác, sực nhớ mình còn 2 đồng xu Mẹ lì xì cho gần 1 năm trước, tôi leo lên trính…
 
Nửa đêm mưa gió, thầy thuốc ở xa, có tiền cũng chịu. Tôi nắm chặt 2 đồng xu lạnh lẽo, cắn răng nhìn chị khóc òa òa, cố nín.
 
Mẹ đi. Nhà có đám, người ta tập trung đông. Tôi trốn xuống bếp, ngồi cúi gằm mặt, lấy hòn than vẽ 2 vòng tròn, bỏ 2 đồng xu vào đó. Một đồng cho mẹ. Một đồng cho tôi…
 
Hai đồng xu ấy, đến Tết Quý Tỵ này đã tròn hai con giáp. 
 
img
Tại Hội Hoa xuân Quý Tỵ (TPHCM) Ảnh: Ánh Nguyệt
 
2. Phần lớn tuổi thơ trẻ của mình, tôi sống với Chị.
 
Thời Chị còn con gái, mỗi đầu tháng Chạp, Mẹ thường gọi Chị ra vườn, chỉ cho cách un vồng cải. Nhiều năm sau, cứ mỗi lần giáp Tết là vườn cải lên xanh, như Chị tôi đang thì con gái… Và tiếp sau những ngày ấy là xúng xính áo hoa, là thịt mỡ dưa hành, là những bữa cơm sum họp, chủ yếu là mừng thằng em đi xa trở về.
 
Tôi hiểu lòng Chị nên mỗi lần về Tết là tót ra dòm mấy luống cải, trầm trồ, rồi suốt mấy ngày Xuân, hầu như bữa nào cũng ghém cải. Luộc, xào, làm rau sống…, cải quê mình bao giờ cũng thơm ngon. Chị thấy, vui.
 
Những khi đã nửa đêm, đói cồn cào, tôi lội ra vườn bứt nhúm cải con vào làm rau ăn với mì sợi nấu xương. Bếp lửa tôi chọn luôn ở nơi chái bếp đằng sau chứ không phải chiếc bếp hộp ốp gạch láng trong nhà. Và như một thói quen, mỗi lần chờ nước sôi là tôi lại lấy hòn than vẽ 2 vòng tròn...
 
Mỗi khi nghe tiếng bếp tí tách, Chị luôn thức dậy cùng. Nhìn 2 vòng tròn tôi vẽ, không hiểu sao mắt Chị cứ buồn xa xăm.
 
Tháng Giêng về ngang ngõ, chừng mùng 10 là cải trổ ngồng. “Cải lên ngồng chưa chồng thì ế”. Chị buồn, chẳng do vội vàng lo chuyện ấy, mà vì nhà neo người khi thằng em lại đi xa. Tôi cứ nhớ mãi trong tâm tưởng cái màu vàng thao thiết ấy, bởi cứ như muốn níu kéo một cái Tết đã qua, bởi cứ như níu giữ một thời con gái, mà không được.
 
Rồi Chị theo chồng, thấy nhà mình neo người, nên xin không ở dâu. 
 
Tôi biết Chị thay Mẹ thương tôi, như thương thằng út.
 
Năm 2003, tôi mua cho Chị cái bếp gas. Từ bấy đến giờ, Chị vẫn dùng mỗi chiếc bếp gas ấy và vẫn không dỡ bỏ cái chái bếp sau nhà, thậm chí còn cơi nới rộng hơn. Vẫn còn đó chiếc om kiềng, cây đũa bếp, ống thổi lửa và những chạc củi đầy ắp. Tôi cứ tưởng đó là cái bếp “se-cua” để cho đỡ tốn gas.
 
Mới rồi, về trước Tết, ngồi ngẫm lại, thấy hổng phải.
 
Tôi kéo thằng cháu ra chái bếp, hỏi vì sao. “Mẹ nói là làm chi thì làm chứ phải đế cái bếp ấy cho cậu...”.
 
Khói không hun mà sao thấy cay xè trong mắt. Trong đời mỗi người, Mẹ và Chị bao giờ cũng đẹp. Có khi hai mà như một.
***
 
Lần này, chiều cuối năm lần thứ ba trong đời tôi ăn Tết xa nhà. Tôi chạy xe thật chậm giữa Sài Gòn thênh thang, thảng hoặc bắt gặp những màu vàng hoa cúc, vạn thọ… ven đường, chợt nhớ nhà khủng khiếp. Bữa có người ghé thăm, cũng nói “thấy nhớ quê anh”, khiến lòng thêm bồi hồi. Mấy câu thơ cũ bật lên trong đầu, rất quen:
 
Hoàng hoa linh lạc vô nhân khán
Độc tự khuynh tâm hướng thái dương.
(Hoa vàng rơi không ai thấy/ Chỉ một mình hướng lòng về phía mặt trời).
 
Thấy sao được, khi giữa dòng ngược xuôi cuối năm đầy thổn thức ấy chỉ có một bóng hình… "Chị ơi, em cưới mùa Xuân nhé! Đốt pháo cho thơm với rượu hồng"... (Xuân tha hương, Nguyễn Bính).
 
img
Ảnh: Ánh Nguyệt
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo