xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cỏ Thum trở gió

Võ Diệu Thanh

Cũng là gió thôi mà. Sao cái hơi của thằng bấc nó cứ lao xao, lào khào một cách lạ lùng. Hễ nó tới, không nghe cái lạnh cũng nghe cái buồn lật bật đâu đó trên mái nhà, ngoài tấm bạt nhựa phía trước, trên con nước đã lắng phù sa dưới kinh.

Con ho trong cổ Út Mụ rục rịch trở mình. Nó nói đủ cho ông nghe "ông coi chừng tui". Tiếng nói đó ông đã quen thuộc từ mấy mươi năm nay do ông ghiền thuốc nặng. Chuyện thường của thầy giáo già khi trở gió. Nhưng lần này ông thấy nó không thường chút nào. Vì đây là mùa bấc đầu tiên bà Út bỏ ông. Ông nằm im trong mùng, nghe cơ thể nặng nề chảy xuống vạt tre. Mình hôm nay ẹ quá. Mà gấp gì. Có ai cằn nhằn đâu. Mấy đứa học trò hồi tờ mờ sáng bỏ dầm chủm chủm dưới cầu thang nói nhóng lên:

- Thầy ơi, cá chạy, con xin nghỉ học nghe thầy.

Út Mụ hừ hừ rên trong mền. Tụi nhỏ lại nghe ông thầy ừ ừ. Con ho nhón khỏi cổ một chân. Ông tằng hắng, nó rụt giò lại.

Dưới chân cầu thang lại có tiếng dầm. Hổng lẽ có đứa nào bỏ mùa cá chạy?

- Anh Út Mụ ơi, ăn bông súng không ?

Ông Út kéo mền khỏi đầu.

- Có ai cho đỡ đẻ đâu mà kêu Út Mụ hoài vậy cà.

Con ho nhoài hẳn nửa người ra ngoài. Nhảy cành cạch như là nó đang dệt cửi.

Người bán bông súng đã bước lên thang nhà rồi.

- Mắc dịch anh! Bệnh hoạn sao mà giờ này còn trùm mền kín bưng vầy nè.

Ông Út làm thinh. Tự nhiên nghe có gì đó tràn vào như hồi bà Út còn sống. Bất giác ông thấy mình yếu đuối. Con ho vẫn ở y nguyên nửa người trên cổ ông. Nhưng ông thương lượng với nó. Nằm im giùm cái.

Bàn tay lạnh rờ lên trán. Ông chới với. Con ho văng cái bịch ra ngoài. Người đàn bà càng chới với dữ hơn.

- Chèn ơi, trán nóng như lửa vậy. Bệnh vầy mà còn giỡn được nữa hả ông thầy.

- Nếu có chết, tôi khoái làm một con ma tiếu lâm.

- Nói xui đi. Thôi để tui cạo gió cho. Nóng vầy không cạo gió chết chớ hổng phải giỡn nghe.

Con ho giả đò ngoan ngoẻo đầu lên cổ ông, còn khều nhẹ một cái chọc ghẹo. Ừa đi, khoái muốn chết mà còn giả bộ. Tốc mền ra lẹ lên. Sợi mắc cỡ của người ta giật mình co lại là ông năn nỉ cũng không ai dòm ngó đâu à.
 
img
Minh họa Hoàng Đặng

Ðàn bà xứ này mạnh dạn quá. Bà Út hồi đó cũng vậy. Mà không phải là biểu lộ chuyện thương ông. Mỗi câu nói dường như muốn gạt phắt một cái, cho ông văng xa khỏi đời bà. Bà hỏi ông như đang thỏa thuận chuyện giá cả đào cái hầm cá với mấy người nhân công.

- Tôi không có giỏi chuyện bếp núc dọn dẹp.

- Cái đó tôi giỏi.

- Tôi hay giận, mà hễ giận phải la cho hả lòng. Nhịn được không?

- Bà giận rồi bà cũng hết giận.

- Tôi không đẻ con được nữa.

- Tôi cũng có con mà bà cũng có con rồi.

Rồi bà hết biết đưa ra cái lý gì để đẩy ông đi, đành ngồi im như chờ đợi phản pháo.

- Có đi thì phải có lại. Lòng bà trước giờ sao, nay y như vậy, đừng thay đổi gì hết nghe, dù nghèo khổ đói khát.

Họ trả giá rành rọt như không có miếng cảm tình gì. Nhưng họ không lìa nhau từ đó. Ông làm thay bà hết chuyện nhà cửa, bếp núc. Trong vùng ai cũng gọi bà là Út Mụ. Ông cũng mang tên theo bà từ độ đó. Giống như gái theo chồng.

Họ không muốn ở chung con anh con em nên rủ nhau lên Cỏ Thum. Chồng dạy học, vợ hộ sản. Thêm một cái tủ thuốc gọn gọn để bà con í ới lúc cảm nắng, cảm mưa. Chuyện làm mụ của bà ở cái rẻo đất biên giới lụt lội này không giàu. Chuyện dạy học ở đây càng không phải để kiếm tiền. Thầy Út Mụ dạy có gần hai mươi em thì cũng chừng ấy lớp. Thằng Lô nói hôm nay cá xuống, con đi bủa lưới nghe thầy. Vậy là bỏ lớp cho tới ngày hết con nước, cá ngưng chạy. Bữa nó đi học trở lại phải dạy riêng nó. Thằng Minh Vương nói hôm qua con dầm nắng nhổ bông súng, cảm rồi, xin nghỉ nghe thầy. Mỗi đứa trễ một kiểu nên bài học cũng khác nhau. Ông dạy cho riêng từng đứa. Mà học phí mỗi bữa chỉ đủ mua một điếu thuốc Hero…

Không giàu nhưng hai ông bà người nào cũng thấy mình như một đôi tiên nho nhỏ. Họ đã đem lại hơi ấm quê hương cho những người cả đời gắn bó với biên giới xứ người. Hạnh phúc của họ cũng bền chặt theo những tháng ngày bình dị. Bàn tay bà không giỏi nội trợ nhưng lúc ông kém ăn kém ngủ, khi trái gió trở trời thì nó ấm áp vô cùng.

Bàn tay người phụ nữ ông kêu là cô Sáu vẫn cứ như chực hờ để thăm dò bệnh tình của ông. Ông nằm im. Sao mà thèm nghe lại cảm giác đồng xu trong tay một người chạy rạt trên lưng. Trong cơn mỏi mê bệnh tật, những đường cạo gió như những cái vuốt ve. Chỉ cần giở mền ra, vén áo lên, sẽ có một hơi ấm khác đẩy khỏi căn nhà nhỏ này cái lạnh của những cơn bấc đầu mùa. Mà ham muốn lại bắt đầu bằng những ý nghĩ rất đàn ông. Cô nàng cần mình biết bao.
 

img

Bắt đầu từ ngày cô mang bầu thằng Út. Mỗi lần bơi xuồng qua chợ Khánh An bán bông súng khi tờ mờ sáng cô nhìn hướng nhà ông Út. Người ta nói bà Út Mụ sanh giỏi lắm. Nhìn lên, cô chỉ thấy một người đàn ông cặm cụi khi thì dạy mấy đứa nhỏ, khi nấu cơm, khi quét nhà, lúc lại cho con chó ăn. Có khi chị nghe ông rầy rà con chó. Một lần ông ngoắt xuồng bông súng của chị lại mua mấy khoanh. Trong lúc ông đưa tiền, chị còn lo tát nước xuồng, gió đã cuốn tờ giấy năm chục ngàn bay ra kinh, trôi theo dòng nước cuộn. Chị móc dầm rượt theo, ông cản lại.

- Thôi bỏ đi. Bầu bì mà bơi móc mạnh tay quá không tốt.

Chị lúng túng từ chối những tấm tiền ông trả lần hai. Nhưng ông nhất định dúi vào túi bà ba của chị. Bữa sáng đó thấy xuồng bay trên lòng kinh. Chị kéo góc khăn choàng tắm đang trùm nửa mặt lau nước mắt. Chẳng hiểu là vui hay là tủi thân. Ðã mang bầu hai lần, chồng chưa một lời nhắc nhở chuyện sức khỏe. Giờ thì chính chị chạy bỏ chồng để an toàn sanh con. Chớ rượu vô thì bản thân nó còn không kể nói gì người thân.

Khi thằng cu Út của chị lớn, mỗi bữa chị đưa nó tới nhà ông Út học. Chị chỉ ghé xuồng mà không dám bước lên nhà.

Cái độ nước dâng cao, bơi dưới xuồng cũng có thể nhìn thấy người ngồi trên chái bếp vói tay múc nước rửa chén. Chị bơi xuồng ngang nhìn thấy gì đó, đã qua một đỗi đường còn quay xuồng lại. Chần chừ một hồi chị mới nói được một câu.

- Tướng anh Út không giống ông lão mà giống một bà lão.

Chỉ nói nhiêu thôi, cười với ông một cái rồi lại đi. Út Mụ nhìn cái dáng áo bà ba sẫm màu mủ bông súng mạnh tay dầm móc nước, bụng hơi khó hiểu. Là khen hay chê vậy.

Bận sau, lúc ông bưng rổ xuống sông rửa cá trên cái cầu sát xuồng chị, chị nói như chỉ cho mình nghe.

- Ðàn ông gì mà không khi nào nghe tiếng buồn tiếng giận.

Chị không nói nhiều nhưng con mắt chị nó rất thật thà. Mỗi lần bơi xuồng ngang là ngoái nhìn kiếm dáng ông. Có lần bị một xuồng máy đổ ngược cạ trúng. Người đàn ông lái xuồng chửi dậy kinh. Ông Út ngồi trên bến nghe được, biết có phần lỗi của mình. Từ đó trong lòng giống như ma túy ám.

Chị Sáu vừa ý tứ vừa trắng trợn lấn sâu vào vách mùng. Cô nương này! Biết là khi cơ thể người ta khi bệnh tật yếu đuối, tinh thần người ta cũng yếu không? Trong khi tôi và cô không có một rào cản nào hết. Vách mùng nó khoái làm dây nối hơn là rào cản đó nghe. Út Mụ nghe rõ hơi thở của chị nhiều hơn. Rõ tới độ dường như người cần trị bệnh là chị chớ không phải là ông. Chị dường như quên mình đang muốn cạo gió cho ông. Chị chỉ biết mình không điều khiển mình được nữa rồi. Cho tới khi chạm nhau. Bên trong lần vải mùng là dòng chảy yêu thương. Không chạm được da nhưng vẫn như có điện. Nó cứ phóng trổ qua vải, tê rần khắp người. Ai mà biết lúc này ta đang nghĩ gì, ta đang muốn gì. Có ai bị gây mê mà biết mình đang muốn gì bao giờ.

Ông Út cũng không phân biệt được hơi này lạ hay quen. Chỉ biết là nó rất ấm. Nó làm cơn sốt như đầy thêm mà lại dễ chịu. Ông thấy có một con gì đó đang nhảy nhoi trong ngực. Mà hễ con đó không kiểm soát được thì toàn thân thành một đứa khó dạy.

Con ho liếc mắt lên thấy một gương mặt đầy nín nhịn. Nó ôm bụng cười bò lăn bò lộn. Ông Út cũng lăn lộn rồi lồm cồm ngồi dậy ôm ngực cắm đầu. Bàn tay đầm nước nhổ bông súng lật bật lòn vô mùng vuốt ngực, vuốt cổ ông. Tay chị quýnh quáng, người chị run rẩy. Chị như đang nắm trong tay một thứ ảo ảnh có thể tuột mất bất cứ lúc nào. Toàn thân chị cứ như sắp không cử động được nữa.

- Ðồng xu để ở đâu?

Một tiếng nói rất mệt nhọc trào ra khỏi miệng chị. Và chị chỉ có thể nói được câu đó. Ông Út bất giác chỉ lên hướng một cái bàn thấp. Chỗ đó bà Út hay lấy đồng xu mỗi khi ông bệnh. Ông hay vói tay lên đó mỗi khi bà đau. Giờ đây, chỗ đó ngoài cái chung để đồng xu còn có tấm ảnh của bà.

Trong ảnh bà mặc cái áo dài bông ngắn ngang đầu gối. Ðó là ảnh chụp thời bà làm y tá. Người ta mặc đầm, mặc jupe, bà chỉ áo dài.

Ông nhớ những ấn tượng đó về bà qua mau. Vì sau đó ông bỏ đường lộ nhựa ở thị thành, theo một cô giáo về Miệt Thứ thời cầu tre không tay vịn. Ở đó ông cùng vợ sinh được hai con. Vậy mà người bỏ cuộc trước nhọc nhằn lại là người con của đồng bưng. Khi rời Miệt Thứ về quê thì ông nhận ra cái cô y tá chỉ chọn áo dài ngày nào cũng đang ở không.

Tình nghĩa vợ chồng đôi khi bắt đầu bằng những tương đồng tưởng nhỏ. Cho tới khi ông mất bà, biết là những ngày hạnh phúc bao giờ cũng có vẻ ngắn.

Ông rời ảnh bà Út. Chị Sáu đã bình tâm hơn.

- Cô lo cạo gió rồi mấy chục khoanh bông súng làm sao, trễ rồi?

- Ế một bữa có chết chóc thằng Tây, thằng lính nào.

- Cô Sáu à, hai thằng nhóc ở nhà đã qua Khánh An học thì còn nhiều cái tốn lắm. Hôm qua tụi nó đi học ngang có ghé thăm tôi. Nó nói vở cô mua không đủ viết, phải viết hai, ba môn trong một cuốn. Tôi có cho mấy cuốn. Cô cũng nên mua thêm.

- Nhưng anh bệnh vầy…

- Tôi không sao đâu. Cô đi bán đi… Chừng nào về mà… tôi vẫn còn sốt thì tôi nhờ cô... Tôi biết sức tôi mà. Với lại, cô quên tôi rành chuyện thuốc men sao.

Người ta là người dưng mà còn lo cho con mình. Mình không nghĩ tới con, người ta cười thúi đầu. Ði thôi. Bụng chị dùng dằng dữ lắm.

Người đàn bà đi một đỗi, thằng nhóc Khul ghé xuồng lại, phóng lên thang. Người nó còn mùi nhớt cá. Những ngón tay thấm nước lâu tóp rọp, héo quắt.

- Thầy ơi, con giăng được một khạp da bò. Gỡ cá cóng tay luôn. Thầy dạy con bài kế nghe?

Nó bày vở ra kê lên cái ghế một. Nằm như ông, nhìn thấy tướng thằng nhỏ ngồi thiệt cao. Nó đã là thanh niên rồi. Chỉ vất vả chuyện đọc chữ thôi chớ chuyện đồng ruộng, chài lưới nó rành đeo. Nhà nghèo quá. Bên Mương Dú chỉ có một trường nhỏ dạy tiếng Khmer. Ham chữ mà không có tiền đò giang qua Khánh An. Giờ làm có tiền lại mắc cỡ không dám vô trường. Bữa đọc được chữ ba, chữ cá, nó mừng thôi là mừng "Con tưởng đời kiếp này con dốt chữ luôn rồi". Nó đã tới đây rồi mà không ngồi dậy dạy thiệt phụ lòng nó mong mỏi.

- Thầy chữ gì nhìn kênh kênh, hồi tối con lôi ra ngồi nhớ cả buổi mà không ra. Mà sao thầy thở dữ vậy?

Con ho thở dài, lắc đầu. Vừa chiến đấu với chính mình mà. Thằng nhỏ bước lại vỗ vỗ lưng ông thầy như má nó thường "chém ho, bằm sặc" cho em bé.

- Thầy bệnh. Chữ k.

- Mà thầy bệnh sao?

- Thầy cảm, nóng lạnh.

- Phải cạo gió. Ðể con kêu má con.

- Thôi. Con cạo cho thầy đi.

- Con không biết cạo.

- Cạo đại đi.

Thằng nhỏ cầm đồng xu quẹt quẹt.

- Chừng ui, mày cạo tao ngứa thêm, không đã gì hết.

Giá như đây là bàn tay của… một người biết cạo gió. Ðã phải biết!

- Mày chừng nữa cưới vợ, vợ bệnh biểu cạo gió. Mày cạo kiểu này nó bỏ mày tuốt luốt.

- Vậy hả thầy. Mà cạo sao mới đã.

- Mạnh tay chút coi, có lòng chút coi.

- Có lòng là sao thầy?

Biết nói sao với nó về cái vụ cái lòng. Thiệt là. Thằng nhỏ sợ vụ mất vợ cạo miết miết. Dám chừng có rách da. Cũng phải, tuổi nó là người ta muốn vợ lai rai rồi. Mong cho đôi lứa sẽ bền lâu…

Tiếng xuồng lại gấp gáp ghé bên cầu thang. Ông bước ra ngồi trước cửa.

- Cô bán hết rồi à?

- Mão hết cho mấy xe dưới Châu Ðốc lên.

- Bán mão vậy tiền đâu có nhiều.

- Thì cũng mua thêm được chục vở cho hai đứa nó. Với lại có hai cây viết. Tui lo…

Hơi thở ông trôi nhẹ nhẹ.

- Vậy cũng được rồi. Mà cô Sáu nè… chừng nào… tôi quên được bà Út, tôi sẽ nhờ cô cạo gió.

Câu này ông nói nhỏ vừa đủ nghe.

Con ho nằm im ngậm ngùi. Lạnh vầy mà ông cũng mạnh trong mình dữ ha.

Người đàn bà giận dỗi quay đầu xuồng móc dầm mạnh tay. Nước linh binh. Người lạ chắc không nghĩ dưới đó là một con kinh. Mùa hạn hai bờ nó cao với tay không tới. Giờ nó chìm giữa bốn bờ nước. Chị nhắm hướng nhà mình bơi thẳng. Hai thằng con đang đợi. Chị nhớ hai con càng nhớ tới người đàn ông kỳ cục. Coi hiền lành, vui vẻ mà cố chấp bộn. Nhưng sao không thấy ghét, càng mong mỏi dữ tợn hơn. Phải có được người cha như vậy cho hai thằng nhóc nhà mình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo