xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Coi bếp, chọn dâu

Võ Đắc Danh

Ở nông thôn, mấy ông già bà cả luôn xem cái bếp là tiêu chuẩn hàng đầu để làm thước đo công - dung - ngôn - hạnh của người con gái. Lắm khi, nhân duyên thành hay bại cũng từ cái bếp

Ba mươi năm trước, khi tôi báo tin cho mẹ tôi biết rằng tôi đã chọn cho mẹ nàng dâu tương lai, mẹ tôi chỉ hỏi một câu ngắn gọn: "Cái bếp nhà con nhỏ ấy coi được không?".

Tôi không ngạc nhiên vì sao mẹ không hỏi về nhan sắc, học hành, nghề nghiệp, tính nết của con dâu tương lai mà chỉ hỏi về cái bếp. Mà dường như mấy bà lão trong xóm tôi cũng đều như vậy. Nhiều bà trước khi đi coi dâu đã tìm cách bất ngờ "đột nhập" nhà gái để coi cái bếp và hễ có dịp ngồi lại thì hay đem chuyện bếp núc của những cô gái trong xóm ra so sánh, luận bàn. Vẻ như tôi cũng bị nhiễm cái quan niệm ấy nên đã có sẵn câu trả lời cho mẹ: "Mẹ yên tâm, mặc dù "con nhỏ" ấy là thợ may nhưng cái bếp không có một chút bụi tro, xoong chảo thẳng hàng, sạch bóng…".

Chúng tôi cưới nhau chẳng bao lâu thì cuộc sống đổi thay. Bếp dầu, bếp điện, bếp gas thay dần cho bếp củi, bếp than và bếp núc cũng không còn là việc riêng của người phụ nữ. Hình ảnh bếp lửa bập bùng qua khung cửa và những sợi khói lam chiều la đà trên mái lá đã trở thành ký ức của một lớp người và xa lạ với thế hệ cháu con.

Mấy năm gần đây, tôi có dịp trở lại miền Tây để thực hiện bộ phim tài liệu về văn minh sông nước. Khi đến xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi - Cà Mau, chúng tôi được chính quyền địa phương hướng dẫn đến nhà bác Hai Ðường ở xóm Bàu Dừa, một lão nông tri điền đã có mặt trên vùng đất này từ khi mới khẩn hoang.

Ngôi nhà bác Hai thuộc mẫu nhà truyền thống của vùng ÐBSCL. Một ngôi nhà ngói ba gian kèm theo một cái chái đâm nóc xuống sông mà dân gian hay gọi là nhà chữ đinh. Chỉ cần nhìn vào lối kiến trúc ấy, có thể hiểu ngay chủ nhân của nó là một lão nông tri điền.

Khi bắt đầu thân thiện như người nhà, tôi nhào vô làm bếp như một thói quen và giật mình nhận ra cái bếp của nhà bác Hai Ðường giống y như cái bếp nhà "con nhỏ" hồi xưa: Khung bếp đứng đóng bằng gỗ đước già bóng lộn, mặt bếp lót gạch tàu. Trên bếp đặt một cái cà ràng và hai cái lò đất nung. Dưới bếp chất củi dừa thành hàng, thẳng tắp. Từ chỗ bếp nhìn lên mái nhà là một cái giàn treo lá dừa để dành mồi lửa hoặc để nấu nước pha trà. Trên tấm vách bên phải là hai hàng chai thủy tinh đựng muối và nước mắm. Tôi thử đếm có trên ba chục chai, mỗi chai được úp lên một cái phễu bằng giấy tập học trò. Bên vách trái là một dãy xoong, thau và chảo nhôm. Tất cả được xếp ngay hàng thẳng lối, cái lớn theo hàng lớn, cái nhỏ theo hàng nhỏ. Dù chúng được nấu bằng củi nhưng không thể tìm thấy cái xoong nào bị ám khói xung quanh. Tôi hỏi bác gái vì sao đã có điện, có gas rồi mà vẫn còn xài bếp củi, bác nói nhà có cả nồi điện, bếp gas nhưng cất trong tủ, năm ngoái có xài mấy tháng nhưng thấy bỏ củi vườn tiếc quá, vả lại chụm củi quen rồi.

Khi chúng tôi đang thực hiện những cảnh quay về cái bếp và chảo cá bổi chiên xù thì bác gái sai con dâu Út lấy trái dừa ra nạo để hầm mấy nải chuối xiêm.

Thấy chúng tôi làm việc có vẻ say sưa, bác Hai gái nói: "Hồi xưa, cũng vì cái bếp mà tao mới được về làm vợ bác Hai mày". Cô Út nhìn mẹ chồng rồi cười nói: "Bởi vậy cho nên bây giờ má vẫn bắt con nấu củi, không cho xài điện, xài gas". Rồi cô lại nói như mắc cỡ: "Nếu không giỏi chuyện bếp núc thì còn lâu con mới được về đây làm dâu của má!".

Ðến lúc trà dư tửu hậu, men rượu ngây người, bác Hai Ðường bắt đầu tâm sự. Tôi chưa từng thấy ông già nào ở từng tuổi ấy mà kể về mối tình đầu mùi mẫn như đang yêu, lại kể trước mặt người vợ của mình. Bác Hai gái chẳng những không buồn mà còn kể theo bằng tấm lòng chia sẻ: "Cũng tại cái bếp, chớ nếu không thì ổng với cô Dung thành vợ thành chồng rồi, đâu đến lượt tôi".

Bác Hai Ðường kể: Ngày trước, bác với cô Năm Dung yêu nhau say đắm. Mối tình kéo dài hơn hai năm trời nhưng cha mẹ bác nhất quyết không cho cưới. Mẹ bác nói rằng cô Dung tuy đẹp người đẹp nết nhưng chuyện bếp núc rất lôi thôi. Bước vào nhà sau lúc nào cũng thấy bụi tro, củi tàn đầy trên bếp, cái xoong một nơi, cái thau một nẻo, nồi niêu dính đầy lọ nghẹ. Cơm thừa cá cặn cứ để trong xoong chảo mặc cho mèo liếm chó tha.

Ở nông thôn, không chỉ ngày xưa mà ngay cả bây giờ, mấy ông già bà cả luôn xem cái bếp là tiêu chuẩn hàng đầu để làm thước đo công - dung - ngôn - hạnh của người con gái. Bác Hai Ðường nói rằng cô Dung hồi ấy đúng là hơi bê bối trong việc bếp núc, cô hay đi sớm về khuya, suốt ngày cứ thấy cô trên xuồng chèo từ sông này qua rạch khác. 

img
Ảnh: Trần Chí Kông
 
Một đêm nọ, cô Năm Dung hẹn bác Hai Ðường đến một ngã ba sông để chia tay, không phải lấy chồng mà cô vào vùng căn cứ kháng chiến. Lúc bấy giờ, bác Hai mới hiểu ra rằng cô Dung không phải là người phụ nữ của gia đình. Dù đã muộn nhưng bác vẫn về thanh minh với mẹ cha. Nhưng bà cụ lại bảo: "Nhà mình là nông dân, cần phải có con dâu biết lo bếp núc".
 
Một năm sau, bác Hai bị ép cưới vợ, một người vợ có đủ tiêu chuẩn do cha mẹ mình lựa chọn. Bác không chê vào đâu được nhưng bác không yêu, mà vẫn còn nhớ cô Dung. Một hôm, bác đưa vợ về quê thăm cha mẹ.
 
Chèo được một đoạn, bác ghé xuồng lại dưới một bóng cây và nghiêm chỉnh nói: "Mấy tháng qua, kể từ ngày cưới đến nay, tôi chưa bao giờ đụng tới người em, em có biết vì sao không? Vì tôi không yêu em nên tôi muốn giữ cho em còn nguyên vẹn để em lấy người chồng khác. Em đừng trách tôi, hãy tha thứ cho tôi. Tình cảm không thể nào miễn cưỡng".
 
Bác trở về, thú thật với cha mẹ mình. Cuối cùng rồi cũng được bỏ qua mọi chuyện. Chỉ còn cô Dung là bác không tìm lại được.
 
Sau phong trào Ðồng Khởi, xóm Bàu Dừa được chọn làm vùng căn cứ. Cô Dung có trở lại đôi lần nhưng bấy giờ mọi sự đã đổi thay, vợ chồng cô Dung trở thành em kết nghĩa của vợ chồng bác Hai Ðường.

Rồi chồng cô Dung hy sinh, để lại ba đứa con, một trai hai gái. Sau giải phóng, cô về Bạc Liêu công tác và nuôi con ăn học. Thỉnh thoảng, vợ chồng bác Hai Ðường vượt cả trăm cây số lên thăm; mang gạo, dừa, khô bổi lên làm quà.

Tôi kể cho bác Hai Ðường nghe rằng hồi năm 1994, khi tôi làm bộ phim tài liệu Tấm lòng Ðất Mũi thì cô Năm Dung là một nhân chứng của câu chuyện cảm động về sự hy sinh của người phụ nữ trong chiến tranh. Tôi có đến nhà cô hai lần để thu hình, ăn hai bữa cơm. Tôi còn nhớ cái bếp nhà cô cũng sạch đẹp và ngăn nắp giống như cái bếp nhà bác Hai Ðường. Chỉ có khác là cô xài than đước, ba cái lò than lồng trong xô nhôm trắng bóng.

Một năm sau, tôi được tin cô Năm Dung qua đời vì bệnh ung thư. Ngày cô Dung lìa trần, vợ chồng bác Hai Ðường đã trực tiếp đứng ra lo ma chay.

Kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tình hơn 50 năm ấy, trong đôi mắt trũng sâu của ông già vẫn còn đọng những ngấn nước long lanh. Bác Hai gái ngồi cạnh ông, buông một câu ngậm ngùi: "Tội nghiệp mấy đứa nhỏ con cô Dung, cả năm rồi tôi không lên thăm tụi nó".

Trước lúc chia tay, tôi định hỏi bác gái rằng việc bác cất cái nồi điện và cái bếp gas trong tủ để xài bếp củi có liên quan gì đến câu chuyện tình năm cũ của bác trai không. Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, tôi không dám hỏi...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo