xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

B.Obama và thách thức ngàn cân

TRỌNG NGHĨA

Một ngày sau khi ăn mừng thắng lợi, Tổng thống Mỹ mới đắc cử Barack Obama nhận được bản báo cáo đầu tiên của Cơ quan Tình báo quốc gia phân tích những thách thức ngàn cân về các vấn đề quốc tế mà ông phải đối phó từ ngày 20-1-2009, ngày ông chính thức trở thành tổng thống thứ 44 của Mỹ

Thách thức đầu tiên đến từ Moscow. Ngày 5-11, tức một ngày sau bầu cử tổng thống (TT) Mỹ, TT Nga Dmitri Medvedev tuyên bố sẽ đặt các giàn tên lửa Iskander tầm ngắn ở vùng Kaliningrad – lãnh thổ của Nga nằm giữa Ba Lan và Lithuania – để đối phó với kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ ở Đông Âu.

Tên lửa Iskander có tầm bắn 280 km và có thể mang nhiều đầu đạn nguyên tử. Thông điệp mà TT Nga gửi TT mới đắc cử Mỹ rất rõ ràng: Chớ có làm theo kế hoạch của ông Bush nếu muốn giữ quan hệ tốt với Nga. Nếu không sẽ không tránh khỏi chiến tranh lạnh mới.

Lời cảnh báo từ Tel Aviv và Kabul

Tình hình ở Trung Đông còn phức tạp hơn ở châu Âu nhiều. Nhất là Israel – đồng minh rất gắn bó với vị TT sắp mãn nhiệm Bush – đã thẳng thắn cảnh báo rằng nếu ông Obama muốn thương thuyết với Iran thì Israel sẽ chống đối tới cùng vì đó là dấu hiệu của sự yếu hèn.

Sau 8 năm được TT Bush ủng hộ và bao che tối đa, Israel ngay từ bây giờ theo dõi sát “nhất cử nhất động” của ông Obama mặc dù còn 40 ngày nữa ông này mới chính thức điều hành Chính phủ Mỹ mới. Tel Aviv muốn biết ông chủ Nhà Trắng mới sẽ xử lý mối đe dọa hạt nhân của Iran như thế nào.

Bà Ngoại trưởng Israel Tzipi Livni, trên nhật báo Anh Daily Mail, tuyên bố: “Chúng tôi đang sống với một nước láng giềng mà đối thoại với họ sẽ được hiểu là nhu nhược. Bởi đang cấm vận họ mà nay bỗng nhiên mở miệng nói chuyện (với họ)”. Được hỏi Israel có ủng hộ Mỹ thương thuyết với Iran không, bà Livni trả lời dứt khoát: “Câu trả lời là không”.

Điều làm cho Israel tăng thêm phần lo lắng với ông Obama là đêm 6-11, TT Iran Mahmoud Ahmadinejad đã phá một cái lệ truyền thống kéo dài 29 năm qua: Gửi điện chúc mừng TT Mỹ mới đắc cử. Đây là lần đầu tiên, một nhà lãnh đạo Iran làm như vậy kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Ahmadinejad nói ông hy vọng rằng ông Obama sẽ “tận dụng nhiệm kỳ TT của mình như một cơ hội để phục vụ nhân dân (Mỹ) và để lại tiếng tốt trong lịch sử”.

Tại Kabul, sau khi chúc mừng ứng viên Đảng Dân chủ thắng lớn, TT Afghanistan Hamid Karzai yêu cầu ông Obama “chấm dứt việc gây thương vong cho thường dân” bằng cách thay đổi chiến thuật quân sự trong cuộc chiến chống quân Taliban. Ông Karzai rất bức xúc về chuyện 7 thường dân Afghanistan dự đám cưới mới đây bị máy bay Mỹ không kích chết ở miền Nam tỉnh Kandahar. Người Mỹ cho rằng vô tình nhưng sự vô tình này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần khiến ông Karzai bực tức.

Ông Karzai còn lo lắng hơn khi ông Obama từng tuyên bố sẽ giảm bớt các hoạt động quân sự ở Iraq để chuyển qua Afghanistan. Có tin ông Obama sẽ yêu cầu Anh tăng thêm 3.000 quân để hỗ trợ lực lượng quân sự Mỹ cũng sẽ được tăng cường trong khu vực. Điều này chẳng có gì là bất ngờ. Ngay từ đầu, ông Obama chống lại cuộc chiến ở Iraq và xác định Afghanistan chính là mặt trận chống khủng bố chủ yếu chứ không phải Iraq.

Tuy nhiên, các trợ lý của ông Obama lo ngại rằng dư luận Mỹ sẽ phản ứng dữ dội nếu tân TT Mỹ chuyển quân thêm qua Afghanistan trước khi bắt đầu thực hiện việc rút quân ở Iraq.

Hơn nữa, thách thức Afghanistan không chỉ có chuyện bắn lầm, giết lầm. Nó còn là tham nhũng, chính quyền thiếu năng lực, kinh tế lạc hậu lệ thuộc vào buôn lậu ma túy. Một Pakistan không ổn định tạo điều kiện cho Al-Qaeda và Taliban lập căn cứ ở vùng biên giới Afghanistan-Pakistan cũng là một thách thức lớn khác, cản trở cuộc chiến chống khủng bố mà ông Obama tuyên bố sẽ tập trung mạnh hơn, chẳng hạn như tấn công những căn cứ vừa kể bất chấp Islamabad có đồng ý hay không.

Thoát khỏi vũng lầy Iraq

Trong suốt quá trình vận động tranh cử, ứng viên Obama luôn luôn nhấn mạnh rằng nếu đắc cử, ông sẽ rút hầu hết quân Mỹ ở Iraq “một cách có trách nhiệm” trong vòng 16 tháng, tức từ nay đến cuối tháng 7-2010. Lúc đó, chỉ còn một số ít lính Mỹ ở lại tiếp tục chống khủng bố. Mục đích của việc rút quân này là tập trung vào “cuộc chiến chống khủng bố”, cụ thể chống Al-Qaeda và lực lượng Taliban. Cuộc chiến đầy tham vọng này do ông Bush khởi xướng từ năm 2001 sau sự kiện 11-9-2001.

Thời hạn chót để Washington và Baghdad ký kết một hiệp định mới về tương lai quân đội Mỹ tại Iraq là ngày 31-12-2008. Từ đây đến đó, Mỹ phải sẵn sàng ký một hiệp định mới, nếu không, ông Obama sẽ rơi vào một tình thế tế nhị vì quá thời hạn mà không đạt được thỏa thuận mới với Chính phủ Iraq thì sự hiện diện của 145.000 lính Mỹ ở Iraq trở thành bất hợp pháp. Tính đến nay đã có hơn 4.000 lính Mỹ bỏ mạng ở Iraq.

5 việc Obama cần làm ngay trong nước

1. Xốc lại hệ thống tài chính. Chiến dịch tranh cử của ông Obama thắng lớn một phần do cử tri tin vào Đảng Dân chủ có thể giải quyết các vấn đề tài chính của Mỹ hiện nay đang “lâm bệnh nặng”. John Pitney, giáo sư khoa chính trị học Trường Đại học Claremont McKenna, bang California, nhận định: “Đảng Dân chủ phải cải thiện được tình hình kinh tế từ nay đến năm 2010. Nếu không, Đảng Cộng hòa sẽ trỗi dậy mạnh mẽ”. Điều này có nghĩa là ông Obama phải xốc lại hệ thống tài chính.

2. Tái khởi động thị trường việc làm. Ảnh hưởng khủng hoảng tài chính trong thị trường việc làm rất lớn. Theo điều tra của văn phòng nguồn nhân lực (ADP), thị trường việc làm đang tiếp tục xuống dốc ở Mỹ. 157.000 việc làm trong khu vực tư nhân đã “bốc hơi”.

3. Đánh thuế nhiều hơn tầng lớp trung lưu. Về thuế vụ, ông Obama hy vọng sẽ trở về mức thuế trước năm 2001. Ông Obama từng nói rằng ông sẽ đánh thuế nhiều hơn những người giàu có và giảm thuế cho những người có thu nhập dưới 200.000 USD/năm. Tuy nhiên, biện pháp này chắc chắn sẽ không được đồng tình 100%.

4. Bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người. Hơn 45 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế. Ông Obama nói ngân quỹ liên bang sẽ hỗ trợ việc mở rộng những chương trình chăm sóc sức khỏe của tư nhân và nhà nước hiện có. Theo Trung tâm Chính sách thuế vụ , kế hoạch chăm sóc sức khỏe này của ông Obama sẽ ngốn không dưới 1.600 tỉ USD trong vòng 10 năm. Nhưng ông Obama cần phải cẩn trọng. Một chính sách như thế do bà Hillary Clinton đưa ra hồi năm 1994 đã bị Đảng Cộng hòa phá hỏng.

5. Thay đổi thói quen tiêu thụ năng lượng. Mục tiêu số 1 của Obama là “nâng đỡ hộ gia đình”, nạn nhân đầu tiên của giá xăng cao. Nhưng nếu ông Obama muốn đầu tư 15 tỉ USD để giúp các gia đình chống chọi lại vật giá năng lượng ngày càng tăng cao thì liệu người Mỹ có chịu thay đổi thói quen tiêu thụ năng lượng hay không là cả một vấn đề.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo