Nàng dịu dàng nhưng không khép nép, điềm tĩnh chứ không lặng lẽ; và theo cách của mình, nàng tỏa hương trên từng trang thơ, trang giấy. Cũng như cái cách mà những nữ sĩ ảo diệu trong “ba nghìn thế giới…” ấy hòa mình với thiên nhiên để sinh ra thơ, để làm nguồn cơn cho những con lá trùng trùng xanh khơi, “Vạn diệp tập” - mười nghìn chiếc lá - là tập thơ đầu tiên của dân tộc Nhật, là “cách mà đời sống phát tiết cái đẹp và tình yêu”. Nếu đặt nàng vào giới học thuật, nàng sẽ rong chơi như một khách thơ.

Từ một tập sách soạn ra với mục đích làm tài liệu học tập cho sinh viên khoa văn học văn học Nhật, “Ba nghìn thế giới thơm” đã bước ra khỏi ngưỡng cửa trường học, lúc bấy giờ, có mặt ở hầu khắp các nhà sách. Từ bản in đầu của NXB Văn nghệ, năm 2007, “Ba nghìn thế giới thơm” vừa được NXB Văn học tái bản cuối năm 2015 (ảnh). Bạn có thể gọi đó là sách nghiên cứu, là tuyển tập thơ hay là một tập bình thơ; hoặc giả là một tác phẩm nghệ thuật đi nữa, cũng đều đúng cả. Tác giả hẳn sẽ không lấy làm phiền vì điều đó mà ngược lại, có khi sẽ mời gọi bạn vào trò chơi nhìn hình đoán chữ: “Đây là gì vậy, bạn nói thử xem nào…”. Cũng như chính tác giả, nhà giáo, dịch giả hay là nhà nghiên cứu, nhà thơ đều đúng cả. Nhật Chiêu, nếu bạn đọc ông như một người viết, bạn cần một chút thời gian để làm quen và giải mã; nhưng nếu bạn tìm đến ông như một người thầy, một nhà nghiên cứu, một tấm bản đồ chỉ dẫn, thứ bạn cần duy nhất là không cần gì cả; hay nói đúng hơn, là một cái đầu rỗng không. Như một miếng bọt biển, những gì ông viết, nói, giảng, sẽ không ngần ngại mà thấm vào bạn, giản dị, tự nhiên.
Nếu những “Lời tiên tri của giọt sương”, những “Thơ tượng quẻ”, những truyện ngắn trong thời gian gần đây, Nhật Chiêu cô đặc mình trong cái nam tính, cái dương cực; thì lần về khoảng thời gian của “Ba nghìn thế giới thơm”, Nhật Chiêu có vẻ như trải mình về phía âm cực, tác phẩm mang trong mình dòng chảy nữ tính, dậy hương từ một chút nhụy hoa mơ.
Đọc “Ba nghìn thế giới thơm” là bạn đang dẫn mình vào một cuộc rong chơi nơi Phù Tang xưa - một món quà mà bây giờ - dẫu cho có bao lần thực sự đặt chân đến Nhật, bạn cũng chỉ có thể tiếc nuối nhìn một buổi chiều tàn để tưởng nhớ chuyện thơ. Ở đó, những cánh cửa, bạn sẽ bối rối không biết đâu là đầu đâu là cuối. Này là “Từ xứ sở của mây/Ba nghìn thế giới thơm; này là “Chơi cùng hư không/Trăng từ sơ nguyên” rồi thì “Đảnh lễ với mưa/Những đóa triêu nhan/Một cành hoa bụt; Nhìn thấy phù dung/Bướm về nghe pháp/Bốn mùa như như”; hay: “Hỏi thầm giọt sương/Ôi con ốc nhỏ/Hòa âm ếch nhái”. Hay là thử chọn cho mình một tứ thơ nào đó từ những lời đề mục, rồi tự bày biện theo luật chơi của mình. Biết đâu, bạn sẽ bắt đầu yêu thơ, nghiện Chiêu và muốn đến Nhật?
“Ba nghìn thế giới thơm” ấy đang đợi bạn gõ cửa.
Bình luận (0)