xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải thưởng lớn vẫn là khán giả

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Đời sống của các vở diễn vẫn được đo đếm bằng những chiếc vé bán ra và tần suất sáng đèn của sân khấu

Đích nhắm là khán giả chứ không phải huy chương hội diễn. Các vở: Biển, Dòng nhớ, Nỏ thần, Cánh đồng bất tận và Ngàn năm tình sử đến với hội diễn như một cuộc chơi để “biết mình biết ta” với đồng nghiệp. Sau Hội diễn Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc, các vở diễn của các đơn vị sân khấu xã hội hóa càng có thêm sức hút người xem.

img
Nghệ sĩ Hạnh Thúy (trái) và NSƯT Kim Xuân trong vở Dòng nhớ


Khán giả là nguồn sống


Sự năng động của sân khấu xã hội hóa đã giúp họ tranh thủ sự chú ý của dư luận qua mùa hội diễn để nhanh nhạy tiếp thị vở diễn của mình đến công chúng. Từ ngày 15 đến 23-10, Sân khấu kịch IDECAF sẽ tái diễn vở Ngàn năm tình sử tại Nhà hát Bến Thành với 6 suất diễn mà vé đã được bán hết ngay trong mùa hội diễn. Vở Nỏ thần của Kịch Phú Nhuận tiếp tục sáng đèn tại rạp Kim Châu với cách tiếp thị hiện đại là dựng mô hình các nhân vật trong vở diễn sắp đặt trước mặt tiền rạp. Các nhân viên soát vé, bán vé, phát tờ rơi đều mặc trang phục thời Âu Lạc trông rất ngộ nghĩnh và thu hút khán giả.


Công ty Sài Gòn phẳng, một đơn vị vừa bước vào lĩnh vực kinh doanh nghệ thuật kịch nói qua vở Dòng nhớ, mang về cho đạo diễn trẻ Hạnh Thúy huy chương vàng xứng đáng, đã kết hợp với Nhà hát Thế giới Trẻ, Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM để công diễn tác phẩm đoạt giải này. Vé được giao đến tận nhà, ưu tiên giảm vé cho sinh viên, học sinh để họ có điều kiện đến với tác phẩm. Vở Biển của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TPHCM cũng nhận được sự đón chào nồng nhiệt của người xem ngay sau mùa hội diễn kết thúc. Vở Cánh đồng bất tận, qua sự tiếp thị của đạo diễn Việt Linh, đã được phía Pháp mời sang lưu diễn trong thời gian tới, mở ra một hướng giao lưu văn hóa bằng những tác phẩm kịch nói được đánh giá cao qua mùa hội diễn này. Trước khi lưu diễn tại Pháp, Cánh đồng bất tận sẽ được công diễn tại Sân khấu Nhạc viện TPHCM. Vé của vở kịch này sẽ được tiếp thị tại các trường đại học, các cơ quan, xí nghiệp để mở rộng thị phần biểu diễn phục vụ đông đảo khán giả.

NSƯT Hồng Vân cho biết: “Ngay trong mùa hội diễn, đông đảo khán giả đã chú ý đến các vở tham dự, một phần nhờ báo chí thông tin, bên cạnh đó là sự tiếp thị của chúng tôi để tiếp tục đưa vở diễn đến với đông đảo người xem”.


Khán giả đón nhận


Trong những vở diễn nói trên thì Dòng nhớ và Biển là hai vở diễn bước vào hội diễn trước khi đến với công chúng; còn Nỏ thần, Cánh đồng bất tận và Ngàn năm tình sử đã bán vé công diễn trước khi bước vào hội diễn. Do đó, Biển và Dòng nhớ đã gây không ít tò mò cho khán giả. Xem vở Biển tại Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TPHCM, khán giả không ngừng vỗ tay tán thưởng vì nét diễn hòa quyện đầy sáng tạo của dàn diễn viên giỏi nghề. Vở Dòng nhớ cũng được đón nhận hào hứng vì nội dung vở diễn được chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Hai câu chuyện kịch xúc động này thu hút khá đông khán giả trẻ, nhất là giới sinh viên. Bạn Nguyễn Hoàng Nam, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM, nhận xét: “Lâu rồi, tôi mới xem được một vở kịch hay như vở Biển. Vở mang lại cho tôi sự thú vị, bất ngờ vì tình tiết cứ đan xen, đối nghịch nhau giữa quá khứ và hiện tại, cùng cái kết quá nhân ái, mở ra cho người xem nhiều suy nghĩ”. Bạn Trần Văn Gia Bảo, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM, nhận xét: “Tôi mê các truyện của Nguyễn Ngọc Tư nên đến xem vở Dòng nhớ để so sánh sự cảm nhận của mình qua tác phẩm văn học và trên sàn diễn. Đạo diễn đã thuyết phục người xem, chứng tỏ họ đã nghiên cứu rất kỹ và cảm nhận trọn vẹn tác phẩm văn học này”.


Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Nghệ thuật Thái Dương, cho biết: “Diễn vở Ngàn năm tình sử lần này nữa là ba đợt, không ngờ khán giả lại thích xem kịch lịch sử. Chúng tôi rất vui vì chính khán giả mới là người quyết định giải thưởng cho chúng tôi”.

Công lập: Cất kho; xã hội hóa: Sáng đèn


Một số vở kịch tham gia hội diễn vừa qua của các sân khấu xã hội hóa như: Mẹ và người tình (Kịch Phú Nhuận), Trai nhảy, Tri ân (Kịch Sài Gòn), Hợp đồng mãnh thú (Kịch IDECAF)... vẫn tiếp tục đón chào khán giả đến rạp.


Đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng: Sau mùa hội diễn, sức sống của một số vở diễn thuộc các đơn vị sân khấu xã hội hóa được đo bằng hiệu quả doanh thu. Điều này góp phần định hướng mục tiêu hội diễn trong thời gian tới: Vừa phải đạt trình độ nghệ thuật chuyên nghiệp vừa đạt hiệu quả kinh tế. Nếu một số đơn vị công lập chỉ mang vở đến hội diễn lấy huy chương về diễn báo cáo vài suất rồi cất kho thì các vở sân khấu xã hội hóa đang tiếp tục chinh phục người xem. Vấn đề này cần được thảo luận thật nghiêm túc và đặt ra định hướng cho tiêu chí một huy chương vàng ngay trong hội thảo về các hội diễn nghệ thuật sân khấu sẽ được tổ chức tại thủ đô Hà Nội vào cuối tháng 11-2009.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo