xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hồn thư pháp

Cao Huy Thuần

Tết nào câu thơ này cũng trở về trong trí nhớ của mọi người. Với tôi, ông đồ già ấy là thầy Phước Thành, một danh thủ về thư pháp ở Huế. Trụ trì một ngôi chùa lớn ở cố đô, chùa Châu Lâm, thầy đã tịch. Tết này, tôi lại nhớ thầy.

Lúc trẻ, tôi chưa bao giờ lên chùa Châu Lâm. Mãi đến năm 1999, tôi mới lên Châu Lâm lần đầu để thăm Thượng tọa Phước Thành. Thăm thầy, thật ra chỉ là một duyên cớ. Còn một duyên cớ nữa không tiện nói ra: chùa Châu Lâm nổi tiếng là chùa… ăn ngon. Tôi cứ nghe đồn: ăn kỵ đầu năm, ngon nhất là Châu Lâm. Vậy mà mình dại quá, chưa thử! Tất nhiên, tôi phải giấu kỹ duyên cớ ấy trong bụng khi vái chào thầy Phước Thành trước cổng, chỉ khai báo lên Châu Lâm để xem thư pháp. Thầy nhỏ nhẹ bảo tôi: "Anh vào lạy Tổ trước đã". Văn hóa chùa là khách quen đến thăm sư, phải thăm trước sư phụ của sư. Ðây không phải chỉ là tình nghĩa thầy trò của sư mà còn là tình nghĩa với cả khách. Khách như thế mới là khách quen. Tôi thắp hương lạy Tổ rồi vào chánh điện lạy Phật.

Sau đó, tha hồ chuyện trò thư với thơ. Tôi không rành về thư pháp và cũng không thông chữ Hán nên khó so sánh chữ của thầy Phước Thành với chữ của các cao thủ khác. Tuy vậy, ít ra tôi cũng thấy được cái khác nơi thầy. Thầy có cái tài hoa của một nghệ sĩ và tài hoa đó phát tiết ra khắp chung quanh, từ cái sân chùa cho đến cái cốc cheo leo dựng giữa sân, cái thang tre làm dáng ẻo lả, cảnh trí bày biện trang nhã trong thư phòng… Khách đến chơi có ngay một cảm giác nhẹ nhàng, quen mà không cổ điển, mới mà kín đáo. Chữ của thầy Phước Thành cũng vậy, sắc nét nhưng không bay bướm, điệu nghệ mà chững chạc. Có lẽ tôi nhìn chữ qua hình ảnh một ông thầy và tôi muốn tìm trong chữ ấy dáng dấp của một vị sư hơn là bướm hoa của một tay danh bút.

Với mắt của người sành điệu, thư pháp là họa; với mắt phàm phu của tôi, mỗi chữ là thơ. Bắt qua chuyện thơ, thầy Phước Thành nói say mê. Sung mãn, hào phóng, thầy bình luận thơ cổ và câu đối, thuộc lòng thơ như cây thuộc gió. Nghe thơ, tôi sảng khoái, quên cả đói, tưởng có thể ngồi đến tối trong am, đợi trăng lên nói chuyện nữa. Nhưng rồi một chú tiểu cắt ngang chuyện thơ trăng, mời qua trai phòng, lấy cớ có thực mới vực được đạo. Mâm cơm dọn sẵn, kết luận đánh giá Châu Lâm của tôi là: danh bất hư truyền.

Mấy năm sau đó, tôi gặp lại thầy Phước Thành tại Pháp. Thầy qua thăm chùa Khuông Việt và nhân tiện tổ chức triển lãm thư pháp của thầy vừa tại chùa vừa tại một phòng tranh giữa Paris. Vừa tại chùa… Ðừng nghe tôi nói thế mà tưởng Khuông Việt to bằng Châu Lâm. To bằng cái bếp! Nhưng xinh, có duyên, ai cũng mến, xứng tầm thư pháp của thầy. Vừa tại phòng tranh… À, phòng tranh này thì đẹp. Một trong những cái "hầm" mà người Pháp biết cách khai thác để biến thành phòng ăn, phòng nhạc, phòng nhảy, phòng tranh, rất mỹ thuật. Suốt một tháng ở Khuông Việt, thầy chỉ viết và đóng khung. Giấy, mực, gỗ, dao, kéo… biến chánh điện thành xưởng vẽ, trừ ngày chủ nhật và những buổi lễ. Paris không thiếu gì thư pháp của Nhật, Tàu nhưng đây là lần đầu một nữ họa sĩ Pháp, lại là chủ nhân một "hầm" tranh, lấy sáng kiến triển lãm thư pháp Việt Nam. Kết quả, đối với bà, là một thử thách thành công. Ðối với chúng tôi, vật chất chủ nghĩa hơn, thành công còn được đo bằng… xu hào rủng rỉnh. Ðâu phải dễ kiếm tiền trên đất Paris khó tính này!

Lần thứ hai tôi có duyên với thư pháp của thầy Phước Thành là lần lên thăm Châu Lâm vào dịp sau Tết Ðinh Hợi. Ðâu ngờ gặp ngày giỗ. Tới chùa hơi trễ giờ ngọ, tưởng là mất phần, ai ngờ chỉ chớp mắt là phái đoàn chúng tôi có cả một bàn ăn được dọn riêng và các sư cô tươi cười mời chúng tôi nhập tiệc. Nghe tiếng cười của các sư cô, chưa ăn đã ngon rồi.
 
img
Danh thủ thư pháp - Thượng tọa Phước Thành (Ảnh do tác giả cung cấp)

Chẳng lẽ tôi nói thêm lần nữa: danh bất hư truyền? Lần này, tôi để dành câu đó cho thư pháp. Bởi vì, ăn xong, khi từ giã thầy Phước Thành để ra về, thầy đang tíu tít với khách thập phương đông chật cả sân chùa thế kia mà bước thoắt vào nhà, vẫy tay bảo chú tiểu dẹp hết thức ăn trên bàn, bảo chú tiểu khác lấy giấy mực ra. Thầy trải giấy trên bàn, mài mực, nhúng bút, viết hai câu đối. Tôi đã nói thầy thuộc thơ như cây thuộc gió, chẳng suy nghĩ gì, cứ phóng bút. Khách thập phương xúm xít chung quanh, theo dõi từng nét bút, từng cái nhấn, từng cái vẫy mực. Chú tâm của thầy hiện trên mặt, tôi chưa thấy dáng nghiêm như thế của thầy bao giờ. Mà hình như ai nấy chung quanh cũng đều nghiêm. Vậy thì ai cũng chú tâm? Khác gì chú tâm niệm Phật?

Sau này, tôi có dịp đọc trang sách rất hay của một thiền sư người Mỹ viết về sư phụ của mình - một thiền sư người Nhật qua du hóa ở Mỹ. Trang sách có liên quan đến thư pháp, tôi lược dịch sau đây:

"Một buổi chiều, thầy trụ trì cho biết thiền sư Soan Nakagawa từ Nhật vừa đến. Thầy hỏi tôi có muốn hội kiến mặt đối mặt một mình với thiền sư không. Tôi nói muốn quá.

Tối đó, chúng tôi xếp hàng ngồi đợi đến phiên mình. Khi đến phiên tôi, tôi bước vào phòng, lạy trước bàn thờ, rồi lần bước đến trước bồ đoàn, chỗ ngồi của thiền sư. Nhưng trên bồ đoàn không có ai! Tôi chẳng hiểu như thế là sao. Có lúc tôi tưởng mình lầm phòng. Vẫn chắp tay trước mặt, tôi lo lắng nhìn quanh phòng tối. Tôi khẽ gọi: "Thầy ơi, thầy ơi". Lúc đó, tôi mới nhận ra thiền sư, lặng lẽ ngồi trong góc tối, quan sát tôi.

Tôi bước đến, vái lạy, rồi quỳ trước thiền sư. Như một lưỡi kiếm, cái nhìn của thầy xuyên suốt người tôi, nuốt chửng tôi trong đó.

Tôi nói: "Xin thầy dạy cho con".

Thiền sư nói với một giọng trầm, âm vang: "Nam mô đại bồ tát". Tiếp theo: "Hiểu chưa?".

Mấy chữ này, tôi đã đọc nhiều lần. "Dạ, con hiểu".

Thiền sư nói: "Nhập làm một với đại bồ tát".

Tôi lại cúi đầu lần nữa.

Thiền sư lặp lại: "Nam mô đại bồ tát. Ðọc đi!".

Khe khẽ, tôi lặp lại: "Nam mô đại bồ tát".

Thiền sư thọc cây gậy đang cầm trong tay vào phía dưới rốn tôi, ra lệnh: "Ðọc từ dưới bụng!". Rồi lặp lại, giọng mạnh hơn, âm vang hơn: "Từ đây này!". Và nạt: "Nữa!", rồi: "Nữa!".

Cuối cùng, giọng thầy dịu lại: "À, thế được rồi". Với giọng hết hối thúc, thầy nói: "Nam mô đại bồ tát. Mỗi ngày. Suốt ngày. Nam mô đại bồ tát buổi chiều. Nam mô đại bồ tát buổi sáng. Nam mô đại bồ tát khi thức dậy. Nam mô đại bồ tát khi đi ngủ. Toàn thân. Toàn tâm. Nam mô đại bồ tát".

Nói xong, thầy rung chuông, chấm dứt hội kiến.

Một sáng sớm, sau khi tụng niệm xong, tôi theo hai thầy trẻ khác nhìn thiền sư viết thư pháp. Thầy bước vào phòng, tay bưng khay và một cuộn giấy. Thầy mỉm cười với chúng tôi và cúi chào, rồi trải giấy ra, đằn góc giấy bằng những viên đá nhỏ, lấy bút, mài mực (...) Nhẹ phớt một cử chỉ duy nhất, nhát bút đầu tiên nhảy vào giấy, tạo căng thẳng với không gian trắng của giấy. Nhát bút thứ hai, nhát bút thứ ba, nhát bút thứ tư vẽ chữ. Nhát bút sau bổ túc cho nhát bút trước, làm linh hoạt không gian trắng chung quanh (...) Rồi thầy vái chào trang giấy, cúi chào chúng tôi. Chúng tôi vái chào lại. Từ đó, tôi biết con đường mà tôi theo đuổi trước đây đã đưa tôi từng bước vào khoảnh khắc đó, vào vị thầy đó, vào cái cúi chào đó" (1).

Tôi thích không khí trang trọng của thiền nơi người Nhật. Một tách trà, một mảnh vườn, một cành hoa, một nét bút, qua bàn tay của họ đều trở thành đạo. Họ làm việc gì ra việc nấy, quý nội dung đến đâu thì quý hình thức đến đó, bên trong thơm thì bên ngoài phải đẹp. Chắc chắn, dù không có mắt ai nhìn, dù phòng trống trơn, thiền sư Nakagawa vẫn vái chào trang thư pháp khi viết xong. Trang giấy đâu còn là trang giấy, trang giấy đã thành đại bồ tát, trang giấy là Phật. Tôi tự nghĩ không biết thiền sư Nakagawa có khi nào viết thư pháp giữa một bữa kỵ Tổ với đông người xúm xít chung quanh. Nhưng tôi lại tự vấn: Ai dám bảo viết thư pháp như vậy là không đạt đạo? Cái gì khiến thầy Phước Thành bảo chú tiểu dẹp bàn ăn, trải giấy ra? Thầy muốn cho. Cho không tính trước, không suy nghĩ. Cho bất thần. Bất thần muốn, bất thần làm. Thầy cho cái gì thầy quý nhất, ấy là chữ viết. Thầy cho là cho ngay, giữa bàn ăn, cần gì lễ nghi? Thế không phải là thiền sao?

Ai dám bảo nơi phong cách dung dị của một ông thầy Việt Nam không có nét đẹp riêng, nét đẹp thân mật, bình yên của chùa Việt Nam? Vào chùa để tìm gì, nếu không phải để tìm bình yên? Và sự bình yên, lắm khi tự nhiên mà đến, không cầu kỳ. Thư pháp của thầy Phước Thành cũng vậy. Ðẹp tự nhiên, không bày vẽ.

Và ai dám bảo nhìn thầy viết thư pháp, từ rốn của tôi không dấy lên một niệm nam mô?

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo