xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làm phim từ chuyện có thật

Kim Khánh

Những câu chuyện đời thật với tính thuyết phục cao đang là xu hướng được các nhà làm phim Hollywood ưa chuộng hơn cả

Có đến 6/9 phim được đề cử tranh tượng vàng cho Phim hay nhất tại Oscar 2014 đều xuất phát từ hồi ký, tự truyện hoặc lời kể của những nhân vật có thật và có lẽ đây là tỉ lệ cao nhất của dòng phim này từ trước đến nay trong lịch sử giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới này.

Xu hướng tất yếu

Một ngày sau khi danh sách đề cử Oscar 2014 được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ (AMPAS) công bố, nhà phê bình phim nổi tiếng Molly Haskell đã nhận xét: “Làm phim từ chuyện có thật luôn là một xu hướng nhưng trong 2 năm trở lại đây đã có sự bùng nổ về số lượng phim thể loại này. Tôi nghĩ rằng khán giả muốn sự thật, còn độc giả muốn những tác phẩm hồi ký. Có lẽ những câu chuyện hư cấu không còn là một điều gì đó mà chúng ta có thể tin”.

Sáu trên 9 phim được đề cử Oscar 2014 đều dựa trên những câu chuyện có thật Nguồn: TELEGRAPH
Sáu trên 9 phim được đề cử Oscar 2014 đều dựa trên những câu chuyện có thật Nguồn: TELEGRAPH

Vì sao phim làm từ sự kiện có thật lại ngày càng có ưu thế như vậy? Rất nhiều lý do đã được các chuyên gia trong lĩnh vực điện ảnh đưa ra để lý giải, như: Sự gắn kết chặt chẽ với đời thật hỗ trợ đắc lực cho việc quảng bá phim; những khán giả đến rạp sẽ dễ bị thu hút hơn bởi những câu chuyện họ đã biết qua trước đó; chuyện có thật thì bao giờ cũng mang tính thuyết phục cao hơn chuyện hư cấu và tính logic của những chuyện đã xảy ra cũng giúp cho việc kể chuyện và theo dõi phim trở nên dễ dàng hơn…

Ngoài ra, tự bản thân mỗi câu chuyện đời thật đã luôn có sức hút của nó. 12 Years A Slave (12 năm nô lệ) được dựa trên hồi ký của Solomon Northup hấp dẫn bởi tính xúc động trong bi kịch của những người nô lệ da đen; American Hustle (Săn tiền kiểu Mỹ) lôi cuốn bởi diễn biến ly kỳ trong chiến dịch ABSCAM có thật của FBI đầu những năm 1980; The Wolf of Wall Street (Sói già phố Wall) thu hút vì ai cũng biết Jordan Belfort, nhân vật có thật từng ngồi tù vì gian lận chứng khoán và 2 cuốn hồi ký của ông chính là cơ sở để làm phim; Captain Phillips khiến người xem tò mò muốn chứng kiến những gì thật sự đã xảy ra với thủy thủ đoàn của thuyền trưởng Phillips có được mô tả giống trong quyển sách nói về ông hay không khi ai cũng biết cướp biển Somalia ngoài đời nổi tiếng dữ tợn; phim Dallas Buyers Club (tạm dịch: Hội những người mua thuốc Dallas) xoay quanh Ron Woodroof, một nhân vật có thật đã chết vì AIDS, lại mang tính xã hội và thời sự khẩn cấp về những nạn nhân của căn bệnh thế kỷ XX.

Dĩ nhiên, những gì trên phim không phải đúng sự thật 100% mà ít nhiều đều gây tranh cãi về tính xác thực ở một số chi tiết được “thêm thắt”, hư cấu để tăng tính hấp dẫn khi phát triển câu chuyện và khắc họa nhân vật rõ nét hơn theo ý đồ đạo diễn. Điều đáng nói là những nhà làm phim đã khai thác khéo léo để giảm sai khác xuống mức tối thiểu và càng bám sát người thật, việc thật càng tốt, như cách mà bà Philomena Lee ngoài đời đã xuất hiện tại giải Quả cầu vàng hôm 13-1 cùng đoàn làm phim Philomena để nói về hành trình 50 năm tìm lại con trai của bà. Hầu hết các chuyên gia cũng đồng quan điểm rằng chính việc công chúng thật sự hứng thú và bị ám ảnh bởi yếu tố “chuyện có thật” chính là động lực để các nhà làm phim tập trung khai thác chất liệu đời thật đưa lên màn ảnh rộng trong những năm qua.

Sáng tạo đã đến lúc cạn kiệt?

Nhìn lại mùa Oscar các năm gần đây có thể nhận thấy không chỉ tự truyện, hồi ký, sự thật lịch sử mà các tác phẩm văn học nói chung (chủ yếu là tiểu thuyết) đều là chất liệu mà các nhà làm phim Hollywood khai thác rất thành công, thể hiện qua cách mà các phim Silver Linings Playbook (Tìm lại tình yêu), Lincoln, Life of Pi (Cuộc đời của Pi) hay Les Miserables (Những người khốn khổ) được tôn vinh ở các giải thưởng quan trọng mùa Oscar 2013. Văn học xét cho cùng cũng bắt nguồn từ đời thật và là những chất liệu làm phim sẵn có nên vấn đề ở đây là liệu có phải đã không còn đất cho sự sáng tạo của những nhà làm phim giả tưởng trước sự áp đảo của dòng phim chuyển thể từ chuyện có thật?

Cũng phải nhấn mạnh rằng ranh giới giữa sáng tạo và sử dụng chất liệu sẵn có không bao giờ là tuyệt đối, nhất là ở môi trường Hollywood. Những phim dựa trên chuyện có thật đều ít nhiều có sự sáng tạo thêm của biên kịch để giúp phát triển câu chuyện, trong khi một số phim xuất phát từ nhân vật thật lại được sáng tạo thêm nhiều yếu tố để tạo ra một câu chuyện hấp dẫn. Với American Hustle, phim chỉ dựa một phần trên chiến dịch ABSCAM, còn với phim Dallas Buyers Club, 2 nhân vật phụ là hoàn toàn hư cấu nhưng được sáng tạo dựa trên tâm sự của những bệnh nhân AIDS và các bác sĩ mà biên kịch của phim từng phỏng vấn. Đó là lý do vì sao 2 phim này tuy nói về chuyện có thật nhưng lại được đề cử hạng mục kịch bản gốc chứ không phải kịch bản chuyển thể.

Điện ảnh Việt chưa tạo sức bật

Những câu chuyện từ cuộc đời thật có thể là chất liệu tuyệt vời cho điện ảnh thế giới. Nhiều bộ phim khai thác nhân vật có thật được vinh danh tại nhiều giải thưởng danh giá, câu chuyện được lan tỏa khắp thế giới nhưng đối với điện ảnh Việt, mảng đề tài này hiếm khi được chú trọng khai thác.

Nhìn lại, chỉ thấy một vài nhân vật từ cuộc đời thật được khai thác trên phim truyền hình: cuộc đời của các nhân vật giang hồ hoàn lương xúc động trong các phim Trở về (đạo diễn: Việt Trinh), Hoa xương rồng (đạo diễn: Nguyễn Duy Võ Ngọc), Âm tính - phim về cuộc đời của hoa hậu Lâm Uyển Nhi (đạo diễn: Phương Điền); Mây trắng ngang trời khai thác hư cấu từ cuộc đời của bà Huỳnh Tiểu Hương, Giám đốc Trung tâm nhân đạo Quê Hương (đạo diễn: Trần Quang Đại)... Thế nhưng, đây cũng chỉ là những phim chiếu trong dòng chảy chung của phim truyền hình, chưa phải là những bộ phim có sức lan tỏa lớn.

Câu chuyện về người đàn ông nhặt ve chai dưới đáy biển cũng từng được đưa lên màn ảnh gây xúc động một thời nhưng cũng chỉ gói gọn ở dạng phim tài liệu ngắn - phim ngắn Phương khùng (đạo diễn: Nguyễn Anh Tuấn, từng đoạt giải Cánh diều vàng dành cho phim ngắn 2007). Sắp tới đây, đạo diễn Cường Ngô cũng sẽ có Hương ga - phiên bản điện ảnh khai thác từ câu chuyện có thật của trùm giang hồ đất cảng Dung Hà nhưng đây cũng chỉ là những trường hợp hiếm hoi của tâm huyết nghệ thuật. Đạo diễn Tường Phương từng nói: “Đâu đó trên khắp đất nước này, cuộc sống vẫn đầy những chất liệu sống động để khai thác” song có vẻ như những hiện thực, thân phận con người vẫn chưa được các nhà làm phim Việt tìm đến bằng thao thức nghệ thuật, tạo sức bật cho điện ảnh Việt với những lát cắt chân thật, xúc động từ cuộc đời.  T.Quyên

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo