xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ống kính cần hướng về đồng ruộng

TIỂU QUYÊN

Chọn thể hiện kịch bản về đề tài đồng ruộng, các đạo diễn cùng ê-kíp thực hiện phải nhiều phen vất vả để có thể mang đến cho khán giả những thước phim đẹp và chân thực

“Máy quay chuẩn bị”. “Diễn...”. Khẩu lệnh đạo diễn phát ra, cả đoàn làm phim chạy ào xuống ruộng, dàn hàng ra để lùa bầy vịt lên đến 700- 800 con đi vào đúng khung hình.  Đó là một cảnh quay vịt chạy đồng không dễ dàng chút nào của đoàn làm phim Vịt kêu đồng của đạo diễn Phương Nam (kịch bản: Nhất Mai, dựa trên bút ký Những mảnh đời trôi dạt của nhà văn Trần Thôi, hãng phim TFS sản xuất, vừa hoàn tất phần ghi hình).

“Làm việc với các “diễn viên vịt” vất vả vô cùng. Mỗi khi quay cảnh vịt chạy đồng là tất cả thành viên trong đoàn phim đều phải ào xuống ruộng như thế, dàn hàng ra để lùa nhưng phải tránh để không vướng người vào khung hình.
 
Lùa vịt trên sông lại càng khó khăn gấp bội. Đàn vịt bị vây quá mức cứ nháo nhác chạy, tản ra làm cả đoàn phải nhiều phen vất vả” - đạo diễn Phương Nam nói. 

img
Diễn viên Ngọc Hùng (vai Hai Hên) và Mộng Trúc (vai Thắm) trong phim Vịt kêu đồng. Ảnh: Phương Nam


Sống chung với... vịt và muỗi


Thử thách nhất trong loạt phim truyền hình khai thác đề tài nông thôn gần đây có thể kể đến đoàn làm phim Vịt kêu đồng. Chuyện phim nói về cuộc sống của những người chăn vịt chạy đồng nên tất cả bối cảnh trên phim đều diễn ra ở đồng ruộng, kênh rạch.

Đạo diễn Phương Nam “lùng” ra một địa điểm lý tưởng ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi - TPHCM để làm bối cảnh xuyên suốt cho phim. Đó là một vùng đất mênh mông, hệ thống kênh rạch chằng chịt, có cả rừng tràm và đặc biệt không hề vướng dây điện, hoàn toàn có thể tạo được cảnh mênh mông cho cánh đồng. Vậy là đoàn phim xuống cắm chòi “chăn nuôi vịt” dọc theo bờ kênh. Đạo diễn tìm mua cả đàn vịt để làm đạo cụ. Vậy là sau một ngày quay, các thành viên tổ thiết kế phải ở lại... chăn vịt, cùng với “sự cố vấn” cách chăm sóc vịt của một gia đình chăn vịt chạy đồng thực thụ.


Chưa kể phim quay hình trong những ngày mưa gió nên có hôm cả đoàn ướt loi ngoi lóp ngóp. Không có nơi nào trú ẩn khi mưa to gió lớn ngoài những chòi vịt được dựng tạm làm bối cảnh không mấy kiên cố, đoàn phim phải vừa tránh mưa vừa giữ cho các cột tầm vông khỏi bật gốc, người ướt cũng không sao, quan trọng là bảo quản được máy quay phim. Đoàn phim cứ ngồi túm tụm giữa đồng như thế cùng với đàn vịt cho đến khi trời dứt mưa.

Diễn viên Hạnh Thúy cho biết lúc sáng sớm đến trường quay ai cũng ăn mặc đẹp, chỉnh tề nhưng cứ hết ngày là tóc tai mặt mày xơ xác, bơ phờ vì phải... chăn vịt cả ngày.

Thực hiện cảnh quay giữa đồng không mông quạnh, điều kiện làm việc và sinh hoạt đều thiếu thốn đã khổ nhưng vất vả nhất chính là việc cả đoàn phải “chịu đựng” các “diễn viên vịt” chạy đồng lên tới 700-800 con không hề quen việc đóng phim.


Trong khi đó, đoàn làm phim Kẻ di trú của đạo diễn Châu Huế thì phải sống chung với... muỗi trong những ngày ghi hình ở Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Làm phim ở đây thì được thưởng thức những đặc sản miệt vườn nhưng các nam nữ diễn viên: Võ Minh Bảo, Bảo Quỳnh, Thanh Lam... cũng phải đối mặt “đầy thách thức” khi hàng tuần liền phải... sống chung với muỗi.

Với đoàn làm phim Khát vọng đồng quê của đạo diễn Phan Hoàng thì khổ theo kiểu khác. Vì cuộc đời của nhân vật chính là khách thương hồ nên nhiều cảnh quay trên sông nước. Và khi ấy chỉ có các nhân vật được ở trên ghe, còn lại từ đạo diễn, quay phim, trợ lý đều “ở trần, mặc quần đùi” ùm xuống sông. Đoàn phim đã phải làm việc dưới nước ròng rã như thế hết ngày này qua ngày khác...


Dấn thân để hiểu và thương nông dân


Trước khi quay Vịt kêu đồng, đạo diễn Phương Nam đã một thân một mình tìm về sống cùng với những người chăn vịt ở miệt đồng. “Tôi muốn hiểu sâu sắc về cuộc sống, lời ăn tiếng nói chân chất và cả tâm tư của họ để có thể đưa vào kịch bản. Nếu không đi, không sống cùng họ, có thể tôi sẽ làm những nhân vật có thật ở ngoài đời thất vọng khi phim thể hiện quá xa rời cuộc sống” – đạo diễn Phương Nam chia sẻ.

Còn diễn viên Hạnh Thúy ưu tư: “Có làm phim về đời sống của nông dân mới hiểu hết những nỗi cơ cực của họ. Những ngày đóng phim, trò chuyện cùng những người chăn vịt mới hiểu được những nỗi vất vả, thậm chí hiểm nguy trong những chuyến chạy đồng. Nông dân mình cực lắm. Có dấn thân vào cuộc sống của nông dân thì mới có thể hiểu và thương họ hơn”.


Kịch bản về đề tài nông thôn khá hiếm hoi dù đề tài này luôn nhận được sự quan tâm của khán giả. Dạng phim hài như Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa gần đây (đạo diễn Hồ Ngọc Xum, Công ty Sao Thế giới sản xuất) cũng thu hút người xem. Nhưng nhiều đơn vị sản xuất gần như chỉ tập trung đầu tư cho các kịch bản khai thác đề tài tình yêu, gia đình với bối cảnh hạn hẹp trong khuôn khổ thành phố, vừa tiết kiệm thời gian chi phí lại dễ hút quảng cáo. Điều này đã làm nên sự mất cân bằng trong không gian đời sống và hình ảnh các nhân vật thể hiện trên phim truyền hình.


Những cảnh đời, số phận... 


Đạo diễn Phan Hoàng cũng từng trăn trở “tại sao nghệ thuật lại không hướng về nông dân – vốn là nguồn gốc xuất thân của nhiều người”. Thật vậy, khi ống kính hướng về phía đồng ruộng cũng là mở ra bao nhiêu cảnh đời, bao số phận truân chuyên.


Ký sự pháp đình cũng là một bộ phim mang tính nhân bản khi câu chuyện luôn hướng về phía cuộc sống của những gia đình phạm nhân ở nông thôn. Đạo diễn Tường Phương và ê-kíp thực hiện cũng vừa lên đường đến Hà Tiên để thực hiện tiếp phần 2 của phim.

Bộ phim Ngõ vắng (đạo diễn Nguyễn Dương, do Lasta sản xuất) hay phim Hoa gió (đạo diễn Hồ Nhân, Hãng phim TFS) trước đây cũng đã khiến người xem chạnh lòng bởi những cảnh đời chìm khuất trong cuộc sống của nông dân được mở ra. Hồn hậu đó, chân chất đó nhưng những lo toan đau đáu và những bất hạnh, nghiệt ngã luôn chực chờ phủ chụp xuống cuộc đời của họ - vốn dĩ đã bị vây hãm, bức bối bởi cái nghèo.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo