xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Sống lại bài chòi

Dương Quang

Sau nhiều năm hồi phục yếu ớt, vào dịp Tết Đinh Hợi năm nay, trò chơi bài chòi nở rộ, được tái hiện rất sinh động tại các làng quê cho đến phố thị ở khắp miền Trung, kéo dài từ đêm giao thừa đến hết mùng 8 Tết

Bài chòi là trò chơi dân gian phổ biến của người dân các tỉnh, thành từ Quảng Trị đến Phú Yên trong các dịp lễ hội và Tết cổ truyền. Bài chòi xuất thân từ bài tới, do người chơi ngồi trong chòi tre nên có tên bài chòi.

Trò chơi dân gian độc đáo.- Thông thường, người ta dựng lên 11 cái chòi, trong đó có một chòi trung tâm (chòi cái) và các chòi con. Tại chòi cái có một cái ống đựng thẻ và đựng bài cái. Bộ bài có 30 cặp gồm 3 cặp yêu là Ông Ầm, Thế Tử, Bạch Huê và 27 cặp của 3 pho (văn, vạn, sách - mỗi pho có 9 cặp). Sau khi những người dự chơi đóng một khoản tiền, mỗi chòi được phát 3 quân bài nọc trên đó có in tên quân bài và hình vẽ cách điệu. Nhiều quân bài có cái tên Nôm rất ngộ, như: Ba Gà, Năm Rún, Sáu Bưng, Bảy Thưa, Tám Dây, Chín Gối, Nọc Thược (còn gọi là Nhất Nọc)... Anh hiệu (tên gọi của người hô bài chòi) giữ nguyên bộ bài để điều khiển cuộc chơi.

img
“Anh hiệu” Lương Đáng (trái) đang hô bài chòi trong đêm giao thừa ở Hội An

Mở màn là tiếng trống hội để thúc giục những người chơi vào chòi ổn định chỗ ngồi. Anh hiệu bắt đầu hát rao câu lục bát theo tiếng đờn cò và nhịp trống con: “Gió Xuân phảng phất ngọn tre. Bà con cô bác lắng nghe bài chòi”..., rồi xóc ống thẻ, rút quân bài, trúng tên con nào, hô tên con đó. Thú vị ở chỗ, tên quân bài được anh hiệu rao hát bằng thơ theo các làn - điệu quen thuộc của miền Trung như: Xuân Nữ, Xàng Xê, Cổ Ban, Hồ Quảng... Ví dụ như rút trúng quân Nhất Trò thì anh sẽ hát: “Đi đâu ôm tráp đi hoài. Cử nhân chẳng thấy tú tài cũng không”. Gặp quân Nhì Nghèo, cách hô càng phức tạp, độc đáo hơn: “Một mà (ư). Một mà anh để em ra. Hai thì anh để em ra, em về. Em buôn em bán. Trả nợ bánh tráng, trả nợ bánh xèo. Còn thì dư em trả nợ thịt heo. Anh đừng làm em nữa, kẻo mang (thì) nghèo, mang nghèo vì em. Nghèo (quớ) Nhì Nghèo”. Nếu gặp con Bạch Huê (Bạch Tuyết), câu hô ẩn ý, rặt cái kiểu “tục mà thanh” Trung Bộ: “Đàn bà sao quá vô duyên. Mặc quần thủng đáy hớ hênh kia kìa...”.

Những người chơi hưởng ứng bằng cách hễ ai có quân bài vừa được xướng tên thì gõ 3 tiếng vào mõ, hoặc hô to “có”. Anh hiệu sẽ cho đem quân bài vừa hô tới để giao cho người đó, làm thành một đôi. Chòi nào đủ 3 đôi trước thì hô “tới” và ăn (thắng) hội chòi đó, được tiền thưởng. Chừng 10 lần hô là kết thúc một hội.

“Anh hiệu số 1” của bài chòi miền Trung.- Chơi bài chòi thì dễ, nhưng hô bài chòi mới khó. Người hô bài chòi không chỉ hát hay, dí dỏm mà phải giỏi ứng phó, giàu vốn sống và dẫn chương trình thật có hồn. Ở Hội An (Quảng Nam), nơi bài chòi trở thành một hoạt động hội quan trọng của phố cổ, có một anh hiệu đa tài, được đánh giá là người hô bài chòi giỏi bậc nhất Trung Bộ hiện nay, đó là Lương Đáng, năm nay 46 tuổi.

Lương Đáng quê Cẩm Hà, cách phố cổ chừng 8 km. Khoảng 40 năm trước, cậu bé Đáng thường theo mẹ xuống bến sông Hoài nghe bài chòi và trở nên đam mê trò chơi này từ đó. Qua bao thăng trầm của thời cuộc, Lương Đáng vẫn ấp ủ thú đam mê làm anh hiệu bài chòi. Nhờ trí nhớ tốt, chất giọng đặc và duyên dáng, anh trở thành linh hồn của các hội bài chòi Hội An từ ngày đô thị cổ này trở thành Di sản Văn hóa Thế giới (năm 1999). Không dừng lại ở những câu hát cũ, anh còn lặn lội đến các vùng sâu, vùng xa miền Trung để sưu tầm thêm các câu hát, các làn điệu về bài chòi. Từ những điệu hô xưa, Lương Đáng sáng tạo nên các câu hát mới, dí dỏm, phù hợp với cuộc sống hiện đại, được người chơi thích thú.

Hội An tổ chức hội bài chòi vào mỗi đêm rằm phố cổ hằng tháng (ngày 14 âm lịch), trong các ngày hội, lễ, Tết... và ở đâu có bài chòi, ở đó có Lương Đáng. Nhiều người vào vai thử, nhưng chưa ai thay thế được anh. Anh cũng từng dẫn đoàn văn nghệ dân gian địa phương tham gia các hội diễn khắp nơi, giới thiệu bài chòi trên chương trình Hành trình Văn hóa của VTV3. Người dân Hội An nói rằng nếu không có Lương Đáng, bài chòi Hội An không hồi sinh mạnh mẽ như hôm nay.

Sức hấp dẫn của bài chòi

“Rủ nhau đi đánh bài chòi. Ở nhà con khóc đến lòi rún ra”. Người miền Trung có câu thơ như vậy để diễn tả sức lôi cuốn của trò chơi dân gian này. Theo Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch tại miền Trung, trò chơi bài chòi đang được chính quyền các địa phương chú trọng đầu tư kinh phí và nhân lực để khôi phục và phát triển. Trong dịp Tết Đinh Hợi, khoảng 100 hội bài chòi được mở ở miền Trung, nhiều nhất là ở Huế, Quảng Nam và Bình Định, được người dân nhiệt tình hưởng ứng nhờ tính lành mạnh, giàu trí tuệ...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo