Với chi phí cao chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc: 13 triệu USD, tại Hàn Quốc chỉ trong năm ngày đầu tiên công chiếu, phim đã bán ra 2 triệu vé và sau 39 ngày, số vé đã vượt ngưỡng 10 triệu vé, ghi dấu ấn vào lịch sử điện ảnh nước này như một bộ phim ăn khách nhất. Đó là chưa kể công ty sản xuất phim- Kangjegyu Films- đã thu tiền bản quyền phát hành hơn 10 tỉ won từ các nước châu Âu, châu Á tại hội chợ phim Mỹ diễn ra hồi tháng 3 qua, cũng như hàng loạt những lợi nhuận khác mang lại từ ngành du lịch, từ việc bán những sản phẩm liên quan đến bộ phim. Tại Hàn Quốc, người ta ước tính khoảng 1/3 dân số đã xem phim này vì phim chỉ dành cho người 15 tuổi trở lên trong khi theo thống kê dân số Hàn Quốc có 35 triệu người trên 14 tuổi. Trước Cờ bay phấp phới chỉ có phim Silmido bán được 10 triệu vé nhưng phải mất đến 58 ngày chiếu.
Xem để cảm nhận giá trị hòa bình
Không có những chuyện tình tay ba, tay tư đẫm nước mắt, không có những cảnh quay đẹp lãng mạn thường thấy trong các bộ phim Hàn, Cờ bay phấp phới đầy rẫy những cảnh chiến tranh tàn khốc. Lấy bối cảnh thập niên 1950, phim khắc họa lại cuộc chiến tranh bán đảo Triều Tiên. Nhân vật chính trong phim là hai anh em ruột Jin Tae và Ji Seok. Mồ côi cha từ lâu, mọi trách nhiệm trong gia đình đổ lên vai Jin Tae. Anh chỉ có một mơ ước giản đơn là lấy được người con gái mình yêu: Young Shin và nuôi cậu em trai Ji Seok học hành tử tế. Chiến tranh nổ ra đã dập tắt mọi hy vọng giản dị đó, cả hai anh em cùng lên đường nhập ngũ và trớ trêu thay họ lại đứng ở hai đầu chiến tuyến. 140 phút phim đã dẫn dắt người xem nhớ lại quá khứ đau buồn của cuộc chiến Nam-Bắc Triều nhưng nếu chỉ có thế thì Cờ bay phấp phới đã không chinh phục cả khán giả quốc tế. Chính những giằng xé nội tâm của hai nhân vật chính khi phải đối mặt sinh tử với người thân của mình, những nỗi đau chia ly mà nhiều gia đình phải hứng chịu trong chiến tranh đã khiến người xem không thể cầm được nước mắt khi nghĩ đến nỗi đau gây ra từ những cuộc chiến Afghanistan, Iraq ngày nay. Bài học chiến tranh mà bộ phim mang lại vì thế có giá trị sâu sắc trên toàn thế giới, giúp người xem hiểu rõ hơn ý nghĩa của hai chữ: hòa bình.
Cuộc lột xác của hai diễn viên chính
Cờ bay phấp phới không chỉ hấp dẫn ở phần nội dung mà còn nhờ tài diễn xuất của dàn diễn viên ngôi sao: Jang Dong Gun (vai Ji Tae), Won Bin (vai Ji Seok), Lee Eun Joo- người vừa qua đời vào tháng 2 qua (vai Young Shin). Với Cờ bay phấp phới, hai tài tử Jang Dong Gun và Won Bin đã “lột xác” hoàn toàn, người xem không còn thấy hình ảnh “trai đẹp” quen thuộc của họ trên màn ảnh. Tình cảm anh em, tình máu mủ ruột rà mà cả hai thể hiện trong Cờ bay phấp phới làm khán giả rơi lệ. Thành công của bộ phim đã trở thành bệ phóng đẩy tên tuổi Jang Dong Gun và Won Bin vượt ra khỏi biên giới châu Á. Dạo gần đây Jang Dong Gun đã tạm rời xa những vai diễn công tử hào hoa trong các bộ phim truyền hình để chuyển sang những vai diễn lớn hơn trên màn ảnh rộng và sự chuyển hướng của anh được xem là đúng đắn. Cách đây bốn năm, tại Liên hoan Phim châu Á- Thái Bình Dương anh từng nhận giải Nam diễn viên phụ xuất sắc trong phim Friends.
Cờ bay phấp phới không phải là bộ phim ăn khách đầu tiên lấy đề tài chiến tranh Nam-Bắc Triều, trước đó phim Swiri (1999) cũng thu hút người xem không kém. Cả hai phim đều là tác phẩm của đạo diễn Kang Je Gyu. Sau thành công của Cờ bay phấp phới, Kang Je Gyu đã được một trong những công ty hàng đầu của Hollywood: CAA mời ký hợp đồng và dự án đầu tiên là bộ phim trị giá 100 triệu USD Mỹ-Hàn Quốc-Hồng Kông-Nhật hợp tác sản xuất, nội dung nói về nhân vật Khổng Tử. Đây sẽ là bộ phim chào mừng Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008.
Bình luận (0)