xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khai tâm từ cát

MINH PHONG ảnh Huỳnh Công Bá

Không ai sinh ra ở cát mà phản bội lại cát làng.

1. Ông Róp năm nào tảo mộ đoạn 18 tháng chạp đều kêu bọn trẻ con lít nhít trong họ đến dọn xôi nếp đậu lạc, không cho chúng ăn thịt mà dọn hết các món cá từ to đến bé nhất. Hàng chục loại cá, mỗi thứ 3 con, loại to thì bỏ một hay hai khúc trên cái nia rộng lắm. Rồi ông lấy tàu chuối chuốt lá dùng làm cái thước chỉ vào từng loài cá nói tên. Đây là con cá dở, thịt nó rất ngon; nó to bè, sống tầng đáy. Xưa có ông vua thích ăn cá dở. Để tiến vua, dân phải phi ngựa nước đại từ làng biển khó khăn nhất vào kinh thành cho cá còn tươi. Sức người mệt lử, sức ngựa tàn lực, mỗi ngày mất mấy con ngựa. Một lần được dùng bữa với vua, vị quan từ làng biển đỗ đạt phải giải thích con cá này tên gì mà ngon. Thương ngư dân và quốc khố dùng tiền mua ngựa đưa cá vào kinh quá tốn kém, vị quan đã bẩm tấu đó là cá dở, làng của thần không ăn, bắt được là bỏ đi vì vị cá thua cả cá nục. Vua nghe ra, dặn đầu bếp bỏ món cá dở đi, đã ăn là nem công, chả phượng chứ đồ dở ăn làm gì. Từ đó, người, ngựa, ngư dân không còn cảnh cung tiến cá mỗi ngày, huyền thoại cá dở đến nay vẫn còn và ngon nức tiếng.

Khai tâm từ cát - Ảnh 1.

Mỗi con cá, ông Róp kể một sự tích cho bọn trẻ. Người lớn dự cỗ họ hàng nhà trên, bọn trẻ ngồi lẫn vào cát. Gió mùa đông thổi cát vào cả xôi, cả cá. Ông bắt chúng ăn, ăn để cho biết ngày xưa tổ tiên dựng làng phải đối mặt với cát như thế. Làng biển nào cũng khó, từ đáy cát mà đi lên, không ai sinh ra ở cát mà phản bội lại cát làng. Cát khó khăn, trắng buốt nhức mắt nhưng đó là đất đai hương hỏa, là bản quán ngàn đời. Cát trắng dại khờ nhưng biết nuôi dưỡng từng phận đời trong làng cho cuộc đi biển bảo vệ quê hương của hậu thế biết noi gương lẫm liệt của tiền nhân. Ông Róp khai tâm về cát như thế mà bọn trẻ cứ bốc cơm nếp cùng cá mà ăn như niềm tự hào của bữa vỡ lòng.

2. Làng biển có lệ ngủ biển, ngủ vùi trên cát mỗi mùa hè đến. Lễ ấy kéo dài từng cuộc đời mới lọt lòng đến khi về với tổ tiên trên cát. Mùa ngủ biển hồi nhỏ, thằng Sơn trải chiếc chiếu, bác Phú lại kể cho tôi cốt tích những bậc khai canh làng biển nhỏ bé 350 năm này. Bác kể trong các câu chuyện của người xứ này có được, nó nhiều như cát, công sức bằng máu và nước mắt, cả những chuyện tình vợ đợi chồng mãi không về của bao nhiêu mùa bão tố. Trong nghĩa địa làng biển ấy, nhiều lắm những ngôi mộ gió không có cốt, chỉ vun cát lại thành ngôi mà thờ vọng vì biển vùi vào đáy bao trai tráng mưu sinh gặp lúc gió chướng đột ngột.

Ngủ biển làm ra bao nhiêu cuộc tình trên cát, nghe đã thương cát dại khờ. Một cuộc tình viết lên trên cát trong mấy mùa ngủ biển, ấy là chuyện thằng Sơn kể, anh Thường chị Bình yêu nhau, hẹn ra bãi cát làng bao nhiêu đêm nay mà chỉ ngồi hai người hai bên, ngồi không sát nhau. Con nít cả làng đi xem. Mọi đêm họ vẫn cười nói, mà hôm nay chị Bình khóc hết nước mắt. Anh lên đường nhập ngũ lính biển. Hết hè, đông sang, cái tin lạnh lùng lan về, người yêu của chị đã mất khi làm nhiệm vụ. Chị buồn như con dã tràng cô đơn. Người làng nói con Bình mà đứa nào cưới được nó thật phúc đức, nó có nết lắm; thằng Thường là ngư phủ thứ thiệt rứa mà ông trời không thương mối duyên hai đứa này... Ngày anh lên đường, ngư dân đánh cá vừa về. Họ chia tay, anh cầm lên con cá chai bởi ở chốn đông người không thể hỏi to được. Con cá là biểu tượng câu hỏi: "Chờ ai?". Chị nhón mớ cá ngạnh lên như một ẩn dụ thay lời muốn nói: "Chờ anh!". Vậy mà chị chờ mãi đến lúc cuối đời anh không về…

3. Năm nào đến mùng 1 Tết, nhà mô cũng mở món ăn khai tâm cho con cháu. Món ăn vỡ lòng về thương nhớ, yêu ghét, trách nhiệm với bản quán, xóm làng. Món giản đơn nấu từ gạo đỏ, làng gọi gạo lức, trồng ở ruộng su, đi cấy ruộng nước chấm thắt lưng. Cây lúa gạo đỏ cao lút đầu người, đất trời có bao trái ngang, nó vẫn đứng thẳng. Nó khái tính. Mỗi năm trồng một vụ, thu hoạch xong cất vào bao, đến cuối năm đưa ra xay xát. Mùng 1 Tết, người cao tuổi nhất nhà đứng ra nấu nồi cơm gạo đỏ. Nồi cơm không thơm, có mùi khói lên gian giữa trong nghi ngút khói hương, cả nhà quây quần nghe khấn.

Bát cơm đầu tiên đặt lên bàn thờ tiên tổ để nhớ về tiền nhân khai khẩn đất làng với bao cực nhọc. Chén cơm ngày xưa cha ông khai đất đã dùng thì nay con cháu vẫn gìn giữ. Khi cây nhang cháy đúng phân nửa, bát cơm được đưa xuống đặt lên bàn, sớt mỗi người trong nhà một ít; lộc của công lao khẩn khai cha ông ban phước. Mỗi hạt cơm gạo lức quý giá mồ hôi, xương máu. Bữa ăn không thịnh soạn nhưng có dưa hành, kiệu kèm dĩa bánh chưng. Đặc sản nhất là tô canh rau dền nấu cùng tép biển mua ở chợ làng ngày 30 Tết. Ấy là bát canh nhắc nhớ đi đâu xa cũng nhớ về món ăn quê mùa, thô kệch nhưng đó là nơi cất giữ được tình cảm thương nhớ.

Đũa vót bằng tre trước đêm 30. Đôi đũa úp vào bát, tượng trưng cho chí khí mở mang làng xóm, bát đựng cơm thô mộc từ đất thấm đẫm biểu tượng bản quán đã giữ gìn mấy ngàn năm. Bữa ăn, các nhà trong làng ôn lại thuở đất làng khai sinh. Từng câu chuyện về các bậc tiền nhân lẫm liệt được kể ra về khí phách yêu nước. Những gia đình uyên bác lịch sử kể cho cháu con nghe các trận đánh của hào kiệt hiệu triệu lòng dân đánh bại quân Tống, Nguyên, Minh, Thanh… rồi kể về một số tấm gương lãnh binh bên bờ sông Gianh không khuất phục triều đình phong kiến, chiêu hồi dân chúng, lập thành lũy, kháng thực dân.

Mỗi năm, từng câu chuyện dày lên trong trí nhớ của lớp trẻ sau mỗi lần khai tâm. Tình nghĩa xóm làng, bản quán cứ thế được bồi đắp. Những đứa con của làng lớn lên, ngược xuôi với bao dâu bể cũng không thể nào phai mờ nhiều câu chuyện bên bát cơm gạo đỏ. Ấy là chuyện ở làng cát Thanh Bình, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình quê tôi đó…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo