xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện ở hàng dứa

Truyện ngắn dự thi của BÙI THU TRANG

Sau giờ làm, trên đường về nhà, tiện đường Lam rẽ vào chợ với ý định mua ít dứa.

Dứa chính vụ mùa hè trồng trên đất đồi Thạch Thành đưa xuống, vừa thơm lại vừa ngọt. Nhưng cảnh chợ cuối ngày nhộn nhạo với nhiều mùi hỗn tạp. Mọi người bán, mua vội vã như chạy đua với ráng chiều để nhanh chóng kịp về nhà chuẩn bị cho gia đình bữa tối. Nhanh chân tìm đến hàng dứa của một chị tuổi tầm trung niên. Dù không biết tên nhưng Lam vẫn thường mua hàng của chị bởi sự cẩn thận, sạch sẽ nơi người bán. Trong khi Lam đang cúi người loay hoay chọn dứa thì có bà lão ăn xin đi đến cất giọng khàn khàn yếu ớt, đồng thời chìa chiếc nón lá đã cũ ra trước mặt chị bán hàng. Lam thoáng thấy chị nhanh tay bỏ vào đấy vài đồng tiền lẻ rồi lại thoăn thoắt gọt dứa.

Chuyện ở hàng dứa - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Rồi, chiếc nón lại giơ đến trước mặt những người mua hàng. Lam ngước nhìn bà cụ, thấy gương mặt khắc khổ và vóc dáng tiều tụy thường thấy ở nhiều người ăn xin mà Lam vẫn gặp đây đó. Một chị áo đỏ ném vào chiếc nón lá của bà lão ăn xin năm ngàn đồng, kèm câu nói như quát: "Sao đi đâu cũng gặp ăn xin!". Chẳng biết có nghe rõ, bà lão ăn xin vẫn run run giữ chiếc nón trên tay, lẳng lặng nhận tiền rồi lê bước đi tới những người khác. Lần này là một cô gái trẻ hơn, cũng đang chọn dứa giống Lam.

Cô gái trẻ cất lời, giọng nói nhỏ vừa đủ nghe giữa những tạp âm chợ chiều: "Bà ơi, cháu không còn tiền lẻ đâu, bà có ăn dứa thì cháu mua cho". Đáp lời cô gái là tiếng khàn khàn của bà lão ăn xin: "Vâng, vậy cô cho bà xin vài miếng". Cô gái quay sang chị bán dứa nói nhỏ: "Chị gọt trước cho bà quả nào ngon ngon, lát nữa tính luôn vào tiền dứa của em".

Trong khi chị bán hàng gọt dứa cho bà ăn xin, chị mặc áo đỏ lúc nãy lại cất tiếng: "Mấy bà ăn xin này đến lạ, con cái đề huề, nhà cửa có thì không ở, cứ thích vác túi đi ăn xin, hay lại thích xây nhà to hơn?". Không ai phản ứng lời chị ta, chỉ thấy bà lão ăn xin thều thào giọng phân trần: "Bà mà còn con cái thì chẳng bao giờ đi ăn xin cả. Đi thế này, khổ lắm…".

Nghe vậy, Lam chợt thoáng nhớ đến câu chuyện mình gặp trước đây không lâu. Trong một lần ngồi quán chè với cô bạn học cùng cấp ngày xưa, cũng có một bà ăn xin đến bàn. Bà cho biết mình lên thành phố thăm con bị ốm nằm viện, đang trên đường bắt xe về quê nhưng không may đánh mất tiền, rồi bà bảo đi xe hết bốn lăm ngàn đồng, đã trình bày hoàn cảnh với lái xe nhưng họ không thông cảm. Nghe thương tâm quá, Lam và bạn gọi thêm cho bà lão cốc nước mát rồi cho bà đủ tiền đi xe về quê.

Trời mùa hè xứ Thanh quê cô chói chang và bỏng rát. Ra khỏi nhà là như Ninja nên chẳng dễ để người quen nhận ra nhau. Sau khi rời quán chè với đầy đủ dụng cụ "hóa trang" chống nắng bên ngoài, với ý định phi xe về chỗ làm với tốc độ nhanh nhất. Nhưng con xe Lead đời cũ nhanh chóng phanh kít trước vạch vôi trắng khi đèn đỏ tín hiệu bật sáng. Trời nắng nóng mà đèn đỏ báo chờ 50 giây. Liên tiếp những chiếc xe phía sau dừng đỗ, xì khói khiến bầu không khí thêm ngột ngạt đáng sợ. Qua kính râm chống nắng, trước mặt mình, Lam bỗng thấy hình như là… người quen quen. Và một giọng nói rền rĩ cất lên: "Cô ơi, bà lên thành phố thăm con bị ốm nằm viện, đang trên đường bắt xe về quê nhưng không may đánh mất tiền, về quê đi xe hết bốn lăm ngàn, đã trình bày hoàn cảnh với lái xe nhưng họ không thông cảm. Cô ơi…". Lam thấy tai mình nóng ran, có gì đó như bất nhẫn, vỡ òa. Trước khi phóng xe đi khi đèn tín hiệu chuyển màu, Lam chỉ kịp nói: "Cháu vừa gặp bà ở quán chè đấy". Lam không tiếc bốn lăm ngàn nhưng cô buồn vì lòng tốt của mình bị lợi dụng.

Lam không còn để bụng chuyện đó. Chỉ là trong lúc chờ chị hàng dứa, cô chợt nhớ ra. Nhưng Lam đồng cảm và tin câu nói run run của bà lão ăn xin với chiếc nón lá đang đứng bên: "Đi thế này, khổ lắm".

Bà lão ăn xin nhận túi dứa đã gọt sạch sẽ từ chị bán hàng và không quên cảm ơn cô gái trẻ trước khi đội nón rời đi. Kế đến, cô gái trẻ cũng vừa chọn xong dứa của mình và đứng lên trả tiền. Chẳng rõ chị bán hàng có quên không nhưng cô gái vẫn nhắc: "Chị tính luôn tiền quả dứa lúc nãy cho em". Tay vẫn thoăn thoắt gọt dứa, chỉ khẽ ngẩng lên rồi lại cúi xuống, chị bán hàng đáp lời: "Em còn mua được cho bà ăn xin quả dứa, chị bán hàng chẳng nhẽ lại không cho nổi, có mấy nghìn thôi mà, chị không tính tiền quả dứa đó đâu".

Bất chợt, Lam ngước mắt nhìn chị hàng dứa thêm một lần nữa. Một gương mặt chi chít vết chân chim, nước da sạm nắng cùng với đôi bàn tay chai sạn của người quen lam lũ. Khuôn mặt ấy không có gì đặc biệt nhưng Lam ấn tượng và nhìn thật kỹ. Rồi trong khi chờ đến lượt mình, Lam tò mò hỏi chuyện. Thì ra, nhà chị dưới xã miền biển, dứa này không phải chị trồng. Mùa nào thức ấy. Cứ sáng sớm chị đạp xe gần ba mươi cây số lên thành phố, đến chợ đầu mối lấy hàng rồi về chợ bán lẻ kiếm lời. Cả ngày như vậy cũng được tầm hai trăm ngàn đồng, tiết kiệm thì tạm đủ chi tiêu cơm, áo, mắm muối cho gia đình. Còn chồng đi làm thì để lo tiền đóng góp cho hai đứa nhỏ học hành với hy vọng ngày mai nên người, đỡ vất vả hơn bố mẹ. Nghe chị nói về hy vọng của mình, Lam thấy chạnh lòng. Cũng chẳng xa xôi gì, mới hơn mười năm về trước. Ngày Lam khăn gói ra Hà Nội nhập học, mẹ đưa cô ra bến xe cùng những dặn dò xen lẫn kỳ vọng. Sau bốn năm, cô trở về quê với tấm bằng tốt nghiệp đại học cũng gọi là đẹp. Nhưng rồi gần chục bộ hồ sơ xin việc nộp đi mà nhận lại là những lắc đầu từ chối tế nhị hoặc im lặng đáng sợ. Lúc này, chẳng còn ai nhớ đến những kỳ vọng bốn năm về trước. Rồi qua sự giới thiệu của người họ hàng xa, Lam cũng tìm được một công việc để đi làm.

Lam vẫn nhớ thời gian đầu đi làm, phần vì chưa quen, công việc lại áp lực và ở môi trường mới, cô có cảm giác mọi thứ rất đỗi xã giao. Bởi vậy, để an ủi mình, Lam tự nhủ chỉ xem đây như điểm dừng chân tạm thời và âm thầm tìm công việc khác phù hợp, tốt hơn khi có cơ hội. Chẳng biết cơ hội không đến hay là sự bằng lòng chấp nhận khiến những ước mơ, dự định về một công việc mới cứ dần trôi xa. Đến bây giờ, Lam vẫn làm công việc cũ như một thói quen mưu sinh. Và những mối lo cơm, áo, gạo tiền lẳng lặng giống như bao người.

Nhưng hôm nay, lúc rời hàng dứa, Lam bỗng thấy cuộc sống nhẹ nhàng, an yên và tươi đẹp lạ kỳ. Chẳng vội vàng, Lam cho phép mình trở về nhà muộn hơn mọi ngày, hai tay trĩu nặng với gấp đôi số dứa định mua ban đầu. Lam nhận ra mình may mắn và hạnh phúc hơn bao người. Cô có một căn nhà nhỏ để trở về khi cuối ngày và ở đấy có những người yêu thương vẫn đang chờ đợi. Lam không thấy mệt mỏi hay cáu gắt chồng con khi để nhà cửa còn bừa bộn…

Sáng ngày hôm sau, khi chuẩn bị đi làm, Lam không quên mang một nửa số dứa đã mua đến cơ quan cho mọi người trong phòng nhâm nhi sau giờ ăn trưa. Dứa để được cả tuần nhưng ăn ngon hơn khi vừa mới hái. 

Cuộc thi truyện ngắn do Báo Người Lao Động tổ chức nhận được rất nhiều sáng tác của các cây bút chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Nhiều phong cách, giọng điệu; từng trải sâu sắc có mà tươi non vụng về cũng có. Có sáng tác mang tính khái quát cao, lại có sáng tác đi vào chi tiết nhỏ.

11-box---bui-thu-trang

Truyện ngắn "Chuyện ở hàng dứa" của Bùi Thu Trang là một sáng tác đi vào những chi tiết nhỏ, với sự vụng về trong cách diễn đạt nhưng lạ thay, khiến người đọc cảm thấy ấm áp. Cái ấm áp của tình người được lan tỏa từ một hàng dứa nhỏ bé, tuềnh toàng. Một bà cụ ăn mày giơ nón xin tiền nhưng cô gái trẻ không có tiền lẻ, xin biếu bà một quả dứa. Cô chủ hàng dứa gọt dứa cho bà cụ nhưng không lấy tiền cô gái trẻ kia. Chuyện chỉ có vậy nhưng làm người đọc xúc cảm, bởi nó rất thật. Và, người kể lại chuyện này, chắc chắn đã từng có mặt ở một hàng dứa tương tự. Tất cả đều là những người lao động nghèo nhưng tấm lòng thì giàu có.

Bùi Thu Trang là một tác giả trẻ (SN 1988), quê Thanh Hóa, từng tốt nghiệp khoa Văn học Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội, hiện công tác tại Báo Văn hóa & Đời sống Thanh Hóa. Thu Trang cho biết: ‘‘Mình có sở thích đặc biệt với thể loại bút ký, ghi chép về cuộc sống; di tích và danh thắng. Truyện ngắn "Chuyện ở hàng dứa" không phải truyện đầu tiên mình viết nhưng là tác phẩm đầu tiên mình gửi để tham dự một cuộc thi viết truyện ngắn".

TRẦN NHÃ THỤY

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

HDBank Minhphu THMilk YoV
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo