xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gác trọ

Truyện ngắn dự thi của PHÙNG PHƯƠNG QUÝ

Bốn giờ rưỡi sáng là tôi thức giấc, thói quen ở nhà quê thường dậy sớm chụm bếp nấu cám heo và ấm nước sôi pha trà cho ba.

 Con gà đá của hai thằng thanh niên phòng bên cũng vừa cất tiếng gáy vang. Tiếng gà gáy trong căn phòng hẹp mười hai mét vuông nghe lanh lảnh chói tai, hệt còi xe hơi ngoài đường. Đồ quỷ sứ! Công nhân xây dựng mà ham gà đá, mang về nhốt trong toa-lét, chủ nhật được nghỉ mới ôm gà đi sới.

Con Chi, bạn đồng hương, chỉ cho tôi tới khu nhà trọ này. "Toàn dân lao động thuần túy, không có dân tệ nạn xã hội. Mày mới ở quê vô, ở đó là hợp lý. Giá có chín trăm ngàn một tháng. OK?". Tôi nghe lời bạn, vì nó đã là dân thành phố gần ba năm rồi. Trước kia ở nhà cũng chăn bò, kiếm củi, trèo bắt tổ chim về nuôi như tôi. Sau nó nghỉ ngang xương năm lớp mười, vô thành phố học việc. Làm công nhân may giày thôi, mà nhìn nó như công chúa, váy áo rộn ràng khoe ngực, khoe đùi, tóc cắt ngắn kiểu búp bê, mắt xanh môi hồng rực rỡ. Về quê ăn Tết, nó gặp tôi đang đi thụ tinh giống cho heo, quần áo cũ mèm, nón lá te tua, mặt sạm nắng thì la lên: "Trời ơi! Mày đại học ra mà thê thảm vậy đó hả? Chồng con đùm đề rồi hả?". "Chưa có chồng! Mà tao học nông nghiệp, lại chuyên khoa chăn nuôi thú y, mày bảo về nhà làm chủ tịch xã hả?". Con Chi bĩu môi: "Thôi bà ơi! Chủ tịch xã không tới cái mặt bà! Con gái duyên dáng mặn mà thế kia mà tối ngày đi bơm tinh cho heo. Mệt quá! Mày làm ơn sắm sửa lại cho gọn gàng chút, rồi đi thành phố với tao. Có bằng cử nhân như mày, thiếu gì việc nhàn hạ!".

Gác trọ - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Nghe con Chi rủ rê, tôi đồng ý cái rụp. Ba má cũng đồng ý nhưng lo lắng gái quê ngơ ngơ như tôi ra thành phố biết có sống được không? Tôi nổi quạu: "Nói gì kỳ quá! Con từng bốn năm học đại học ở thành phố rồi đó! Có ai ăn hiếp được chưa?".

Vậy là tôi có mặt ở Sài Gòn, làm nhân viên cho một công ty xuất khẩu thực phẩm. Lúc đầu, tôi xin thi tuyển làm lao động phổ thông, công ty đã nhận rồi. Sau họ coi lại mớ hồ sơ, bằng cấp của tôi, liền cho vô làm nhân viên văn phòng, phụ trách kho thành phẩm. Công việc không nhàn rỗi nhưng không phải mưa nắng, không chịu ảnh hưởng môi trường độc hại. Mấy tháng nay, da tôi trắng bóc, tóc dài suôn đen nhánh, lại hơi mập ra so với hồi ở nhà làm nghề thú y.

Thời gian đầu tôi buồn con Chi lắm. Nó chơi tôi kiểu "đem con bỏ chợ". Tới Sài Gòn, lo việc cho tôi xong, nó tống tôi vô cái phòng trọ chật chội này. Nó bảo giá thuê nhà bên này rẻ hơn. Chỗ nó có thêm WiFi nhưng tiền nhà một triệu rưỡi lận. "Mày cho tao ở chung với! Vừa có bạn vừa đỡ tiền trọ. Mỗi đứa hết có bảy trăm rưỡi một tháng". Tôi năn nỉ mấy lần, vậy mà nó dứt khoát: "Thôi, tự lập cho quen! Mày ở với tao không tiện!". Xì! Đồ ích kỷ chớ có gì không tiện? Hay nó sợ mình ăn ké?

Phòng trọ của tôi trên gác, nằm lọt giữa hai phòng kế bên và phòng đối diện hành lang giữa. Chỉ có tôi ở một mình. Những phòng kia đều có đôi, có cặp hoặc ba bốn thằng choai choai chui rúc hoặc là nguyên một gia đình bố mẹ và hai con. Cuộc sống riêng tư sau cánh cửa phòng khép lại, lúc đầu làm tôi thích thú. Nó có cảm giác mê mẩn như hồi con nít, lấy chiếc chiếu uốn thành tổ tò vò rồi chui vô nằm co ro, tưởng tượng đây là căn phòng riêng của mình.

Quãng đường từ công ty về nhà trọ của tôi cũng gần, chừng một cây số, đi bộ đúng mười lăm phút là tới. Trên quãng đường ngắn ấy, tôi ráng đi cho thiệt nhanh, vượt qua mấy cái chợ tự phát bao vây quanh cổng ra vào công ty và ngay trên mặt đường. Tôi gọi đó là quãng đường rác. Người ta họp chợ ngay trên mặt đường, trong hầm ngầm đi bộ, dưới gầm cầu vượt… Buổi chiều tan tầm, tôi lại muốn người ta "bao thoáng, bao sạch" cho con đường về nhà. Sau khi chen chúc mướt mồ hôi mới về tới chân cầu thang nhà trọ, tôi uể oải leo lên phòng, chỉ kịp mở khóa, bật quạt rồi nằm vật ra, thở dốc.

Mấy thằng choai đầu gác mở karaoke, nhạc giật đùng đùng, những giọng hát khê đặc, sai nhịp điệu. Ngày chủ nhật, tôi dù hà tiện mà phải chạy ra quán cà phê ngồi suốt buổi sáng, hết mười lăm ngàn cà phê đá, xài ké WiFi. Đến chiều, phòng đầu hùn tiền mở cuộc nhậu. Lại hò hét, nói tục chửi thề, lại nổ như lựu đạn. Tôi đóng kín cửa, chịu trận.

Đòn tra tấn ác độc nhất là những âm thanh buổi tối. Chập choạng là tiếng cãi lộn, chửi thề ở phòng bên trái. Cặp này còn trẻ, đều là công nhân. Chúng cặp bồ sống thử. Thằng kia hay ghen, đòi kiểm tra tin nhắn điện thoại của con bồ. Có lần uýnh lộn tơi bời, đập bể cả điện thoại, khóc lóc lu loa. Nửa đêm, cặp máy bay bà già - phi công trẻ phía đối diện thì thầm. Chị chàng mập ù, chừng bốn lăm tuổi, sống chung với một thằng khéo chỉ cỡ tuổi tôi, người ốm ròm. Họ khen nhau: "Anh giỏi quá!"; "Em đẹp quá, sung quá!".

Phòng bên phải gần sáng có tiếng thở dốc, tiếng hét cố ghìm nén của phụ nữ. Cặp bên ấy rất xứng đôi. Trai khỏe mạnh, tuấn tú; gái duyên dáng, dễ nhìn, chỉ ngoài ba mươi tuổi. Họ đều có gia đình rồi nhưng lên thành phố làm công nhân thì cặp với nhau, góp gạo nấu cơm chung cho đỡ buồn. Tôi biết điều này vì mỗi khi chị kia ở nhà một mình, thường gọi điện cho con. Giọng miền Tây thiệt ngọt ngào, ấm áp. "Ừa! Cưng của má có ngoan hông? Trước khi ngủ có đánh răng hông? Ừa! Con gái ngoan của má! Ráng học nha! Má gửi tiền về rồi nói ba mua giày mới cho nha! Hôn ba giùm má một miếng nha!". Tôi rùng mình, nhớ lại lúc ba giờ sáng cái miệng đó rú lên hoan lạc.

Con Chi biểu có một thằng lái xe nông sản, mỗi tháng kiếm bảy, tám triệu. Hai đứa hùn tiền mướn phòng, tiền ăn tháng, còn khoản sung sướng kia thì... miễn phí. Tôi tự hỏi đêm đêm con Chi có ôm thằng bồ rồi kêu rú như chị nạ dòng phòng bên không? Giờ thì tôi hiểu tại sao con bạn thân không chịu cho tôi ở chung phòng. Tôi ngán, mình kiếm chồng chứ không kiếm bồ, lại cặp chung phòng trọ cho qua ngày thì ớn quá. Gác trọ vẫn có kẻ để ý tới tôi, từ mấy ánh mắt đàn ông thăm dò. Chân dài, da trắng, khuôn ngực gọn gàng, mái tóc đen và mượt. Tôi trẻ trung quyến rũ sao sống một mình? Tôi không cặp với ai, đi làm về là chốt cửa ở trong nhà.

Một lần, tôi nhờ anh hàng xóm vác giùm thùng nước lọc lên phòng. Anh ta tỏ vẻ thích thú vì được biết phòng ở bí hiểm của tôi. "Sống một mình có buồn không em?". "Dạ không! Có gì mà buồn anh?". Gặp tôi ở chân cầu thang, anh chàng ỡm ờ: "Có gì cần, cứ kêu anh nha! Anh sẽ cho em số điện thoại". Tôi mở tròn cặp mắt xếch nhìn lại, anh ta nín khe, rồi né tôi như né con khùng.

Tôi hồi này hay nhớ quê. Nhớ hai con chó Gấu và Bon. Chiều nào tụi nó cũng ngồi đầu ngõ chờ tiếng xe máy của cô chủ về. Tôi nhớ vườn đào sau nhà rợp bóng mát, mấy con heo rừng của ba hay chạy ra ủi trốc rễ rồi nằm khểnh thở hổn hển. Nhớ chiếc võng của má cột dưới gốc mít đung đưa đón gió chiều mát mẻ.

Thấy tôi về nhà, mấy cô chú có trại bò, trại dê mừng rỡ. "Chời quơi! Nhỏ đi đâu mấy tháng nay, báo hại tụi tao chạy tìm thú y như chó đạp lửa?". Cô Sáu Sung ôm qua con dê nhỏ màu nâu, cái miệng đỏ hỏn kêu be be. "Cô cho cháu nuôi làm vốn! Mai mốt có muốn mở trại dê, nói cô chú giúp con giống cho. Khi nào bán xong trả tiền cũng được". Con Gấu quấn quýt bám chân tôi, hết ngoài vườn lại vô nhà, rồi nó tót ngay lên võng nằm, gối đầu lên ngực cô chủ, lim dim mắt giả bộ ngủ.

Con Chi nhắn tin cho tôi: "Mày trả phòng, rồi dọn qua ở chung với tao. Thằng mất dạy kiếm cớ cãi lộn, bỏ đi rồi". Tôi trả lời, đã về quê Nẫu, bỏ việc thành phố cả tuần nay. Bỏ luôn cả năm trăm ngàn đặt cọc cho ông chủ nhà trọ. 

chan-dung-phung-phuong-quy

Cuộc thi truyện ngắn của Báo Người Lao Động mới khởi động 2 tuần đã nhận được hơn 50 truyện ngắn dự thi. Đây là con số rất đáng phấn khởi.

Chủ đề "Người lao động hôm nay" mang tính gợi mở, tạo cảm hứng mạnh mẽ cho người viết. Tuy nhiên, cuộc thi có một thách thức không nhỏ, đó là dung lượng không vượt quá 2.000 chữ. Điều này đòi hỏi người viết phải lưu ý về mặt cấu trúc và kỹ thuật viết. Cách điều tiết này cũng tương tự khi cầu thủ đá sân lớn chuyển sang đá futsal. Sân càng nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật càng điêu luyện, khả năng ghi bàn cao.

"Gác trọ" của Phùng Phương Quý (ảnh) là truyện ngắn trước hết đáp ứng đúng về quy định số chữ. Không thiên về kỹ thuật nhưng viết có duyên, ngồn ngộn chất liệu đời sống, đặc biệt là đời sống của người lao động trẻ, ở nơi xóm trọ, được hiện lên một cách chân thật và không kém phần ám ảnh. Tác giả không đi sâu vào nội tâm nhân vật mà cứ để nhân vật hành động, tự hành động của nhân vật sẽ bộc lộ tâm tình của họ. Đó cũng là một cách viết hấp dẫn.

Phùng Phương Quý quê Phú Thọ, hiện sinh sống tại Tây Ninh. Tác giả là một cây bút văn xuôi quen thuộc, đã in 11 đầu sách và có truyện ngắn đăng trên nhiều báo, tạp chí.

Nhà văn TRẦN NHÃ THỤY

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

HDBank Minhphu THMilk YoV
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo