xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải nghệ

Truyện ngắn dự thi của VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Năm nay ông Thà tròn sáu mươi tuổi. Tóc thì chưa bạc lắm nhưng răng đã rụng gần hết. Vì năm 1990 đói quá nhảy tàu đi mót sắn trên Yên Bái bị ném gãy răng.

Một cái gãy rồi những cái khác cũng đổ theo. Tối nào ông cũng có thói quen tháo hàm răng giả để đầu giường nhưng sáng dậy tìm hết hơi mới thấy. Có khi chuột tha xuống xó bếp. Có khi bị đứa cháu nội giấu trong rổ đồ chơi nằm lẫn với siêu nhân, người nhện. Có hôm không tìm thấy ông phải đi phụ hồ với hàm răng trống huơ trống hoác. Đến bữa chủ nhà mời cơm thịt gà mà chịu chết không tài nào nhai nổi.

Giải nghệ - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Thiên hạ hỏi "sáu mươi tuổi rồi sao không ở nhà vui vầy con cháu, đi phụ hồ chi cho cực?". Ông đồ rằng những người hỏi câu ấy hẳn là chẳng vướng bận tiền nong. Ông đi phụ hồ hằng tháng phải ứng tiền chủ thầu về trả lãi ngân hàng, mua cám gà cám vịt. Lại còn đủ thứ tiền đi ăn đám cưới, đám giỗ, đổi mả, khánh thành nhà. Mồ hôi ráo cũng là lúc hết tiền. Chân mà hết mùi vôi vữa thì đêm nằm lo ngay ngáy không biết xoay đâu ra tiền mà sống. Ông sẽ còn đi phụ hồ đến chừng nào không xách nổi xô vữa mới thôi. Mà lúc ấy ông biết làm gì để sống? Câu hỏi ấy thường xuất hiện trong đầu ông mỗi lúc giải lao ngồi uống hụm nước mát chủ nhà vừa mới pha. Chỉ những lúc tập trung làm việc ông mới quên đi nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Ông đã già thật rồi, xách vài xô vữa là phải đứng thở vì mệt. Hào bảo:

- Cháu mới nhận thêm công trình dưới Hà Nội, lần này chú cầm bay nhé.

- Cầm thì cầm được. Nhưng vợ con bảo già rồi, xương giòn rồi. Đi xây trèo giàn giáo chẳng may ngã xuống thì coi như xong đời.

- Ối giời, làm là phải an toàn mới làm chứ làm mà để tai nạn thì ai làm. Chú cứ yên tâm, giàn giáo làm chắc chắn. Mình làm chứ ai làm mà chú sợ. Hơn nữa xây nhà dưới thành phố tường nối tường nên không phải bắc giàn giáo năm, sáu tầng trát bên ngoài như nhà ở quê. Chỉ trát bên trong thôi, tầng nào trát tầng ấy, không sợ cao quá.

- Ờ. Mỗi tội đi làm xa nhà thì nhớ mấy đứa cháu. Mà cô ở nhà vất vả thêm vì không ai đỡ đần việc lặt vặt trong nhà. Con cái đều đi làm xa, nhà có cháu nhỏ đêm hôm ốm đau cũng không biết xoay xở làm sao.

- Còn hàng xóm láng giềng cơ mà. Chú đi công trình xa với cháu được nuôi ăn ở, lương lại cao hơn chú ạ.

- Ờ thì…

Chỗ ăn chỗ ở của cánh thợ xây thợ hồ là cái lều vài mét vuông dựng tạm. Hai cái dát giường được kê cao chân gạch, dưới gầm để vật liệu xây dựng còn bên trên là chỗ ăn uống sinh hoạt, ngủ nghỉ của sáu con người. Mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng như lò bát quái. Da thịt, mồ hôi nhớp nhúa chạm vào nhau cũng đủ là nỗi ám ảnh của nhiều người. Nhà trong phố, tường nối tường gió không len vào nổi. Hai chiếc quạt phả hơi nóng hầm hập bốc lên mùi xi-măng nồng nặc khản đặc cổ họng. Ông Thà thường ngủ muộn, tầm mười một giờ đêm không khí dịu đi mới chợp mắt nổi. Bốn giờ sáng đã dậy theo thói quen suốt mấy chục năm trời. Nhưng có hôm làm mệt quá ông ngủ ngay khi còn chưa kịp đặt lưng. Ngủ một giấc dài không mê man mộng mị, sáng dậy vươn vai ngửa cổ nhìn trời cảm thấy đó là một ngày hạnh phúc. Cầm cái bay trên tay ông bắt đầu xây từng viên gạch.

Ông học nghề kỹ lắm. Mấy chục năm phụ hồ ông tận tụy đến từng xô vữa, trộn thế nào cho có độ nhão vừa phải. Tránh vữa quá khô thì khó xây, nhanh bị đông cứng, khó điều chỉnh được gạch. Nếu vữa quá nhão thì sẽ bị chảy xệ không giữ được gạch ở vị trí cần đặt. Đến khi đông cứng sẽ không đạt được độ chắc khỏe tốt nhất. Ông cũng không kêu ca mưa nắng, làm sớm hay về muộn. Còn việc là còn làm. Thợ xây cần gì là ới. Hết xách hồ đến khuân gạch, vác tôn, lôi sắt. Ông lặng lẽ học nghề thợ xây nhiều năm trời. Quan sát từng chút một, thỉnh thoảng vào ngày nghỉ là bày vẽ xây hàng rào, bể nước ở nhà. Có khi xây hộ hàng xóm cái nhà tiêu, chuồng vịt. Giờ sáu mươi tuổi cầm bay xây nhà mà vẫn thấy hồi hộp lắm. Nhà là tổ ấm, là nơi che nắng che mưa, là thánh địa của những người coi trọng gia đình. Xây một ngôi nhà vững chãi để người ta sống cuộc đời với biết bao biến cố thăng trầm. Từng viên gạch đều nặng trên tay ông thứ trách nhiệm của một người lao động. Ông nhớ đến ngôi nhà của chính mình. Dột chỗ này, ngấm nước chỗ kia. Trên tường có nhiều vết rạn nứt, nước gạch chảy dài như nước mắt. Ông chỉ mong có tiền xây lại căn nhà, bé thôi nhưng ấm cúng.

* * *

Con trai út của ông mới đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Sau tháng đầu tiên chờ tuyết tan thì từ tháng thứ hai công việc đã bắt đầu ổn định. Tuần nào cũng có việc làm thêm, đóng thuế, chi tiêu ăn ở đi rồi cũng gửi về cho vợ con được hai chục triệu. Đêm nằm ông hay nghĩ đến con, có khi chảy nước mắt vì thương. Làm nông nghiệp ở xứ người cũng phơi mặt ngoài trời từ mờ sáng tới tối muộn chứ chẳng phải làm trong nhà kính như người môi giới nói. Sáng dậy sớm nấu ăn mang cơm ra đồng. Trưa được nghỉ một tiếng tại chỗ, ăn xong lại làm. Ngày nào cũng vậy, bốn phía nhìn đâu cũng chỉ thấy ruộng đồng hẳn là buồn lắm. Nó ở bên đó một mình lúc đau ốm chẳng ai chăm sóc, buồn vui cũng chỉ biết vùi đầu vào công việc để quên. Nhưng phải cố thôi, tuổi trẻ của nó từng có thời bồng bột thì cũng đã đến lúc nó cần hiểu được giá trị của đồng tiền mồ hôi nước mắt. Còn thằng cả thì… Nghĩ đến nó ông chỉ biết thở dài, ba mấy tuổi đời mới vừa hết dại. Giờ nó thấm thía lắm, biết thương biết xót thì bố mẹ đã già.

Hôm qua thằng cả điện xuống bảo "bố về nhà chăn nuôi cho đỡ vất vả. Thiếu đâu con phụ". Món nợ vài chục triệu do chăn nuôi thua lỗ vẫn chưa trả xong. Hết lợn rớt giá lại đến bò. Lúa thì đầu tư phân tro tốn cả đống tiền đến lúc giỗ thì gặp mưa bão coi như mất mùa. Mà chẳng cần mưa bão, lúc thu hoạch xong tính chi phí ra cũng quá tội tiền đong gạo. Người nông dân bây giờ không biết trồng cây gì, nuôi con gì mới ra tiền. Đồng ruộng vẫn cứ xanh nhưng đó là màu xanh của cỏ dại bãi hoang không ai cày cuốc. Trẻ thì chạy vạy vay vốn đi xuất khẩu lao động. Nếu không cũng xin vào các khu công nghiệp, sáng đi tối về đến tháng lĩnh lương chẳng phải "trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm". Già như ông mà về quê thì chẳng biết làm gì ngoài cắt cỏ nuôi mấy con bò, càng chăm càng lỗ. Mà ông thì chẳng muốn làm gánh nặng cho con cái. Mình còn sức khỏe là còn lao động tự lo lấy cuộc sống của mình. Để con cái còn phải sống phần đời của chúng.

- Nếu sau này giải nghệ, có dư dả ít tiền, chú muốn làm gì?

Hào ngồi ngoài cửa lều hút thuốc, mắt ngước nhìn ô cửa trên tòa nhà cao tầng đối diện, miệng vuột ra câu hỏi lẫn trong màu khói. Hào là chủ thầu cũng là đứa cháu bên vợ. Ông Thà đi theo Hào cũng được chục năm. Hào luôn bảo "cháu kiếm được cơm thì chú cũng sẽ no cái bụng". Cùng cảnh nghèo khổ nên dễ thương nhau. Công trình nào bị lỗ thì anh em thợ tự bớt phần mình. Còn công trình nào dư dả thì Hào chia cho mọi người chẳng để ai phải thiệt. Đi làm xa nhà lúc ốm đau nương tựa vào nhau. Cảnh đàn ông chăm nhau lóng ngóng vụng về. Nồi cháo có khi đặc không nuốt nổi, có khi mặn chát trên đầu lưỡi. Nhưng nửa đêm thấy tay ai đó sờ lên trán mình xem đỡ sốt hay chưa mà ứa nước mắt. Ốm nằm đó ngửi thấy mùi vôi vữa nghe thấy tiếng miết từng đường bay mà buồn bực tay chân. Chỉ muốn nhanh khỏe để vụt dậy mà làm. Nhà chủ thỉnh thoảng lại ghé qua chắp tay sau đít giục xây nhanh còn kịp ngày đổ mái. Ngày đẹp trong tháng ít lắm, lại còn phụ thuộc thời tiết. Hôm nào mưa thì sốt ruột mấy cũng chịu chết, rúc trong lều khấn cho mưa mau tạnh. Có hôm cánh thợ giục nhau dậy từ lúc ba giờ sáng, thắp bóng điện lụi cụi xây cho kịp tiến độ. Anh em, chú cháu bảo nhau làm thật nhẹ nhàng thôi để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân xung quanh. Vầng trăng mỏng tang trên bầu trời lẩn dần vào mây. Một tiếng gà gáy xa xăm trong phố khiến ai nấy đều cảm thấy nao lòng.

- Nếu sau này giải nghệ không đi xây cho thiên hạ nữa thì chú về xây nhà cho mình.

- Già rồi sống được bao lâu nữa mà nhà cửa chú ơi.

- Ơ cái thằng này. Thì cũng phải phấn đấu để đến lúc nhắm mắt xuôi tay được nhìn thấy ông bà tổ tiên trên ban thờ không bị mưa dột nắng xiên. Mình không ở thì con cháu mình nó ở.

- Chú nói cũng đúng. Khi nào chú xây nhà chắc chắn cháu sẽ phụ một tay.

Đêm ấy ông nằm xuống duỗi thẳng tay chân ngủ một giấc ngon lành. Mặc kệ lũ chuột chạy vào lều lùng sục khắp nơi. Có lúc chúng gặm cả gót chân chai cứng vì quanh năm bám đầy vôi vữa của ông. Ông khẽ nở một nụ cười móm mém vì bỏ quên hàm răng giả đâu đó trong lều. Trong giấc mơ ông thấy mình đang cầm cuốc bổ những nhát móng đầu tiên trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn. 

Nghèo đến mức "mồ hôi ráo cũng là lúc hết tiền". Chỉ những lúc đắm mình vào công việc "mới quên đi nỗi lo cơm áo…".

11-vu-thi-huyen-trang

Nghèo đến mức cả đời làm thợ xây mà ngôi nhà của chính mình "dột chỗ này, ngấm nước chỗ kia". Trên tường, "nước gạch chảy dài như nước mắt".

Câu chuyện đang ở gam màu xám buồn bã bỗng bừng sáng: ông già thợ xây với cuộc sống cơ cực ấy hóa ra chả nghèo tí nào! Ông thừa lòng trắc ẩn, thừa ý thức tự tôn của người lao động chân chính. Ở tuổi sáu mươi, khi cầm chiếc bay xây một ngôi nhà, ông vẫn còn hồi hộp. Bởi vì với ông, nhà là tổ ấm, là nơi trú ngụ linh thiêng của hạnh phúc gia đình. Mỗi viên gạch xây nhà "nặng trên tay ông thứ trách nhiệm của một người lao động".

Ngắn gọn, dung dị, đạt "chuẩn" truyện ngắn hay. Chỉ hơi tiếc chi tiết lũ chuột với hàm răng giả của ông lão, giá như được tác giả dụng công phát triển thêm chút nữa, truyện ngắn sẽ còn độc đáo hơn, lung linh hơn.

Vũ Thị Huyền Trang, SN 1987, tốt nghiệp Khoa Sáng tác - Lý luận và Phê bình Văn học - ĐH Văn hóa Hà Nội, hiện sống và viết tại Phú Thọ.

TRẦN ĐỨC TIẾN

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

HDBank Minhphu THMilk YoV
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo