xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mình sẽ đi đâu?

Truyện dự thi của LÊ QUANG TRẠNG

Lần đầu tiên lên chuyến xe đò liên tỉnh, em ngơ ngác hỏi mẹ: "Mình sẽ đi đâu?".

Mẹ lắc đầu, không nói. Suốt chuyến đi mẹ chỉ nhắc mấy điều rời rạc về ba như chuyện hôm rồi ba đang ngồi nhậu, bạn nhậu ngỏ lời: "Tui mời anh chị sáng mai 6 giờ, qua nhà tui". Mẹ ngồi bên ngạch cửa vá mấy tấm lưới cá linh, thấy lạ nên hỏi: "Mai nhà anh Tư có đám gì lớn hay sao mà mời vợ chồng em qua sớm vậy?". Ông bạn gật gù: "Tui mời qua chứng kiến tui đánh con vợ tui". Ba lim dim, nốc cạn ly rượu đế, khà ra một hơi dài như vừa nuốt lửa rồi nói trong niềm phấn khích: "Mẹ bây, đánh con vợ thôi mà cũng hẹn ngày mai. Tao đánh là đánh, không hẹn hò chi hết". Nói dứt câu, ba phóng xuống đất, bước ra chỗ ngạch cửa, trấn cổ mẹ đánh tỉnh bơ. Mẹ buông tấm lưới đỡ mấy cú đánh, hét lên rồi bỏ chạy: "Trời ơi, ông làm gì đánh tui". Ba trả lời tỉnh rụi: "Tội mầy nhiều chuyện, người ta mời thì nghe mời đi, hỏi nhiều làm gì?".

Mẹ hỏi, em có nhớ chuyện bữa đó không? Em nhìn mặt mẹ, mắt còn quầng bầm tím. Chỗ đó ngày nào em cũng lăn hột gà cho mẹ, mỗi lần như vậy em thường hỏi: "Hột gà lăn xong con ăn được hông mẹ?". Mẹ nhìn em nghẹn ngào không nói nên lời. Ánh mắt đó giống hệt như ánh mắt hôm nay, mẹ mang theo suốt trên chuyến xe đò liên tỉnh. Cứ đi một đoạn xa, mẹ lại nhắc về ba bằng một vài chi tiết nào đó. Chắc rằng mẹ muốn dọc con đường rời quê này, em hãy nhớ đến một người mà từ người đó, hai mẹ con phải ra đi.

Em còn nhỏ, không nghĩ ngợi gì. Cứ nhìn ra cửa kính xe, hỏi mẹ nơi đây là nơi nào. Còn bao xa thì mình đến nơi. Mẹ nói, sắp đến rồi. Sắp đến. Hai chữ "sắp đến" ấy mẹ vẫn thường hay nói mãi đến sau này, khi đã đến trọ ở phòng của dì Út mấy tháng lâu.

Ban ngày, mẹ và dì Út đi làm, để lại cho em hai hộp cơm và cái remote tivi, muốn coi gì thì cứ mở coi, coi chán thì lăn ra ngủ. Hai năm tuổi thơ em trôi qua vô vị, có khi em thèm được thấy trảng cỏ xanh, để thỏa chân mà chạy nhảy. Căn phòng này thì nhỏ quá, trảng cỏ thì mênh mông, nên đôi chân em mỗi lúc mỗi túng quẫn thèm thuồng sự bao la đồng vọng.

Mẹ nói: "Con có nhớ ba không?". Em trả lời thành thật rằng rất nhớ. Mẹ nhìn em hồi lâu rồi nói: "Vậy má kiếm ba mới cho con nghen". Em nhìn mẹ ngạc nhiên, không hiểu sao mắt em đỏ hoe, ôm mẹ khóc nức nở. Cảm giác rằng nếu có một ai khác bước vào lòng mẹ, ắt em sẽ bị ra rìa, sẽ bị hắt hủi. Mẹ cười cười, dỗ dành, vậy thôi, mẹ không kiếm ba mới, mẹ dắt con về với ba Tèo nghen. Em mừng rỡ, quên rằng mình vừa mới khóc, đôi mắt đỏ hoe và trên mặt nụ cười vẫn còn vương hai giọt nước chưa kịp rơi xuống đất.

Mẹ dắt em về quê. Bữa đó ngồi ăn cơm với ba, em với lấy chai rượu rót vào ly. Ba ngó em, nói: "Con rót cho ba làm chi, Nhung? Mẹ con đâu có thích". Em đâu biết, em chỉ nhớ ba dạy rằng ngồi cùng mâm với ba thì phải rót rượu. Vậy thôi. Mẹ nhìn nhưng không nói, cũng không giận hờn. Gương mặt mẹ lạnh lùng gần như trắng toát. Mẹ chìa cho ba xấp tiền rất mới và rất thẳng. Ba cầm tiền, nhìn mẹ như trăng trối, không đếm tiền cũng không nói gì, tay rung rung ký vào lá đơn mẹ đã điền sẵn. Hình như mọi thứ đã được mẹ bàn tính và sắp đặt sẵn với ba từ rất lâu.

Mẹ cười nhẹ, cầm lấy lá đơn, nói với em: "Con ở nhà với ba, mẹ đi công chuyện rồi mẹ về". Em không mảy may nghi ngờ cuộc ra đi đó của mẹ, cái va-li đầy vẫn còn để ở góc nhà, thì mẹ đi đâu xa được. Nhưng suy nghĩ ngây ngô của đứa trẻ 16 tuổi làm sao níu được bước chân của người phụ nữ phơi phới xuân thì. Cho nên bước chân mẹ đi khuất ở cánh đồng, là mãi mất đi, chỉ tiếng thở dài của ba là ở lại.

Em biết chắc rằng mẹ đã ra đi, khi em bước vào tuổi 18. Ở tuổi đó, em cũng thèm một chuyến ra đi khỏi mảnh đất khô khốc và chật chội này. Em thấy cánh đồng sau nhà đâu là gì mênh mông, con sông trước nhà đâu là gì sâu rộng. Bồ rủ rằng, phố mới thật sự là mênh mông, mênh mông người và mênh mông bao thứ khác. Bồ làm em nhớ đến ánh đèn ở công viên, ánh đèn sáng như ban ngày, người ta buôn bán đủ thứ trên đời, hình như sự tấp nập ấy xuyên cả màn đêm.

Em lấy điện thoại của bồ gọi cho mẹ, nói rằng đang mùa cá linh xuôi dòng từ Biển Hồ xuống, nên ba ở suốt trên đồng nước nổi canh lưới cá. Em ở nhà một mình, nhớ mẹ. Bằng linh cảm của một người mẹ, hình như mẹ thấy được một điều gì đó đang ở kề bên em, đang luồn tay vào áo em, nhồn nhột. Mẹ tra hỏi em đủ điều. Chực nhớ đứa con đã tới tuổi phổng phao, mẹ kêu em phải lên phố ngay, ngay trong sáng mai này. Em ậm ừ không chịu nhưng mẹ đã cương quyết rồi, em không dám cãi.

Bồ nói, em cứ đi đi, lên đó sẽ ổn hơn. Bồ cũng sẽ lên phố, rồi hai đứa mướn nhà đi làm công ty, nghe đồn lương cao lắm. Bồ đưa em cái điện thoại, kêu là cứ lấy mà xài, khi nào tới nơi thì gọi cho bồ. Em ưng lòng nhận lấy. Mây vẫn chưa tan hẳn phía xa, trăng làm sao có thể soi thấy được.

Đợi ba lên đồng, ở nhà em cuốn gói trốn đi. Lên phố. Lúc ra tới lộ cái, em hỏi mình có luyến tiếc mảnh đất đã sinh ra và nuôi lớn em không? Em và lạnh lùng nói "không", dứt khoát. Chuyến xe đò lần thứ hai đưa em đi khỏi đất này. Lần này em không thèm chăm chú nhìn ra khung kính. Em bận lo cho ba một mùa cá linh về. Em sẽ lên phố, rồi bồ cũng sẽ lên. Hai đứa kiếm một việc gì đó làm, đủ tiền thì về quê, rồi cưới!

Dự định là vậy, nhưng đâu phải lúc nào mọi việc cũng diễn ra như em định. Ban ngày, phòng trọ chỉ mình em, buồn quá, bồ hay sang an ủi vỗ về. Bụng em đội áo không lâu sau đó. Mẹ gọi bồ lại phòng, bình tĩnh, rành rọt. Bồ (bây giờ là chồng) ở lại trọ cùng em, ban ngày đi làm xưởng gỗ, mẹ và chồng mẹ (không phải là ba) cũng đi làm công ty. Em ở lại căn phòng chật chội, lại mở tivi, lại xem điện thoại. Em thèm gọi về cho ba hỏi, ba ơi mùa nước năm nay sao nhưng sợ ba buồn khi biết em đã bước sang một khung trời khác, không còn là con bé ngây thơ ngồi nghe ba kể chuyện năm nẵm mẹ mang bầu em, ba khóc ròng đòi cạo đầu đi tu, mẹ đòi tự vẫn. Nội ngoại đau lòng quá đỗi nên tiệc cưới diễn ra ngay trên đồng nước nổi linh binh. Ba vẫn hay nhắc rằng mùa đó cá linh đang về rộ.


Mình sẽ đi đâu? - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Em sinh, đứa bé 2,4 kg, gương mặt y chang ông ngoại. Em mở điện thoại định gọi về khoe với ba nhưng em không biết ba sẽ đùng đùng đòi giết em để rửa nhục hay rồi ba sẽ im lặng buồn rầu, mang nỗi đau giấu kín trong lòng đến lên men. Mấy lần định gọi ba, em lại chần chừ rồi xóa số. Đứa nhỏ khóc ré, em lại bận lòng sang chuyện khác. Ba ở xa, ba dần thêm xa.

Phòng chật, thêm trẻ con bộn bề nhiều thứ. Dượng mỗi lần về ngó hộp sữa 800 ngàn dần vơi đi, lòng dượng xót xa, nhót ruột. Nỗi xót cũng dần nổ ra bằng những cuộc va tay va chân cãi vã. Chồng tăng ca suốt, làm về mệt, lăn ra ngủ, không thèm ngó lấy em đang thở những tiếng buồn, nước mắt lặng thầm rơi ướt áo con.

Đứa nhỏ 3 tháng tuổi, mẹ và dượng giận nhau không ai nói với ai. Điện thoại chồng vang lên những tin nhắn rất dài. Em biết bà chủ độc thân kêu chồng qua nhà có việc. Rồi chồng sẽ ở bên ấy đến hôm sau. Việc dọn kho, rửa xe, cạo gió… thường diễn ra kiểu vậy. Chồng nói tăng ca vậy mới đủ tiền mua sữa cho con.

Lần thứ mấy, có thể hơn trăm, đứa nhỏ khóc giữa đêm khi chồng lục đục mở cửa rời đi. Tiếng đằng hắng của dượng xen tiếng thở dài của mẹ. Con thằn lằn tặc lưỡi tiếc nuối điều chi. Lại mưa rơi, tấm tôn trần quá gần, nghe như trăm ngàn cơn uất hận ào ào trút. Tiếng mẹ lọt trong mưa, tiếng nghe tiếng mất: "Mưa lớn quá… không biết… có ngập phòng… không nữa?". Dượng vẫn lặng thinh, không một lời nào. Em biết, lúc này em có trả lời mẹ cũng không nghe được đâu. Mưa đang rất lớn.

Sáng, nước lé đé nền, dép trôi lềnh bềnh. Dượng đi làm sớm, bước ngang em, nói trỏng: "Gửi thằng nhỏ đi làm được rồi nghen". Mẹ không trả lời, đi ngang em, quăng lại một câu: "Nay tự mua cơm ăn nha, tối mẹ có hẹn". Em thấy mình như đi lạc trong một khu rừng, mà không tìm đâu ra ánh nắng. Em thèm quá một cuộc gọi cho ba nhưng rồi em chợt mông lung: Không biết ba có còn nhậu quậy hay không? Ba có giận hận em không? Căn nhà, dòng họ và quê mình có dang tay đón em và đứa bé, như năm xưa đã bao dung đón em về? Nghĩ nhiều, rối nùi lên. Em tặc lưỡi, "Thôi kệ!".

Em và con rời phố trong một buổi sáng nắng vừa lên, phía xa xa đen kịt một đám mây sắp đến. Ngó mây, em không biết có kịp về quê trước khi mưa không nữa? Kiểu vầy, đường từ trọ ra bến xe thế nào cũng ngập quá gối. Mùa ngập vầy ở phố cũng là mùa nước lớn ở quê, cá linh từ thượng nguồn xuôi con nước vào đồng kiếm ăn. Lớn lên, chúng sinh sản rồi lại kéo bầy đàn ngược dòng nước chảy về lại quê hương Biển Hồ của chúng.

Đứa con tròn xoe mắt nhìn em, như hỏi rằng, mình sẽ đi đâu vậy mẹ? Em không muốn lắc đầu vô định. Nhưng em biết phải trả lời con ra sao bây giờ? 

11-le-quang-trang

Chao ơi, một bức tranh miền Tây tối sẫm. Số phận con gái lồng trong số phận mẹ và những người đàn ông trong đây như bị lời nguyền: lênh đênh nghen, nhớ chà đạp đàn bà con gái nghen, nhớ không được đổi thay nghen. Chỉ mấy nhân vật mà đậm đặc, âm u, hết biết. Rồi làn sóng đô thị hóa như một cú quăng chài, họ bị tóm lấy, bị hốt lên, bị nhặt ra và... thải loại.

Tác giả cho thấy một phẩm chất miền Tây rặt. Đôi ba dòng chấm phá, các nhân vật hiện ra đậm hoặc mờ, đều rất nét, sinh động. Văn lại có văn, viết có nhân vật và có văn, lại nữa, người viết có tình, có thương cảm lớn nên truyện vững chãi, đáng đọc.

Dạ Ngân

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

HDBank Minhphu THMilk YoV
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo