xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phỏng vấn

Truyện dự thi của KIỀU BÍCH HƯƠNG

Người phỏng vấn đã đến. Chị Loan vẫn phải chờ thêm mười lăm phút.

Chị đâm lo không biết lúc ra khỏi nhà bước chân trái hay chân phải trước? Người đầu tiên chị gặp ngoài cổng là ông hàng xóm khó tính bên phải hay bà bác xởi lởi bên trái?

Phỏng vấn - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Các điều dưỡng viên đang ngồi giải lao cạnh đó. Có người bỗng nhận ra chị Loan. "A, em này từng đến đây rồi". Vài người quay ra gật đầu. Chị Loan đã tham gia năm ngày thực tập quan sát tại nhà dưỡng lão này xem học viên có chịu nổi áp lực công việc để đi tiếp hay dừng lại. Khi ấy một điều dưỡng viên đang cho bệnh nhân ngồi lên ghế tắm rồi quay trục xả nước khá vất vả. Thấy vậy, chị Loan lao vào phụ việc ngay chứ không thọc tay túi áo đứng quan sát. Chắc họ vẫn nhớ mặt chị.

Việc nhớ mặt cũng không làm chị bớt lo. Chưa có người gốc Á nào làm việc tại đây. Hồ sơ xin việc viết chưa đầy hai trang vì quá ít kinh nghiệm. Và ở đây có cả bệnh nhân điên. Mới nghĩ thôi mà bụng chị Loan đã nhói lên. Vừa sau giải phóng Sài Gòn bỗng có nhiều người điên long nhong ngoài đường. Lúc ấy chị Loan còn là cô bé cắp cặp đi học, mấy lần bị người điên quơ tay đập vào chấn thủy. Đau tắc thở. Nghe nói chị nộp đơn xin làm việc ở nơi có bệnh nhân điên, mẹ chị suýt khóc trong điện thoại: "Không đi làm vẫn có chồng lo cho, tội gì phải khổ vậy?". Chị Loan thấy ăn không ngồi rồi khổ không kém: "Con còn sức dài vai rộng, sao phải để chồng lo!". Chọn học nghề đi lo cho người khác, cũng đôi lần chị Loan muốn bỏ dở. Người ta cho vào xem thi hài, thăm phòng cân đo nội tạng. Chị mất ngủ mấy đêm khi tận mắt thấy ông bác sĩ luồn kim khâu kết hàm trên với hàm dưới của người chết lại, vì "cứ để người chết há hốc mồm thế này con cháu vào nhìn mặt lần cuối còn đau lòng hơn".

***

Kristof có thói quen mặc ghi-lê đen không cài cúc. Ông muốn khoác nó ra ngoài chiếc sơ-mi trắng cho đỡ đơn điệu và khỏi phải thắt cà-vạt. Trước mỗi buổi phỏng vấn, ông mất khá nhiều thời gian soi gương chải vành tóc mỏng sót lại sau gáy và bên tai. Cần vẻ ngoài trang trọng nhưng đừng quá nghiêm trọng. Về cơ bản ông yêu thích nghề phỏng vấn các ứng viên xin việc trong ngành y. Đó là những ca phẫu thuật tâm lý tinh vi và có nhiều phát hiện bất ngờ. Đôi khi áp lực công việc mệt mỏi, ông thỏa hiệp với cách sơ tuyển theo tiêu chí ứng viên không có tên gốc Bỉ không cần tuyển, hồ sơ dài quá ba trang không đọc, loại ngay đối tượng có con nhỏ, thiếu kinh nghiệm, ngôn ngữ kém, sức khỏe yếu...

Hôm nay Kristof không hẳn có tâm trạng tốt. Nhưng thời tiết bắt đầu ấm dần lên, xương khớp đỡ nhức mỏi. Còn nữa, tay bạn thân là giám đốc nhà dưỡng lão tư nhân này đã đặt bài hợp lý, "từ nay tiếp nhận chủ yếu điều dưỡng viên làm việc bán thời gian. Chỉ cho ký hợp đồng hai tháng, làm tốt ký tiếp ba tháng, ký làm tạm thời khi có nhân viên nghỉ ốm hoặc nghỉ phép. Như thế mới kích thích họ nỗ lực làm việc và người vừa ra trường cũng có cơ hội tích lũy kinh nghiệm. Nghề này cần tình yêu thương và sức lực. Ai thực sự giỏi, ta giữ lại làm việc lâu dài cũng không muộn".

Nhờ thế, hồ sơ của người phụ nữ tên Loan mới đến được bàn của Kristof hôm nay. Ông chưa vội. Từ phòng phỏng vấn, ông khẽ vén rèm nhìn xuống sảnh đợi. Một người đàn bà châu Á đang ngồi trên ghế, tóc đen xõa ngang vai, mặt tròn đầy đặn. Quần âu màu cam và áo sơ-mi trắng thêu hoa khá tươi tắn, gọn gàng. Các ngón tay cô ta lồng vào nhau tạo thành một điểm tựa vững chắc che chắn trước bụng. Cô ta liên tục mỉm cười và hơi cúi đầu khi chào những ông già bà cả ngồi xe lăn hoặc chống gậy tiến về phía nhà ăn. Sống chậm để nhìn sâu. Kristof ước giá ngày nào ông cũng có mười lăm phút quý giá như thế này trước mỗi cuộc phỏng vấn. Mà có khi cần lâu hơn nếu như thư ký không bước vào phòng nhắc đã đến giờ ông ngồi xuống chiếc ghế quay lưng vào cửa sổ một cách chủ động kia. Còn chiếc ghế bên kia bàn, trông ra cửa sổ, chị Loan sắp ngồi vào đó, hoàn toàn bị động khi ánh nắng bắt đầu chói vào mặt.

***

- Cô từng là thực tập viên tại đây?

- Vâng. Lúc đó tôi được cho phép quan sát công việc. Nhưng nơi này để lại ấn tượng tốt nên tôi mong ước được vào làm việc.

- Cô vào khoa nào lúc đó?

Chị Loan bối rối. Kristof gỡ kính ra, nhìn thẳng mắt người đối diện.

- Xin lỗi ông. Tôi không nhớ tên khoa, chỉ nhớ tôi thực tập ở tầng hai.

Khẽ hắng giọng, ông quyết định tấn công ngay khi đối thủ bối rối: "Cô từng làm nghề này ở Việt Nam rồi à? Trong hồ sơ ghi có đến hai mươi năm kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân và người già?".

À, chị Loan lại thấy như vừa được gỡ bí. Chị ngồi thẳng lưng, các ngón tay mở ra, đặt thẳng lên bàn: "Xin thưa, ở nước tôi chưa có nghề này tính tại thời điểm tôi theo chồng sang đây định cư. Vì vậy, tôi là người chăm sóc cho ông bà, bố mẹ qua các kỳ ốm đau đột quỵ. Tôi là người chăm sóc dì, cô và các chị gái em dâu qua mỗi lần sinh nở. Tôi từng chăm một bà cụ neo đơn gần hai mươi năm. Thời còn đi học, tôi cũng hay theo thầy cô đi thăm, chăm sóc trẻ khuyết tật, mồ côi ở xứ tôi nên dần yêu thích công việc này".

- Có gì khác biệt giữa chăm sóc bệnh nhân ở xứ cô so với ở đây không? - Kristof lục tìm những góc khuất ông chưa từng biết.

- Hoàn toàn khác. Ở quê tôi chăm theo kiểu thương người như thể thương thân. Nhưng làm theo cảm tính, truyền miệng, không có chuyên môn. Còn ở đây, tôi được đào tạo chuyên nghiệp. Tôi học thêm cả nguyên tắc nghề nghiệp hợp lý và khoa học.

- Chỉ năm ngày thực tập mà cô đã nói mơ ước được làm việc ở đây. Điều gì tác động mạnh mẽ đến vậy?

- Người Việt chúng tôi có câu "trăm nghe không bằng một thấy". Chỉ vài ngày ở đây nhưng tôi đã được các điều dưỡng viên chỉ cho cách nhận biết một bệnh nhân tai biến nặng đẩy lưỡi ra nghĩa là họ không muốn ăn nữa. Tôi được chỉ cách quan sát bệnh nhân nuốt, cách chống nghẹn khi cho họ uống. Tôi tận mắt thấy một loại bột làm sánh nước uống cho bệnh nhân tai biến. Còn điều này nữa. Tôi đã rất ngưỡng mộ cách một điều dưỡng viên nhỏ bé đỡ và xoay trở bệnh nhân to gấp ba lần cô ấy. Điều này phải học mới có thể làm được để tránh ảnh hưởng sức khỏe cả người chăm lẫn người được chăm.

- Nếu được nhận vào làm việc, cô chọn chăm sóc người bị lẫn nặng hay làm ở khoa bệnh nhân tâm trí bình thường?

- Tôi sẽ chọn làm ở khoa bình thường.

- Sao vậy? Làm ở khoa bệnh nhân mất trí nhớ dễ hơn cho cô chứ. Họ không nhớ và cũng không đòi hỏi gì nhiều đâu, càng thuận lợi khi tiếng địa phương của cô chưa thông thạo.

- Tất nhiên tôi đã được học về lý thuyết và từng thực tập với người bị lẫn nặng, thậm chí người hơi điên loạn - nói đến đây chị cố gắng giữ nhịp thở đều trở lại - nhưng tôi vẫn muốn được bắt đầu làm việc với những người tâm trí còn minh mẫn. Ông biết tại sao không? Để bệnh nhân, thậm chí người nhà bệnh nhân hiểu rõ về tôi trước đã. Tôi từng thực tập ở nhà một bà cụ mất trí nhớ và một bà cụ còn minh mẫn. Tại nhà bà cụ mất trí nhớ, cô con dâu đến hai hoặc ba lần mỗi tuần để xem xét sổ nhật ký chăm sóc, chi tiền đi chợ. Gặp tôi cô ấy chỉ gật đầu chào đáp lại chứ không nói thêm gì. Điều đó làm tôi không thoải mái. Tôi làm tốt hay dở người bệnh cũng không còn đủ minh mẫn để nhận xét với người nhà của họ nữa. Khó mà lấp được khoảng cách, nhất là với người mới nhập cư như tôi. Ở nhà bà cụ minh mẫn lại khác. Bà cụ thích thú quan sát cách tôi làm việc, kể lại cho con cái, "cô này làm đúng cách của người Bỉ đấy". Tình cảm bồi đắp theo thời gian. Vào ngày thực tập cuối cùng, xe máy của tôi bị hỏng giữa đường. Chính con gái bà cụ lái xe đến đón tôi về cùng uống cà phê, ăn bánh ngọt chia tay.

Chị Loan đang nói bỗng thấy Kristof gật gù. Ông chuyển từ gọi cô một cách trịnh trọng sang gọi tên thân mật.

- Loan, nếu bị một bệnh nhân điên đánh, cô sẽ phản ứng thế nào?

- Tôi sẽ ra khỏi phòng, để đồng nghiệp vào thế chỗ. Hoặc tôi đi ra ngoài một lúc rồi trở lại, cố gắng bình tĩnh giới thiệu tên tôi là Linh. Tôi là một người khác được cử đến chăm sóc chứ không phải cô Loan chán ngắt lúc nãy đâu! Với nghề này và từ kinh nghiệm bản thân, cần "tâm như thủy", vạn vật sẽ tươi mát. Hằng ngày nên làm quen, trò chuyện lại từ đầu với bệnh nhân điên chứ cứ đè người ta ra chăm sóc ngay lập tức dễ bị đánh lắm.

Kristof và chị Loan cùng bật cười. Lúc này chị Loan thoải mái dựa hẳn vào lưng ghế còn Kristof nhướn người về phía trước, chiếc ghi-lê đen tì hẳn vào mép bàn tạo thành nếp hằn ngang bụng.

- Giám đốc nhà dưỡng lão, trưởng khoa hay Loan - điều dưỡng viên, quyết định chất lượng chăm sóc bệnh nhân?

- Tôi. Vì tôi là người trực tiếp chăm sóc hằng ngày.

- Cuộc phỏng vấn đã xong. Giờ Loan muốn hỏi gì không?

- Tôi phải đợi bao lâu mới có kết quả?

- Chậm nhất là một tuần.

Kristof đứng dậy, đi trước ra cửa tiễn chị Loan. Chợt ông hỏi thêm: "Loan thấy buổi phỏng vấn này thế nào?". Không tài nào nhớ nổi sáng nay ra khỏi nhà bước chân trái hay chân phải trước. Nhưng lúc này, chị thấy rõ ràng hai chân mình đang đứng trên bậc cửa, chủ động xoay lưng lại cửa sổ chói nắng, đối diện Kristof: "Với tôi, đây là buổi phỏng vấn thành công. Tôi đã nói ra được nhiều hơn những gì viết trong hồ sơ xin việc. Cảm ơn ông đã lắng nghe!". 

Có cảm giác ngày hôm đó dành cho Loan, ngày của Loan - nhân vật chính trong truyện. Vào những ngày như vậy, mọi việc diễn ra sẽ rất suôn sẻ, trong trạng thái tinh thần phấn chấn và đầy tự tin. Ánh nắng từ bên ngoài khung cửa sổ đối diện hắt vào không còn quá chói mắt. Và cái ông chuyên gia kỹ tính, già đời trong nghề phỏng vấn kia cũng phải bật cười vui vẻ, hài lòng trước những câu trả lời của cô. Còn gì đáng phân vân nữa đâu, về chuyện sáng nay lúc rời khỏi nhà, mình gặp đàn ông hay đàn bà, bước chân phải hay chân trái trước?...

11-kieu-huong

Gặp ai, bước chân nào thì may mắn cũng đã mỉm cười với Loan. Đúng hơn, mỉm cười với cái TÂM của cô. Không hiểu biết về nghề, không tận tụy với nghề, không có cái "tâm như thủy" - tấm lòng như nguồn nước mát lành khiến cho vạn vật tươi tốt - may mắn sẽ quay lưng ngoảnh mặt. Sẽ chẳng có ngày đẹp trời nào là của mình, dành cho mình.

Người hỏi biết lắng nghe, người trả lời "nói được nhiều hơn những gì viết trong hồ sơ". Cuộc phỏng vấn xin việc giống như cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở giữa hai người bạn. Thấp thoáng đằng sau nó là ý nghĩa thực sự của câu chuyện, và đó cũng chính là cái duyên kín đáo của người viết...

Trần Đức Tiến

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Phỏng vấn - Ảnh 4.
Phỏng vấn - Ảnh 5.
Phỏng vấn - Ảnh 6.
Phỏng vấn - Ảnh 7.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo