xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trăng lạnh

Truyện dự thi của NGUYỆT CHU

Chị giơ hai cánh tay lên chới với kêu cứu. Nhưng càng kêu thì càng chìm lút vào bãi rác sền sệt, khét lẹt và hôi thối đang bốc hơi ngùn ngụt.

Chỉ còn hai bàn tay ngoi lên. Những ngón tay gầy guộc, xương xẩu và đen đúa với những chiếc móng tay cáu bẳn huơ huơ trong không khí. Toàn thân đau đớn và rát bỏng. Từng phần cơ thể đang nóng chảy rồi tan ra cùng rác. Chị gào thét, giãy giụa… rồi choàng tỉnh. Mồ hôi ướt đầm. Hơi rác sực lên ám khắp người. Chị thẫn thờ ngồi dậy. Qua tấm fibro xi-măng vỡ trên mái, chị thấy một mảnh trăng hao gầy đang hấp hối mòn mỏi và một vài vì sao đục trong một đêm mùa hạ khô khát. Chiếc quạt điện cơ phành phạch không đủ làm khô cái nhớp nháp trên thân thể chị và xua đi mùi rác nồng nã. Một vài con chuột kiếm ăn đêm sục sạo khua khoắng làm rơi chiếc vung nồi loẻng xoẻng. Tiếng rên khoái lạc từ căn phòng xập xệ bên cạnh. Chị ném mình xuống giường. Rời rã.

Trăng lạnh - Ảnh 1.

Minh hoạ: HOÀNG CÚC

Trở dậy sau một đêm mất ngủ với khuôn mặt bơ phờ mệt mỏi, chị lầm lũi ăn qua loa gói mì tôm rồi mở cửa. Một luồng gió nóng phả qua, mùi nồng nặc xộc lên. Cái ao bên hông nhà đen đặc, lều bều những rác. Mấy con gà trên bờ ao chạy tớn tác.

Bắt đầu một buổi sáng nhộn nhịp ở làng K.

Từng chiếc container hối hả chở rác về. Ấy là những khối rác được ép chặt, cứng như đá được nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Nhật, nghe đâu còn từ cả châu Phi xa xôi. Rồi bao nhiêu ôtô thu lượm rác của cả nước từ những người nhặt rác. Những đống rác cao ngất chắn cả mặt trời, ngập cả lối chim bay. Những đống rác đã trở thành thương hiệu.

Chị nai nịt gọn gàng. Khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ. Chỉ còn hở hai con mắt.

Và một ngày làm việc lại bắt đầu. Tại xưởng.

Những cỗ máy đen ngòm đã bắt đầu kêu khùng khục. Chị cắm mặt vào từng bọc rác đã được rửa qua nước, xốc từng ôm lớn cho vào máy. Từ cái miệng đen đúa tham lam này, túi ni-lông, chai lọ nhựa sẽ được nghiền nát và tuôn ra thành từng khối nóng chảy nâu đen sền sệt. Lúc nào, mùi hôi và khét lẹt của nhựa, tiếng động cơ ầm ĩ nhức óc cũng làm chị váng vất nôn nao. Còn bọn thằng Tính, thằng Vinh, ông Căn kia, lúc nào mình mẩy cũng đỏ rừng rực, đầm đìa mồ hôi khi nhận cái dòng nhựa nóng bỏng chảy ra từ cái ống đen ngòm, để rồi lại cho nó vào máy, chia nhỏ ra thành sợi. Sau đó, nhúng các sợi nhựa bốc khói nghi ngút vào nước cho cứng lại. Rồi lại cắt những sợi đó thành từng mẩu nhỏ. Nâu và đen bóng. Những hạt nhựa tái sinh. Ủ biết bao nhiêu mầm họa.

Chị tháo găng tay, gỡ khẩu trang rồi vặn vòi nước rửa mặt. Người đàn ông tên Căn, da đen bóng và bộ ngực vạm vỡ, đầy hình xăm trổ, từ sau tiến lại, đưa cho chị chiếc khăn. Lau mặt đi rồi vào mà ăn cơm. Nói rồi quay đi. Chị ngẩng lên, thấy cái lưng Căn to bè, như choán hết cả sân giếng.

Bữa cơm trưa qua quýt tại nhà bếp của xưởng. Gọi là nhà bếp nhưng cũng chỉ là phần nhà xưởng được ngăn ra bởi một tấm tôn. Mùi thức ăn trộn lẫn với mùi phế thải bốc lên lợm giọng. Ai cũng muốn ăn cho xong rồi về phòng. Nửa tiếng nghỉ ngơi để buổi chiều tiếp tục với rác rưởi và phế thải.

Ngoài trời, cái nắng như muốn làm chảy ra những chai lọ nhựa, túi ni-lông. Cái ao sau nhà nước sủi ngầu lên thum thủm. Cả con đường làng uốn lượn ngập trong hơi nóng tan chảy của rác.

Những cỗ máy như con quái vật thở phì phò trong phút giây ngơi nghỉ. Những hơi thở đen đặc và hôi thối.

Chị cài then cửa rồi thẫn thờ ngồi xuống ghế, với can nước lọc tu một hơi. Rồi như sực nhớ ra điều gì, chị đứng phắt dậy, chạy ra nhìn tờ lịch treo tường. Chị lẩm bẩm điều gì không rõ. Lại đi sang cái tủ đứng bằng sắt tây đã tróc sơn, móc trong túi áo chùm chìa khóa, loay hoay mở tủ. Lôi ra được một tệp tiền cũ nát. Chị đếm đi đếm lại, vuốt nhẹ từng tờ. Khuôn mặt lộ rõ vẻ lo âu. Rồi lại cất xấp tiền vào chỗ cũ. Khóa kỹ càng và nhét cái chìa khóa vào túi áo trong.

Chị mệt nhọc ngả lưng xuống giường. Trên vòm cây nhãn ngoài cửa sổ, lũ ve gào lên thảm thiết. Chiếc quạt tồng tộc chạy hết công suất. Mồ hôi chị túa ra nhớp nháp. Vẫn nghe tiếng lục đục ở phòng bên cạnh. Rồi tiếng rên vang lên không cần giấu giếm. Tiếng chó béc-giê cắn ông ổng và tiếng quát nạt của lão chủ. Chị cố nhắm mắt lại. Chỉ thấy đứa con gái bé bỏng đang vẫy vẫy đôi tay nhỏ xíu về phía chị. Định lao ra ôm con bé thì tiếng kẻng chát chúa đập vào tai làm chị bừng tỉnh.

Chị lại vớ chai nước tu một hơi nữa rồi mở cửa bước ra.

Những buổi chiều tan rữa trong dây chuyền tái chế nhựa.

Hôm nay, lão Cường cứ lượn đi lượn lại ở xưởng khác mọi ngày.

Rồi nhân lúc nghỉ ăn cơm, lão ghé tai bảo chị tối lên nhà, có việc cần bảo...

Căn nhà của lão to nhất làng, ngạo nghễ mọc lên giữa ngổn ngang rác thải. Lão có đến 20 công nhân, trong đó có hơn chục người làng, còn lại những ai quê xa thì ở trọ luôn trong dãy nhà trọ lão xây. Tiền nhà trừ luôn vào tiền công. So với mọi người thì chị là người mới, lại quê mãi tận trên miền ngược.

Chị ngồi mớm xuống mép ghế, tay mân mê tà áo. Lão cười nhạt. Rồi rút ra trong túi một tệp tiền vứt xuống bàn. Đây, thưởng cho cô số này. Tôi biết hoàn cảnh cô rất khó khăn. Vừa nói, lão vừa vẫn giữ cái tẩu trên miệng. Cô cầm tiền về đi. Tôi cho nghỉ vài buổi về mà thăm cháu rồi lại xuống làm tiếp.

Chị cảm ơn rồi run run cầm xấp tiền trên mặt bàn. Lão vẫn ngồi yên. Những sợi khói trầm ngâm lẩn vào bộ râu tóc muối tiêu của lão. Về đến phòng mà chị cứ ngỡ như là không phải.

Sáng sớm, biết chị định về quê, Căn đã ngỏ ý muốn đưa chị ra bến xe. Chị lắc đầu. Căn vùng vằng bỏ đi. Trên ban công, lão Cường lim dim đôi mắt nhìn theo chị.

Mấy ngày sau, chị lại từ quê về khu tái chế. Không quên mang ít măng rừng, nấm hương làm quà biếu cho lão chủ. May nhờ có ông giúp, tôi mới kịp về. Hai bà cháu con bé vẫn ổn.

*

Một đêm mùa hạ mệt nhoài sực lên trong cái khô khát của đất trời và nồng nã của rác thải. Chị nhìn qua tấm fibro xi-măng vỡ, thấy vòm trời như sụp xuống. Mảnh trăng hao khuyết tái nhợt chập chờn như khuôn mặt tội nghiệp của đứa con gái bé bỏng. Oằn mình giữa cơn đau trong một đống dây nhợ nhằng nhịt. Tiếng gọi mẹ thều thào đâu đó. Chị mở cánh cửa lao ra. Chợt bải hoải rã rời. Chỉ là tiếng côn trùng rền rĩ. Những âm sắc vỡ ra khản đục. Chị ngồi bó gối trước cửa phòng. Mái tóc xổ ra che kín mặt. Những giọt mặn chát nhỏ vào đêm. Trông chị chẳng khác gì một đống rác đang chờ để đưa vào máy nghiền.

Bên hông nhà, cái ao nháng lên như một vũng lầy nhức nhối.

Chị chẳng thể thoát ra khỏi cái vũng lầy đó. Nếu như không có lão. Lão đã hứa hẹn với chị những gì? Sẽ không phải vất vả như bây giờ. Chỉ cần lên xe và giao hàng về các điểm. Lương sẽ nhiều gấp mấy lần. Con gái chị sẽ yên tâm mà chữa bệnh. Người mẹ khốn khổ của chị sẽ bớt nhọc nhằn hơn. Thế là tốt lắm chứ! Ai chẳng mong như vậy. Chỉ cần…

Chị chợt rùng mình. Nhưng ai cũng cần phải sống!

Bình thường, người ta đến nhận hàng tại xưởng nhưng nhà lão cũng có hai cái xe tải để giao hàng. Sáng, bà vợ lão cùng thằng lái xe trẻ đã đóng chuyến hàng đầu tiên rời khỏi xưởng. Quá trưa, khi mọi người vừa cơm nước xong, lão lại gọi chị lên xe cùng lão đi tiếp chuyến thứ hai trong cái nhìn ngạc nhiên của mọi người. Căn đứng từ xa, đôi mắt đục ngầu. Những hình xăm trổ trên thân mình như đang quẫy đạp.

Thoáng chốc trước mắt Căn chỉ còn là một làn khói.

Căn bẻ những đốt ngón tay kêu lục cục rồi nhổ một bãi nước bọt xuống ao.

Lão lái xe chở chị đến chỗ giao hàng. Chị đã thiếp đi, đến khi tỉnh lại thì thấy xe đang tiến vào một cái kho lớn. Cũng chẳng biết đây là đâu nữa. Chị luống cuống định xuống xe nhưng lão ra hiệu chị cứ ngồi yên. Rồi những tải lớn hạt nhựa được người ta bốc xuống xếp vào kho. Kiểm kê, ký nhận rồi cầm tiền. Hết sức chóng vánh. Lão lên xe rồi nổ máy. Bên ngoài, nắng vẫn hầm hập nhưng trời đã về chiều. Chị ngồi thu mình im lặng, trong đầu nghĩ vẩn vơ. Tất cả tụt lại phía sau trong những khoảnh khắc ngắn ngủi khi chị nhìn qua cửa kính.

Xe vẫn đi. Cả chị và lão vẫn yên lặng. Chỉ có tiếng nhạc vàng nỉ non vọng ra từ chiếc máy phát nhạc.

Một lúc sau, chiếc xe dừng lại trước nhà hàng Lá Cọ. Lão giục chị xuống. Rửa ráy rồi ăn cơm.

Nhà hàng nhiều cây xanh nép bên đồi. Cảm giác mát lành giữa một mùa hè cháy bỏng.

Chị theo lão vào một phòng khép kín. Chỉ một lát những món ăn thơm phức được bày ra. Lão gắp thức ăn cho chị, điềm đạm, từ tốn. Rót cho chị một ly bia. Uống đi. Mát lắm đấy. Thoáng chút lưỡng lự. Lão lại giục. Chị nhắm mắt uống một hơi. Rùng mình. Rồi thấy người lâng lâng và khuôn mặt nóng bừng. Lão đến bên chị và đẩy chị vào căn phòng nhỏ phía trong. Chị ngã xuống cái giường trải ga trắng muốt. Hơi men nồng nàn. Khuy áo chị bật tung trước bàn tay khát thèm của lão. Chị như mê man trong những khoái cảm mơ hồ. Lão vùi mặt vào ngực chị mà ngấu nghiến. Bỗng nhiên, một mùi hôi thối sực lên làm chị choàng tỉnh. Đôi bàn tay lão nhớp nhúa tanh nồng. Cả thân thể lão đổ lên người chị như một đống rác đang chờ phân hủy. Chị kinh hãi, hét lên, lấy hết sức mạnh đạp lão ra khỏi thân mình. Hai tay ôm lấy ngực áo, chị lao ra ngoài.

Chỉ một mảnh trăng lạnh lẽo và cô độc đang ngoi lên giữa trập trùng bóng cây đen thẫm giăng mắc giữa màn đêm. 

Làng quê là bối cảnh của truyện ngắn này. Nhưng đó là một làng quê không yên ả. Càng không phải là làng quê thơm thảo. Làng quê rượm rượp những container chở rác về. Làng quê với "những buổi chiều tan rữa trong dây chuyền tái chế nhựa". Ao nhuôm cũng váng lên mùi hôi thối. Và, dĩ nhiên cả không gian ngập ngụa mùi nhựa khét.

11-nguyet-chu

Trong bối cảnh đó, người đàn bà có đứa con nhỏ đang nằm viện, như đang bơi trong dòng tâm thức bức bối riêng mình. Để có tiền lo cho con, chị phải ngã vào vòng tay lão chủ. Chị không muốn rơi vào vũng lầy. Chị muốn nhìn lên, thoát ly thực tại. Nhưng nhìn lên chỉ là một mảnh trăng lạnh lẽo.

Truyện chỉ có vậy. Là mô-típ truyện cũ. Nhưng nhịp văn tuôn chảy tự nhiên. Cách ngắt câu theo nhịp cảm xúc. Do vậy, truyện khiến người đọc bị cuốn theo từ dòng đầu tiên cho đến chữ cuối cùng.

Nguyệt Chu hiện là giáo viên Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội), tác giả của tập truyện ngắn đề tài lịch sử "Người canh giữ phù dung" (DT Books & NXB Văn học) vừa ra mắt khá ấn tượng.

TRẦN NHÃ THỤY

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH


Trăng lạnh - Ảnh 4.
Trăng lạnh - Ảnh 5.
Trăng lạnh - Ảnh 6.
Trăng lạnh - Ảnh 7.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo