xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Xóm ven hồ

Truyện ngắn dự thi của NGUYỄN TAM MỸ

Cuối hạ. Những khu vườn bao quanh hồ Thơ vẫn sum sê cành lá xanh um. Tôi có cảm giác cái nắng chói chang gay gắt của vùng trung du nhấp nhô gò đồi đã chừa thung lũng này ra.

 Và ngọn gió Lào mang theo hơi nóng hầm hập cũng tránh né cái xóm nhỏ độ mươi hộ dân quần cư rải rác ven hồ mà khách phương xa tới tham quan đặt cho tên gọi mới: Làng cây trái miền Nam!

Trưa. Không ngủ. Kha và tôi vừa đi dạo trong vườn nhà anh vừa trò chuyện với nhau. Khu vườn rộng mênh mang trồng toàn sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh… Đã đến mùa thu hoạch, các loại quả lúc lỉu đầy cành. Kha bảo: "Để có được khu vườn như hôm nay, cách đây 15 năm, tôi đã bỏ ra không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc và gánh chịu lắm điều đàm tiếu, gièm pha...". Tôi cười: "Hóa ra, anh là người đầu tiên ở xóm này đem các loại giống cây trái miền Nam về trồng?". Kha gật đầu.

Câu chuyện khiến tôi tò mò. Dưới bóng râm cây măng cụt giữa vườn có bộ bàn ghế đá và hai chiếc võng đay giăng mắc sẵn. Kha và tôi nằm trên hai chiếc võng ấy, lắng nghe lũ chim chào mào cãi nhau. "Là một thầy giáo dạy toán cấp II, anh lấy đâu ra thời gian để làm vườn?". Kha trả lời câu hỏi của tôi: "Ngoài thứ bảy, chủ nhật, mỗi ngày tôi còn có một buổi rảnh rỗi". Rồi Kha kể cho tôi nghe về cái thuở vạn sự khởi đầu nan ấy… Lúc bấy giờ, thấy các loại cây ăn quả bán rất được giá, Kha nảy ra ý tưởng lập vườn, trồng cây. Người ta đua nhau trồng các loại cây đặc sản địa phương như bòn bon, thanh trà và một số giống cây có xuất xứ từ miền Nam như chôm chôm, xoài cát, nhãn lồng… Kha không chạy theo phong trào, chọn ba loại cây khác để trồng, đó là măng cụt, bưởi da xanh và giống sầu riêng cơm vàng hạt lép…

Xóm ven hồ - Ảnh 1.

Minh họa: HOÀNG CÚC

"Anh e ngại sau này "khủng hoảng thừa", bán không được giá do trồng đại trà?" - tôi hỏi. "Không! Những giống cây trồng ấy không phù hợp với vùng trung du nắng lửa mưa dầm. Qua tìm hiểu sách báo, tôi biết được điều đó. Vì vậy, tôi chọn cho mình một lối đi riêng…" - Kha giải thích.

Lương nhà giáo chẳng là bao. Anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư làm vườn. Mua máy bơm, mua ống dây để bơm nước từ hồ Thơ lên tưới cho cây trồng vào mùa nắng hạn. Nhặt đá núi gánh về chất bờ vườn thành từng tầng, ngăn giữ đất không bị mưa lũ xói trôi. Một năm. Hai năm. Ba năm… Bưởi da xanh đơm hoa kết trái. Còn sầu riêng, măng cụt phải đợi chờ thêm ngần ấy thời gian nữa mới cho quả bói mùa đầu. Kha mừng vui không nói thành lời. Nhưng rồi sau đó là nỗi buồn không biết để đâu cho hết, bởi sầu riêng, măng cụt ra hoa rất nhiều nhưng đậu quả chẳng được bao nhiêu. Cây lá xanh um song ra trái không đủ để hái ăn chơi. Lời cười chê, đàm tiếu nọ kia cứ râm ran khắp xóm. Không ít kẻ ác khẩu bảo anh mắc bệnh tâm thần nên mới làm ăn chẳng giống ai. "Thú thật, lúc bấy giờ tôi không khỏi hoang mang, lo lắng. Chẳng lẽ thất bại? Bình tâm lại, tôi nghĩ sầu riêng, măng cụt lên xanh tốt thế kia, nhất định nó thích nghi với đất đai khí hậu vùng trung du nhấp nhô gò đồi. Nó không đậu quả là có nguyên do, cần phải truy tìm cho ra…" - Kha trầm giọng.

Tôi đang háo hức với câu chuyện đã đến hồi gay cấn hấp dẫn thì ông chủ vườn cây trái miền Nam cười bảo: "Có nước sôi, có gói trà Thái Nguyên, tại sao chúng ta không pha một ấm trà đem ra đây thưởng thức?". Và Kha đứng dậy vào nhà.

Ngước nhìn vòm lá ken dày của cây măng cụt, tôi thấy cơ man những quả tròn to màu xanh nhạt điểm những chấm hồng phai ẩn trong nách lá. Trái lớn như thế, có lẽ một cân chưa tới mười hai quả. Phóng tầm mắt ngó qua cây sầu riêng gần đấy, thấy trái nhiều đến nỗi chủ vườn phải dùng dây buộc cành nhánh vào thân cây cho khỏi gãy. Tôi ngồi dậy nhẩm đếm. Cả trăm quả lớn nhỏ. Quả to nhất, bằng chiếc gàu múc nước. Quả nhỏ nhất, cũng bằng trái bưởi da xanh. Còn lại ở mức trung bình, cỡ ba đến năm cân. Sầu riêng là loại trái cây cao cấp, giá bán khá cao nhưng có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Tôi đang lan man suy nghĩ thì Kha tới. Một tay cầm phích nước sôi. Một tay cầm chiếc khay trà. "Anh đợi có lâu không?" - Kha hỏi. "Mình mải ngắm nhìn cây trái, đâu có để ý đến thời gian…". Ấm trà đã pha xong, Kha và tôi ngồi ở chiếc bàn đá đối ẩm dưới bóng cây măng cụt. "Anh kể tiếp đi!" - tôi giục. "Đến đoạn nào rồi, anh?". "Đoạn thiên hạ gièm pha vì cây ra hoa nhưng chẳng chịu đậu quả…".

… Tra cứu trên Google, không có tài liệu nào nói rõ nguyên do. Có điều, qua đó tôi phát hiện ra vấn đề cốt lõi: Hoa sầu riêng bắt đầu nở khi trời chập choạng tối. Ở miền Nam có gió, có loài bướm đêm thụ phấn cho hoa. Còn ở vùng trung du xứ Quảng không có hai tác nhân đó. Để sầu riêng ra hoa đậu quả, tôi gắn bùi nhùi trên đầu sào, soi đèn pin thụ phấn cho hoa khi màn đêm buông xuống. Kết quả thật bất ngờ, quả đậu lúc lỉu ngoài mong đợi. Tôi buộc phải dùng kéo bấm bỏ bớt những quả nhỏ có dáng không đẹp để dưỡng cây. "Vụ mùa năm ấy, tôi trúng đậm" - Kha cười nói. "Còn cây măng cụt? Nó là loại cây dễ trồng song không dễ ra trái…" - tôi hỏi. "Tất cả phụ thuộc vào việc bón phân với tỉ lệ đạm, lân và kali sao cho hợp lý. Thêm nữa, chú ý thời điểm bón phân phải phù hợp với thời tiết ở quê mình" - Kha bảo. Rồi anh giảng giải cho tôi nghe về cách chăm sóc loại cây trồng khó tính này, y hệt một nhà nông học thực thụ. "Chịu khó mày mò thực nghiệm suốt ba năm trời, tôi mới nắm được "bí quyết" điều khiển cây măng cụt ra hoa đậu quả theo ý mình" - nhấp một ngụm trà, Kha cho biết.

Với nguồn thu khá lớn, lại tập trung từ vườn cây trái miền Nam, "ông giáo dạy toán cấp II" không còn là "kẻ tâm thần" trong mắt bà con chòm xóm. Từ gièm pha, họ chuyển qua trầm trồ thán phục, học hỏi làm theo. Kha chia sẻ kinh nghiệm. Đến mùa trồng cây, anh tự nguyện làm "chuyên gia" hướng dẫn tận tình cho mọi người cách đào hố trồng cây, cách bón phân, tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh… Dần dà cả xóm hình thành nên những vườn cây trái miền Nam quanh hồ Thơ với diện tích hơn chục hecta. Tiếng lành đồn xa. Du khách từ khắp các nơi tới tham quan, mua trái cây sạch ngày càng nhiều, khiến cái xóm nhỏ có hồ nước như chiếc gương trời thành điểm du lịch sinh thái. Tôi có mặt ở nơi này cũng là nhờ thông tin truyền miệng của bạn bè. "Nghề làm vườn cũng có cái thú của nó. Mình hiểu tính nết của cây, tận tình chăm sóc cho cây và cây không phụ công người…" - Kha bảo với tôi. "Mỗi năm anh kiếm được bao nhiêu tiền từ vườn cây trái miền Nam của mình?". "Nó cho thu nhập theo cấp số cộng. Năm ngoái, được vài ba trăm triệu đồng" - Kha thật thà cho hay.

Bóng ngày đã xế.

Thoảng nghe trong gió có mùi thơm sầu riêng.

Có tiếng í ới gọi Kha. Tôi giúp anh xách phích nước sôi vào nhà. Người đàn bà tuổi trạc bốn mươi là thương lái trái cây tới ngã giá mua soát vườn cây trái của gia đình. Kha nhất định không bán, lắc đầu: "Không gì tôi mà cả xóm này, không ai bán soát đâu, cho dù chị trả giá cao bao nhiêu chăng nữa". Người đàn bà tiếc nuối tháo lui. Kha cho biết họ mua soát, hái trái già nhúng thuốc chín đồng loạt rồi đem bán. Như thế không nên. Vả lại, mấy năm nay khách ở phố thị lên mua mãi quen rồi. Chưa tới mùa, họ đã gọi điện thoại căn dặn. Cuối tuần, khách kéo tới cái xóm nhỏ này đông lắm. Họ đi dạo ngoài vườn chụp ảnh. Họ mắc võng dưới vòm cây râm mát nằm nghe chim hót véo von. Có không ít nhóm nhờ các gia đình trong xóm làm gà bóp gỏi chuối cây, nấu cháo ăn trưa.

"Bận bịu, vất vả một tí nhưng bù lại, họ trả công khá hậu hĩ - vợ Kha cười góp lời - Mình phục vụ chu đáo tận tình, họ hài lòng nên không tiếc tiền bỏ ra". "Sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh trồng ở đất gò đồi bao quanh hồ Thơ có chất lượng tuyệt hảo, bảo đảm sạch, người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm" - Kha nói.

Tôi đã thưởng thức các loại trái cây của gia chủ sau bữa cơm trưa. Đúng là ngon tuyệt, không chê vào đâu được. Có ai đó bước vào ngõ. Ngó ra, Kha bảo đấy là Phương - nhà ở bên kia, hàng xóm của gia đình. "Thầy giáo được thông báo tối nay họp chưa?" - Phương cười chào tất cả và hỏi Kha. "Rồi! Tối, nhớ ới một tiếng để cùng đi cho vui!". Ngồi nghe hai người trò chuyện, tôi được biết chính quyền địa phương có chủ trương xây dựng cái xóm nhỏ quanh hồ Thơ thành điểm du lịch sinh thái. Con đường bê-tông viền quanh hồ sẽ được mở rộng bốn mét rưỡi, có lan can bảo vệ, có ba chỗ đậu đỗ ôtô con. Hẳn nhiên, hai bên đường trồng các loại hoa. Lòng hồ được cải tạo, nạo vét nhằm chứa nước được nhiều hơn, mùa nắng hạn vẫn không bị khô cạn, du khách tới tham quan, câu cá thư giãn… Chính quyền địa phương có ý tưởng ấy ngay từ khi những vườn cây trái miền Nam hình thành. Do kinh phí hạn hẹp, bây giờ họ mới triển khai thực hiện. "Những hộ dân ở cái xóm nhỏ này được hưởng lợi cũng là nhờ có thầy giáo khởi xướng việc lập vườn trồng cây…" - Phương bảo với tôi.

Mặt trời chiều đã dời bóng nắng ra giữa sân. Tôi ngồi ngắm cái xóm nhỏ ven hồ Thơ ở cách không xa quốc lộ dẫn về phía núi. Rồi đây, cái xóm nhỏ này sẽ được mọi người biết đến với tên gọi mới: Làng cây trái miền Nam… 

Tháng 5-2018

nguyen-tam-my

Đây là một truyện ngắn thiên về kỹ thuật. Nhưng không phải kỹ thuật văn chương mà là kỹ thuật… trồng trọt.

Nhân vật chính là một thầy giáo dạy toán cấp II, sống ở vùng trung du "nắng lửa mưa dầm" nhưng hiểu được nết đất, quyết liệt mở lối trồng cây ăn trái để đổi đời. Thay vì trồng các loại cây ăn trái địa phương thì ông thầy trồng các loại cây trái miền Nam, như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh… Cây lên xanh tốt nhưng không đậu trái. Lời chê bai đàm tiếu phủ xuống đầu. Không nản chí, ông thầy truy tìm nguyên nhân. Cuối cùng thì vấn đề không phải ở thổ nhưỡng mà là kỹ thuật: "Hoa sầu riêng bắt đầu nở khi trời chập choạng tối. Ở miền Nam có gió, có loài bướm đêm thụ phấn cho hoa. Còn ở vùng trung du xứ Quảng không có hai tác nhân đó. Để sầu riêng ra hoa đậu quả, tôi gắn bùi nhùi trên đầu sào, soi đèn pin thụ phấn cho hoa khi màn đêm buông xuống"…

Và, chính cái yếu tố kỹ thuật, hay chi tiết thụ phấn hoa trong truyện đã làm cho câu chuyện tăng phần thú vị, hấp dẫn, mặc dù truyện được kết cấu không mấy kỹ thuật văn chương, đậm chất bút ký.

Tác giả Nguyễn Tam Mỹ, sinh năm 1962, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện công tác tại Báo Quảng Nam. Ông bắt đầu viết văn từ năm 1989, đã xuất bản gần 15 đầu sách, gồm thơ, bút ký, truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết... TRẦN NHÃ THỤY

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

HDBank Minhphu THMilk YoV
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo