xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

40 năm trau chuốt những cung đàn

ANH THƯ – THANH NHÀN

Bằng lòng yêu nghề và sự chuyên tâm, ông thực hiện ước mơ tạo nên những cây đàn “dạo lên là muốn hát liền”

Qua bao nhiêu thăng trầm, có những lúc khó khăn tưởng chừng bỏ cuộc nhưng nhờ lòng say mê và quyết tâm theo nghề, hiện nay, ông đã gầy dựng được 4 xưởng làm đàn và một cửa hiệu trên đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3 - TPHCM, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động. Ông tên Nguyễn Văn Quận nhưng mọi người thường gọi là nghệ nhân Thanh, chủ nhân của hiệu đàn Thanh mà người yêu nhạc thường tìm đến để mua nhạc cụ.

img
Nghệ nhân Thanh (phải) kiểm tra nhạc cụ vừa làm xong tại xưởng. Ảnh: A.Thư


Mê đàn, yêu nghề


“Tôi sinh ở Sài Gòn, trong gia đình có ông ngoại là nghệ nhân làm đàn nên lúc 12 -13 tuổi đã tập tễnh làm quen với công việc. Tôi rất mê cải lương, từng theo chân các đoàn Sài Gòn 1, Sài Gòn 2... Để trình diễn thành công một ca khúc, ngoài chất giọng và một số yếu tố khác, ca sĩ còn cần tiếng đàn hay. Mà tiếng đàn hay, ngoài tài nghệ nhạc công còn phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nhạc cụ” - nghệ nhân Thanh tâm sự. Quá trình đi hát, tiếp xúc với nhiều loại đàn (lắm khi cùng một loại đàn nhưng âm thanh mỗi cây phát ra lại có cái “hồn” khác nhau) đã nuôi dưỡng trong ông tình yêu đàn và ước mơ được tự tay tạo nên những cây đàn “dạo lên là muốn hát liền”. Vậy là ông quyết định chia tay nghiệp hát, quay về chuyên tâm nối nghiệp nhà.


Với tôi, âm thanh của nhạc cụ rất quan trọng. Cầm được cây đàn mình thích sẽ tạo được hứng thú cho công việc. Đàn anh Thanh làm bền, âm thanh hay, không có gì phải than phiền về chất lượng sản phẩm cũng như lòng tận tâm với đàn và với khách hàng của anh.


Nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời (Khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TPHCM)

Ngoài ông ngoại, nghệ nhân Thanh còn tìm học nhiều thầy khác, kể cả những thầy không chuyên làm đàn nhưng có trình độ thẩm định chất lượng âm thanh nhạc cụ như ông Nguyễn Vĩnh Bảo, soạn giả Viễn Châu... Việc học nghề không dễ dàng vì kiến thức ông góp nhặt từ mỗi người thầy rất rời rạc, có khi không đồng nhất. Chẳng hạn trong việc thả cầu cho mặt thùng đàn guitar, có thầy thả 5 cầu, có thầy thả 7 cầu, thả song song hoặc hình rẻ quạt...

Nhưng tại sao họ làm vậy, đó lại là bí quyết. Không chịu thua, ông mày mò nghiên cứu bằng cách gõ, lắng nghe, so sánh độ trầm bổng, trong đục của âm thanh phát ra từ các thùng đàn có cách thả cầu khác nhau. Đối với mỗi loại cầu, ông cho co dãn chúng ở những tỉ lệ khác nhau trên mặt thùng đàn và lại gõ, lắng nghe, so sánh. Ông còn thử bào mặt thùng đàn có độ dày mỏng khác nhau ở nhiều vị trí hoặc chế tạo từ những loại gỗ khác nhau... Với sự chuyên tâm đó, năm 21 tuổi, lần đầu tiên ông làm được một cây đàn tranh mà những người làm đàn lâu năm đánh giá là “rất có triển vọng”.


Trách nhiệm với từng sản phẩm


Hiện nay, thị trường trong và ngoài nước đều có nhu cầu lớn về đàn. Mỗi tháng, các cơ sở sản xuất của nghệ nhân Thanh cho ra đời hàng trăm cây đàn chất lượng cao (hàng làm bằng gỗ tốt) nhưng vẫn không đủ cung ứng. Dù đắt hàng nhưng ông luôn căn dặn thợ không được làm vội, làm ẩu. Thợ ở xưởng cho biết ông kiên quyết không cho họ bó đàn (đặt các bộ phận của đàn vào khuôn và dán lại) vào buổi sáng vì vào thời điểm này nhiệt độ không ổn định khiến độ co dãn của gỗ dao động; đàn được bó lúc này rất dễ bị lỏng, bung. “Làm được một cây đàn khá vất vả từ khâu chọn gỗ, phơi gỗ (tùy loại gỗ, thời gian phơi có thể là vài tuần cho đến vài năm), bào ván, uốn ván, bó đàn, sơn đàn... Cứ xong một nhạc cụ, tôi không dám giao ngay cho khách mà phải nhờ các thầy cô chơi thử để xem âm thanh đã tốt hay chưa?”- nghệ nhân Thanh tâm sự.


Hơn 50 tuổi đời, gần 40 năm tuổi nghề, ông luôn tâm niệm phải giữ cái tâm làm nghề trong sáng. Đối với ông, mỗi cây đàn được làm ra là một đứa con tinh thần. Vì thế ông rất vui mỗi lần thấy đàn của mình được sử dụng trong các chương trình biểu diễn và tỏ ra ray rứt nếu khách hàng phản hồi về những trục trặc. Gặp trường hợp đó, ông đều đổi lại cho khách cây đàn khác tốt hơn. Có lần lô đàn xuất đi châu Âu có một cây khi tiếp xúc với khí hậu lạnh bị nứt, ngoài việc bồi thường cho khách, ông đã bỏ chi phí để đem cây đàn hỏng về nghiên cứu lại.


Tận tình với thợ


Những người thợ làm ở xưởng của nghệ nhân Thanh rất quý mến ông. Huỳnh Lê Tấn Đạt, 17 tuổi, quê ở Tiền Giang, chia sẻ: “Tôi được chú Ba (tên gọi thân mật của các thợ dành cho ông Thanh) nhận cho học nghề với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Chú Ba chẳng những truyền nghề mà còn dạy tôi cách sống. Tôi luôn ghi nhớ lời chú Ba dặn không nên hút thuốc, uống rượu, gắng làm việc để phụ giúp cha mẹ”. Hay như Nguyễn Văn Phong, 20 tuổi, quê Bến Tre, học nghề mới hơn một tháng đã được lên mức lương 2,5 triệu đồng/tháng nhờ chăm chỉ, khéo tay.

Nghệ nhân Thanh giải thích: “Tôi nhận các em từ 15 đến 20 tuổi vào học nghề vì ở tuổi này, tay các em còn mềm, dễ uốn cho dẻo. Hơn nữa, tôi nghĩ ở tuổi các em, nếu đã rời nhà trường mà không học được một nghề thì sẽ dễ sinh hư hỏng”.


Tạo việc làm ổn định ở một nghề vốn có nhiều thăng trầm, phụ thuộc vào thị hiếu âm nhạc của công chúng không phải dễ dàng. Vậy mà nghệ nhân Thanh hiện có những người thợ đã gắn bó với ông gần 30 năm. Anh Đào Thanh Giàu làm cho ông từ năm 13 tuổi, đến nay đã 21 năm, anh Nguyễn Văn Tuấn vào nghề đã hơn 15 năm. “Lúc tôi mới làm, thiếu phương tiện đi lại, ông ứng trước tiền lương cho tôi mua xe. Bây giờ có chỗ làm lương cao hơn tôi cũng không bỏ đi nơi khác vì nơi đây cho tôi việc làm ổn định và vì tình cảm thầy trò gắn bó với nhau như người nhà” - anh Tuấn nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo