xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vì sao CEO ra đi?

Phạm Khôi Nguyên (Công ty Tư vấn Đầu tư STIV)

Trước hết xin nói, vì lý do tế nhị, tôi không nêu tên thật của các nhân vật và các doanh nghiệp (DN) trong bài viết. Nhưng những người trong giới kinh doanh không khó khăn gì để nhận biết, họ là ai.

Cách đây chưa đầy một năm, tôi gặp lại Bình, một người bạn thời đại học. Anh khoe, vừa đi tu nghiệp ở Úc về và được công ty N. ở quận Tân Bình - TPHCM mời làm CEO. Anh hào hứng kể: “Ông chủ hứa sẽ cho mình toàn quyền quyết định mọi việc và tạo mọi điều kiện để triển khai kế hoạch tái cấu trúc công ty”. Bẵng đi một thời gian, mới đây, Bình gọi điện cho tôi, thông báo anh sẽ nghỉ việc ở công ty N. vào cuối tháng 3 này.

Hứa thật nhiều, làm chẳng bao nhiêu

Công ty N. là một DN cơ khí khá nổi tiếng trên thương trường. Cũng như nhiều DN khác, nó cũng có nhiều vấn đề phát sinh khi sản xuất ngày càng phát triển, quy mô ngày càng mở rộng. Do bất đồng với chủ tịch HĐQT, vị giám đốc điều hành xin nghỉ việc. Bình được mời về thay thế anh ta với những lời hứa hẹn... có cánh. Anh háo hức bắt tay vào việc. Đầu tiên là lên kế hoạch rà soát, đánh giá lại năng lực bộ máy các phòng, ban chức năng. Kế hoạch làm xong, anh trình chủ tịch HĐQT, đề nghị bố trí lịch làm việc để thông qua. Lần đó, chủ tịch HĐQT bảo: “Bây giờ mới là tháng 4, vấn đề nhân sự phải để đến cuối năm”.

Lần sau, anh lại trình kế hoạch tiếp thị, quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình gắn kết với cộng đồng. Chủ tịch HĐQT lại nói: “Cái này chưa cần thiết vì hiện sản phẩm của công ty sản xuất không đủ bán...”. Gần đây nhất, khi cơ quan quản lý thị trường bắt được một số lượng lớn hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu của công ty, Bình đã xây dựng kế hoạch tổng lực chống hàng gian, hàng giả bằng nhiều giải pháp: in dấu vết nhận dạng riêng, treo thưởng cho những người phát hiện hàng gian, hàng giả; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng... Chủ tịch HĐQT lướt qua bản kế hoạch và bảo... chờ vì ông ta vừa mới mua chiếc du thuyền, phải đưa vợ con đi chơi một chuyến ở Nha Trang!

Bình than thở: “Về công ty gần một năm rồi nhưng mình có thực hiện được dự án nào đâu? Kinh nghiệm cho thấy, phải thận trọng trước những người nói nhiều như ông chủ của mình”.

Giao quyền... trên giấy!

Có lần, ông P., giám đốc kiêm chủ tịch HĐQT một công ty chuyên sản xuất vật liệu xây dựng tại TPHCM, tâm sự với tôi: “Bây giờ tuyển người khó quá. Mình tuyển về, đào tạo cho đã rồi họ lại bỏ đi”. Tôi an ủi ông bằng cách nói rằng, “nhảy việc” là xu hướng của một bộ phận người trẻ hiện nay. Nơi nào điều kiện làm việc tốt, có cơ hội thăng tiến, trả lương tương xứng thì họ đầu quân. Chừng như ông cũng đã nhận ra điều đó nên đưa ra hàng loạt chế độ, chính sách ưu đãi khi tuyển dụng. Rất nhiều “ứng viên sáng giá” dự tuyển. Cuối cùng, ông chọn được hai người, trong đó có một vị trí CEO với mức lương tháng 20 triệu đồng, có xe đưa đón, phụ cấp nhà ở...

Thế nhưng, chỉ được 3 tháng, vị CEO đã khăn gói ra đi. Hỏi ra mới biết, dù đã thuê CEO chuyên nghiệp về, ông P. vẫn giữ thói quen “xộc vào mọi chuyện” như cũ. Tuấn, vị CEO nọ, tâm tư: “Tiếng là giao trách nhiệm, giao quyền cho CEO nhưng chuyện gì ông chủ cũng bắt “báo cáo” và “xin ý kiến”. Đôi khi một việc rất nhỏ cũng phải chờ đợi 5-7 ngày. Cái kiểu muốn chứng tỏ quyền lực như vậy... rất khó chơi”.

Khi CEO quá tự mãn

Tin giám đốc điều hành công ty G. từ nhiệm gây ngạc nhiên cho nhiều người. Ngạc nhiên vì trước nay, anh và chủ tịch HĐQT công ty vốn là một “cặp đôi ăn ý”. Ai cũng tưởng mối quan hệ của họ sẽ dài lâu, hay ít ra thì cũng được đôi ba năm. Thế mà chỉ vỏn vẹn 11 tháng, vị CEO này đã “dứt áo ra đi”. Tuy sự ra đi chỉ có một, nhưng lại có hai cái nhìn khác nhau về nguyên nhân “tan vỡ” từ chính những người trong cuộc. Chủ tịch HĐQT nói: “Tôi đánh giá rất cao năng lực của giám đốc điều hành và thường ủng hộ các kế hoạch anh ta vạch ra. Nhưng mọi thứ trở nên khó khăn kể từ khi tôi từ chối một dự án mạo hiểm của anh ta. Thực tế đã chứng minh dự án ấy không khả thi khi thị trường chứng khoán và địa ốc tụt dốc như hiện nay”.

Về phía vị CEO nọ, tuy nhìn nhận thất bại của mình, song anh vẫn cố biện hộ: “Có chí làm quan, có gan làm giàu; không mạo hiểm thì không thể thành công. Nếu anh làm giỏi thì xác suất thành công cũng chỉ 70%-80%. Tôi sẽ thực hiện dự án ấy ở một công ty khác”. Khi tôi trao đổi điều này với một chuyên gia kinh tế, ông cho rằng: Mỗi DN có đặc thù khác nhau; điều kiện, ngành nghề kinh doanh khác nhau; quy mô DN cũng không giống nhau. Đem râu ông nọ cắm cằm bà kia làm sao mà thành công?

Xem ra câu hỏi “Vì sao CEO ra đi?” có vô số câu trả lời. Nhưng, tựu trung vẫn là sự... trục trặc của ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Trong đó, nguyên nhân cốt lõi vẫn thuộc về chữ “nhân”.

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về Ban Chính trị - Công đoàn Báo Người Lao Động - 127 Võ Văn Tần, quận 3 - TPHCM; email: ctcd@nld.com.vn hoặc duyquoc@nld.com.vn , ĐT: 9.3062662 - 0918.257221 (anh Duy Quốc).

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo