xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thả nổi quản lý

QUÝ HIỀN - THU SƯƠNG

Nếu quản lý không chặt để mạnh ai nấy làm như hiện nay, chính quyền TPHCM sẽ phải chạy theo giải quyết hậu quả rất lớn

Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM, trong xây dựng nói chung và việc nâng hẻm, nâng nhà nói riêng đều phải tuân theo những nguyên tắc và quy chuẩn nhất định. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, quản lý vấn đề này ở TPHCM đang bị thả nổi, người dân vô tư nâng hẻm, nâng nhà theo kiểu “thuyền lên nước lên”. Hậu quả: Mỹ quan đô thị đang bị phá vỡ, chưa kể sau này khi thực hiện xây dựng các công trình đồng bộ sẽ rất khó khăn và tốn kém.

img
Hẻm 294, phường 21, quận Bình Thạnh-TPHCM đã được nâng cao, nhà người dân trong hẻm cũng đã nâng nền nhưng vẫn không thoát ngập. Ảnh: T.Sương


Không ai giám sát


Theo ông Hoàng Song Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, trừ những hẻm cụt chỉ có 3-5 hộ thì khi nâng hẻm, người dân chỉ cần báo với UBND phường, còn lại tất cả các hẻm công cộng khi thi công đều phải báo cáo cho phường và phường báo lên quận. Trong hồ sơ đều phải có đầy đủ thiết kế cơ sở, chiều cao thống nhất các hẻm trên địa bàn quận hiện nay là 1,6 m. Tuy nhiên, ông Hà thừa nhận hiện nay vẫn có một số hẻm nâng cao hơn so với các hẻm khác nhưng khẳng định vẫn có sự đấu nối hệ thống cống. Song việc đấu nối do ai đứng ra làm và thực hiện như thế nào thì ông Hà không giải thích. Về tình trạng người dân tự nâng nền nhà tràn lan, ông Hà cho rằng khi nào TP ban hành đầy đủ cốt cao độ chuẩn thì mới có thể phạt, còn hiện nay thì không có căn cứ để phạt.


Còn ông Lê Song An, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 7, cho rằng khi người dân tự đứng ra nâng hẻm nhưng không xin phép là hành vi xây dựng trái phép và phải bị xử lý. Riêng việc nâng nền, nếu là nhà mới xây thì trong quyết định cấp phép xây dựng, quận đều quy định cao độ xây dựng để chủ công trình làm theo. Tuy nhiên, ông An thừa nhận: “Việc hậu kiểm đến đâu còn tùy vào cán bộ xây dựng kiểm tra. Thực tế, chính quyền quận chỉ có thể quản lý công trình chống ngập thông qua những dự án đầu tư được quận phê duyệt”.


Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM, việc xây dựng phải tuân theo quy chuẩn nhất định, không thể muốn xây như thế nào cũng được. “Mới đây, TP đã phân cấp về quản lý và phê duyệt quy hoạch để bảo đảm xây dựng và quản lý xây dựng được chặt chẽ. Cho nên theo tôi, việc người dân không biết cốt xây dựng và xây dựng tràn lan là do trách nhiệm và năng lực quản lý của địa phương. Chúng tôi sẽ kiến nghị thành lập thanh tra quy hoạch để phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm trong công tác quy hoạch, kiến trúc”- ông Hưng khẳng định.


Hậu quả sẽ rất lớn!


Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Anh, quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, việc nâng nền tràn lan và tự phát như hiện nay không phải là cách chống ngập hiệu quả vì bản chất chỉ là đem nước chỗ ngập đổ vào chỗ không ngập hoặc chưa ngập. Chưa kể nhà thấp, nhà cao sẽ rất kém mỹ quan. Việc nâng lên bao nhiêu và nâng như thế nào là một bài toán tổng thể của cả TP chứ không thể “xé lẻ”. Nguyên tắc xây dựng đô thị là nhà phải thấp hơn mặt đường công cộng nhưng thực tế hiện nay hầu hết nhà đều cao hơn hẻm là trái với quy tắc xây dựng đô thị.

Điều này sẽ gây khó khăn cho hệ thống thoát nước vì cao độ xây dựng không đồng đều, việc xây dựng các công trình đồng bộ sau này cũng sẽ tốn rất nhiều tiền. “Để xảy ra tình trạng xây dựng lộn xộn như hiện nay, trách nhiệm trước hết thuộc về địa phương, chúng ta có hệ thống chính quyền từ quận- huyện xuống đến từng tổ dân phố, chẳng lẽ không phát hiện, quản lý được?” - thạc sĩ Anh nhận xét.


Cùng quan điểm, theo kỹ sư Phạm Thị Ngọc Hải, Phó Giám đốc Viện Quy hoạch xây dựng thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, về nguyên tắc, khu vực nào  nằm dưới cốt xây dựng khống chế mới cần nâng lên, nếu cao hơn mà vẫn nâng là không đúng. Hiện nay, cốt xây dựng khống chế chung của TPHCM là lớn hơn hoặc bằng 2 m (theo hệ quốc gia VN 2000). Phòng Quản lý đô thị quận-huyện phải có trách nhiệm giải thích, định hướng cho người dân chứ không thể bỏ ngỏ như hiện nay. Nếu không, người dân nâng hẻm này xong, chính quyền phải chạy theo giải quyết hậu quả ở hẻm khác, khu vực khác, hậu quả sẽ rất lớn.


Kỹ sư Phan Phùng Sanh, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM:

Loạn!


Không có chuyện người dân nâng nền vô tội vạ mà không biết cốt xây dựng, địa phương phải có trách nhiệm cung cấp thông tin này cho chủ công trình. Từng khu vực có một cốt xây dựng nhưng cốt đó phải hài hòa với các khu vực khác, nếu không sẽ xảy ra tình trạng “một anh làm nhà, hàng xóm thành ao”, trên thực tế tình trạng này đã diễn ra rồi. Mục đích của việc đặt ra cốt khống chế là để xây dựng có trật tự, có mỹ quan, nếu quản lý không chặt, để mạnh ai nấy làm thì loạn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo