Là một Khuất Nguyên không chịu về hùa với bọn xâm lược và lũ gian thần, phải trầm mình xuống dòng Mịch La. Là Tô Đông Pha vì không khuất phục kẻ cường quyền mà bị tù đày, đói rét. Rồi Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, ba người Việt phương Nam tiếng tăm lừng lẫy nhưng phải trái, xấu tốt còn chưa phân minh.
Tôi còn nhớ, tại cuộc hội thảo về cuốn Phan Thanh Giản - Nỗi đau trăm năm do Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM tổ chức năm 1996, trời đổ mưa: nhưng hội trường vẫn kín chỗ, với sự hiện diện của những khuôn mặt trí thức nhân văn tiêu biểu: Trần Văn Giàu, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Như Mai...
Mọi người khen tâm huyết của Hoàng Lại Giang. Tác giả đã dụng công thể hiện chân dung một sĩ phu có nhân cách và phẩm giá lớn, vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ, nêu cao tấm gương hiếu thảo, hiếu học, liêm chính, trung trực... Phan đã nhiều lần can vua tránh việc quấy, làm điều phải dù rằng vì điều đó mà từ một quan đầu tỉnh bị vua giáng xuống làm viên chạy giấy ở công đường. Phan làm quan 40 năm, trải ba triều vua, chức lớn đến Thượng thư, Tổng đốc, Kinh lược, vậy mà của riêng chỉ có mấy gian nhà tranh vách nứa. Liêm chính đến vậy là hi hữu. Còn cái án "Phan - Lâm mãi quốc”? Tác giả không đóng vai trò quan tòa để tuyên trắng án nhưng ông đã dồn tâm lực để thể hiện nỗi u uất, bi phẫn của Phan qua những cuộc đàm đạo với Nguyễn Tri Phương, Lâm Duy Hiệp, Trương Vĩnh Ký... rồi những bữa ăn nuốt không trôi, những đêm không chợp mắt... Và những đối thoại liên miên trong nội tâm với các bậc tiên hiền: Nguyễn Trái, Chu Văn An... xung quanh thuyết thân dân của thầy Mạnh: "Dân vi quý, xã tắc thứ chi...”. Phan vùng vẫy trong thế kẹt. Làm sao bằng ba tấc lưỡi mà có thể chuộc được ba tỉnh miền Đông, khi hàng vạn quân binh không giữ được thành Kỳ Hòa. Làm sao có thể giữ được miền Tây khi triều đình khuyến nghị: "Thế đất cheo leo muốn giữ cho không bị lấn cũng khó và xin quan Kinh lược không đánh nhau với quân Pháp"(1).
Tôi nghĩ: Bi kịch của Phan là một biểu hiện của bi kịch thời đại. Khi phương Tây, chủ nghĩa tư bản đã có vài trăm năm phát triển đang lăm le "toàn cầu hóa" thì phương Đông (trừ một vài ngoại lệ) vẫn quằn quại trong bế tắc với những đặc thù của phương thức sản xuất châu Á và một hệ tư tưởng đã lỗi thời. Có thế Phan đã bất lực khi "hết lời năn nỉ chẳng ai tin" và ảo tưởng về kẻ thù, nhưng không thể nghi ngờ tấm lòng yêu nước và tinh thần canh tân của ông. Làm sao một người có nhân cách lớn như Phan lại có thể bán nước. Đấy là niềm tin và lý lẽ của hậu thế. Không chỉ Văn Xương Các ở Vĩnh Long mà Lăng Ông Bà Chiểu ở TPHCM cũng thờ Phan, như một phúc thần. Còn đương thời, Nguyễn Đình Chiểu đã có hai bài thơ điếu Phan khi ông tự tận, sau đó lại khẳng định trong Văn tế chiến sĩ trận vong lục tỉnh: Phan học sĩ hết lòng cứu nước. (2)
Năm 2000, tôi lại được dự cuộc hội thảo: Lê Văn Duyệt – từ nấm mồ oan khuất đến Lăng Ông do tạp chí Xưa & Nay cùng FAHASA phối hợp tổ chức. Bên cạnh đông đảo giới trí thức TPHCM còn có nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các nhà sử học Đinh Xuân Lâm, Dương Trung Quốc... từ Hà Nội vào. Cử tọa đều đồng tình với Hoàng Lại Giang, khẳng định công phu của ông trong việc hoàn chỉnh chân dung một danh nhân lớn. Lê là một toàn năng siêu việt: chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao - ông đều kiệt xuất. Phẩm chất nổi bật của Lê là đức liêm chính, cương trực và lòng yêu nước, yêu dân. Không thế, làm sao ông dám chém đầu Phó Tổng trấn Hoàng Xuân Lý, cha vợ nhà vua đang tại vị, vì tội tham nhũng. Chính Lê là người đem lại yên vui cho dải đất miền Trung và vùng biên cương Tây Nam. Hễ nơi nào có ngoại xâm, nội phản là có mặt ông. Lê Văn Duyệt ít đọc sách thánh hiền. Thanh liêm, công chính, trung nghĩa... là những phẩm chất ông tiếp thu được từ nền văn hóa dân gian phương Nam, một cộng đồng dân cư được tập hợp từ lưu dân tứ xứ, kể cả ngoại kiều Ấn Độ, Trung Hoa... Ảnh hưởng Nho giáo trong Lê không nặng nề. Do đó, bên cạnh những phẩm chất truyền thống, ông có một tầm nhìn vừa mới mẻ vừa thực tiễn. Ông cho đào kênh đắp đường, mở mang thủy lợi và giao thông. Với ngoại kiều, ông nhanh chóng giúp họ an cư lạc nghiệp. Ông khuyến khích tàu bè các nước vào buôn bán, giúp đỡ các giáo sĩ và giáo dân tự do hành đạo. Gia Định dưới thời ông làm Tổng trấn là một vùng sầm uất, trù phú. Năm 1822 Crawford dẫn đầu một phái bộ Anh Cát
Lợi đến thăm Gia Định đã ghi vào nhật ký: "Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có, người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ. Tha cho cả bọn phỉ, bọn giặc, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất mạnh tay với bọn cố tình không quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương, phép nước được tôn trọng như ở đây" (trang 154) .
Nhân dân Gia Định cũng như cả vùng lục tỉnh kính trọng gọi Lê là Thượng Công, coi ông như một vị á thần. Uy danh của ông còn trùm lên các nước láng giềng: Vạn Tượng, Chân Lạp khiến triều đình Xiêm La phải kính nể. Vậy là gần 200 năm trước, Lê Văn Duyệt đã thực thi chính sách khuyến nông, trọng thương, cải cách mở cửa, tự do tín ngưỡng, thượng tôn pháp luật... nhằm mục đích quốc phú dân cường. Trong truyện, Hoàng Lại Giang lướt qua việc Lê phò Nguyễn Ánh, nhưng tác giả đã làm rõ mối quan hệ giữa hai người như một nhân duyên, hơn nữa, người đọc thấy cũng là chuyện thường tình khi ông xuất thân từ một gia đình lưu dân, chịu ơn các chúa Nguyễn đã dày công khai phá đất phương Nam. Mặt khác, sau cái chết của thiên tài Nguyễn Huệ, triều đại Tây Sơn đi vào chỗ lục đục, mục nát. Đổ vỡ là chuyện tất yếu.
Năm 2001 tôi lại được tặng Trương Vĩnh Ký - bi kịch muôn đời. Sau đó là mời dự hội thảo. Không dự được, nhưng sách tôi đọc kỹ. So với ba cuốn viết về Trương những năm 1990 nặng về biên khảo, cuốn của ông là một thiên truyện ký dài. Tác giả thể hiện Trương như một thần đồng, học một biết mười. Ở tuổi 26 đã nắm vững 15 ngôn ngữ phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông, được coi là người châu Á đầu tiên tinh thông và dung hợp văn hóa Đông - Tây, được mời đến các trường đại học ở Paris. Bordeaux diễn giảng về triết học, thần học... phương Đông. Năm 47 tuổi (1874) Trương được bầu chọn vào danh sách 18 vị bác học thế giới. Từ chối chức tước và quyền lực, danh chức tôn giáo cũng như ruộng đất, tài sản, suốt đời Trương chăm chú vào trước tác và giảng dạy cho đến sức tàn lực kiệt, gục đầu trên trang bản thảo, tay vẫn cầm chắc cán bút mà trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 62. Trương là người đầu tiên dùng tiếng Việt (mà ông gọi là tiếng An Nam ròng) và chữ quốc ngữ để dịch sách Khổng Tử, Mạnh Tử, phiên âm các tác phẩm văn học dân tộc như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên..., cũng là người đầu tiên ra báo quốc ngữ. Hơn 140 tác phẩm Trương để lại bao gồm nhiều lĩnh vực: văn học, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, sách giáo khoa..., phong phú và sáng tạo đến mức, hơn trăm năm sau, những nhà khoa học hàng đầu như Nguyễn Văn Tố, Cao Xuân Hạo vẫn còn ngạc nhiên trước kỳ tài và trí tuệ lỗi lạc của ông.
Mặt khác, Hoàng Lại Giang cũng không tránh né những tội lỗi của Trương về mặt chính trị. Tại sao một người thiết tha với tiền đồ dân tộc như Trương lại cầu cứu và cộng tác với kẻ thù trong những ngày chúng lăm le xâm lược?! Tác giả không trực tiếp trả lời mà bằng hình tượng, bằng sử liệu làm sống lại tuổi thơ của Trương, khi quê hương ông bị dìm trong máu lửa, lửa đốt nhà thờ và máu của những giáo dân không chịu bước qua thánh giá. Hơn nữa, Trương là một trí tuệ vượt thời đại nhưng lại bị hạn chế bởi những thiên kiến tôn giáo. Ông hiểu tính ưu việt của văn minh phương Tây, ông muốn bằng giao lưu, bằng giáo dục để đưa cộng đồng dân tộc vượt thoát nghèo nàn và lạc hậu. Khốn nỗi, những việc ông làm, những cố gắng liên tục bền bỉ lại gần như trùng khít với âm mưu đồng hóa của ngoại bang. Vì thế mà những điều ông tâm niệm: "Sống với họ, nhưng không lệ thuộc họ”, "Hễ đụng đến quyền lợi của quốc gia thì tôi không kể đến đức tin của riêng tôi”, hầu như chỉ là một ảo tưởng. Đó là điều mà ông đau khổ dằn vặt suốt đời: "Cuốn sổ bình sinh công với tội. Tìm nơi thẩm phán để thừa khai”. Bi kịch của Trương cũng là bi kịch của thời đại khi hiện đại hóa cũng gần như đồng nghĩa với Âu hóa.
Quả thật, đọc hơn 700 trang sách của Hoàng Lại Giang, tôi càng thấm thía: Lên án Trương là chuyện dễ nhưng hiểu được bi kịch của ông là chuyện khó. Bởi, Trương cũng như những nhân vật mà Hoàng Lại Giang trăn trở thể hiện dù là người "muôn năm cũ" nhưng cuộc đời và sự nghiệp của họ mang lại nhiều bài học thiết thực cho cuộc sống hôm nay. Câu chuyện nhà Nguyễn biết nghe lời Phan Thanh Giản và nhiều người khác mở cửa, canh tân, khoan dung về tín ngưỡng (như trước đó Lê Văn Duyệt đã từng làm) sẽ không mất nước, chỉ là một giả thuyết không thể chứng minh. Nhưng hôm nay con đường vượt thoát nghèo nàn lạc hậu của Tổ quốc Việt Nam chỉ có thể là đổi mới, liên tục đổi mới, thì nói mãi cũng không thừa. Còn Trương Vĩnh Ký, mặc dầu đến cuối đời ông vẫn dằn vặt vì "công với tội”, nhưng cái dụng công dung hợp văn hóa Đông-Tây, cần cù trước tác, bồi đắp đạo lý Việt truyền thống, nâng cao chữ quốc ngữ và tiếng "An Nam ròng" của ông, chẳng phải là tấm gương để chống các tệ nạn lai căng mất gốc và các loại của giả: học giả, bằng giả, tiến sĩ giả..., nhằm nâng cao nền văn hóa - giáo dục, thực hiện hòa nhập mà không hòa tan đó sao! Mặt khác, một cuộc đời hiếu dân, liêm chính như Phan Thanh Giản, một tài năng trị quốc như Lê Văn Duyệt cũng là những mở lòng, gợi ý cho ta quyết tâm chống căn bệnh tham nhũng hủ bại để hướng về một phẩm giá Việt Nam trong sáng, xứng đáng là con cháu Cụ Hồ. Như vậy là tác giả không chỉ chiêu tuyết cho người xưa (như ý giáo sư Đinh Xuân Lâm) mà chủ yếu là vận dụng những tư duy mà công cuộc đổi mới đã gợi mở để nghiền ngẫm về lịch sử từ góc độ vì con người, vì nhân dân, nhằm làm sâu sắc thêm nhận thức và quyết tâm đổi mới theo định hướng vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội mã Đảng kêu gọi. Đấy là lý do mà tôi đánh giá cao những cố gắng của Hoàng Lại Giang khi anh vừa chủ trương xây dựng tủ sách danh nhân cho NXB Văn học, vừa trình làng một số tác phẩm viết về danh nhân của riêng mình.
Nếu tôi không lầm thì trong cuộc ma-ra-tông văn chương của mình, với 19 đầu sách đã xuất bản, Hoàng Lại Giang chưa nhận được một giải thưởng nào. Tuy nhiên, phần thưởng lớn lao mà ông luôn nhận được là bạn đọc. Những năm đầu đổi mới (1983 - 1994) tiểu thuyết đời thường của ông luôn được bạn đọc đón nhận. Sách được in đi in lại, có cuốn tái bản đến 19 lần, lại được chuyển thành kịch, thành phim (Tình yêu và tội lỗi). Mười năm tiếp theo, với truyện danh nhân, số bạn đọc không rộng bằng nhưng lại chọn lọc hơn. Đến với ông là những người trong chính giới, học giới, những cán bộ về hưu. Họ không xem sách để giải trí mua vui mà là để giải tỏa những bức xúc nảy sinh trong thế sự. Có những ý kiến phản đối ông chỗ này, chỗ khác. Nhưng theo tôi biết, số này không nhiều. Chứng cớ là mấy cuộc hội thảo tổ chức công phu và những bài phê bình giới thiệu in ở đầu sách và trên các báo. Trong bài Quá khứ luôn là tấm gương... đăng trên tạp chí Xưa và nay Xuân Giáp Thân, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại một lần nữa khẳng định: Lê Văn Duyệt là thiên tài! Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản là những người yêu nước. Tuổi đã 70, nhưng bút lực nhàn văn Hoàng Lại Giang còn dẻo lắm. Ông đang nỗ lực hoàn thành một truyện ký hơn 1.000 danh nhân.
Chúc ông sớm thành công!
Bình luận (0)