Từ một vụ án hình sự...!
Năm 1992, bà Hà Thị Xuân cùng chồng là ông Lê Minh Quy mở tiệm kinh doanh vàng bạc tại địa chỉ 207 Nguyễn Tri Phương (NTP - quận 5, TPHCM). Sau đó, bà Xuân và ông Quy tổ chức huy động vốn. Do lãi suất quá cao (5%-6%/tháng) nên hai vợ chồng mất khả năng chi trả. Theo kết luận, từ năm 1993 đến tháng 11-1994, 2 vợ chồng vay mượn của 35 người với số tiền 2,3 tỉ đồng, 396 lượng vàng và 53.473 USD. Trong số này, HĐXX chấp nhận 8 chủ nợ chỉ là quan hệ dân sự (chơi hụi, vay mượn đã lâu có trả lãi suất). HĐXX cho rằng, những trường hợp còn lại, trong thời gian ngắn hai bị cáo đã nhận tiền, vàng (trên 1 tỉ đồng, 161 lượng vàng và 50.000 USD) cho dù biết mình không có khả năng trả nợ. Đó là hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản. Ngày 29-9-1997, TAND TPHCM tuyên phạm tù chung thân đối với bị cáo Hà Thị Xuân và 8 năm tù đối với Lê Minh Quy (do ông Quy chỉ trực tiếp nhận trên 106 triệu đồng, 116 lượng vàng và 3.500 USD). Cấp phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm (ông Quy bị bắt giam tại tòa cho dù vẫn đang còn nuôi 2 con nhỏ).
Ngoài trách nhiệm hình sự, HĐXX buộc 2 vợ chồng phải liên đới bồi thường cho các nạn nhân với số tiền gần 2,3 tỉ đồng, 265,59 1ượng vàng và 49.473 USD. Riêng căn nhà 207 NTP, ghi nhận ý chí của bị cáo, đồng ý giao cho ông L.H.P (một trong số những người bị hại) đứng ra làm thủ tục giùm cho bà Xuân.
... Đến vụ thi hành án hết sức “bí hiểm”!
Sau khi án có hiệu lực, bản án được giao cho chấp hành viên Võ Văn Mẫn, nguyên Phó Trưởng THA TPHCM (đang bị UBND TPHCM đề nghị Bộ Tư pháp cách chức chấp hành viên-PV), tổ chức thi hành phần dân sự. Do cả 2 vợ chồng đều đi tù, 2 con đều đang còn vị thành niên nên việc THA đều “khoán trắng” cho Phòng THA. Hai chiếc xe Dream chỉ bán đấu giá được một, chiếc còn lại thì ông Mẫn lại ưu ái giao cho... ông L.H.P để cấn trừ nợ một cách âm thầm. Chưa hết, 2 chiếc đồng hồ hiệu Zitura (theo ông Quy là chỉ vừa mua của ông P. 3.000 USD) cũng được Phòng THA “bán” cho ông L.H.S (em ruột của ông P.) với giá 1,8 triệu đồng). Rất nhiều nữ trang gồm 1 dây tay vàng gắn 13 hạt cẩm thạch Hồng Kông và 39 hạt kim cương 1,6 1y; 1 cà rá vàng gắn 1 hạt cẩm thạch và hạt trai; 2 bông tai vàng gắn 4 hạt cẩm thạch và hạt trai cũng chỉ được định giá... 2 triệu đồng (!). Do việc định giá quá rẻ và hết sức bí mật đã gây nhiều phản ứng cho người bị hại. Ngày 2-8-2001, Phòng THA dân sự đã giải quyết khiếu nại và thừa nhận, việc Chấp hành viên cho ông P. nhận chiếc xe dream để cấn trừ nợ chỉ là... sơ suất. Còn việc định giá các tài sản khác không có cơ sở (!). Riêng căn nhà 207 NTP, Phòng THA cho rằng đang có văn bản đề nghị TAND Tối cao giải thích bản án”.
Thế nhưng, căn nhà này đã được ông Mẫn cho phép hợp thức hóa một cách hết sức... bí mật! Trong công văn số 217 ngày 3-3-1999 về việc đề nghị phối hợp khi bán căn nhà 207 NTP, gửi Hội đồng Bán nhà ở quận 5, Phòng THA đề nghị ông H.V.D phải giao nộp 50 lượng vàng để trả cho bà Xuân và ông Quy mới giao giấy tờ liên quan (số vàng mà ông D. đã nhận khi bán nhà cho bà Xuân-PV). Tiếp đến ngày 20-9-1999, Phòng THA có công văn đề nghị giải tỏa ngăn chặn vì ông D. đã thực hiện xong phần trả nợ. Nay thủ tục căn nhà đã hợp thức xong và đã được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận. Như vậy, rõ ràng căn nhà đã được hợp thức hóa. Còn sau đó bán như thế nào? Cho ai? Giá bao nhiêu? Có thông qua trung tâm đấu giá không?... thì hoàn toàn không ai được biết. Trong khi đó, báo cáo của Phòng THA cho biết, vụ án trên đã chi trả cho các bị hại được 252 triệu đồng. Như vậy, căn nhà 207 NTP được “đẩy” cho ai đó với giá hết sức rẻ mạt. Cũng cần lưu ý, trong bản án HĐXX tuyên, là ông P. được thay mặt bà Xuân đứng ra lo thủ tục hợp thức hóa căn nhà để bán trả nợ cho các bị hại theo tỉ lệ.
Sau khi ra tù, ông Lê Minh Quy trở về “mái nhà xưa” thì 2 đứa con bị cắt hộ khẩu không biết lưu lạc về đâu, phải mất thời gian khá dài ông mới tìm thấy con mình. Theo ông Quy, căn nhà 207 NTP trước đây do Nhà nước cấp cho vợ chồng ông H.V.D. Do không có con cái, nên ông D. nhận bà Xuân làm con nuôi và bán rẻ căn nhà trên với giá 70 lượng vàng (ông D. để là 20 lượng vàng cho bà Xuân, lấy lãi suất hằng tháng). Sau khi bán nhà, vợ chồng ông D. đã làm giấy ủy quyền cho bà Xuân được thay mặt mình lo thủ tục hợp thức hóa căn nhà. Cũng theo ông Quy, đã nhiều lần đi hợp thức hóa nhưng do chính sách của UBND TP nên phải ngưng lại. Chỉ tính riêng số tiền hợp thức hóa phải lên đến gần 300 triệu đồng. Sau khi biết ông Quy làm đơn tố cáo, chủ căn nhà 207 NTP đã rao bán trên một tờ báo với giá lên đến trên... 1.000 lượng vàng SJC.
Sau khi nhận được đơn tố cáo ông Mẫn bán căn nhà 207 NTP để thi hành bản án hết sức... bí mật, THA dân sự TPHCM đã thành lập tổ công tác để xác minh.
Bình luận (0)