Cách đây không lâu Sơn đã hát cho tôi nghe bài này, cũng trong những ngày cuối năm, nơi quán nhỏ ấm áp. Khi ấy mẹ tôi đã bệnh nặng lắm rồi, khó qua khỏi. Tôi đã khóc... Hôm nghe tin ca khúc Cõng mẹ đi chơi của Sơn đoạt giải cao nhất của Hội Nhạc sĩ VN - 2005, anh có nhắc lại đêm khó quên ấy. Thú thật, lần đầu tiên nghe ca khúc này tôi không nghĩ nó sẽ được Hội Nhạc sĩ VN đánh giá cao như vậy. Tôi thích vì nó hợp với tâm trạng mình, vì âm hưởng dân ca dìu dặt trong đó, và vì hình ảnh “cõng mẹ” ngộ nghĩnh được đưa vào âm nhạc. “Chiều chiều dắt mẹ qua đèo...” - dân ca Huế đã có hình ảnh độc đáo ấy, nhưng hình ảnh “cõng mẹ” hình như chưa có nhạc sĩ nào đưa vào âm nhạc hiện đại. Cái hay của ca khúc này chính là sự thanh thản của cõi người lẫn trong sự nuối tiếc mất mát: “Mẹ và con đi chơi, thênh thang một cõi, quên những nhọc nhằn... Mẹ và con đi chơi, đi ra bờ suối, con suối chạy dài, khua cả vòm trời...”.
34 tuổi, tốt nghiệp chính quy Khoa Sáng tác Nhạc viện TPHCM, cùng lứa với các nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy, Đức Trí, Võ Thiện Thanh nhưng Sơn lận đận mãi. Lận đận trong kiếm sống, lận đận trong “thị trường âm nhạc”. Đơn giản vì anh nghèo, khó chen chân vào chốn thị trường thực dụng. Sơn từng kiếm sống ở quán Ngói Xanh của anh chị Nguyễn Chánh Tín - Bích Trâm, ở Hoa Tuylipe, giờ chơi đàn ở quán Lạ, hòa âm phối khí độ nhật. Anh là nhạc sĩ “nhà quê”, mọc lên tự nhiên như cây rừng giữa phố. Anh là “Le Nhaque” - Anh chàng thôn quê, như một ca khúc anh sáng tác để cho mình, cho bạn bè. Nhà quê, nên Sơn yêu quê hương Quảng Nam như chưa từng được yêu, nên từ Trần Văn Tám - tên cúng cơm của cha mẹ đặt cho anh - đổi thành Trần Quế Sơn. Sơn có giọng hát khá hay và nếu anh không tự tàn phá nó bằng thuốc lá, thì anh có thể trở thành ca sĩ. Những người Quảng Nam - Đà Nẵng nhớ quê thường ghé đến anh, nghe anh hát về đất Quảng yêu thương. Cũng vì mê quê hương nên phải tìm đường về quê. Và một trong những lần về nhà ấy anh bị tai nạn thảm khốc, tưởng như phải cưa bỏ một chân. Anh chấp nhận nằm điều trị suốt hơn 2 năm trời để giữ được nói dù cái chân không còn lành lặn.
Yêu quê hương, những làn điệu dân ca lặn vào tâm hồn anh tự lúc nào và anh trung thành theo đuổi nó, đưa vào âm nhạc một cách tự nhiên. Ca sĩ Quang Linh rất thích phong cách của Sơn, anh đã đưa 2 ca khúc của Sơn: Ông Tú về làng và Cõng mẹ đi chơi vào album của mình. Hai album vol 1 (Sài Gòn Twist), vol 2 (Vì anh đấy thôi) của Sơn với chất dân ca, ca dao lặng chảy, được người nghe chấp nhận. Ca khúc Tre Việt Nam (trong vol 1) đoạt giải B của Hội Nhạc sĩ VN - 2004 đã khẳng định được một Trần Quế Sơn “nhà quê” nhưng khá hiện đại trong âm nhạc. Trong buổi trao giải vào ngày 5-1, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ VN Đỗ Hồng Quân phát biểu: “Hai giải thưởng lớn năm nay đều mang âm hưởng dân ca, bản sắc dân tộc được gìn giữ. Điều đặc biệt, đó là những ca khúc do chính tác giả hòa âm phối khí”. Sơn còn viết tình khúc, những tình khúc mượt mà, thổn thức. Biển đêm là một trong những ca khúc như vậy, mỗi lần Sơn hát lên như đánh thức biển, đánh thức bóng đêm. Sơn vẫn còn những tình khúc sáng giá như Khi một mình (Hồ Quỳnh Hương hát), Vì anh đấy thôi... Nó là tiềm năng của anh.
Năm 2005 là năm thành công của Sơn, ngoài giải nhất, anh còn nhận giải 3 cho ca khúc Mưa gió biên cương. Sơn sẽ còn đi xa bởi anh có nền văn hóa, một tâm hồn nhạy cảm, trong sáng, tự lập và được đào tạo chính quy. Hòa âm tốt, phối khí được, chơi nhiều nhạc cụ, Sơn đang mọc thẳng.
Chúc nhạc sĩ “nhà quê” đừng sớm “đô thị hóa”.
Bình luận (0)