- GS-TS Ngô Văn Lệ: Báo chí đã nhiều lần lên tiếng; những người nghiên cứu lịch sử, giảng dạy lịch sử cũng đã có nhiều ý kiến về vấn đề này. Sự thật hiện nay, người dân, nhất là lớp trẻ hiểu lịch sử VN rất mơ hồ. Vừa rồi, một phóng viên phỏng vấn người dân về nhân vật Sương Nguyệt Anh mà cứ nói Sương Nguyệt Ánh thì... chẳng biết nên trách ai. Nhưng chúng ta cũng phải rành mạch: sự kiện lịch sử nào, nhân vật lịch sử nào. Những kiến thức nền, các em không biết mới là điều đáng trách, chứ còn hỏi đột xuất một vài nhân vật cận, hiện đại được đặt tên đường, tên trường hiện nay, ngay cả giới nghiên cứu lịch sử chúng tôi cũng không ai dám nói mình trả lời rõ ràng ngay được.
. Nhưng sự mơ hồ như GS vừa nói là do đâu?
Nhà trường các cấp, ngoài những kiến thức nền trong sách giáo khoa, phải dành một thời lượng nhất định dạy về lịch sử địa phương, nếu làm được điều này, môn học lịch sử sẽ hấp dẫn các em. |
- Thời gian qua, có lẽ do tập trung xóa nghèo nàn lạc hậu nên chúng ta chưa quan tâm đúng mức tầm quan trọng của sử học. Ở trường phổ thông, môn học lịch sử là môn phụ. Nhiều năm, các kỳ thi tú tài không thi môn lịch sử, nếu có cũng chỉ là môn thay thế cho môn thi ngoại ngữ. Nay cả lịch sử Đảng, hiện nay một số tỉnh, thành không còn ban nghiên cứu lịch sử Đảng như trước; nếu còn cũng chỉ là một bộ phận nhỏ với một vài cán bộ trực thuộc ban tuyên huấn.
. Xin GS nói rõ hơn tầm quan trọng của sử học?
- Không phải vô tình mà đầu năm 1942, Hồ Chí Minh cho phổ biến rộng rãi diễn ca “Lịch sử nước ta”. Mở đầu diễn ca này, Bác đã nhắc nhở: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Sau hơn 10 năm lãnh đạo Đảng và nhân dân đấu tranh giành độc lập tự do, hơn ai hết, Bác đã nhận thức sâu sắc rằng sử học có vai trò quan trọng đối với quốc gia, dân tộc. Không hiểu lịch sử dựng nước giữ nước của dân tộc là không hiểu văn hóa dân tộc. Một dân tộc không có bản sắc văn hóa riêng thì khó lòng tồn tại. Những sự kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử không chỉ để giúp chúng ta tự hào, muôn đời con cháu chúng ta tự hào mà còn để cho thế giới biết về chúng ta. Đừng nói gì xa, kể từ năm 1945 với sự kiện Cách mạng Tháng Tám, cùng với những sự kiện khác như Điện Biên Phủ, đại thắng mùa Xuân 1975..., và những nhân vật như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Trỗi... đã quảng bá tên tuổi Việt Nam trên trường quốc tế.
. Tầm quan trọng của sử học đã rõ và “bệnh” cũng đã rõ. GS có “phương thang” gì để chữa “căn bệnh” này?
- Muốn chữa “căn bệnh” này, phải có sự góp sức của toàn xã hội. Nhà trường các cấp, ngoài những kiến thức nền trong sách giáo khoa, phải dành một thời lượng nhất định dạy về lịch sử địa phương (sự kiện và nhân vật). Tôi nghĩ, nếu làm được điều này, môn học lịch sử sẽ hấp dẫn các em. Từ sự hấp dẫn ấy, các em sẽ tự tìm hiểu thêm những điều mà sách lịch sử chưa thể nói tường tận và các em sẽ có niềm tự hào về mảnh đất mình đang sống. Các đoàn thể phải tạo điều kiện (tổ chức những cuộc thi tìm hiểu, vui chơi với hình thức hái hoa dân chủ trong những dịp đại hội, liên hoan, kỷ niệm ngày thành lập hội, đoàn thể...) để các đoàn viên, hội viên biết về lịch sử hội, đoàn của mình, qua đó lồng ghép lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương... Các phương tiện thông tin đại chúng cũng nên dành thời lượng, chương mục cho vấn đề này; sân khấu, điện ảnh cũng phải tích cực tham gia. Nhiều bà con Nam Bộ kể chuyện phá Tống, bình Chiêm rất hấp dẫn nhờ vào... các vở cải lương. Gần đây chúng ta, nhất là lớp trẻ, biết nhiều về lịch sử Trung Quốc thông qua... các bộ phim được chiếu trên vô tuyến truyền hình.
Bình luận (0)