xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Một tình yêu khác của Thế Lữ

Hoàng Nguyên Vũ ghi

Có lẽ, lớp trẻ hôm nay không mấy người biết tên NSND Song Kim, một gương mặt sáng giá của một thời kịch nói VN. Bà sống gần trọn một thế kỷ, lặng lẽ và khiêm nhường. Một ngày cuối năm, bà kể cho tôi nghe chuyện tình cảm động của cuộc đời bà với nhà thơ tài hoa của phong trào Thơ Mới - Thế Lữ

Hồi đó, ông là nhà thơ của nhóm Tự Lực Văn đoàn, cùng làm tờ báo Tinh hoa với nhà thơ Đoàn Phú Tứ. Một lần, tôi đi xem vở Ghen do ông Đoàn Phú Tứ viết kịch bản, tôi quen ông Lữ trong buổi ra mắt vở kịch này, vào năm 1936.

Rồi một thời gian cách biệt, tôi vẫn sống bình thường. Một hôm, chị Lan Bình, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát từ Hải Phòng lên Hà Nội, chị có mang một bức thư của ông Lữ. Trong bức thư ông viết là ông đang dựng vở kịch Gái không chồng (kịch bản cũng của Đoàn Phú Tứ) và một vai đang thiếu diễn viên, có lời mời tôi đóng. Đây là một vở kịch nhẹ nhàng, có chất lãng mạn tiểu tư sản ngày ấy. Nội dung nói về ba cô gái chơi thân với nhau, không chịu lấy chồng vì sợ phí xuân xanh. Rồi có một người đàn ông xuất hiện, mọi thứ thay đổi, thậm chí đảo lộn khi mỗi người đều nhận ra điều khác lạ trong mình. Tôi vào vai cô Mão, một trong ba cô gái ấy.

Cũng từ vai diễn này, Thế Lữ tin ở khả năng diễn xuất của tôi. Từ đó, ông liên tục mời tôi đóng các vở kịch do ông làm đạo diễn. Từ những vai đơn giản, rồi theo chiều hướng tăng dần. Vở đáng kể nhất ngày đó là vở Lọ vàng (kịch bản Vi Huyền Đắc), có nhân vật là một ông già keo kiệt góa vợ, trong nhà có một cô con nuôi và một người vú già. Tôi được giao vai bà vú. Vở diễn rất thành công, ông nhìn tôi rất xúc động.

Cứ thế, những vai diễn. Khi tôi vào vai một cô gái nhảy (vở Sau cuộc khiêu vũ), khi lại vào vai cụ Phán bà (vở Ông Ký Cóp), chúng tôi “tình trong như đã” và nên duyên mấy năm sau đó kể từ ngày gặp nhau. Lúc này, ban kịch Thế Lữ đã được thành lập. Hạnh phúc của chúng tôi song hành cùng tình yêu sân khấu. Một thời gian, chúng tôi không đủ sức nên bán lại ban kịch cho kiến trúc sư Võ Đức Xiên.

Khi phải bán ban kịch, ông Lữ buồn lắm. Có nhiều hôm ông vò đầu bứt tóc nhưng tình thế không thể khác, vì chúng tôi không đủ tiền dựng vở. Chỉ có hai con đường, hoặc giải thể, hoặc bán lại để diễn tiếp những vở kịch. Khi thành đoàn Anh Vũ, không có thuần kịch nói như trước nữa mà có thêm cả cải lương và có thêm nhiều diễn viên nổi danh ngày đó như Giáng Hương, Thu Hà, bây giờ họ cũng đã là người thiên cổ rồi.

Năm 1947, cả hai vợ chồng đi kháng chiến. Tôi hỏi ông: “Chúng ta đi kháng chiến sẽ làm gì cho kháng chiến?”. Ông trả lời: “Làm kịch, vẫn là làm kịch thôi. Đó là điều tối ưu chúng ta có thể giúp đồng bào”. Từ 1947-1949, chúng tôi ở Việt Bắc, hoạt động trong Hội Văn hóa Nghệ thuật. Năm 1950, chúng tôi chuyển công tác sang Đoàn Kịch Chiến Thắng, tiền thân của Đoàn Kịch nói Quân đội. Năm 1952 chúng tôi về Đoàn Văn công Trung ương. Đi đâu, chúng tôi cũng có nhau và cùng nhau.

Về Đoàn Văn công Trung ương, chúng tôi lại song hành với những vở kịch. Ông ở trong ban lãnh đạo của đoàn, tôi vẫn là diễn viên. Hòa bình lập lại, chúng tôi từ Việt Bắc về Hà Nội, ở khu tập thể 50 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thời gian này cuộc sống vật chất thiếu thốn nhưng tinh thần nghệ sĩ luôn thấy thoải mái. Chúng tôi chung vai chung sức cho vở Chiến thắng Nghĩa Lộ, ông Lữ đóng vai cụ Kế Hàm, tôi đóng vai một bà mẹ dân tộc thiểu số. Vở này ông đóng rất đạt và dường như là một vai diễn để đời của ông. Sau vở đó, tôi lại đóng vở Chị Hòa của Học Phi cùng với những tên tuổi một thời như Lại Phú Cương, Dương Viết Bát, Chúc Quỳnh, Lệ Thanh, Đào Mộng Long. Đào Mộng Long và Chúc Quỳnh vào vai vợ chồng địa chủ, đóng đạt quá khiến khán giả... ném gạch lên cả sân khấu!

Ông Lữ là người yêu nghề. Thời ở khu tập thể Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông thường tụ tập các anh em diễn viên lại hỏi thái độ với từng vai diễn. Ông nghe họ góp ý, rồi lại góp ý cho diễn viên. Ông động viên diễn viên một cách nhỏ nhẹ rằng mỗi đêm lên sân khấu phải có được một hứng khởi mới. Ông từng bảo: “Sân khấu là thánh đường nghệ thuật. Ai muốn lên sân khấu phải rửa chân cho sạch”. Đã có lần trong một vở diễn, ông giấu một đạo cụ của tôi. Tôi tìm không thấy nên rất lúng túng. Về sau ông góp ý, nếu diễn viên mà không nhìn thấy đạo cụ, phải nghĩ cách để nhìn cho thấy.

Năm 1980, có một lý do đặc biệt với gia đình phía người vợ trước, ông phải chuyển vào Nam. Bao nhiêu năm gắn bó bên nhau, chúng tôi vẫn không có con... Năm 1989 thì ông mất. Thời gian ông vào công tác tại Sài Gòn, tôi biết kiểu gì ông cũng đến. Đó chính là lần gặp cuối cùng...

Và bao nhiêu mùa Xuân đã đi qua rồi, những bài thơ ông tặng, tôi vẫn không thể quên dù chỉ là dấu chấm hay dấu phẩy. Có những câu thơ gần như định mệnh, tôi xin phép được đọc như một lần nữa tưởng nhớ cái hạnh phúc ngọt ngào nhưng cũng rất khổ đau của chúng tôi:

...Yêu em từ đó ta phơi phới

Sống ở trong nguồn thú đắm say

Nhưng cũng sống trong đau khổ nữa

Mỉm cười trong lúc nhắm chua cay...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo