xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bệnh lý suy tĩnh mạch chi dưới

NLĐO

Mời các bạn đến với chương trình giao lưu trực tuyến của Báo Người Lao Động với chủ đề: “Bệnh lý suy tĩnh mạch chi dưới”. PGS-TS Nguyễn Hoài Nam - giảng viên ĐH Y Dược TPHCM, Thạc sĩ Nguyễn Hoài Thu - giảng viên ĐH Y Dược TPHCM, Thạc sĩ Lê Phi Long - Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM sẽ trả lời các thắc mắc của bạn đọc liên quan đến bệnh lý và các phương pháp điều trị thích hợp. Chương trình được tài trợ của công ty Dược phẩm Duy Tân.

Trên thế giới, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm một tỉ lệ đáng kể trên số dân, trong đó 70% là nữ. Tuy nhiên, ở VN chưa có thống kê nào về bệnh lý này mặc dù theo dự đoán của các chuyên gia y tế bệnh sẽ gia tăng do sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống ở nước ta.

Thực tế cũng cho thấy, sau khi các bài viết của PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên ĐH Y Dược TPHCM xung quanh bệnh lý này trên Báo NLĐ Online, chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi, thắc mắc của bạn đọc trên cả nước.

Một thực tế khác là các triệu chứng của bệnh qua các câu hỏi của bạn đọc cho thấy phần lớn không hề biết về loại bệnh lý này trước đó. Các biện pháp điều trị vì thế thường là bỏ qua hoặc không đúng cách.

img

Lý giải những điều này, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam cho biết, 77,6% các bệnh nhân không biết mình mắc bệnh. Ngoài ra, họ còn ngại đi khám, không điều trị hoặc điều trị không đúng. Điều này dẫn đến những hậu quả rất khó lường, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Trong số những câu hỏi gửi đến buổi giao lưu trực tuyến hôm nay, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam lưu ý bạn đọc nên tham khảo trên các bài viết để hiểu một cách cụ thể hơn. Các câu hỏi trùng lắp sẽ được sắp xếp, tổng hợp để trả lời chung.

 

. Tôi làm nhân viên mát xa nên mỗi ngày đứng rất nhiều, vì vậy tôi lo lắng mình có thể sẽ mắc bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới. Trong bài viết của bác sĩ Nguyễn Hoài Nam có khuyên nên mang vớ thun hoặc quấn băng thun để phòng ngừa tình trạng giãn tĩnh mạch chân. Tuy nhiên tôi không biết loại vớ thun đó thế nào và tại sao phải áp dụng cách phòng ngừa này? Nên quấn băng thun suốt ngày hay chỉ quấn vào những giờ cố định?

Nguyễn Thị Minh Thư, Đường Pasteur, quận 3, TPHCM

img- PGS-TS Nguyễn Hoài Nam - Giảng viên ĐH Y Dược TPHCM: Băng ép bằng băng thun hay sử dụng vớ Y khoa trong điều trị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới là một phần quan trọng bên cạnh việc sử dụng các loại thuốc tăng sức bền thành mạch, chống viêm và chống thoát dịch v.v…Vớ Y khoa có tác dụng tăng sức ép của cơ, ép vào thành tĩnh mạch tránh tĩnh mạch bị dãn ra nhiều và gây ứ trệ dòng máu trở về tim gây phù, đau chân và chuột rút. Trong hai loại, băng ép và vớ Y khoa thì vớ Y khoa tốt hơn băng ép vì dễ sử dụng và lực ép lên trên thành tĩnh mạch được phân bố đồng đều. Tuy nhiên, giá thành của vớ Y khoa còn khá cao so với thu nhập của người bệnh, một số người mang vớ giai đoạn đầu chưa quen thường có cảm giác khó chịu, nhưng chỉ vài ngày là hết.

Vớ Y khoa nên đi vào ban ngày, lúc làm việc và đi lại nhiều. Còn buổi tối, nghỉ ngơi bạn có thể bỏ vớ ra được.

 

. Tôi được biết một số phụ nữ sau khi sinh ở 2 bàn tay và cánh tay cũng nổi rất nhiều gân, không riêng gì ở chân. Một số người cho biết đó là giãn tĩnh mạch. Vậy sao tôi không thấy bác sĩ nhắc đến tình trạng này? Xin bác sĩ cho biết giãn tĩnh mạch ở tay có nguy hiểm không? Cám ơn bác sĩ nhiều ạ.

Lê Mai Anh, Quận 5 - TPHCM

- PGS-TS Nguyễn Hoài Nam: Suy tĩnh mạch, theo lý thuyết có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể . Kế cả ờ tay, nhưng trên thực tế phần lớn các trường hợp mắc phải đều xảy ra ờ chi dưới do: hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài hơn, phức tạp và nhất là chịu ảnh hưởng của trọng lực khi người bệnh phải đứng nhiều.

Còn các trường hợp giãn tĩnh mạch ở tay chỉ nên chẩn đoán là suy tĩnh mạch sau khi loại trừ các trường hợp: U máu, bất thường về tĩnh mạch, dãn tĩnh mạch bẩm sinh. Nếu gặp những trường hợp như trên người bệnh nên đến gặp chúng tôi tại bệnh viện Đại học Y dược để được khám và có chẩn đoán chính xác. Từ đó mời có các phương pháp điều trị hữu hiệu.

 

Năm nay tôi 60 tuổi, từ 3 năm nay tôi bị tê mỏi 2 chân, tê tăng lên khi đứng lâu, đi lại vài trăm mét phải ngồi nghỉ một lúc mới đi tiếp dược. Đêm nằm phải gác chân cao mới dễ chịu. Tôi đã đi khám bệnh tại BV ĐHYD, làm siêu âm, kết quả siêu âm : suy van tĩnh mạch sâu 2 chân. Tôi đã đi khám bệnh, uống thuốc mấy lần nhưng bệnh không thuyên giảm.

Bạn tôi là BS nói là tôi có triệu chứng khập khiễng cách hồi như vậy thì coi chừng bị tắc hẹp động mạch. Cũng có BS khác nói là phải phẫu thuật mới hết bệnh.

Vậy xin hỏi GS tôi đau như vậy thì có phải là bệnh suy van tĩnh mạch sâu hay không? Có cần thiết phải làm phẩu thuật hay không? Phẫu thuật rồi thì có đảm bảo hết bệnh không? Phẫu thuật thì tốn hết khoảng bao nhiêu? và nên làm ở đâu?

Xin cám ơn GS.

Hoàng Văn Mai, Bình Thạnh - TP HCM

- PGS-TS Nguyễn Hoài Nam: Các triệu chứng tê chân, đau cách hồi ở một bệnh nhân có tuổi, trên 60 thường là các biểu hiện của bệnh lý viêm tắc động mạch ngoại vi, không phải là triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới. Nguyên nhân cơ bản của hiện tượng này thường là do lòng của động mạch bị tắc hoặc hẹp do: xơ vữa động mạch, do tiểu đường… làm cho dòng máu từ tim xuống nuôi chi không được tốt.

Việc chẩn đoán chính xác cần phải có sự thăm khám lâm sàng của các thầy thuốc chuyên khoa về mạch máu. Sau khi khám lâm sàng, nếu nghi ngờ về bệnh lý mạch máu, cả động mạch và tĩnh mạch, người bệnh sẽ được cho đi siêu âm Doppler màu mạch máu ở những thầy thuốc chuyên khoa siêu âm mạch máu giàu kinh nghiệm. Trong những trường hợp cần phải can thiệp bằng phẫu thuật hay bằng kỹ thuật nội mạch, người bệnh sẽ được cho đi chụp X quang mạch máu có xoá nền (DSA) dựa trên kết quả chụp X quang. Thầy thuốc sẽ quyết định có phẫu thuật hay không? Phẫu thuật thường là: ghép động mạch, nối động mạch hay bóc lớp nội mạch của động mạch...

 

. Tôi bị giãn tĩnh mạch chi dưới, đã tiểu phẫu cắt bỏ phần bị giãn nở ở chi trái. Còn chi phải điều trị bằng phương pháp tiêm chất xơ...(Đã điều trị tại BV ĐH Y dược được 1.5năm) Nhưng tôi thắc mắc 1 số vấn đề như sau:

1/Chất xơ được tiêm vào lâu ngày thấy có sự biến mất tại vị trí tiêm. Nó có bị phân huỷ đi theo máu làm nghẽn ở vị trí khác hay đi về nghẽn mạch máu ở tim hay không?Về lâu dài nó có còn tác dụng phụ nào hay không?
2/Khi sờ nhẹ tại vị trí tiểu phẩu cắt bỏ phần mạch máu giãn nở,cảm thấy nó " tê tê" như có luồng điện chạy qua theo suốt chiều dài mạch máu bị cắt bỏ.Nhờ giải thích và hướng dẫn cách điều trị phòng ngừa.
3/Tôi có nên khám và uống thuốc chống đông máu định kỳ hay không?
4/Nhờ Giáo sư tư vấn thêm cách phòng và điều trị về bệnh này sau khi đã phẫu thuật.

Pham Xuan Phong, P.Long Binh Tan - Bien Hoa - Dong Nai, phongxuan7310@yahoo.com

img- ThS - BS Nguyễn Hoài Thu, giảng viên ĐH Y Dược TPHCM:

1/ Chất chích xơ khi vào lòng mạch sẽ tạo thành một phản ứng viêm, tác động vào thành mạch giống như một chất keo dán dính, làm phá hủy tĩnh mạch,có tác dụng tại chỗ. Chất gây xơ không đi đến vị trí khác mà chỉ khu trú ở vị trí muốn điều trị. Không đi về tim làm nghẽn mạch máu ở tim. Điều trị bằng gây xơ tĩnh mạch an toàn, không có biến chứng lâu dài.Biến chứng tại chỗ là đau, viêm tĩnh mạch, viêm mô dưới da...

2/ Phẫu thuật lột bỏ tĩnh mạch dọc theo đường đi khá dài theo chiều dài của chân nên cảm thấy đau dọc theo chỗ tĩnh mạch bị lột bỏ. Sau phẫu thuật nên băng ép.

3/ Không cần thiết phải sử dụng thuốc chống đông máu định kỳ.

4/ Sau khi phẫu thuật,có thể còn sót lại một vài nơi tĩnh mạch chưa được lột bỏ hoàn toàn nên cần tái khám định kỳ để phát hiện sớm và xử trí kịp thời như chích xơ bổ sung .Có thể tái phát sau một thời gian dài sau phẫu thuật, nên tốt nhất cũng cần đi tái khám lại với bác sĩ đã mổ

 

. Ba tôi hiện 51 tuổi bị bệnh cao huyết áp, do dùng nhiều thuốc hạ máu nên bị giãn tĩnh mạch chi dưới vậy có cách nào điều trị hay không?

TRẦN LÂM MINH, 133/78 TRẦN VĂN ĐANG, P.11, Q.3, TP.HCM, tranlamminh@yahoo.com

- ThS-BS Nguyễn Hoài Thu: Dùng thuốc hạ huyết áp không làm cho dãn tĩnh mạch chi dưới như bạn nghĩ. Dãn tĩnh mạch chi dưới do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, bạn nên đưa ba bạn đến khám chuyên khoa mạch máu để xác định có bị giãn tĩnh mạch không, nếu bị thì ở mức độ nào, lúc đó mới có hướng điều trị.

 

. Cháu 28 tuổi, nhân viên văn phòng. Gần đây ngồi nhiều, chân cháu hơi bị phù, sau đó kiểm tra thấy nhiều gân đỏ li ti ngay mắt cá, bác sĩ phòng mạch cho biết đó là bệnh dãn tĩnh mạch chi dưới. Cháu có thể khám tại đâu? Nếu không khám thì uống thuốc gì? Có sử dụng khám thẻ bảo hiểm được không?Bạn cháu 27 tuổi cũng bị dãn tĩnh mạch chi dưới và mới phát hiện bệnh trĩ (đi tiêu hơi táo bón, rát hậu môn, ra máu hậu môn). Bạn cháu đi bác sĩ tư cho uống daflon, ngày 2 viên. Xin hỏi bác sĩ dãn tĩnh mạch và trĩ có liên quan nhau không? Bạn cháui phải uống thuốc gì để trị hai bệnh cùng lúc nếu không đi bệnh viện?
Xin cám ơn bác sĩ. Chúc Bác sĩ khỏe và luôn đóng góp những tiến bộ cho y học. Bác sĩ ơi, cho xin địa chỉ phòng mạch của bác sĩ vì tụi cháu không có thời gian đi khám ở bệnh viện.

Thanh Nhân, 243 Âu Cơ, Q.11, thanhnhan_vn@yahoo.com

- PGS-TS Nguyễn Hoài Nam: Bệnh suy tĩnh mạch chi dưới mãn tính, bệnh nhân có thể đến khám tại các BV và trung tâm y tế có chuyên khoa về mạch máu như BV ĐH Y Dược, BV Chợ Rẫy, BV Nhân Dân Gia Định... Tùy các loại thuốc để điều trị bệnh thường rất ít tác dụng phụ và hầu như không có hại gì cho cơ thể nhưng bệnh nhân cũng không nên tự sử dụng mà không có sự chỉ định và theo dõi của thầy thuốc. Nếu có thẻ BHYT, bạn có thể đến các BV trên đăng ký khám vì những BV này đều có ký hợp đồng khám và chữa bệnh với cơ quan BHYT

 

. Tôi 42 tuổi, giới tính nam, nghề nghiệp giảng viên.
Hai chân nổi nhiều mao mạch, tuy nhiên chưa bao giờ bị sưng, đau, chuột rút.
Đã đi siêu âm Doppler màu hai chi dưới, kết quả như sau:
* Ngày 01/08/2006 tại BV ĐH y Dược Tp.HCM
- Tĩnh mạch sâu thành mạch không dày, không huyết khối.
- Suy van tĩnh mạch sâu vùng đùi.
- Suy van chỗ nối tĩnh mạch hiển lớn - tĩnh mạch đùi 2 chi dưới.
* Ngày 20/09/2006 tại BV Truyền máu và huyết học
- NP. Valsalva có dòng trào ngược.
- Giãn và suy hệ thống tĩnh mạch nông & sâu 2 chân.
* Ngày 22/05/2007 tại PKĐK Minh Đức
- Suy van tĩnh mạch sâu hai chi dưới.
Các BS đều cho uống thuốc: Daflon, Ginkor Fort, Rutin-C và một số Vitamin.
Xin được hỏi BS một số vấn đề sau:
1. Bệnh này là không thể chữa khỏi hòan tòan, tức là bệnh mãn tính. Như vậy tôi phải uống thuốc suốt đời hay uống theo từng đợt. Các thuốc trên uống liên tục dài ngày có tác dụng phụ không tốt nào?
2. Nên tập thể dục thế nào cho tốt. Hiện tại tôi vẫn tập đi bộ và không thấy đau chân, chỉ nổi nhiều mao mạch.
Rất mong sự tư vấn của BS. Xin chân thành cám ơn.

Bùi Văn Giang, 15 Đường 53 P.Bình thuận Q7 Tp.HCM, giangbv@yahoo.com

- ThS-BS Nguyễn Hoài Thu: Suy tĩnh mạch là một bệnh lý mãn tính cần điều trị lâu dài , tùy theo đáp ứng của bệnh nhân với thuốc. Tuy không gây những phản ứng phụ nặng nề nhưng cũng không nên lạm dụng thuốc. Bạn nên khám bệnh định kỳ và tuân theo chỉ dẫn dùng thuốc của các bác sĩ. Đi bộ là động tác tập thể dục tốt nhất,đi bộ làm cho hệ thống bơm cơ ở bàn chân, bắp chân bơm máu từ dưới chân lên cao, trở về tim. Tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn rất tốt cho hệ thống tĩnh mạch của bạn. Nên duy trì đi bộ thừơng xuyên, nhất là trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy.

 

. Chân trái của tôi ở vùng mắt cá khi làm việc từ sáng đến trưa là bị sưng phù lên như mấy bà bầu sắp sinh và bị nổi các mạch máu nhỏ li ti rất nhiều. Bóp mạnh vào có hơi bị đau. Đi khám ở bệnh viện bác sĩ nói là bị bệnh giãn tỉnh mạch, cho uống thuốc và dặn tôi ngủ kê chân cao, đi dép thấp. Tôi về ngủ kê chân cao sáng dậy có bớt, nhưng đi làm tới trưa thì chân lại bị sưng lên ngay vùng mắt cá và cổ chân mặc dù có đang uống thuốc. Tôi về ngủ kê chân cao thì sáng dậy có bớt nhưng không hết hoàn toàn. Tôi đã không uống thuốc 3 tháng nay, thì tình trạng cũng vẫn như vậy. Đi làm thì chân bị sưng, tối về ngủ sáng mai thì thấy bớt. Xin BS cho biết bệnh của tôi có bị nặng không? Có cần điều trị không? Xin BS cho biết cần khám chuyên khoa ở đâu? Tập thể dục đi bộ nhiều có ảnh hưởng gì không? Xin cảm ơn BS.

Nguyễn Thị Kim Dung, 254A CMT8, kimdung28121959@yahoo.com

 

img- ThS-BS Lê Phi Long - Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM: Theo bạn mô tả trong thư, chúng tôi có thể chẩn đoán bạn mắc bệnh Suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới, mức độ từ độ 1 đến độ 3. Ở mức độ này, việc điều trị cần phối hợp dùng các loại thuốc hướng tĩnh mạch như Venosan, Daflon, Ginkorfort... phối hợp với mang vớ khi đi, đứng và làm việc. Bệnh này là một bệnh lý mạn tính, cần phải được theo dõi, tái khám và điều trị lâu dài. Việc điều trị "ngắt quãng" như bạn mô tả trong thư sẽ ít có hiệu quả. Bạn cũng cần được hướng dẫn để luyên tập thể dục thích hợp hơn. Nếu có thể, mời bạn đến BV ĐHYD 215 Hồng Bàng Q5 để được tư vấn thêm. Thân ái.

 

 

. Con tôi 20 tuổi, là nam sinh viên, không lao động nặng, từ nhỏ các mạch máu ở bàn chân bị nổi phồng như người lớn tuổi, không bị nhức hay nặng chân, có thời gian cháu mang vớ, bó chân khi ngủ nhưng cũng không khỏi. Cháu bị bệnh gì, để lâu có bị ảnh hưởng đến sức khỏe về sau không? đi xe đạp thường xuyên có làm bệnh nặng hơn không?

VU BINH, TP.HCM, binhntn63@yahoo.com.vn

- ThS-BS Nguyễn Hoài Thu: Các mạch máu ở bàn chân bị nổi phồng như người lớn tuổi theo như mô tả của chị thường thấy ở những người có lớp da mỏng ,nhưng cũng có thể do bệnh lý dị dạng về tĩnh mạch bẩm sinh .Nếu không đau nhức hay không nặng chân thì không cần thiết phái điều trị . Mang vớ để không bị nổi nhiều để không than phiền về mặt thẩm mỹ, thường phải mang vớ suốt ngày,tối ngủ bỏ ra và gác chân lên cao, tốt nhất là khoảng trên 18cm so với mặt giường.

 

. Tôi năm nay 28 tuổi chưa lập gia đình, cách đây 2 tháng do công việc phải đứng nhiều nên hai bàn chân tôi sưng rất to, đau.Tôi có đi khám và làm các xét ngjiệm tại Medic -sg được biết tôi bị giãn tỉnh mạch sâu chi dưới và uống thuốc theo toa của bệnh viện chứ chưa phải dùng vớ hay thun quấn, đến nay chân hết sưng và tôi xin nghĩ ở nhà nhưng vẫn còn đau phía su gót, tôi vẫn tái khám và uống thuốc theo toa , nay tôi xin hỏi trường hợp "Giản tỉnh mạch chi dưới có nguy hiểm không? có điều trị dưt hẳn được không? tôi có nên tập luyện gì kèm theo uống thuốc không? bệnh viện nào có chuyên khoa điều trị bệnh này? tôi chưa lập gia đình vậy sau này có thể bị lại và ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh nỡ không? Xin Bác sỉ tận tình cho biết. Xin cám ơn và trân trọng.

Nguyễn Việt Hà, 308c tổ 5 khu phố 3 phường Long Bình -Biên Hòa -Đồng Nai, donamay@hcm.vnn.vn

img- ThS-BS Nguyễn Hoài Thu: Giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý mãn tính , cần điều trị lâu dài.

Cần tập thể dục, đi bộ, bơi lội...chơi những môn thể thao nhẹ nhàng và đều đặn .hầu như các bệnh viện trong thành phố đều có chuyên khoa mạch máu, như BV Chợ Rẫy, Đại học Y dược, Medic, Bình dân, Nhân dân Gia Định...

Những người dãn tĩnh mạch khi có thai cần đi khám bác sĩ định kỳ,vì có khoảng 25% thai phụ bình thường khi có thai cũng có thể có nguy cơ bị dãn tĩnh mạch,và khi có thai có thể tăng tỉ lệ bị huyết khối tĩnh mạch.

 

Tôi bị giãn tĩnh mạch chi dưới đã năm năm, sau khi khám bác sĩ cho tôi uống 5 tháng liên tiếp thuốc daflon, sau 3 tháng không sử dụng, hiện nay nếu tôi muốn sử dụng thuốc trên nữa thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? tôi muốn biết nguyên nhân bị bệnh và cách chữa trị (Khám và trị bệnh tại bệnh viện nào?). Thời gian điều trị khoảng bao lâu, chi phí điều trị bao nhiêu? Nếu tôi mỗ bệnh có hết không?

Nguyễn Thị Tuyết Sang, 501A chung cư Cô Giang - Phường Cô Giang - Quận 1, tuyetsang061@yahoo.com

- PGS-TS Nguyễn Hoài Nam: Nguyên nhân của bệnh suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới có khá nhiều như là: yếu tố chủng tộc (người da trắng và người da vàng hay bị hơn người da đen), chế độ làm việc phải đứng hoặc ngồi nhiều, mang thai nhiều lần, sử dụng thuốc ngừa thai cũng là một yếu tố nguy cơ, béo phì, chế độ ăn nhiều thịt và chất bột đường ít rau và trái cây...

Điều trị bệnh bao giờ cũng bắt đầu bằng việc thay đổi lối sống và chế độ làm việc tránh đứng nhiều, ăn các loại thực phẩm có nhiều chất xơ và vitamin... Sau đó sử dụng các thứ thuốc làm bền thành mạch, chống phù, chống đông máu trong lòng tĩnh mạch như: Venosan, Daplon, Ginkofort... Các loại vỡ tĩnh mạch, nặng hơn nữa bệnh nhân có thể được điều trị bằng các phương pháp ngoại khoa như: phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch bị giảm, sử dụng laser để hủy các tĩnh mạch bị giảm, chích các loại thuốc làm xơ tĩnh mạch...

Bệnh nhân có thể đến khám và điều trị tại các BV hoặc trung tâm y tế có chuyên khoa về mạch máu như: BV ĐH Y Dược, BV Chợ Rẫy, BV Nhân Dân Gia Định, BV Bình Dân... Thời gian diều trị phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh, chỉ định điều trị của Bác sĩ. Nếu điều trị nội khoa đơn thuần thì thời gian điều trị phải kéo dài từ 3 đến 6 tháng.

Nếu điều trị ngoại khoa thì thời gian mổ và săn sóc sau mổ kéo dài khoảng một tuần. Chi phí điều trị phụ thuộc vào phương pháp điều trị, nếu điều trị ngoại khoa thì chi phí khoảng từ 3 đến 5 triệu đồng. Bệnh của chị nên đến BV ĐH Y Dược, phòng khám mạch máu để được chẩn đoán chính xác và xem có cần phẫu thuật hay không.

 

Tôi được bác sĩ chẩn đóan là dày thành động mạch chi dưới, dãn tĩnh mạch nông và sâu 2 bên ( tôi cao 1m6 và cân nặng 80kg ). Tôi làm việc văn phòng , phải ngồi liên tục 8 tiếng nên không có điều kiện để gác chân lên cao như sự hướng dẫn của bác sĩ! Sau 1 ngày làm việc 2 bắp chân phái dưới có cảm giác bị căng phồng và đôi khi đang ngồi làm việc thì bị tê cứng từ bẹn trở xuống (khó đi lại và đôi khi không thể di chuyển)! Xin kính hỏi bác sĩ vài vấn đề sau:
1/ Tôi làm thế nào để khắc phục?
2/Buổi sáng tôi thuờng đi bộ (tập thể dục) 3 km thì có được không?
3/Tôi bị đau bao tử tương đối nặng, nhưng để bền vững thành mạch theo lời BS dặn thì phải bổ sung Vitamin C, tôi có thể làm cách nào để dung nạp Vitamin C mà không gây ảnh hưởng đến bao tử?
4/ Tôi được BS cho uống Daflon 500 mg ( 2viên/ngày) kèm thêm Natrilix SR 1,5mg, nếu uống kéo dài thì có gây ảnh hưởng gì không?
Xin cảm ơn BS!

Nguyễn Kim Dung, kimduy86@yahoo.com.vn

img- ThS-BS Lê Phi Long: Bạn nên tránh ngồi liên tục bất động suốt 8h làm việc vì như thế sẽ không tốt cho bệnh suy tĩnh mạch mạn tính, cũng như bệnh mạch vành. Nên tranh thủ đi lại giải lao khoảng 30-60 phút/ lần. Trong lúc ngồi làm việc, bạn cũng có thể phối hợp tập các bài tập vận động chân như: co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân, nhón gót... để máu lưu chuyển tốt hơn. Tập thể dục bằng cách đi bộ nhanh, vừa đi vừa nghỉ, gác chân cao cũng tốt cho bệnh tĩnh mạch. Vitamin C tốt cho sức bền thành mạch, nhưng chỉ là yếu tố vi lượng, có thể bổ sung đủ bằng chế độ ăn giàu trái cây rau tươi. Uống Daflon 2v/ngày lâu dài ít gây nguy hiểm gì. Hiện nay cũng có nhiều loại thuốc tĩnh mạch khác ngoài Daflon. Uống Natrilix lâu dài cần được theo dõi định kỳ. Bạn nên đến khám tại PK 07 BVĐHYD để được hướng dẫn thêm. Hẹn gặp bạn sau.

 

Xin PGS-TS Nguyễn Hoài Nam cho biết: Nguyên nhân gây bệnh suy tĩnh mạch chi và làm sao thì biết là mình đang bị bệnh ? Nếu bị bệnh thì điều trị ở đâu? Bệnh có gây biến chứng nguy hiểm gì không? Tôi thường có cảm giác căng căng ở chân và máy đầu ngón chân, nhất là lúc ngồi nhiều, đi bộ về thì thấy mấy đấu ngón tay sưng lên, chân cũng vậy nhưng ngồi một lát thì hết, gần nửa năm nay, đi khám bác sĩ bảo bị suy tĩnh mách chi. Vậy tôi phải điều trị như thế nào và khoảng bao lâu cho hết bệnh? Xin cám ơn.

HOANG THI HA, 3A2 - Ly Thuong Kiet - Phuong 5 - TP My Tho, hahoangthi@yahoo.com.vn

img- PGS-TS Nguyễn Hoài Nam: Các triệu chứng ban đầu của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới cũng thường mờ nhạt và thoáng qua như nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi phải đứng nhiều, chuột rút vào buổi tối... làm cho người bệnh thường bỏ qua và không chú ý nhiều. Một số trường hợp lầm lẫn với các bệnh lý về xương khớp và đi điều trị ở các thầy thuốc về chuyên khoa xương khớp trong một thời gian khá dài.

Muốn biết mình có bệnh suy tĩnh mạch hay không chỉ cần đến khám tại các thầy thuốc chuyên khoa về mạch máu và được cho làm xét nghiệm siêu âm Doppler tĩnh mạch là có khả năng chẩn đoán một cách chính xác nhất.

Về nguyên nhân có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh này, trong đó có yếu tố nguy cơ như: chế độ làm việc (phải đứng nhiều, làm việc trong môi trường ẩm thấp), béo phì, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin, tuổi tác (tuổi thọ con người ngày càng cao sẽ kéo theo những bệnh của quá trình tích tuổi trong đó có suy tĩnh mạch)...

 

Tôi là công chức, năm nay 50 tuổi, tiền sử cao huyết áp, bệnh tĩnh mạch xuất hiện đã 5 tháng. Bệnh viện Chợ Rẫy siêu âm, xét nghiệm, kết luận: "Tĩnh mạch sâu 2 chi dưới dãn, đè xẹp hoàn toàn, không thấy huyết khối", chỉ định điều trị:Daflon. Xin qúy thầy cho biết:- Cụ thể bệnh lý nầy như thế nào- Có nguy hiểm lắm không;
- Nguyên nhân và cách phòng, trị tích cực ( nhanh)- Địa chỉ tin cậy;
- Tôi đang dùng thuốc hạ huyết áp ( captoril) có ảnh hưởng đến thành mạch không- Loại nào thì không bị dãn tĩnh mạnh. Xin cảm ơn quý thầy.

Lê Văn Quang, 84 Lê Thái Tổ- P2- TXVL - tỉnh Vĩnh Long, lvquang84@yahoo.com

- ThS- BS Lê Phi Long: Suy tĩnh mạch mạn tính là thuật ngữ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch. Máu ứ đọng lại sẽ gây ra các biến đổi về huyết động và biến dưỡng tại vùng mô xung quanh, gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, nặng chân, tê, dị cảm, châm chích kiến bò, vọp bẻ(chuột rút) về đêm... Tuy ít gây ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị, bệnh cũng có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành, dãn trướng tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối...

Điều trị bệnh phải kiên trì, theo dõi tái khám lâu dài, phối hợp các biện pháp như dùng thuốc, mang vớ áp lực, luyện tập, chích xơ tạo bọt, phẫu thuật... tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của bệnh.

Các loại thuốc hạ áp hiện nay chưa thấy ghi nhận là làm ảnh hưởng đến bệnh suy tĩnh mạch.

 

Tôi năm nay 30 tuổi, đã bị giãn tĩnh mạch lòng bàn chân phải từ lúc 10 tuổi. Đã phẫu thuật 3 lần tại BV Nhi Đồng 2 lúc 14 & 16 tuổi (phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch giãn ở ngón chân út, lòng bàn chân & gót chân), sau khi phẫu thuật, bớt được 50%. 3 năm sau đó, chân lại tiếp tục sưng to hơn ban đầu, gây đau nhức. Năm 1995, tôi được chích thuốc làm sơ chay tĩnh mạch tại TT Ưng Bướu TP HCM, các chổ sưng to đã nhỏ lại 50%. Kể từ đó đến nay, tôi chỉ uống thuốc Esberiven Fort + aspirin PH8 & dùng băng thung để bó chân lại. Bây giờ, chân vẫn tiếp tục sưng nhức nhưng tốc độ phát triển đã chậm hơn rất nhiều sau khi chích thuốc sơ chai.Câu hỏi:
1- Tôi có tiếp tục dùng Esberiven Fort + aspirin PH8 khi bi đau nhức được không? có bị lờn thuốc hay tác dụng phụ không? Hiện nay có loại thuốc nào có tác dụng tốt hơn để thay thế không? Nếu có, thì cho xin toa thuốc & liều luợng chi tiết. (hiện nay tôi 76kgs, 1.69m, nam)
2- Tôi có thể chích lại thuốc sơ chai lần nữa không? Các loại thuốc sơ chai thì bị những tác dụng phụ nguy hiểm nào? Nếu chích thì đến bệnh viện nào chuyên nghiên cứu về bệnh này để đạt hiệu quả điều trị cao nhất?
3- Những hóa chất, thức ăn/uống nào gây ảnh hưởng xấu đến bệnh này?
4- Tôi nghe nói có bài thuốc dân gian: nấm mèo xây nhuyễn nấu với táo đỏ, ăn mỗi ngày 1 chén, ăn liên tục nhiều năm. Bài thuốc này có tác dụng không? ăn liên tục như vậy có được không?
5- Có phương pháp nào mới để điều trị bệnh này hiệu quả hơn không? Ở đâu?
6- Đông y có nghiên cứu & điều trị bệnh này không? ở đâu?
Xin cảm ơn

Trần Thái Phương, E15/445A ap 5 Phong Phu, Binh Chanh, phuongu07@gmail.com

- ThS-BS Nguyễn Hoài Thu: Theo như mô tả rất kỹ chi tiết bệnh của anh, thì anh có dị dạng tĩnh mạch bẩm sinh và anh không điều trị liên tục nên hiện tại chân anh vẫn tiếp tục bị đau nhức.Dị dạng tĩnh mạch bẩm sinh thực ra không thể chữa trị khỏi hoàn toàn.

Khi bị đau nhức tốt nhất là anh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mạch máu để tìm nguyên nhân ,như có huyết khối tĩnh mạch hay không ?Anh cần làm các xét nghiệm máu,và siêu âm mạch máu mới biết được mức độ bệnh để uống thuốc loại nào

Chích xơ tĩnh mạch là phương pháp điều trị an toàn ,nhưng với những dị dạng tĩnh mạch có đường kính quá lớn thì không có tác dụng. Chích xơ ít tác dụng phụ lâu dài,chỉ có tác dụng tại chỗ là đau,viêm dọc theo đường đi của mạch máu,viêm mô dưới da…

Có nhiều bệnh viện trong thành phố có chích xơ như BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược, Trung tâm Medic,BV Bình dân,BV Nhân dân Gia Định…

Anh nên uống nước nhiều, dùng các loại trái cây nhiều Vitamine C.tập đi bộ, bơi lội và thể dục nhẹ.

Bài thuốc dân gian mà anh nói anh cứ dùng thủ vì cho đền nay cũng chưa có công trình nào chứng minh được bài thuốc này có tác dụng với bệnh lý

Hiện nay có phương pháp điều trị bằng laser nội mạch có thể phá hủy các tĩnh mạch đã bị hư và không còn tác dụng bơm máu nữa.

Đông Y có nghiên cứu và điều trị bệnh lý này bằng các loại thảo dược .Các thuốc tây Y chữa bệnh này phần lớn cũng là chiết xuất từ thảo dược.

 

Tôi 28 tuổi, là nhân viên văn phòng, con 3 tuổi ( sinh mổ), khi bé được 1.5 tuổi thì tôi thấy chân mình nổi những nốt đỏ , đau và mỏi. Tôi đã khám BV Y Dược , bác sĩ chẩn đóan bị suy van tĩnh mạch sâu hai chi dưới. Tôi đã điều trị ngoại trú liên tục 6 tháng, uống thuốc và mang vớ chuyên dùng thì hai chân hết mỏi và các nốt đỏ không còn.Bác sĩ điều trị cho ngưng thuốc trong hai tháng nhung chỉ vừa 1 tháng thì bệnh đã tái phát trở lại, và tôi tiếp tục uống thuốc trở lại.Tôi muốn hỏi bện này có thể chữa khỏi hẳn hay không? và trong thời gian bao lâu? Có thể đi bộ được không vì bác sĩ chỉ khuyên nên đi bơi. Sau này khi tôi muốn có con thì bệnh này ảnh hưởng như thế nào? Và xin cho biết nơi chuyên khoa điều trị căn bệnh này. Xin cảm ơn

NGUYỄN THỊ TUYẾT, 10/9 PHAN ĐÌNH GIÓT, F2, QUẬN TÂN BÌNH, tuantuyet2007@yahoo.com

- PGS-TS Nguyễn Hoài Nam: Bệnh suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới nếu được chẩn đoán và điều trị sớm thì có thể khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên thời gian điều trị phải khá lâu, có khi phải kéo dài từ 12 đến 18 tháng. Một trong những yếu tố quan trọng để quyết định việc thành công của điều trị ngoài việc tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều trị của thầy thuốc chuyên khoa là phải thay đổi chế độ làm việc, lối sống và rèn luyện thể dục như: đi bộ vào buổi sáng khoảng 30 phút.

Bệnh suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới ở giai đoạn nhẹ thì không ảnh hưởng đến việc mang thai và có con. Tuy nhiên nếu ở giai đoạn trễ (đã có loét chân, viêm tĩnh mạch nông, huyết khối tĩnh mạch sâu...) thì có thể ảnh hưởng đến việc mang thai và có con, cần phải điều trị triệt để trước khi có ý định có thai.

 

Tôi thường bị phù 2 chân, nặng chân và nhức mỏi khi đi hoặc đứng lâu. Tôi đã siêu âm tĩnh mạch ở BV ĐHYD năm 2006 và đã điều trị thường xuyên bằng DAFLON (02v/ngày) nhưng không khỏi. Vậy tôi nên điều trị tiếp bằng cách nào? Nhờ BS cho biết phương pháp tập thể dục hàng ngày với tôi (65 tuổi, có bị cao huyết áp phải uống thuốc HA hàng ngày) như thế nào là thích hợp nhất? Tôi đang tập đi bộ bằng máy tập từ 15-20 phút mỗi lần, ngày 2 lần có được không?

Đinh thị Phương, 254/28 CMT8 ,P5, Q.T.Binh. TPHCM, vqkhai@gmail.com

 

- ThS-BS Nguyễn Hoài Thu: Bệnh suy tĩnh mạch là bệnh lý mãn tính , cần điều trị lâu dài.bác nên phối hợp uống thuốc với tập thể dục, đi bộ nhẹ nhàng, thường xuyên , nhất là trước khi đi ngủ và sau khi mới thức dậy.Ngoài ra bác cần mang vớ áp lực suốt ngày,khi đi ngủ tháo ra và gác chân lên cao

 

Xin cho tôi biết là tôi có thể khám bệnh suy tĩnh mạch chi dưới ở đâu trong TP. HCM? Việc mang vớ thì nên dùng như thế nào? Tôi có thể mua vớ đó ở đâu?Xin cám ơn!

Tran Ngoc Minh Duyen, 371 Hoa Hao, P5,Q10, Tp. HCM, minhduyen_tranngoc@yahoo.com

- ThS- BS Lê Phi Long: Hiện nay, bệnh Suy tĩnh mạch mạn tính có thể được điều trị tại các cơ sở có chuyên khoa mạch máu như BV ĐHYD TPHCM, BV Chợ Rẫy, BV Bình Dân, BV Nhân Dân Gia Định... Vớ áp lực cũng là một phương pháp điều trị, do đó cũng phải được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Sau khi được chỉ định mang vớ áp lực ,bệnh nhân phải được đo vòng chân để chọn kích thước cho phù hợp. Mời bạn đến BV ĐHYD để được khám, chỉ định và đo chân. Vớ có bán tại nhà thuốc của bệnh viện.

 

Tôi bi suy tĩnh mạch chi dưới, đã dùng thuốc Daflon dài ngày ( 1 ngày / 2 viên ) nhưng không khỏi. Sau đó, tôi được Bác sĩ chỉ định dùng Gimko fort + Mg B6 và vitamin C ( Mỗi thứ 2 viên /1 ngày) . Kết hợp với dùng vớ của Đức thì thấy đỡ.
Tôi đã uống mỗi thứ 90 viên.
Vậy xin hỏi: " Dùng thuốc này dài ngày có bị cao huyết áp hay không? " .
Khi siêu âm màu bác sĩ kết luận "Không tổn thương trong khảo sát Doppler mạch máu hai chân". Như vậy Tôi đã bình phục chưa ? Và nếu bị tái lại tôi có thể chích xơ được không? Có bị tác dụng phụ gì không khi chích xơ ?
Xin chân thành cảm ơn Bác sĩ.

Lam Be, F56 Cu Xa Phu Lam B P13 Q6, tnet36@yahoo.com

- ThS-BS Nguyễn Hoài Thu:

Dùng thuốc mà chị nói lâu ngày không bị cao huyết áp

sau đợt điều trị kéo dài mà kết quả siêu âm như vậy thì là chi đã đỡ bệnh

Khi thấy các triệu chứng cũ trở lại chị nên đến bệnh viện có chuyên khoa mạch máu khám lại , tùy theo mức độ của bệnh mới có thể quyết định phương pháp điều trị

 

Tôi 50 tuổi, bị dãn mạch chi dưới 1 năm nay. Tôi vẫn thường đi bộ 4km hàng ngày. Công việc tĩnh tại, phải ngồi nhiều. Xin BS mách cách phòng bệnh và cách chữa. Địa chỉ bệnh viện để chữa bệnh. Cám ơn BS.

mita, Ha Noi, tamdm@moc.gov.vn

- ThS- BS Lê Phi Long: Tuổi tác và thói quen ngồi lâu, tĩnh tại nhiều là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh Suy TM mạn tính chi dưới. Đối với bệnh động mạch, đi bộ là phương pháp tập luyện quan trọng. Tuy nhiên trong bệnh Suy tĩnh mạch chi dưới, đi bộ không phải là giải pháp tối ưu nhất, và nếu đi bộ không đúng cách cũng có thể làm bệnh nặng thêm.

Bạn nên đi bộ ít hơn, không đi quá xa, phải đi bộ với vận tốc nhanh, tránh đi liên tục mà nên vừa đi vừa nghỉ, ngối gác chân cao. Nếu đã suy tĩnh mạch nhiều, phải mang vớ trong khi đi bộ. Nếu có điều kiện, bơi lội là môn hể thao thích hợp nhất cho bệnh lý này.

 

Thưa bác sỹ, sau khi sinh chân tôi nổi rất nhiều mạch máu nhỏ nhưng không có triệu chứng gì bất thường mà chỉ thỉnh thoảng tôi bị tê chân.Vậy xin hỏi bác sỹ là tôi có bị viêm tĩnh mạch không? Nếu phải thì tôi nên đi khám ở đâu ? điều trị có mất nhiều thời gian và có tốn kém nhiều không? Mong bác sỹ trả lời giúp, cảm ơn bác sỹ nhiều.

Diệu Linh, Cư xá Chu Văn An, Phường 26, Bt, linh_do78@yahoo.com

- ThS-BS Nguyễn Hoài Thu: Chị có thể đến các bệnh viện có chuyên khoa mạch máu để khám xem có bệnh viêm tĩnh mạch không , nhưng theo mô tả của chị thì chi không mắc bệnh này

 

Khi tôi vận dộng nhiều như chạy hoặc chơi Tenis thì phần dười chân của tôi (Bắp chuối) bị sưng to hơn, hơi nóng nhưng không đau và đi lại cũng bình thường. Khi đi khám thì các BS nói rằng tôi bị ngẽn tỉnh mạch chi dưới và cho thuốc uống thì hết. Xin hỏi BS có cách nào trị cho dứt hẳn, vì tôi rất mê thể thao ? Xin cám ơn.

Nguyên Minh Vũ, 162/5 - Trần Quang Diệu TP Cần Thơ, minhvu1965@gmail.com

- ThS- BS Lê Phi Long: Theo như triệu chứng bạn mô tả thì chúng tôi chưa nghĩ đến bệnh lý mạch máu chi dưới, vì các triệu chứng xuất hiện khi bạn chạy hay chơi tennis không điển hình và cũng ở mức độ nhẹ, chưa ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động của bạn. Vì vậy chẩn đoán Nghẽn tĩnh mạch chân (là một bệnh lý nặng) có lẽ chưa chính xác. Mời bạn đến phòng khám số 7 BV ĐHYD 215 Hồng Bàng Q5 để được tư vấn và chẩn đoán lại.

 

Tôi được bác sĩ chẩn đoán bị suy tĩnh mạch chi dưới cách đây 3 năm (phía sau gối của chân trái tôi nổi gân xanh khá rõ, tuy chưa đến mức cộm thành đường). Bác sĩ cho thuốc Daflon uống ngày 2 lần, lần 1v, uống dài hạn và khuyên dùng vớ y khoa, đi bơi. Xin cho hỏi thuốc Daflon dùng dài hạn có tác dụng phụ nào không? Tôi cần làm gì để việc điều trị được tích cực hơn? Vớ y khoa mua ở đâu? Tôi đi bơi 2 lần/ tuần, có giúp được gì trong việc điều trị bệnh này không? Cám ơn BS

Kim Kim, ly.kimngoc@gmail.com

- ThS-BS Nguyễn Hoài Thu: Thuốc dùng dài hạn không có tác dụng phụ nặng , tuy nhiên không nên lạm dụng thuốc

Chị cần đi bộ thường xuyên và tránh những tư thế ngồi lâu ,đứng yên một chỗ lâu quá .Bơi lội rất tốt cho bệnh ly 1này

Mua vớ áp lực ở các hiệu thuốc bệnh viện hay chỗ chuyên bán vớ y khoa ,như nhà thuốc BV Đại học Y dược, BV Chợ Rẫy, Bình dân ...

 

Tôi là CBCNV 48tuổi, công việc tôi làm không phải đi đứng nhiều,tôi bị dãn tỉnh mạch chân đến nay đã gần 8 năm. Trên đùi và bắp chuối chân cùng bàn chân có các tỉnh mạch nổi lên như giun. Khi ngủ tôi kê chân lên cao, thỉnh thoảng bị chuột rút rất đau. Cách nay 6 năm khi đọc báo nói khi bị dãn tỉnh mạch sẽ bị huyết khối rất nguy hiểm, tôi có đi siêu âm Doppler tại TT Chẩn đoán y khoa và sau đó khám tại BV Da liểu TPHCM, Bs cho các loại thuốc: Daflon, Aspirin, 3B. Sau này tôi có phát sinh thêm bệnh tiểu đường type 2. Tôi chỉ quan tâm trị bệnh này. Xin hỏi:1/Khám trị bệnh dãn tỉnh mạch ở đâu? Có được BHYT không? Điều trị có lâu dài không và có hết được không?
2/Chế độ ăn uống? Có kiêng cử hút thuốc
3/Tôi thử dùng băng thung quấn phía trên lại, nhưng do mồ hôi ra rất khó chịu.Chưa dùng vớ. Vậy mua vớ ở đâu? cách sử dụng
Kính xin tư vấn giúp tôi.

Huỳnh Hữu Đức, Số 95/6 Phường Phước Bình Q9 TPHCM, huuduc956@yahoo.com.vn

- PGS-TS Nguyễn Hoài Nam: Bệnh suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới của anh đã bước sang giai đoạn nặng (theo phân loại đã là mức độ 3-4) vì anh đã có giãn và huyết khối tĩnh mạch nông. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, có lẽ anh cần phải được phẩu thuật lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị tắc và giãn. Anh có thể đến phòng khám mạch máu BV ĐH Y Dược để khám và chỉ định phẩu thuật (ở đây cũng có khám BHYT). Tuy nhiên sau phẩu thuật, anh cũng cần phải có một chế độ luyện tập, làm việc và dinh dưỡng thích hợp để tránh bệnh tái phát. Tốt nhất là sử dụng các loại thực phẩm nhiều chất xơ và vitamin, không hút thuốc lá. Việc sử dụng băng thun hoặc vớ y khoa phải có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa. Thời gian trước rất khó mua được vớ y khoa, nhiều khi phải gửi ra nước ngoài nhưng vẫn không mua được. Hiện nay, đã có công ty phân phối các loại vớ này và bán ở các nhà thuốc của các BV lớn. Tuy nhiên giá thành của vớ y khoa còn hơi cao so với thu nhập của người dân VN.

 

Tôi bị dãn tĩnh manh hiển 2 chân, chân trái nặng hơn đã mổ tại bệnh viện bình dân năm 2002, hiện nay tôi vẫn phải mang (vớ) tất bó (tất y khoa hoặc tất cầu thủ bóng đá) và liên tục uống Daflon và Rutin-C. Khi mang tất thì đi bộ vẫn bình thường nhưng khi không mang tất thì đứng khoảng 2-3 giờ liên tục thì cảm thấy nặng chân rất khó chịu. Xin hỏi Bác Sĩ là:- Chân phải còn lại của tôi nếu mang tất và uống thuốc thì có khắc phục hồi được không nếu không cần phải mổ (hiện nay chân trái cảm thấy bình thường khi mang tất).
- Uống thuốc Daflon và Rutin-C lâu dài có ảnh hưởng hay tác dụng phụ gì không ?
Rất mong Bác sĩ cho lời khuyên, tôi rất cảm ơn Bác Sĩ .

N V Son, nguyenvanson164@yahoo.com

-ThS-BS Lê Phi Long: Bệnh suy tĩnh mạch mạn tính là bệnh lý mạn tính. Các van tĩnh mạch bị suy sẽ không có khả năng tự phục hồi. Trường hợp của bạn cần phải mang vớ liên tục khi làm việc, vận động... và duy trì thuốc đến khi hết các triệu chứng. Phẫu thuật khâu sửa phục hồi các van tĩnh mạch sâu khá khó khăn, phức tạp, và chỉ dùng trong một số ít các trường hợp như loét chân không lành, điều trị bảo tồn thất bại.

 

Người bệnh có thể khám bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới ở đâu? nếu chỉ đi vớ thun có điều trị được bệnh này không? tôi 50 tuổi có thể luyện tập môn thể thao nào để tốt cho sức khỏe và hạn chế bệnh này, đi bộ có được không?

duong hoai trinh, P25 QBT, trinh_b7@yahoo.com.vn

- ThS-BS Nguyễn Hoài Thu: Anh có thể khám bệnh giãn TM chi dưới ở tất cả các bệnh viện có chuyên khoa mạch máu như BV Chợ rẫy,Đại học Y dược,Trung tâm Medic,BV Bình dân,BV Nhân dân Gia định ...

Đi bộ và bơi lội rất tốt cho bệnh lý này

Đi vớ thun cần kết hợp với thuốc và đi bộ.

 

Toi 32 Tuoi, đau mat sau cua hai chi duoi, nang chan, dung rat kho, cang di nhieu cang dau, kham o benh vien cho ray, chuan doan, suy van tinh mach sau nhe, co dong chay nguoc, khi tho sau.Toi da uong thuoc Rutin, daflon duoc 2 nam roi,bay gio co uong thuoc tiep tuc kg, vi van dau, neu di bo nhieu, rat dau.Xin Bac si cho toi loi khuyen, phai tiep tuc dieu tri, tap luyen nhu the nao?Xin cam on!

Doan thi cam tu, 102 Binh gia, F8, Tp Vung tau, doantu_vt@yahoo.com.vn

 

- ThS- BS Lê Phi Long: Suy tĩnh mạch chân mạn tính, nếu đã điều trị thuốc Daflon, Rutin mà không khỏi, có thể phối hợp thêm một số các thuốc tĩnh mạch khác kèm theo mang vớ áp lực, và tập luyện thêm. Đi bộ quá nhiều không tốt cho bệnh tĩnh mạch. bạn cũng nên đến khám lại để loại trừ các bệnh lý khác như đau thần kinh toạ, viêm cơ khớp, bệnh động mạch... vì những bệnh này cũng có thể gây các triệu chứng tương tự.

 

Tôi 38 tuổi, là nhân viên bán thuốc tây, từ 5 năm nay tôi hay đau chân như chuột rút vào ban đêm, trên bắp chân cũng có nổi gân xanh và thỉnh thoảng bị bầm giống như bị xuất huyết dưới da vậy. Tôi đã dùng thuốc Venosan, mỗi đợt uống khoảng 2 tháng thì ngưng. Xin cho hỏi tôi nên uống thuốc liên tục hay chỉ khi thấy có đau chân thì mới uống. Thuốc này có dùng lâu dài được không?Rất cám ơn Bác sĩ.

Nguyễn Thanh Trúc, Quận 11, Tp,.HCM

- PGS-TS Nguyễn Hoài Nam: Venosan là một loại thuốc làm tăng sức bền của thành tĩnh mạch, chống phù có hiệu quả, đã được sử dụng nhiều ở châu Âu. Thuốc dễ sử dụng hầu như không có tác dụng phụ và có nguồn gốc từ thảo dược nên có thể sử dụng lâu dài trong điều trị bệnh suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới.

Muốn điều trị có hiệu quả ngoài việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc, còn phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ như: chống béo phì, thay đổi chế độ làm việc, thay đổi môi trường sống, có chế độ dinh dưỡng thích hợp (rất khó thực hiện !)

 

Xin bác sĩ vui lòng cho biết, thỉnh thỏang chân tôi hay bị đau, có cảm giác hơi khó chịu ở phía bắp chân, nếu nằm và kê lên gối cao 1 chút thì thấy dễ chịu hơn, vậy có phải tôi đang bị bệnh giãn tĩnh mạch không?

Hoang Ngan, hoantunganngan@yahoo.com.vn

- ThS-BS Nguyễn Hoài Thu: Có thể chị bắt đầu bị dãn tĩnh mạch trong giai đoạn đầu.Chị nên tới các bệnh viện có chuyên khoa mạchmáu để được siêu âm mạch máu và chẩn đoán bệnh.

 

Hiên tôi đang bị đau chân trái, phần bắp thịt, đau tê và nhức,bàn chân lạnh, nhất là đi chân đất trên nền gạch, đi lại rất khó khăn. Cho tôi hỏi, đây có phải là bệnh suy tĩnh mạch chi dưới không?Bác sĩ khám chẩn bệnh tôi là SUY TUẦN HOÀN TĨNH MẠCH. Xin cho tôi biết bệnh và cách điều trị, địa chỉ điều trị. Xin cảm ơn!

Nguyễn Giác, Phòng gd Kông Chro, Gia Lai

- ThS- BS Lê Phi Long: Đau bắp chân, tê, lạnh bàn chân là các triệu chứng khá gợi ý của bệnh lý tắc động mạch ngoại biên. Nếu tắc cấp tính sẽ rất nguy hiểm, cần phải được can thiệp cấp cứu mới có hy vọng giữa được chân. Bạn nên đến khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để có thể điều trị kịp thời.

 

Tôi đi khám đựoc bác sĩ chuẩn đoán : Mắc bệnh Giãn tĩnh mạch Hiện nay đang đựoc điều trị :
1.Uống thuốc :
Daflon 500mg : ngày 2 viên.
Ginkoft : ngày 2 viên
Viên tỏi : ngày 2 viên
RutunC : ngày 2 viên
2. Đi tát áp lực độ 1.
Xin hỏi Bác sĩ : Đơn thuốc tôi đang dùng có phù hợp không
Có thể thay thế bằng các loại thốc khác có tác dụng hơn không
Ngoài điều trị bằng thuốc có liệu pháp điều trị nào khác không
Việc ăn uống cần kiêng những gì .
Có bài tập thể dục nào cho bệnh này không
3. Khi cần được tư vấn có thể liên hệ B/sĩ theo địa chỉ nào.
Xin cảm ơn các BS .

Nguyễn Thanh Bình - Thanh Xuân Bắc -Hà Nội .

- ThS Nguyễn Hoài Thu: Đơn thuốc chị đang dùng phù hợp với bệnh lý chị mô tả

Uống thuốc kết hợp với đi bộ ,mang vớ áp lực , dùng các loại trái cây có nhiều Vitamine C ...

Khi cần tư vần chị liên hệ với báo Người lao động .

 

Tôi hay bị những vết bầm tím trên đùi. Có lần (cách đây vài năm), một mạch máu trên đùi dưới, bắt đầu từ đoạn gần bàn chân, tự nhiên phình to ra, lan dần lên phía trên gần đầu gối. Mạch máu này phình to bằng chiếc đũa. Khoảng vài giây sau, nó vỡ và tạo ra một đoạn bầm tím rất lớn, đến tận nữa tháng sau mới tan dần. Xin hỏi đó là hiện tượng bình thường hay dấu hiệu của bệnh lý và đó là một bệnh về máu hay bệnh giãn tĩnh mạch. Có cần điều trị không? Bác sĩ vui lòng trả lời giúp. Xin cảm ơn!

Lương Nhân Duyên, 65/27 Ông Ích Khiêm, thành phố Đà Nẵng, duyenln@gmail.com

- ThS-BS Lê Phi Long: Các triệu chứng bạn mô tả có thể là dấu hiệu của bệnh suy tĩnh mạch mạn tính, gây biến chứng dãn và vỡ tĩnh mạch nông. Bạn cũng nên kiểm tra thêm xem có kèm theo các rối loạn về đông máu hay không. Bạn nên đến khám sớm để có thể chẩn đoán chính xác hơn.

 

Mẹ tôi bị suy tĩnh mạch sâu chi dưới 1 năm nay, hiện nay đi lại rất khó khăn. Đã điều trị bằng thuốc Daflon 500mg ngày 2 viên trong 6 tháng và đeo vớ Y khoa nhưng không đỡ. Xin bác sĩ cho biết hiện nay có phương pháp điều trị nào dứt điểm bệnh này và điều trị ở đâu.

Vũ Ngọc Nam, Biên Hòa - Đồng Nai, ngocnam214@yahoo.com

- ThS-BS Nguyễn Hoài Thu: Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị suy tĩnh mạch như dùng thuốc,chích xơ,laser nội mạch ,phẫu thuật...chị nên đưa mẹ chị tới các Bệnh viện có chuyên khoa Mạch máu để chẩn đoán xác địng giai đoạn bệnh và chữa trị.

 

Xin cho biết, bệnh tĩnh mạch chi dưới có biểu hiện như thế nào? Vì sao như thế? Nếu không chũa trị hoặc để bệnh kéo dài, có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không, có bị liệt không?

THÁI VĂN NHỰT, CÔNG TY CÀ PHÊ VIỆT ĐỨC

- ThS-BS Nguyễn Hoài Thu: Biểu hiện của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới thường gặp nhất là nặng chân,đau bắp chân, phù chân khi đứng lâu , vọp bẻ,các Tm dưới da có thể nổi lên, dãn , chạy ngoằn ngoèo...

Bệnh không trầm trọng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nhiều vì thường xuyên gây khó chịu mệt mỏi giảm khả năng làm việc...

Bệnh không diễn tiến tới liệt.

Mời bạn tham khảo thêm các bài viết của TS BS Nguyễn Hoài Nam, đã đăng trên các báo Người Lao động.

 

Tôi thường bị mỏi tòan bộ hai chi dưới vào mỗi buổi tối,nhất là bắp đùi, bắp chân nhiều khi phải nhờ con tôi dẫm chân lên hai đùi một lúc thì thấy thỏa mái. Xin hỏi PGS-TS Nguyễn Hoài Nam là bệnh gì, chữa trị ra sao( Tôi có hút thuốc lá)

le thanh hoai, P2 Q.BT, thanhhoai@yahoo.com.vn

- PGS-TS Nguyễn Hoài Nam: Mỏi chân, có thể là triệu chứng của nhiều bệnh, hay chỉ là hậu quả của việc phải đứng, đi bộ nhiều mà thiếu rèn luyện thể thao. Muốn chẩn đoán chính xác có phải là các triệu chứng sớm của bệnh suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới hay không? Anh nên đến khám tại các thầy thuốc chuyên khoa về mạch máu và được siêu âm Duppler màu hệ thống tĩnh mạch chi dưới. Từ đó có chỉ định điều trị chính xác. Anh nên bỏ thuốc lá, vì thuốc lá ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, còn ảnh hưởng rất nhiều đến các mạch máu, trong đó có động mạch (thuốc lá là thủ phạm chính gây ra viêm tắc động mạch, một loại bệnh rất khó chữa và gây ra tàn phế cao).

 

Xin hỏi Bác sĩ biểu hiện lâm sàng của bệnh tren là gi? nguyên nhân vì sao gây ra bệnh đó? cách phòng chống như thế nao?

Phạm Văn Thi, Văn phòng HĐND UBND huyện Yên Mô, duongtuanngoc123@yahoo.com

- ThS-BS Lê Phi Long: Nguyên nhân chính xác của bệnh hiện nay cũng chưa được biết rõ ràng. Tuy nhiên người ta chứng minh được bệnh có liên quan mật thiết đến một số các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, nữ giới, sanh nhiều, yếu tố gia đình... và một yếu tố quan trọng là nghề nghiệp hay thói quen đứng hay ngồi lâu. Biểu hiện thường gặp từ nhẹ đến nặng của bệnh là: mỏi nặng chân, tê dị cảm, vọp bẻ về đêm, sưng phù chân, dãn trướng ngoằn nghoèo các mạch máu chân, thay đổi màu sắc da chân, chàm da, loét không lành. Nên tránh thói quen đứng ngồi lâu bất động, ăn chế độ ăn giàu trái cây rau tươi, luyện tập thể dục hợp lý để phòng chống bệnh này.

 

Thưa bác sỹ! Tôi năm nay 55 tuổi bị suy tĩnh mạch chi dưới (phía trong bụng chân) do di truyền (mẹ tôi, anh tôi cũng bị). Tháng 06/2002 bệnh phát ở chân (P) tôi đươc điều tri (BHYT): DAFLON 500: 2 V/ Ngày + ENERVON C :1V/ Ngày + VITAMIN E: 1V/ Ngày. khỏang 6 tháng thì bệnh ở chi (P) hết nhưng lại xuất hiện ở chi (T).
Lúc đó giá thuốc bắt đầu tăng nên chỉ được điều trị : DAFLON 500 2v/ngày + Thuốc bổ 3 B , cho đến sau này thì chỉ còn DAFLON 500 2v/ ngày. Thời gian này (từ T3/2003 đến T12/2006) tôi uống thuốc không đươc đều, (uống khỏang 5-6 tháng lại ngưng khỏang 2-3 tháng).

Tôi có dùng tất bó chân, đêm nằm gác chân cao, tập thể dục buổi sáng đều đặn.Công việc làm không phải đứng lâu.
Nhưng đến nay tĩnh mạch lồi ra to hơn, không đau đớn, không nhức mỏi. Có người mách tôi điều trị như sau: Ginkor FORT 2v/ ngày + Vitamin E 2v/ngày. Sử dụng thêm tấm chườm lạnh.
Xin BS Nam cho biết điều trị như vậy có được không? Có phương pháp nào tốt hơn không. Nêu muốn liên hệ trưc tiếp với BS có đựợc không ? Nếu đựoc phép xin BS cho địa chỉ
Xin chân thành cám ơn.

tran dang thanh, thanhtran1952@yahoo.com.vn

- ThS-BS Lê Phi Long: Suy tĩnh mạch chân nếu đã diễn tiến đến giai đoạn dãn trướng tĩnh mạch, lồi ra, thì phải điều trị phẫu thuật thì mới khỏi được. Mời bạn đến Phòng khám 7 BV ĐHYD để được điều trị tiếp tục.

 

Tôi là giáo viên. Do tính chất công việc nên thường xuyên đứng. Mỗi tối khi về nhà thường bị đau thốn ở 2 gót chân. Vậy có phải là biểu hiện của suy tĩnh mạch dưới.

Nguyen Minh Tam, 82 Triệu Quang Phuc Q5 TPHCM, tamnb001@yahoo.com

- ThS-BS Lê Phi Long: Tính chất công việc của bạn là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến bệnh lý suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới. Biểu hiện thông thường của bệnh lý này là cảm giác mỏi, nặng, nhức, tê chân, thường xuất hiện và nặng hơn về chiều tối, sau 1 ngày làm việc, sau khi đứng lâu, giảm nhẹ khi nghỉ ngơi và kê chân cao. Đau gót cũng là một triệu chứng có thể gặp trong bệnh suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới.

Theo như bạn mô tả, nhiều khả năng bạn đã mắc bệnh. Để xác định, bạn có thể đến khám và làm việc siêu âm Doppler để được chẩn đoán và điều trị tốt hơn. Các cơ sở hiện nay có thể điều trị tốt bệnh lý này tại TPHCM: BV ĐH Y Dược, BV Chợ Rẫy, BV Nhân Dân Gia Định, BV Bình Dân...

 

img
Ông Lê Bân, Tổng Thư ký Toà soạn Báo NLĐ (bìa trái) tặng hoa cho các khách mời

BTC chương trình trực tuyến xin cám ơn sự theo dõi của bạn đọc.

Cám ơn quý khách mời và nhà tài trợ đã góp sức để chương trình đạt kết quả tốt đẹp

 

Đơn vị tài trợ

img

img

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo