xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cõi lạ Phạm Thiên Thư

Hoàng Nguyên Vũ

Vừa qua, Trung tâm Sách và Kỷ lục Việt Nam đã trao kỷ lục về người đầu tiên viết Từ điển cười bằng thơ cho nhà thơ Phạm Thiên Thư. Đây là cuốn sách ông viết gần một nửa cuộc đời, với 5.000 ngữ nghĩa vui để “cười mà đẩy tâm bệnh”

Phạm Thiên Thư-vị ẩn tu trong tập trường thi Động hoa vàng có khuôn mặt cười, miệng rồng, mũi lân. Ông nói cười hồn nhiên như một cọng cỏ. Nếu gặp ông giữa đường, hẳn ta sẽ nhăn trán: “Tác giả của Động hoa vàng, của Đoạn trường vô thanh?”.

Nhưng lạ thế. Ông bảo cuộc đời ông như sống một cõi nào đó, không cho bản thân ông. Tất cả đều tươi, đều sinh sôi từ tâm hồn đến ngoại hình và không quan trọng bất cứ điều gì kể cả những lúc đau khổ nhất. Chưa bao giờ ông lên kế hoạch làm việc trước, có khi chỉ sau một cơn mơ hay một điều gì thú vị, ngồi viết một mạch...

Vậy đấy. Mười bài Đạo ca mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, ông chỉ viết trong 2 ngày. Tập trường thi Động hoa vàng cũng chỉ 7 ngày liền động bút. “Quái” hơn, sau vài đêm, một bài thơ “bát quái” ông đã đọc ra được 50.000 câu...

Từ điển cười

Nhưng cuốn Từ điển cười (tên Hán tự là Tiếu liệu pháp), lại là “ngoại lệ”. Gần như, đó là sự nhặt nhạnh từ trí não những khái niệm cụ thể trong một kiểu tư duy vô thức, được diễn đạt bằng ngôn ngữ rất dân dã. Ông như người chăm chú lại giữa những lúc hồn nhiên, theo một chuỗi thời gian gần nửa đời người để tập trung được cuốn từ điển độc đáo có một không hai trong lịch sử Việt Nam này.

Mới chỉ dừng lại ở A-B-C mà đã ngót nghét nghìn trang, mỗi một khái niệm được diễn đạt bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Những khái niệm qua tư duy của Phạm Thiên Thư khá dí dỏm, đọc cứ phải lăn ra mà cười, có cái cười... vỡ bụng, nhưng cũng có cái cười ra nước mắt...

Cười không chỉ ở cách lý giải, mà cười ngay cả cái ngoại diễn của một khái niệm. Ví dụ, trong các kiểu chửi, ông đưa ra những loại chửi thoạt nghe đã phải tò mò: chửi quang minh chính đại, chửi... mẹ đĩ, chửi ngọng nghịu, chửi ong óng... và một kiểu chửi nữa có lẽ chỉ người Việt Nam mới có- chửi hoài niệm:

“Sư bố thằng kia lên gối bà

Nghe lời con đĩ đánh bà nha

Xưa mày bám cứng dai như đỉa

Biết thế thừa... để chó tha”.

Đọc hết cuốn từ điển, cái để cười nữa là: tác giả moi đâu ra mà lắm khái niệm thế. Cái nào cũng được lý giải một cách thấu đáo theo lối tư duy hài hước quen thuộc như những vần thơ trào phúng của văn học dân gian Việt Nam. Tính riêng các khái niệm “chửi” cũng đến con số 180, “chết” có 200 kiểu chết, “cười” có 200 kiểu cười, “chó” cũng đến hơn 60 loại và kiểu chó...

Thực ra cuốn từ điển này, ông viết ra nó, ban đầu cũng chỉ có ý định khuấy động một lối tư duy ngôn ngữ trong chính bản thân mình, cười để đẩy những tâm bệnh trong mình. Nhưng những năm gần đây, giới trẻ Việt Nam đang rơi vào tình trạng “thiếu” ngôn ngữ, không chỉ trong giao tiếp thông thường mà còn cả trong văn chương nữa, nên ông hy vọng tác phẩm của ông sẽ khuấy động một chút nhỏ thôi, ngôn ngữ trong cuộc đời...

Đâu chỉ một kỷ lục...

Một con người hồn nhiên như tiền kiếp ấy, lại là một nhà thơ với những “kỷ lục” đáng giật mình. Từ điển cười thực ra chỉ là một trong những kỷ lục của cuộc đời ông. Nếu tính sơ sơ, ông còn 4 kỷ lục nữa chưa mấy ai biết tới.

Một tác phẩm song song với Từ điển cười về thời gian sáng tác nhưng khối lượng thì đồ sộ hơn, đó là cuốn Từ điển châm ngôn. Cuốn sách sẽ ra mắt bạn đọc thời gian tới và hứa hẹn sẽ lạ nhất Việt Nam. Thế là bên cạnh nụ cười chắt lọc trong đời, nhà thơ họ Phạm dành những 50.000 khái niệm lời hay ý đẹp...

Nhà thơ 68 tuổi này đang “đội trên đầu” 20.000 câu thơ lục bát của chính mình. Có người cho rằng Nguyễn Du đã ghi vào sổ kỷ lục Việt Nam hơn 3.000 câu lục bát của Truyện Kiều, nhưng thực tế nhìn vào con số trên thì kỷ lục của cụ Nguyễn Tiên Điền đã bị... phá!

Nhắc đến cụ Nguyễn Du lại nhớ đến một... kỷ lục nữa của “hậu thế” Phạm Thiên Thư-ông là người viết tiếp hậu Truyện Kiều. Truyện Kiều của Nguyễn Du là Đoạn trường tân thanh thì phần viết tiếp của Phạm Thiên Thư là Đoạn trường vô thanh, với số lượng nhiều hơn của bậc tiền nhân 20 câu... Đây là trường hợp duy nhất của văn học Việt Nam, sau 200 năm có người mạnh dạn viết tiếp Truyện Kiều.

Và hẳn, cụ Thanh Tâm Tài Nhân khó mà trách được bậc hậu duệ của cụ Nguyễn Du nữa về vay mượn cốt truyện, khi mà nàng Kiều trong Đoạn trường vô thanh là “Việt 100%” và cái cốt truyện cũng hấp dẫn đâu có thua kém gì Kim Vân Kiều theo sự đánh giá của một số nhà phê bình văn học nổi tiếng!

Điều này, cũng có lẽ là độc nhất Việt Nam, khi 7 bộ kinh Phật giáo đã được chuyển thành thơ với một lối ngôn ngữ thuần Việt. Nội dung, đương nhiên vẫn là kinh Phật nhưng những địa danh trong kinh Phật đã được đổi thành những địa danh của Việt Nam. Phạm Thiên Thư-người chuyển đổi - chỉ có một suy nghĩ rất giản dị: Muốn người Việt thấm kinh Phật theo kiểu của người Việt. Và không riêng gì cứ phải mặc áo cà sa, những nông dân lam lũ bình dị cũng có thể có được kinh thư trong chính mình...

Mấy độ hoa vàng...

Nhà thơ Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh năm 1940, trong một gia đình bố mẹ làm nghề bốc thuốc nhưng thích thơ văn. Tuổi thơ của ông khá êm đềm. Những điều đó chỉ cho ông được những tiền đề thuận lợi, nhưng để một tài thơ bật hẳn lên thì phải là từ năm 1958, sau một biến động của cuộc đời...

Chuyện là ông có nhóm bạn thơ họa Hồ Quý Ly, tụ tập đàn đúm thơ phú đêm ngày. Thấy đám văn nghệ sĩ này cứ “ương ương dở dở”, cảnh sát chế độ Sài Gòn cũ đã vây bắt. Ông phải ẩn tu vào một ngôi chùa. Đi tu, thực ra với ông không hẳn là tìm một chốn nương náu, mà ông ngộ ra một điều, ông đã tự tìm cho mình một cõi riêng, một kiểu tu hành riêng...

Ông viết Động hoa vàng những ngày đầu ngấm giáo lý nhà Phật, như đánh dấu mình vào một cõi của chính mình trong thi đàn. Dĩ nhiên, Động hoa vàng chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc nhất trong đời viết của Phạm Thiên Thư nhưng nó đã làm nên một “thương hiệu” của Phạm Thiên Thư. Những câu thơ đẩy cái đạo đời bềnh bồng trên cõi Phật, làm hiện hữu cái cuộc đời đáng sống trên cái mênh mang bao la của phù vân hư ảo:

“Đợi nhau tàn cuộc hoa này

Đành như cánh bướm đồi Tây hững hờ

Tìm trang lệ ố hàng thơ

Chữ xưa quyên giục bây giờ chim đi...”.

Nhiều người đã hiểu sai, cho rằng Phạm Thiên Thư đi tu mà lòng vẫn hướng về cõi tục. Ông chỉ cười: “Tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình”. Quả thực là từ cõi Phật, ông đã làm được những điều đáng nể: thi hóa kinh Phật, sáng tác những thi phẩm hay và đẹp thuộc diện hiếm hoi trong văn học Việt Nam.

Gần đây, có người đã tìm lại được nguyên mẫu của bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị (nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc), hiện đang sống tại Mỹ, đó là bà Hoàng Thị Ngọ. Với những thông tin cần thiết về nhân vật đó, ông khẳng định đúng là nguyên mẫu của hơn 40 năm trước.

Nhưng chỉ có điều, “nguyên mẫu” cho rằng cái anh nhà thơ năm xưa ngày nào cũng “theo Ngọ về” trên con đường bụi đỏ đã yêu cô một cách đơn phương và vì không lấy được cô để rồi phải vào chùa ẩn tu, thì đó là điều... không chính xác.

Hoàng Thị Ngọ chỉ là một nhân vật thơ, thoáng qua như một nỗi nhớ để nâng tứ thơ lên. “Tôi chưa từng mê mẩn một ai để đến mức đau khổ. Cái hay nhất của đời tôi là đã đẩy được những khổ đau khi nó ngấp nghé đến xa xa sau những bước chân mình...”. Và cái thực tế là, hình ảnh Ngọ đi qua những câu thơ pha lê ấy, chỉ để gợi lên một nỗi dâu bể của bụi bặm cuộc đời, trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt.

Với 126.000 câu thơ và nhiều công trình nghiên cứu, thi sĩ Phạm Thiên Thư đã để lại cho đời một nét duyên trong một cõi lạ của thi mệnh, độc đáo nhưng rất Việt. Một điều rất lạ, tất cả những tác phẩm ấy, ông đều viết bằng tư duy vô thức.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo