Trường ĐH Kinh tế TPHCM hiện có 44 giảng viên tiếng Anh, mỗi năm tuyển mới khoảng 5.000 sinh viên (SV) cùng với SV toàn trường, tổng cộng có khoảng 300 lớp. Do vậy, các giảng viên phải “gò lưng” dạy khoảng 600-700 tiết/năm, gấp đôi so với quy định của Bộ GD-ĐT đối với giảng viên chính (320 tiết/năm). Thạc sĩ Võ Đình Phước, Trưởng Ban Ngoại ngữ Trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho biết như vậy về tình hình giảng viên tiếng Anh tại trường. Lực lượng giảng viên tiếng Anh quá ít là một trong những thách thức đối với yêu cầu đào tạo tiếng Anh trong trường ĐH hiện nay.
Thầy ít
Vì thiếu giảng viên tiếng Anh, rất nhiều trường ĐH hiện nay sử dụng lực lượng giảng viên thỉnh giảng cao gấp đôi giảng viên cơ hữu. Ví dụ 5 trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia TPHCM có gần 53.758 SV nhưng chỉ có 184 giảng viên dạy tiếng Anh. Trong đó, chỉ có 53 giảng viên cơ hữu (chiếm 29%), còn lại là giảng viên thỉnh giảng (131 người, chiếm 71%). Từ tháng 9-2008, Trường ĐH Bách khoa đã quyết định áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh TOEIC cho tất cả SV tốt nghiệp bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm 2008, thế nhưng hiện trường chỉ có 18 giảng viên tiếng Anh cơ hữu, việc đào tạo tiếng Anh cho SV vẫn nhờ phần lớn vào 44 giảng viên thỉnh giảng. Tương tự, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn dù có đào tạo chuyên ngành tiếng Anh bậc ĐH và sau ĐH, cũng chỉ có 10 giảng viên cơ hữu, trong khi giảng viên thỉnh giảng là 46 người.
Các trường ngoài công lập càng khó khăn hơn. Theo hiệu trưởng một trường ĐH dân lập, trường phải liên tục tuyển giảng viên tiếng Anh. Tuy nhiên, giảng viên trình độ thạc sĩ rất ít nên trường chủ yếu mời giảng viên thỉnh giảng.
Lớp đông
Chính việc thiếu giảng viên tiếng Anh khiến cho các trường khó bố trí lớp theo đúng chuẩn để SV đạt hiệu quả cao trong việc học tiếng Anh. Thạc sĩ Võ Thị Thanh Lý, Trường ĐH Công nghệ Thông tin - ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết giáo viên tiếng Anh của trường thường xuyên phải chấp nhận dạy những lớp rất đông SV, có lớp lên tới 60 SV.
Lớp quá đông sinh viên khiến giảng viên rất khó khăn trong việc dạy theo phương pháp giao tiếp. Ảnh: Th. Uyên |
Theo PGS-TS Đoàn Thị Minh Trinh, Phó trưởng Ban ĐH và Sau ĐH ĐH Quốc gia TPHCM, các lớp học tiếng Anh tại ĐH Quốc gia TPHCM có sĩ số là 40-60 SV/lớp trong khi thông lệ quốc tế là 15-20 SV/lớp. Đây là một trong những thách thức lớn khi chuẩn hóa giảng dạy tiếng Anh theo chuẩn mực quốc tế.
Theo thạc sĩ Lý, chỉ một thầy quản chừng đó SV đã là một thách thức, để có thể dạy theo phương pháp giao tiếp thử thách còn lớn hơn nhiều. Nếu không có giải pháp thích hợp thì bài giảng của thầy không hiệu quả và SV sẽ vắng bóng dần vì chán nản.
Giải pháp “giữ chân” SV xuất sắc
TS Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giảng viên tiếng Anh, đặc biệt là giảng viên trình độ thạc sĩ, là do thu nhập của giảng viên quá thấp so với thị trường lao động bên ngoài. Thạc sĩ Trịnh Thu Hương, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết thêm: Thù lao của giảng viên cơ hữu trong chuẩn là 21.500 đồng/tiết, ngoài chuẩn là 30.300 đồng/tiết, giảng viên thỉnh giảng cũng được khoảng 30.300 đồng/tiết. Mức thù lao như vậy khó bảo đảm được cuộc sống của giảng viên cũng như khó thu hút giảng viên giỏi đến với giảng đường ĐH.
TS Lê Hữu Phước cho rằng các trường cần phải tìm cách giữ SV tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành tiếng Anh và bồi dưỡng nâng cao chất lượng giảng viên, đồng thời có cơ chế nâng cao thu nhập cho giảng viên tiếng Anh để họ yên tâm gắn bó với công việc.
Không còn thời gian nghiên cứu khoa học |
Bình luận (0)