Người dân huyện Chợ Mới (An Giang) vẫn chưa quên được tai nạn thương tâm cách đây không lâu tại bến đò Chợ Thủ, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới. Hôm ấy, chiếc đò băng qua sông chạy về phía ấp Nam, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Do tranh thủ thời gian mời khách mua vé số, tài công đã không chú ý bảo đảm an toàn cho một xe khách 4 chỗ xuống đò. Chiếc xe đang đổ dốc vừa chạm mỏ đò thì đò bất ngờ dạt ra làm chiếc xe lao thẳng xuống sông. Hậu quả làm 3 người cùng một gia đình trên xe tử nạn.
|
Xe ôm làm... “thuyền trưởng”
Từ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành (An Giang), chúng tôi đi tắt sang huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp để ghi nhận về những chuyến đò ngang, đò dọc không an toàn. Quãng đường chưa đầy 30 km, chúng tôi phải qua 5 chuyến đò ngang. Tại bến đò Mương Ranh - Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới đã có hàng chục hành khách và xe máy đầy cứng chờ rời bến, nhưng anh “tài công” cố nấn ná để chở thêm vài người khách vừa mới đến. Ba chiếc đò gỗ (mỗi chiếc dài 16 m, ngang 4 m) cứ thay phiên nhau cập bến, hoạt động liên tục từ 5 giờ đến 21 giờ. Đò cập bến, chúng tôi chạy tiếp gần 10 km và phải qua tiếp bến đò Cả Xoài, nối liền đôi bờ xã Long Giang và xã Long Điền B, huyện Chợ Mới. Đường dẫn bến đò là khoảng trống giữa hai căn nhà trong chợ chỉ rộng chừng 1,5 m. Khách chuẩn bị xuống đò phải nép sát vào hai bên vách nhà để nhường đường cho người và xe dưới đò lên. Chắc nghĩ rằng đoạn sông này nhỏ nên chủ đò cũng không thèm trang bị phao cứu sinh hay áo phao cho khách. Cách đó không xa là bến đò Mương Lớn. Trên bờ là con đường đất, dốc gần như thẳng đứng dẫn xuống đò. Chiếc đò nhỏ xíu, chỉ rộng khoảng 1,2 m, dài 4 m chở vài người và 3 xe máy, nhưng không ai dám... thở. Đò cập bến, phải loay hoay nhiều phút và thật cẩn thận, khách mới có thể quay được đầu xe... dẫn lên bờ. Đi tiếp một đoạn lại phải qua bến đò Cột Dây Thép (xã Long Điền A đi qua xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới). Đường dẫn hai bờ cũng chỉ là đường đất dốc, mỗi khi trời mưa rất trơn và bùn ướt không sao lên xuống đò được. Vì nhiều lần qua lại bến đò này, chúng tôi được biết Mèo - hiện là “thuyền trưởng” cầm lái một trong hai chiếc đò ngang tại đây - vốn là dân chạy xe ôm chở khách tham quan. Mèo cho biết: “Nghề chạy xe ôm bây giờ bị “cạnh tranh” quá, nên tôi chuyển sang lái đò. Mà chạy đò cũng dễ ợt. Tôi chỉ theo chơi, sẵn chờ bắt khách rồi lên tập chạy thử... có 2 ngày là thành “thuyền trưởng”. Nhưng tiền nào của nấy, những tài công như Mèo chỉ được trả lương 660.000 đồng/tháng, làm việc từ 5 giờ đến 19 giờ. Về đêm, chạy thêm chuyến nào thì được trả 1.000 đồng cho chuyến đó. Mèo còn cho hay, không chỉ riêng anh mà cánh xe ôm tại bến đò này cũng có rất nhiều người từng thử qua làm “thuyền trưởng” từ vài tháng đến 1 năm.
Lên đò, chúng tôi chạy hơn 1 km thì đến bến đò Cồn Én, ấp Tấn Hòa qua ấp Tấn Long, xã Tấn Mỹ. Chiếc đò gỗ rộng hơn 2 m, dài 8 m và lèo tèo vài chiếc phao cũ được chủ đò buộc chặt trên mui. Con sông Tiền đoạn đi qua bến đò Cồn Én rộng hơn 1 km lúc nào cũng tung những ngọn sóng cao lừng lững. Anh tài công này cũng vốn là dân chạy xe ôm. Đi tiếp một đoạn ngắn nữa, chúng tôi lại phải qua đò Ông Tam để từ Tấn Long sang thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.
Vi phạm tràn lan, phổ biến
Tỉnh An Giang có khoảng 200 bến đò dọc, đò ngang đang hoạt động, trong đó có rất nhiều bến đò không được cấp phép. Chỉ riêng huyện Chợ Mới có hơn 40 bến đò ngang. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 50% bến đò vi phạm các lỗi như: Không có nhà chờ, đường cầu dẫn không bảo đảm an toàn, không đèn tín hiệu, phao cứu sinh và không bằng thuyền trưởng, máy trưởng theo quy định hiện hành. TP Long Xuyên (An Giang) có 36 bến đò ngang, thì đã có 24 bến thiếu thiết bị an toàn, 15 bến vi phạm do không có bằng thuyền trưởng và giấy chứng nhận chuyên môn.
Phòng CSGT Đường thủy Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết hiện có 169 bến đò ngang hoạt động trên địa bàn tỉnh, trong đó có hơn 1/3 số bến tự phát. Tại TP Cần Thơ có gần 66.000 phương tiện giao thông thủy thuộc diện phải đăng ký nhưng mới có 5.501 chiếc đăng ký đăng kiểm (8,3%). Tại Sóc Trăng, gần 2/3 trong 57.000 phương tiện chưa đăng ký đăng kiểm. Tại Vĩnh Long chỉ có 10% trong số người điều khiển 23.000 phương tiện thủy có bằng cấp chuyên môn. Tình trạng các bến đò dọc, đò ngang hoạt động “năm không”: không đăng ký, đăng kiểm, không chứng chỉ chuyên môn, không bằng cấp và không đủ điều kiện an toàn đối với các phương tiện, bến chở khách ngang sông ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hiện nay khá phổ biến. Chính vì thế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thủy ở các tỉnh miền Tây hiện nay hết sức cao. Theo các ngành chức năng thì nguyên nhân chính do các chủ phương tiện chưa ý thức được việc đăng ký, đăng kiểm để bảo đảm an toàn khi lưu thông. Một trong những nguyên nhân chủ yếu nữa là do ý thức tuân thủ các quy định về pháp luật giao thông đường thủy của người dân chưa cao. Hơn nữa do địa bàn sông ngòi rộng và chằng chịt nên công tác kiểm tra, xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.
Tình trạng các phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, chưa có thiết bị cứu sinh đầy đủ theo quy định đang hoạt động và tiềm ẩn nguy cơ về tai nạn giao thông. Mặt khác, nạn giăng đăng, đáy, bẫy cá trên sông trái phép vẫn còn khá phổ biến, tạo thành những chướng ngại vật nguy hiểm cho các phương tiện giao thông. |
Kỳ tới: Hung thần cao tốc
Bình luận (0)