Toàn tỉnh Cà Mau hiện có hơn 450 chiếc ca nô cao tốc hoạt động. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2008 đến nay, toàn tỉnh Cà Mau xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông đường thủy, làm chết 20 người, bị thương 3 người. Các vụ do ca nô cao tốc gây ra đều dẫn đến chết người.
Phóng nhanh vượt ẩu, nhấn chìm ghe nhỏ
Đã gần một năm trôi qua, từ ngày anh Mai Hồng Cơ ở ấp 5, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời bị ca nô cao tốc cướp đi tính mạng, chị Nguyễn Thị Út- vợ anh, vẫn còn sống trong ác mộng. Đêm đêm chợp mắt là chị lại thấy hình ảnh lúc người ta mang xác anh Cơ lên từ dưới lòng sông Rạch Ráng mênh mông. Rồi chị thẫn thờ ra bờ sông trước nhà ngồi nhìn theo con nước. Nơi lần cuối cùng chị nhìn thấy anh xuôi ghe đi chợ lấy hàng và không bao giờ về nữa. Cơ quan điều tra xác định do tài công lái ca nô phóng nhanh vượt ẩu đã gây nên cái chết của anh Cơ. Phía người gây ra tai nạn đã bồi thường cho gia đình chị Út 80 triệu đồng để được bãi nại. Đó là số tiền lớn đối với người dân lao động nghèo ở nông thôn, nhưng không thể bù đắp được khoảng trống mà anh Cơ đã để lại trong ngôi nhà bé nhỏ.
Phóng nhanh vượt ẩu, ca nô cao tốc trở thành nỗi kinh hoàng của người dân vùng sông nước Cà Mau. Ảnh: D.NHÂN |
Còn tại một số đoạn sông ở TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Bến Tre và Bạc Liêu, thời gian gần đây cũng xuất hiện khá nhiều hệ thống tàu cao tốc tư nhân được đưa vào phục vụ hành khách. Thế nhưng, hầu hết người dân đang tham gia lưu thông đường thủy bằng phương tiện nhỏ đều tỏ ra sợ hãi mỗi khi phải đối diện với tàu cao tốc. Bởi mỗi khi tàu cao tốc chạy hết tốc độ đều tạo ra một dòng xoáy mạnh khiến nhiều ghe, xuồng nhỏ phải... nhảy dựng khỏi mặt nước. Nếu người điều khiển không có kinh nghiệm thì những ghe, xuồng nhỏ rất dễ bị lật úp xuống dòng nước xoáy. Có mặt trên một chiếc tàu cao tốc đi từ TP Cần Thơ đến TPHCM mới đây, chúng tôi hết sức bất bình khi chứng kiến nhân viên tàu thản nhiên nhìn cảnh những chiếc ghe suýt bị chìm vì áp lực dòng nước từ đuôi tàu cao tốc tạo ra. Anh Tài, một thương lái chuyên dùng ghe đi thu mua dừa trên sông ở Trà Ôn (Vĩnh Long), phẫn nộ cho biết mỗi khi thấy tàu cao tốc chạy lạng lách từ xa là anh phải tức tốc điều khiển ghe chạy theo hướng ngang mặt sông. Nếu lưu thông theo chiều xuôi thì chắc chắn sẽ bị tàu cao tốc nhấn chìm trong nháy mắt. Nguy hiểm là thế, nhưng tài công của đội ngũ tàu cao tốc vẫn dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra.
Nỗi lo “sóng cồn nhân tạo”
Tại chợ nổi Cà Mau, trung bình mỗi ngày có từ 150 đến 200 ghe hàng về đây neo đậu, mua bán. Phần lớn các ghe hàng tập trung về đây đều chở đầy hàng hóa. Khi những chuyến tàu cao tốc đi ngang qua khu vực này cứ mở hết tốc độ, tạo sóng dồn dập, làm cho các ghe hàng liên tục chao đảo, va đập rất dữ. Chị Hồng, một chủ ghe hàng bông, cho biết sóng tàu cao tốc làm hoa quả và trái cây trên ghe của chị mau hư hỏng, dập nát, mỗi ngày hàng chục ký, thiệt hại hàng trăm ngàn đồng. Cũng vì sóng tàu mà gần đây khách hàng ngại đến mua hàng vì không ít trường hợp ngồi trên ghe mua hàng bất ngờ bị sóng đánh rơi xuống sông.
Chợ nổi Cà Mau nằm ngay cửa ngõ vào trung tâm TP Cà Mau, cách bến tàu B phường 8 khoảng 2 km. Đây là tuyến đường lưu thông chính đi các huyện Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển. Mỗi ngày có hàng trăm lượt tàu khách, cao tốc, các loại phương tiện thủy qua lại, gây ra nhiều sóng làm náo động cả khúc sông. Tại đây tồn tại nhan nhản biển báo giảm tốc độ, nhưng các tài công ca nô vẫn thoải mái tăng tốc khi đi qua khu vực này, bỏ lại đằng sau bao nhiêu nỗi thấp thỏm, sợ hãi, kinh hoàng.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, hoạt động với công suất cao, tạo ra bước sóng lớn, chính những “hung thần trên sông nước” đã làm cho sông ngòi, kênh rạch ở Cà Mau sạt lở nghiêm trọng thời gian qua. Bình quân mỗi năm Cà Mau có gần 360 ha đất ven sông bị sạt lở và hàng trăm ngôi nhà bị nhấn chìm bởi sóng của ca nô cao tốc gây ra, tổn thất hàng chục tỉ đồng. Còn tại huyện Tam Bình (Vĩnh Long) và Chợ Lách (Bến Tre), tình trạng sạt lở hai bên bờ sông đang diễn ra hết sức phức tạp. Nhiều đoạn sạt lở đã và đang “ăn đứt” một số đoạn đường nằm sát mé sông. Nhiều hộ có nhà cặp mé sông đã bất lực... bỏ nhà chạy lấy thân vì sạt lở ăn sâu vào đất liền cả chục mét. Theo nhận định của người dân, một trong những nguyên nhân gây sạt lở ngày càng nghiêm trọng là do tàu cao tốc hoạt động hết tốc độ trên đoạn sông này khoảng 2 năm trở lại đây.
Bình luận (0)