Nằm đối diện với sòng bài Le Macau lâu năm, tòa nhà Pho De Paris (tỉnh Pavet, Campuchia, giáp ranh với cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh) mang kiến trúc của một khách sạn, nhà hàng, khá hoành tráng với quy mô 1 trệt, 1 lửng, 3 lầu.
Nguyên khối nhà Pho De Paris nặng gần 4.200 tấn - Ảnh: Q.Thuần
Chú Thiện, một "thổ địa" ở tỉnh Tây Ninh, từng kinh doanh ở khu vực này, đi cùng với chúng tôi, thuyết minh: "Tầng trệt trước kia từng là một cửa hàng phở nổi tiếng ở vùng biên giới Pavet. Ông chủ thương hiệu này còn có cả một hệ thống nhà hàng khách sạn khác ở Phnom Penh, Siem Riep. Từ khi xảy ra sự cố lún nứt, chủ khách sạn đã có ý định đập bỏ và xây mới, nhưng nghe được tiếng tăm của "thần đèn" VN, phương án nâng nền, chỉnh sửa lại được tính đến".
Chúng tôi vào thăm công trình đúng lúc "thần đèn" Nguyễn Văn Cư đang có mặt ở đó. Ông Cư kể: "Lúc nhận lời chỉnh sửa tòa nhà, tôi nghĩ chỉ là một việc đơn giản, nhưng vì thời gian đàm phán và xin giấy phép quá lâu, mất đến 8 tháng nên công trình tiếp tục xuống cấp trầm trọng. Khi khảo sát ai cũng nghĩ là chỉ bị lún nền, nhưng khi đào móng lên thì thấy có nhiều cột bị cong hoặc gãy hết vì chủ đầu tư xây vượt thiết kế, tải trọng tòa nhà quá nặng, mà các cột chống đỡ lại yếu. Vì vậy, nếu so với những công trình khác thì việc nâng tòa nhà này lên rất khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều. Tôi phải ngay lập tức cho đưa các cột sắt chèn vào để chống nứt gãy, gia cố lại cột cho chắc chắn. Cũng may là khi xảy ra sự cố, chủ khách sạn định đập bỏ xây mới nên đã tháo dỡ hết thiết bị nội thất, nên tòa nhà cũng nhẹ bớt".
Thuê lao động "ngoại"
Khi nhận công trình này, ông Cư dự định mang toàn bộ nhân công VN sang để xây dựng, nhưng vì chi phí quá cao nên cuối cùng ông Cư chỉ mang sang khoảng 10 công nhân VN, còn lại thì thuê người Campuchia.
"Lương công nhân Việt dĩ nhiên là cao hơn công nhân bản xứ, vì trình độ và kinh nghiệm hơn hẳn, cộng với thời gian làm việc xa nhà. Nhưng công nhân Campuchia cũng hiền lành và siêng năng lắm. Chỉ có điều họ bất đồng ngôn ngữ, nên đến khi chính thức nâng nhà, tôi sẽ chuyển việc sang khoảng 30 công nhân trong nước, vì đây là công đoạn quan trọng nhất", ông Cư cho biết.
Công nhân VN đang thi công tại Campuchia
Có cả quan chức của Bộ Xây dựng Campuchia đến quan sát, ông chủ khách sạn đến xem công trình cũng yên tâm và hài lòng. Thứ nhất là họ tiết kiệm một khoản tiền khá lớn nếu so với chi phí đập bỏ xây mới. Thứ hai là thời gian nâng nhà chỉ mất khoảng 5 tháng để hoàn tất, trong khi thời gian xây mới phải mất hơn 2 năm. Theo ông Cư, đúng ra nguyên khối nhà này đã được nâng lên cách đây nửa tháng, nhưng vì ông chủ bận đi công tác nước khác, song lại muốn được tận mắt chứng kiến cảnh nâng nhà, nên kế hoạch thực hiện chậm lại một chút.
Nhìn bầu trời tháng 4 đen kịt giữa màn mưa không ngớt, ông "thần đèn" trầm tư: "Việc dời lại thời hạn nâng nhà cũng tốt, vì mưa liên tục, chỉ sợ nền đất nhão, lúc nâng sẽ bị lún nền". Vậy mà điều ông Cư lo lắng cũng đã xuất hiện. Hôm chỉnh sửa cho ngay ngắn tòa nhà, và cho nâng thử, có 3 móng đã bị lún.
Hôm 18-4 vừa qua, ông Cư khoe đã hoàn tất công đoạn nâng nhà. Tổng cộng mất khoảng 90 phút để nâng tòa nhà lên cao 5 tấc theo đúng hợp đồng. Hiện tại chỉ cần gia cố nền móng và hoàn thiện nữa là xong. Sau công trình này, ông Cư sẽ tiếp tục đi Huế để nâng một đình làng cổ xưa và dự kiến sẽ nâng một ngôi chùa ở An Giang lên cao 4m.
Bình luận (0)