Sau khi thị sát sông Thị Vải và kiểm tra tình hình khắc phục môi trường của Công ty Vedan VN (Công ty Vedan), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên đã có buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu sáng 11-5 để nghe quan điểm xử lý cũng như biện pháp giải quyết các tồn tại liên quan đến vi phạm của Công ty Vedan. “Kết quả giải quyết sẽ được bộ báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp sắp tới”- ông Nguyên cho biết.
Khu xử lý nước thải tại Công ty Vedan. Ảnh: N.Bích
Tiếp tục quan trắc, đánh giá ô nhiễm
Báo cáo tình hình khắc phục hậu quả gây ô nhiễm sông Thị Vải của Công ty Vedan, ông Bùi Cách Tuyến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho biết Vedan tháo bỏ trên 2.200 m tuyến ống, 4 máy bơm và 3 họng xả ngầm ra sông Thị Vải; tạm dừng hoạt động của 4 nhà máy gồm Lysine, tinh bột mì tươi, PGA và nhà máy điện 12 MW.
Ngoài ra, từ các kết quả quan trắc mới đây, Tổng cục Môi trường kết luận hiện nay chất lượng nước sông Thị Vải đang dần cải thiện và phục hồi một cách đáng kể. Vùng ô nhiễm nặng (có DO<1 mg/lít) trước đây dài trên 15 km thì nay không còn, vùng ô nhiễm nhẹ (DO trong khoảng 2-3 mg/lít) chỉ còn khoảng 5 km.
Từ cảng Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến các cửa sông, nước biển đã có màu xanh bình thường. Các kết quả phân tích hàm lượng các thông số ô nhiễm khác và độ đục của nước cũng giảm đáng kể.
Dù có rất nhiều nhà máy sản suất nằm dọc sông Thị Vải xả nước thải ra sông Thị Vải nhưng Công ty Vedan vẫn được các địa phương xác định là “thủ phạm” chính xả thải, gây ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên, khi nhà máy Vedan ngưng xả thải thì nước sông Thị Vải đã xanh trở lại. Công ty Vedan đã nghiêm túc thực hiện các quyết định của Bộ TN-MT như cắt bỏ toàn bộ hệ thống xả “chui”, chủ động dừng sản xuất 4 khu chức năng, tập trung đầu tư 2 khu xử lý nước thải với kinh phí hàng triệu USD.
Tuy nhiên, con số “triệu đô” này chỉ do Công ty Vedan báo cáo mà chưa có kiểm tra thực tế nên các cơ quan chức năng sẽ phải kiểm tra để có đánh giá cụ thể.
Bộ trưởng lưu ý: “Nếu thực sự Vedan bỏ ngần ấy tiền ra đầu tư thì hệ thống xử lý ô nhiễm vừa đạt với yêu cầu hiện nay. Khi những khu chức năng hoạt động trở lại thì phải xem xét khả năng xử lý ô nhiễm có bảo đảm với lượng xả thải tăng lên hay không?”.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đề nghị Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai tiếp tục quan trắc, đánh giá tình hình ô nhiễm sông Thị Vải chứ không nên dừng lại những kết quả đã làm bởi tiềm ẩn ô nhiễm vẫn còn rất lớn.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên phát biểu trong buổi làm việc. Ảnh: Q.Hiền
Đừng nhập nhằng giữa đền bù và hỗ trợ
Liên quan đến việc hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho nông dân do ô nhiễm sông Thị Vải gây ra, Công ty Vedan cho biết đã có công văn gởi Hội Nông dân TPHCM, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, đồng ý hỗ trợ thiệt hại với hai khoản: Hỗ trợ trực tiếp là 20 tỉ đồng (Đồng Nai 7 tỉ đồng, TPHCM 7 tỉ đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu 6 tỉ đồng) và hỗ trợ gián tiếp 5 tỉ đồng lập quỹ phúc lợi góp phần phát triển cho các huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cần Giờ (TPHCM).
Không đồng tình, ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, gay gắt: “Không thể nói tỉnh này nhận 6 tỉ, tỉnh kia nhận 7 tỉ. Bộ TN-MT cũng như Công ty Vedan cần phân biệt rõ khái niệm đền bù và hỗ trợ.
Không thể muốn đền bù là đền bù, muốn hỗ trợ thì hỗ trợ mà quan trọng là thiệt thòi của người dân được xem xét một cách thỏa đáng!”. Theo ông Thới, cần có một cơ quan chức năng khách quan để thực thi công việc đánh giá thiệt hại do ô nhiễm gây ra, từ đó quyết định đền bù hay hỗ trợ.
Lấy tiền đóng phạt khắc phục ô nhiễm Ngày 11-5, Tổng cục Môi trường đã đề nghị Bộ trưởng Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính yêu cầu Kho bạc Nhà nước tỉnh Đồng Nai chuyển toàn bộ kinh phí thu được từ xử phạt vi phạm hành chính và truy thu phí bảo vệ môi trường trốn nộp của Công ty Vedan về Quỹ Bảo vệ môi trường VN. Số tiền này để các địa phương liên quan xây dựng và thực hiện đề án khắc phục hậu quả về môi trường, kinh tế, xã hội trên lưu vực sông Thị Vải. |
Bình luận (0)