Bên đìa tôm rộng khoảng 1 ha vừa được gầy lại bên rạch Bà Riêu (xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), một nhánh của sông Thị Vải, ông Tư Mẫn thở dài: “Ai bước vào nghiệp nuôi tôm gần như không bỏ nghề được. Nhiều khi nước ô nhiễm, tôm chết, trắng tay, định bỏ nghề, nhưng rồi món nợ ngân hàng từ vụ tôm trước lại phải quay lại nuôi tôm, bởi chẳng có nguồn thu nào khác”.
Những ngày này, dọc sông Thị Vải, đâu đâu cũng râm ran chuyện bồi thường. Nhà ít cũng vài ba triệu, nhà nhiều đòi cả trăm triệu. Tại nhà ông Tư Mẫn, chuyện đòi bồi thường chợt tắt lặng khi nghe ông Mẫn nói: “Muốn được bồi thường phải có chứng cứ!”.
Anh Nguyễn Minh Luân:“Mong cho sông Thị Vải hết ô nhiễm, người dân có thể đánh bắt thủy sản để kiếm sống!” |
Ông Tư Mẫn tiếp chúng tôi bằng câu chuyện khởi nghiệp nuôi tôm từ 10 năm trước. Năm 1998, từ Cà Mau lên đây lập nghiệp với số vốn lận lưng ít ỏi, chỉ sau 3 vụ, ông đã có tiền mua đất, làm nhà và hùn với con trai lớn làm đìa nuôi tôm. Mỗi năm trừ hết chi phí cũng còn lãi gần trăm triệu.
“Khi sông Thị Vải chưa ô nhiễm, ở đây, nghề nuôi tôm phát triển rất mạnh, chỉ cần đắp đê sát dòng nước là tôm cá vào đầy ao”- ông nói. Sau khi Công ty Vedan VN xả nước thải gây ô nhiễm, 3 năm gần đây đều bị lỗ.
Khi lỗ hết vốn, ông Mẫn phải lấy sổ đỏ của gia đình thế chấp ngân hàng vay 200 triệu đồng. Nào ngờ tháng giêng năm rồi, tôm chết trắng đìa, gia đình không còn khả năng trả nợ.
Cùng hoàn cảnh với ông Mẫn, anh Nguyễn Lam Sơn, ấp Bà Trường, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, nhớ lại: “Trước đây, khi nguồn nước chưa ô nhiễm, một lứa tôm thu được khoảng 7 triệu đồng. Khi Công ty Vedan VN xả nước thải, mỗi lứa tôm chỉ thu hoạch được khoảng hơn 1 triệu đồng. Thiệt hại của nhà tôi ước cũng vài chục triệu đồng”.
Ở ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch hầu hết các hộ nông dân sống bằng nghề nuôi tôm. Sau nhiều vụ thất bát, một số chủ đìa phải bỏ xứ ra đi tìm kế sinh nhai khác.
Anh Nguyễn Minh Luân, tổ 10, ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, than vãn: “Từ ngày sông bị ô nhiễm, đổ nợ, tôi bán 2 ghe khai thác thủy sản, mua lại một xuồng lưới nhỏ để kiếm sống, cho 2 đứa con nghỉ học. Nghe nói đòi Vedan bồi thường khó lắm, phải chứng minh được thiệt hại. Trong khi mình thất học, làm sao chứng minh được. Chỉ mong sao trả lại sự trong lành cho dòng sông để nông dân có thể kiếm sống, con cái được học hành”.
Một cán bộ Hội Nông dân huyện Long Thành cho biết nhiều hộ dân mấy đời bám dòng sông Thị Vải để sống, nhiều năm qua, khi nước sông bị ô nhiễm nặng, nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh nợ nần. Giờ nếu không bồi thường thỏa đáng thì khó có thể thoát khỏi cảnh túng quẫn.
Có nhà nằm cạnh Nhà máy Bột ngọt Vedan, ông Trần Hồng Nhân, xã Phước Thái, cũng rầu rĩ nhớ lại: Khi nước sông ô nhiễm, chúng tôi báo ngay cho xã, huyện. Lần nào đi giám sát, mấy ông, bà trong HĐND địa phương cũng hứa ghi nhận ý kiến của bà con để kiến nghị. Sao lúc đó, cơ quan chức năng không kiểm tra hay quan trắc hoặc đi điều tra thực tế để thu thập chứng cứ?
Bình luận (0)