Chiều 12-5, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, cho biết cùng với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, hội đã chính thức từ chối mức hỗ trợ 25 tỉ đồng mà Vedan đưa ra.
Đơn kiện Vedan dồn dập
Theo ông Phụng, yêu cầu của hội trước tiên là thương lượng chứ không kiện ra tòa. Tuy nhiên, phải hiểu tiền hỗ trợ của Vedan là thể hiện tinh thần hối lỗi, khắc phục hậu quả đã gây ra chứ không phải kiểu hỗ trợ ban phát.
Dự kiến cuối tháng này, Trung ương Hội Nông dân cùng Hội Nông dân TPHCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có cuộc họp để thương lượng với Vedan mức hỗ trợ.
|
Theo ông Phụng, nếu Vedan đòi hạ mức tiền hỗ trợ, các hội nông dân sẽ phải xem nông dân có đồng ý hay không. “Nếu Vedan đưa ra mức tiền hỗ trợ quá thấp không được nông dân chấp nhận, hội sẽ kiện tới cùng!”- ông Phụng quả quyết.
Nhất trí với quan điểm này, ông Ao Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cũng khẳng định: “Trước mắt nên thương lượng, nếu không xong thì nông dân phải kiện để đòi quyền lợi chính đáng”.
“Chỉ trong vòng 2 tuần nay, đã có thêm khoảng 500 đơn mới đòi Vedan bồi thường, nâng tổng số đơn của riêng Bà Rịa - Vũng Tàu lên đến 3.700. Dự báo trong những ngày tới, số đơn sẽ tăng lên nữa”- ông Nguyễn Văn Thống, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Bà Rịa- Vũng Tàu, cho biết. Như vậy, dù chấp nhận hình thức thỏa thuận nhưng cả nông dân và đại diện của họ cũng sẵn sàng kiện tới cùng nếu Vedan “chơi không đẹp”.
Các tổ chức khoa học cần vào cuộc
Mới đây, đơn kiện của nông dân tỉnh Đồng Nai đã không được phía tòa án thụ lý. Vì vậy, giới luật sư và các nhà khoa học đều khẳng định để kiện thắng Vedan, nông dân phải chuẩn bị tốt hơn nữa.
TS Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, khẳng định: “Khi kiện Vedan, nếu các hội nông dân mở lời, chúng tôi sẵn sàng vào cuộc để chứng minh thiệt hại kinh tế của họ trên cơ sở khoa học”.
Theo ông Sinh, hội của ông có đủ lực lượng và chuyên môn để thực hiện việc này, chỉ còn thiếu kinh phí. Việc chứng minh những thiệt hại của nông dân do Vedan gây ra, theo ông Sinh, tuy phức tạp nhưng hoàn toàn có thể làm được và làm một cách phù hợp với nguyện vọng của nông dân. “Nhiều nước đã thành công trong những trường hợp tương tự, lẽ nào đội ngũ khoa học của VN lại bó tay”- ông Sinh nhận xét.
Việc mời các tổ chức khoa học vào cuộc để chứng minh thiệt hại là hết sức cần thiết và cấp bách, vì cho đến nay, theo ông Ao Văn Thinh, dù Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên- Môi trường phối hợp với các địa phương thành lập hội đồng khoa học để đánh giá mức độ ô nhiễm, xác định mức thiệt hại do ô nhiễm sông Thị Vải nhưng hiện nay hội đồng này vẫn chưa thấy thành lập.
Luật sư Trương Lê Minh Trí, Đoàn Luật sư Đồng Nai, khuyến cáo: “Nhà nước nên giúp đỡ nông dân bằng cách thành lập một hội đồng giám định thiệt hại và đầu tư để hội đồng này hoạt động”. Việc thành lập hội đồng này không trái mà còn làm cho quy trình tố tụng thêm chặt chẽ, đồng thời có cơ sở pháp lý để người dân khởi kiện.
Tiếc tiền, Vedan sẽ thiệt !
|
Bình luận (0)