Theo nhận định của Bộ Y tế, bệnh tiêu chảy cấp bùng phát tại các tỉnh phía Bắc đang có nguy cơ lan rộng, xâm nhập TPHCM và lây lan thành dịch bất cứ lúc nào. Trong đó, một yếu tố rất quan trọng liên quan đến loại dịch bệnh nguy hiểm này là thịt chó bị nhiễm phẩy khuẩn tả.
Cơ quan chức năng bối rối
Theo Chi cục Thú y TPHCM, hiện vẫn chưa có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để hướng dẫn, kiểm tra, xử lý việc kinh doanh thịt chó trên địa bàn TP. Bấy lâu nay thịt chó nằm ngoài danh mục quản lý giết mổ, kiểm dịch của chi cục.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn TP hiện có hơn 1.000 quán thịt chó, mỗi ngày nơi đây tiêu thụ một số lượng lớn thịt chó. Trong khi đó, dân cung cấp thịt chó không từ chối bất kỳ một con chó nào, bất kể sống, chết, ghẻ chốc, ăn bã, ngâm nước... Tại quận Tân Bình, nơi có số lượng quán, cơ sở giết mổ và hộ kinh doanh thịt chó rất lớn, tuy nhiên việc quản lý kinh doanh loại thực phẩm đặc thù này thì địa phương vẫn đang bối rối. Bác sĩ Phạm Kim Bình, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, cho biết trong lần kiểm tra một quán thịt chó trên đường Cách Mạng Tháng Tám thuộc quận Tân Bình, Sở Y tế đã phát hiện nguồn thịt chó và rau đều nhiễm vi sinh nên đã tiến hành đóng cửa quán này.
Việc kiểm soát thịt chó bị thả nổi do chưa có cơ sở pháp lý. Ảnh: N.THẠNH
Tại Hà Nội, dạo qua một số khu vực bán thịt chó như: Nhật Tân, đường Tam Trinh, Mễ Trì... lượng thực khách vẫn khá đông. Nhân viên một quán thịt chó (đường Tam Trinh) cho biết những ngày cuối tháng, thịt chó vẫn là món khoái khẩu được nhiều thực khách lựa chọn vì thế lượng khách hầu như không giảm. Tại khu vực Mễ Trì, các cửa hàng thịt chó vào buổi trưa vẫn nườm nượp người ra vào. Chị H., kinh doanh thịt chó tại khu vực này, cho biết: “Lượng khách mấy hôm nay cũng giảm hơn sau khi có thông tin thịt chó liên quan đến dịch tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả, tuy nhiên con số này cũng chẳng đáng là bao so với hàng trăm lượt khách mỗi ngày”. Hỏi về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chị H. một mực khẳng định cơ sở kinh doanh của chị làm rất tốt nhưng khi trả lời về việc kiểm dịch trước khi được giết mổ thì chị nói vu vơ: “Đã có ai chết vì ăn thịt chó đâu”.
Chó thuần hóa rất dễ mắc bệnh
Bác sĩ thú y Lê Phạm Bảo Châu, Trạm Chẩn đoán xét nghiệm (thuộc Chi cục Thú y TPHCM), cho biết trong các loại bệnh chủ yếu xuất hiện ở chó thì bệnh tiêu chảy chiếm 70%. Tương tự như người, ở chó cũng xuất hiện bệnh tiêu chảy cấp do nhiễm phẩy khuẩn tả đường tiêu hóa. Tuy nhiên do chó là loài vật hoang dã nên khả năng miễn dịch cao gấp nhiều lần người, vì vậy thời gian xuất hiện bệnh tiêu chảy cấp ở chó sẽ kéo dài hơn người. Chó càng thuần hóa thì khả năng miễn dịch càng mất dần và dễ mắc bệnh. Cũng theo bác sĩ Châu, nguy cơ lây lan bệnh ở chó sang người là rất lớn do sống gần gũi nhau. Vì vậy, vấn đề đặt ra để tránh lây lan bệnh, đặc biệt bệnh tiêu chảy cấp, người dân phải ý thức vệ sinh môi trường nơi chó ở, tránh tiếp xúc nước bọt, phân chó, thực hiện chích ngừa chó định kỳ 6 tháng-1 năm...
Theo PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, một trong những mối lo lớn nhất khiến bệnh tiêu chảy cấp lây lan là kiểm soát nguồn nước, nếu nước nhiễm vi khuẩn tả thì cùng lúc sẽ khiến rất nhiều người mắc bệnh. Tại thời điểm này, vi khuẩn tả chưa lây lan qua nguồn nước mà chủ yếu liên quan đến thực phẩm ô nhiễm, trong đó có thịt chó sống tại lò giết mổ không bảo đảm vệ sinh. Theo ông Hiển, ngoài giả thiết chó ăn phải thức ăn ô nhiễm có vi khuẩn tả rồi lây lan ra cộng đồng còn có thể do thịt chó chín bị nhiễm khuẩn, các dụng cụ chứa đựng, chế biến, bàn tay người chế biến cũng nhiễm vi khuẩn này.
Thêm 3 trường hợp có thân nhiệt bất thường Ngày 15-5, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết đã tiếp nhận điều trị một bệnh nhi (6 tuổi, trú tại quận 7-TPHCM) có thân nhiệt cao, tuy nhiên chưa có kết quả kiểm nghiệm cúm A/H1N1. Bệnh nhi này nhập cảnh VN từ Mỹ vào ngày 11-5, nhập viện trong tình trạng có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi. Bác sĩ Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết đã ghi nhận thêm 2 trường hợp khác (một quốc tịch VN, một quốc tịch Úc) cũng có thân nhiệt bất thường, được cách ly kiểm dịch vào ngày 14-5 nhưng kết quả kiểm nghiệm đều âm tính với cúm A/H1N1. |
Thêm hai tỉnh có dịch tiêu chảy cấp
Ngày 15-5, bác sĩ Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương, cho biết đã có hơn 10 bệnh nhân bị tiêu chảy cấp phải nhập viện, phần lớn là những người được mời đến dự một đám cưới, ít nhất có 3 ca được xác định là dương tính với phẩy khuẩn tả. Tại Quảng Ninh, bệnh nhân đầu tiên dương tính với phẩy khuẩn tả là bà Trương Thị Hinh, 57 tuổi, thị xã Uông Bí. Trước đó, bệnh nhân này được đưa vào Bệnh viện VN - Thụy Điển (Uông Bí) với các biểu hiện lâm sàng như nôn, tiêu chảy cấp... Như vậy, đến thời điểm này, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã xuất hiện tại 8 tỉnh, TP gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Dương và Ninh Bình.
|
Bình luận (0)