“VN có nền kinh tế quy mô nhỏ nên không cần phải có những giải pháp ồn ào. Nhất là trong lúc một số quốc gia có mức tăng trưởng bằng âm thì VN vẫn tăng trưởng. Nên có chính sách trung hòa để tự hồi phục từ thị trường nội địa là hướng đi tốt nhất của VN”.
Giáo sư Paul Krugman chia sẻ như vậy và dự báo: Các số liệu gần đây của kinh tế Mỹ và một số nền kinh tế lớn cho thấy có nhiều khả năng suy thoái đã chạm đáy. Ảnh hưởng của cuộc suy thoái có thể kéo dài khoảng 3 năm nữa và có thể sau 5 năm nữa mới phục hồi song khó khăn vẫn còn nhiều. Hiện nay, thay vì mỗi nền kinh tế có các giải pháp đơn lẻ thì các quốc gia lớn hoặc thế giới nên chia sẻ các giải pháp để bản thân mỗi nền kinh tế tự phục hồi trong sự phục hồi kinh tế của toàn cầu.
Nên nhắm đến xuất khẩu công nghệ cao
Giáo sư Paul Krugman nhấn mạnh: Hệ thống ngân hàng ngầm tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro bên cạnh hệ thống ngân hàng chính thống là nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế. Nếu năm 1980, hệ thống ngân hàng ngầm chỉ chiếm 10% trong tổ chức hoạt động liên quan đến ngân hàng tại Mỹ nhưng đến năm 2007, con số này đã lên đến 60%. Vì vậy, bài học kiểm soát hệ thống tài chính sẽ không bao giờ cũ đối với tất cả nền kinh tế.
Đối với VN, bên cạnh việc dùng cầu nội địa để thoát khỏi suy thoái, giải pháp xuất khẩu luôn có giá trị nhưng VN nên học tập Hàn Quốc chuyển từ xuất khẩu ngành thâm dụng lao động sang ngành có giá trị gia tăng cao. Vào những năm 1965, Hàn Quốc chỉ xuất khẩu những mặt hàng thâm dụng lao động như gỗ, ván ép, bột mì thì nay VN chỉ nên xuất khẩu giày dép, may mặc, sản phẩm thô... Không là nỗi lo lớn nhưng nên có chiến lược đầu tư công nghệ nhắm đến xuất khẩu công nghệ cao, sử dụng lao động có hiệu quả.
Can thiệp của Chính phủ chỉ là tạm thời
Tung ra các gói kích cầu là giải pháp của phần lớn các quốc gia trong giai đoạn suy thoái. Tính đến nay, VN đã chi 8 tỉ USD để kích cầu, gần 10% GDP cùng một số giải pháp chính sách khác. Đây là mức cao so với thế giới nên việc cần làm là kiểm soát cách dùng để các gói kích cầu đạt hiệu quả cao nhất, phải bảo đảm khoản tiền kích cầu được sử dụng ở thị trường nội địa và có lợi cho thị trường nội địa.
|
Nhưng giải pháp can thiệp của Chính phủ cũng chỉ là tạm thời chứ không nên kéo dài. Nếu Chính phủ cứ tiếp tục can thiệp sâu vào thị trường thì sẽ biến thị trường trở thành “con nghiện”, luôn phải có những giải pháp hỗ trợ. Tự do thương mại, cơ chế thị trường là hy vọng duy nhất để phát triển kinh tế sau suy thoái.
Về câu hỏi của chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn: “Đưa ra các gói kích cầu nghĩa là Chính phủ VN phải tăng chi. Mà tăng chi đi đôi với tăng thu thuế, vậy có mâu thuẫn hay không?”, giáo sư Paul Krugman trả lời: Sở dĩ phải kích cầu vì nhiều người dân dù có tiền nhưng vẫn thắt lưng buộc bụng. Vì vậy, Chính phủ phải tìm cách vay tiền dân để chi ngược lại kích cầu kinh tế mà không cần tăng thu thuế. Ít nhất phải 5 năm nữa, khi kinh tế hồi phục và phát triển, Chính phủ VN mới nên tính đến việc tăng thu thuế.
Bên cạnh đó, có một thông điệp mà giáo sư Paul Krugman muốn nhắn gửi đến các quốc gia đang phát triển như VN là “Không nên phát triển kinh tế bằng mọi cách”. Ông nói: “Tham vọng và tự mãn của số đông các tổ chức tài chính hay phát triển công nghệ bất chấp sự hủy hoại môi trường, biến đổi khí hậu không thể là kết thúc có hậu cho bất cứ nền kinh tế nào”.
Giáo sư Trần Đình Bút: Hai điều tâm đắc Tôi tâm đắc hai vấn đề mà giáo sư Paul Krugman đặt ra. Đó là sự tồn tại của hệ thống ngân hàng ngầm bên cạnh hệ thống ngân hàng chính thống là nguyên nhân xảy ra suy thoái kinh tế. Như vậy, cần phải phân biệt giữa ngân hàng chính thống với những hệ thống giống ngân hàng nhưng không phải ngân hàng, đó là ngân hàng của các tổng công ty. Bên cạnh đó, phải quy định chặt chẽ chỉ có ngân hàng thương mại mới được phép cho vay và thu hồi nợ, ngân hàng đầu tư chỉ được hoạt động trong lĩnh vực đầu tư... Một số quốc gia in thêm tiền để giải cứu kinh tế nhưng không phá giá đồng tiền cũng là một bài học. In tiền nhưng không để tiền trôi nổi trên thị trường mà dùng mua tài sản nợ với giá rẻ để khi kinh tế phục hồi trở thành tài sản giá trị lớn, nhà nước sẽ thu được nguồn lợi cao từ cách đầu tư hiệu quả này. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Không thể dừng xuất khẩu Dùng cầu nội địa để thoát khỏi suy thoái là hướng đi đúng nhưng không nên hiểu một cách cực đoan rằng quan tâm thị trường nội địa là dừng xuất khẩu, vì thị trường trong nước không thể hấp thu được lượng hàng hóa khổng lồ của xuất khẩu chiếm đến 70% GDP. Cả một thời gian dài, VN chỉ chú trọng đến xuất khẩu, bỏ mặc thị trường nội địa cho hàng hóa nước ngoài xâm nhập, thể hiện sự phát triển kinh tế không cân đối. Những gì giáo sư Paul Krugman nói được hiểu là khi VN bị cạnh tranh rất gay gắt ở thị trường xuất khẩu vì chưa có thế mạnh sản xuất hàng hóa chất lượng cao, thì nên giữ vững thị trường trong nước. Ngay cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào VN cũng nhắm đến việc sản xuất hàng hóa tiêu thụ tại thị trường VN thì không cớ gì ta lại bỏ quên thị trường của chính mình. M.V ghi |
Bình luận (0)