- Phóng viên: Thưa ông, ai phải chịu trách nhiệm trong tình trạng ứ đọng lúa gạo ở ĐBSCL hiện nay?
- Ông Nguyễn Đức Kiên: Nhiều người phải chịu trách nhiệm. Bản thân nông dân cũng phải chịu trách nhiệm vì không tuân thủ đúng hướng dẫn của cơ quan Nhà nước về khoa học kỹ thuật nên đẩy giá sản phẩm làm ra lên cao vì phải chi phí lớn hơn. Các tổ chức, đoàn thể cũng chịu trách nhiệm vì không tổ chức được cho nông dân sản xuất lớn. Cơ quan Nhà nước thì chưa định được mô hình phù hợp với tình hình. Doanh nghiệp (DN) cũng chịu trách nhiệm vì mô hình các DN hiện nay đơn thuần vì lợi nhuận. Chính phủ cũng có trách nhiệm khắc phục những bất cập trên.
- Giá gạo thấp hiện nay là do DN không chịu thu mua gạo trong dân? Trong khi đó, tháng 4 vừa qua giá gạo cao nhưng Hiệp hội Lương thực (HHLT) VN lại quyết định ngưng xuất khẩu?
- Không nên nhầm lẫn giữa quyết định của hiệp hội với chuyện bán gạo của người dân. Các quyết định của hiệp hội chỉ liên quan đến DN, còn bán hay không là chuyện của người dân.
Phải nhìn vào DN xuất khẩu gạo xem họ đã làm đúng chức năng chưa. Cần xem việc quản lý Nhà nước đối với họ như thế nào, họ là DN thuần túy kinh doanh hay công ích.
- Có ý kiến cho rằng vì giao việc điều hành xuất khẩu gạo cho một hiệp hội không có chức năng quản lý Nhà nước nên dẫn tới những bất cập, làm ảnh hưởng tới lợi ích của nông dân?
- Trước hết, cần nhìn vào quy chế của HHLT VN để xem họ hoạt động đúng hay không. Nếu các DN xuất khẩu gạo đồng ý để cho hiệp hội điều hành hoạt động xuất khẩu thì họ làm như vậy là đúng theo quy chế. Tất nhiên, hiện do 3 khâu hiệp hội, DN xuất khẩu và nông dân không gắn kết được với nhau nên nông dân bị thiệt. Trong đó, DN né được thiệt hại và đẩy sự thua thiệt về giá này cho nông dân.
- HHLT VN do các DN hình thành nên có ý kiến lo ngại một số “ông lớn” tác động chi phối quyết định của hiệp hội?
- Hiển nhiên là như vậy. Các cổ đông lớn tất nhiên phải có tiếng nói quyết định.
- Vì thế, mới có ý kiến không nên giao quyền điều hành cho HHLT VN mà nên để cơ quan quản lý Nhà nước đảm trách?
- Trong cuộc họp vừa qua tại TPHCM giữa HHLT VN và Bộ Công Thương, có ý kiến nào đề nghị để cơ quan quản lý Nhà nước đứng ra điều hành xuất khẩu gạo đâu? Hơn nữa, nếu chính phủ đứng ra điều hành xuất khẩu gạo là trái với cam kết gia nhập WTO vì Nhà nước can thiệp vào thị trường.
- Theo ông, việc điều hành xuất khẩu gạo nên giao cho ai để bảo đảm lợi ích cho nông dân?
- Rất khó hài hòa lợi ích giữa các bên trong cơ chế xuất khẩu gạo. Nếu đặt lợi ích của nông dân lên sẽ có cách giải quyết theo nông dân, song nếu đặt lợi ích DN lên lại sẽ có cách giải quyết theo DN. Điều quan trọng nhất là mô hình DN xuất khẩu gạo của chúng ta hiện không hợp lý.
Phải bảo vệ lợi ích cho nông dân
|
Bình luận (0)