Bắt đầu từ hôm nay, 1-7, 5 loại trái cây: dưa hấu, nhãn, vải, chuối và thanh long khi xuất sang Trung Quốc (TQ) buộc phải kê khai nguồn gốc (nơi trồng và đóng gói). Thực tế đang diễn ra tại cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn cho thấy các chủ hàng nhỏ, lẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trước quy định này.
10%- 20% chưa ghi xuất xứ
14 giờ ngày 30-6, tại sân tập kết xe chở nông sản trước cửa khẩu Tân Thanh, trong số 40 xe tải đang chờ thông quan có khoảng 20 chiếc chở trái cây. Đa số hàng hóa trên các xe này đều được đóng gói, có ghi nhãn mác và thương hiệu trái cây.
Tuy nhiên, vẫn còn một số xe chở chuối, dưa hấu, vải không đóng gói mà chỉ chất lên thùng rồi trùm bạt. Theo một cán bộ trạm kiểm dịch cửa khẩu Tân Thanh, hiện có khoảng 10%- 20% xe chở trái cây xuất sang TQ không được đóng gói và kê khai nguồn gốc.
Anh An, một chủ hàng ở Bắc Giang, cho biết trước giờ anh vẫn “đánh” cả xe như vậy sang TQ giao cho khách. “Chiều nay, xe hàng của tôi sẽ thông quan. Tôi chưa nghe gì về quy định kê khai nguồn gốc 5 loại trái cây sang TQ. Nếu quả vậy, những người thu mua nhỏ, lẻ như tôi sẽ gặp nhiều khó khăn vì không dễ làm giấy tờ xuất xứ, đóng gói”- anh An nhận xét.
Một chủ xe chuối từ Hà Nội lên cũng than thở: “Chúng tôi lại phải mất thêm một phần chi phí đóng gói và đau đầu tìm cách chứng nhận xuất xứ trái cây. Chúng tôi thu mua hàng nhiều nơi, vì có vườn chuối nào đủ cho cả một xe lớn thế này đâu?”. Ông này cũng cho biết giá cả nhiều loại trái cây đã xuống rất thấp, nếu thấp hơn thì chủ hàng nhỏ, lẻ như ông sẽ lãi rất ít.
Các xe trái cây đang đợi thông quan sang Trung Quốc vào chiều 30-6, tại cửa khẩu Tân Thanh -Lạng Sơn
Về phía các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trái cây, dù từ ngày 25-5, Bộ NN- PTNT đã có văn bản hướng dẫn thực hiện các quy trình cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà nhập khẩu ở TQ song mới chỉ một số DN lớn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu này.
Thực tế trước đó, các DN lớn đã thực hiện quy trình này để bảo đảm hàng hóa giao dịch tốt, không bị ép giá. Anh Minh, một chủ DN chuyên “đánh” trái cây từ TPHCM ra Lạng Sơn để xuất sang TQ, cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện quy trình này lâu rồi, vì phía đối tác TQ yêu cầu phải có”.
Hải quan và kiểm dịch: Không ngại
Bà Đào Thu Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, cho biết việc kiểm tra xuất xứ trái cây VN khi xuất sang TQ và ngược lại sẽ do trạm kiểm dịch thực vật hoặc cơ quan liên quan của cửa khẩu thực hiện. Theo bà Lan, hàng hóa TQ nhập về VN và từ VN xuất sang TQ cơ bản đều đã thực hiện tốt việc đóng gói, trên đó có ghi đầy đủ thông tin kèm theo giấy tờ xuất xứ.
Trước quan ngại việc kiểm tra nguồn gốc trái cây có thể gây ách tắc cửa khẩu do các DN, chủ hàng chưa có thời gian chuẩn bị, bà Lan cho rằng thời điểm này đang bắt đầu vào mùa giáp hạt nên việc kiểm soát hàng hóa không còn cấp tập như trước.
Ông Phạm Thanh Bình, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch Thực vật Tân Thanh, nhận định công tác kiểm tra nguồn gốc hoa quả khó khăn chủ yếu với tiểu thương và các DN nhỏ. Các DN lớn hầu như trước đó đã thực hiện tốt việc này, nhất là DN phía
Trong khi đó, một số người dân sống xung quanh cửa khẩu Tân Thanh đã sẵn sàng đón mốc 1-7. Nếu xe trái cây nào không chứng minh được nguồn gốc và không đóng gói, họ sẽ làm “cửu vạn” đưa hàng qua biên giới. Hiện dân cư biên giới được phép mua bán hàng hóa tương đương 2 triệu đồng/ngày mà không cần phải xuất trình giấy tờ.
Ít nhiều cản trở lưu thông Ông Vũ Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lào Cai kiêm Trưởng Phòng Quản lý XNK khu vực - Bộ Công Thương, cho biết: “Ngoài khuyến cáo của Bộ Công Thương, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản pháp quy chính thức nào về quy định chứng minh nguồn gốc 5 loại trái cây xuất sang TQ từ ngày 1-7. Thời gian quá gấp gáp nên quá trình triển khai gặp nhiều lúng túng, do đó ít nhiều sẽ cản trở đến việc lưu thông hàng hóa giữa hai bên”. Theo ông Hồng, từ đầu năm 2009, Bộ Công Thương đã thành lập Phòng Quản lý XNK khu vực đặt tại Sở Công Thương Lào Cai. Phòng thực hiện cấp C/O (giấy chứng nhận nguồn gốc hàng hóa) ngay tại Lào Cai trong hoạt động thương mại biên giới Việt – Trung. “Đây là bước đột phá, tạo thuận lợi cho DN XNK. Với C/O được cấp, đương nhiên hàng hóa đã được công nhận xuất xứ theo thông lệ quốc tế. Vậy mà nay lại thêm quy định này...” - ông Hồng băn khoăn. L. Đức |
Nhà vườn mờ mịt thông tin Những ngày này, nhiều nhà vườn trồng thanh long ở Chợ Gạo – Tiền Giang rất lo lắng vì họ vẫn mờ mịt thông tin về quy định chứng minh nguồn gốc 5 loại trái cây xuất sang TQ. “Chúng tôi vẫn chưa được ngành nông nghiệp hướng dẫn cụ thể gì, chỉ biết thông tin về quy định này qua báo, đài. Không rõ nhà vườn chúng tôi hay DN thu mua mới là người đăng ký nguồn gốc trái cây? Đăng ký ở đâu, thủ tục thế nào, giờ còn kịp không?...”, một lão nông ở Chợ Gạo bức xúc. Ông Huỳnh Hồng Ửng, Chủ nhiệm HTX Thanh Long Quơn Long ở Chợ Gạo, cũng lo lắng: “Chúng tôi đã liên hệ với Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang để tìm hiểu thông tin, song đến nay vẫn chưa được đáp ứng”. Nhiều người trồng dưa hấu ở Cai Lậy – Tiền Giang cũng chung tâm trạng như vậy bởi rất thiếu thông tin. “Trước nay chúng tôi chỉ biết trồng cây, đến mùa thu hoạch thì kêu thương lái đến thu mua. Nay bảo đóng gói, chứng minh nguồn gốc, chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu, làm thế nào?”. Ông Lê Phú, một người trồng dưa lâu năm ở Cai Lậy, than thở. H.Lê |
Bình luận (0)