Chuyến thăm Malaysia của chúng tôi vào những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7-2009 đúng vào thời điểm nền kinh tế Malaysia đang hồi phục. Giới chủ nhà máy, xí nghiệp đang gia tăng tuyển dụng lao động nước ngoài. Ở sân bay Kuala Lumpur, lượng lao động VN nhập cảnh Malaysia cũng bắt đầu tăng hơn trước.
Lao động VN, trong đó có nhiều người dân tộc H’Rê, đang làm việc tại Nhà máy Uni Gloves
Người H’Rê vào nhà máy
Nơi đầu tiên chúng tôi ghé là Nhà máy Sản xuất găng tay cao su Uni Gloves ở Sanawang, bang Selangor. Nhà máy sử dụng 350 lao động nước ngoài, trong đó có 57 lao động VN - hầu hết là lao động nghèo, người dân tộc thiểu số.
Anh Định Văn Thạch, người H’Rê, quê ở huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi, rất vui khi gặp chúng tôi. Anh cho biết mới sang được hai tuần, mọi thứ vẫn còn lạ lẫm. Anh than thở: “Nước uống thì lờ lợ, không như nước sông, nước giếng ở nhà. Ký túc xá thì ồn ào, mỗi người một cái giường nhỏ quá...”. Có lẽ phải mất một thời gian, chàng thanh niên H’Rê này mới thích nghi được với môi trường sinh hoạt mới. Thế còn công việc ra sao? Thạch nói: “Bọn tôi mới sang, chưa quen. Lâu nay làm rẫy, làm ruộng, chứ biết gì máy móc. Chúng tôi đang cố gắng, mong có lương cao như những anh em sang trước...”.
Phạm Văn Thanh, cũng là người H’Rê, quê ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi, năm nay 30 tuổi, đã có hai con. Nhà nghèo, không có nương rẫy, đi làm thuê không được bao nhiêu tiền, nghe bảo sang Malaysia chi phí thấp, lương cũng khá nên Thanh quyết tâm đi. “Nhà máy bắt chúng tôi làm nhiều, mệt lắm. Nhưng làm nhiều mới có tiền. Tôi ước ao dành dụm được chút tiền gửi về nhà”. Phan Văn Nhim, người cùng quê với anh Thanh, năm nay 27 tuổi, cũng đã có hai con. “Công việc ở đây khá ổn định, anh em sang trước có thu nhập trên 1.000 ringgit – RM (khoảng 5 triệu đồng) nên hằng tháng gửi về quê được vài triệu đồng. Ở nhà thì biết lấy chi ăn nên cực mấy tôi cũng cố gắng. Cuối tháng có lương là tôi gửi về cho vợ ngay”.
Bà Trần Thị Thanh Hồng, Giám đốc Chi nhánh Công ty Châu Hưng tại TPHCM, cho biết những lao động người dân tộc H’Rê nằm trong số 17 lao động được công ty đưa sang nhà máy cách nay hai tuần theo đơn hàng thí điểm triển khai đề án hỗ trợ 61 huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ của Chính phủ mà công ty được chọn làm ở tỉnh Quảng Ngãi.
Đi để thay đổi cuộc sống
Uni Gloves và một số nhà máy khi chúng tôi ghé thăm đều bắt đầu ổn định sản xuất. Phần đông lao động trụ lại được sau những đợt cắt giảm lao động đang có công ăn việc làm khá tốt.
Anh Nguyễn Văn Tĩnh, quê Thái Bình, làm việc tại Nhà máy Cơ khí Eko Industries Parts (đang sử dụng 60 lao động VN), bang Penang, cho biết năm đầu mới sang, mỗi người chỉ có lương cơ bản 18,5 RM/ngày; năm thứ hai tăng lên 22 RM/ngày; năm thứ ba 25 RM/ngày... Nhờ lương tăng đều và làm thêm, anh em được trên 1.000 RM/tháng, người giỏi nhận trên 1.500 RM/tháng. Tĩnh tâm sự: “Tôi không có nghề gì trước khi đi. Nhưng giờ biết được nghề hàn, nói được tiếng Anh nữa, mai mốt về không lo thất nghiệp”. Cuối năm 2005, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Đinh Công Thi, quê ở Châu Đốc, An Giang, đăng ký đi làm việc ở Malaysia. Mới học hết lớp 9 lại không có chuyên môn, Thi chỉ mong ra nước ngoài có việc làm, cố gắng dành dụm ít tiền về phụ mẹ. Sau 3 năm làm việc, nhờ siêng năng, ham học hỏi, Thi được bố trí làm tổ trưởng sản xuất. Thi cho biết: “Tôi đã gửi về nhà khoảng trăm triệu đồng. Có chút nghề, vốn liếng tiếng Anh tích lũy được chắc sẽ giúp em dễ dàng tìm kiếm việc làm phù hợp”.
Nhà máy liên doanh sản xuất điện tử Renesas ở bang Penang đang sử dụng 180 lao động nữ VN. Nguyễn Thị Cẩm Nhung, quê ở Châu Phú, An Giang, tâm sự: “Ngày mới sang, chúng tôi rất bỡ ngỡ. Nhưng giờ thì mọi việc đã ổn. Tôi dự tính sau khi hết hạn hợp đồng sẽ xin gia hạn”... Cô gái trẻ Lê Thị Thùy Linh, quê Đồng Tháp, lại có cách đầu tư cho nghề nghiệp riêng. Tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường ĐH KHXH - NV TPHCM, vì muốn rèn luyện thêm tiếng Anh, Linh đăng ký sang Malaysia làm việc, lương khoảng 500 USD/tháng. Linh tâm sự: “Ba năm ở Malaysia là 3 năm thực tập có lương để em tích lũy vốn sống, hiểu biết, ngoại ngữ làm hành trang cho nghề nghiệp về sau”.
Nối lại nhiều đơn hàng cung ứng lao động
Ông Vũ Đình Toàn, Trưởng Ban Quản lý Lao động VN tại Malaysia, cho biết do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, từ 120.000 lao động làm việc ở Malaysia vào tháng 6-2008 hiện nay chỉ còn khoảng 71.000 người. Nay kinh tế Malaysia đang trên đà hồi phục nhanh, nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài đang gia tăng ở hầu hết các ngành nghề.
Bà Choong Chui Yin, phụ trách nhân sự Winbond Management & Consultant, một công ty môi giới lao động lớn, cho hay tình hình đã thay đổi tích cực, nhiều nhà máy đã bắt đầu đón nhận lao động trở lại. Winbond đang nối lại đơn hàng cung ứng lao động với hơn 10 doanh nghiệp XKLĐ của VN. Phần lớn các nhà sản xuất điện tử trước đây cắt giảm lao động hiện đang rất cần lao động nước ngoài như Renesas, Canon, Mitsubishi, Sony, Philips.
Các doanh nghiệp XKLĐ đưa nhiều lao động sang Malaysia như Châu Hưng, Sovilaco, Hiteco, Việt Hà cũng đang gấp rút tuyển dụng lao động cho các đơn hàng mới. Riêng Châu Hưng, ngoài 24 lao động đưa sang Nhà máy Eko Industrial vào ngày 29-6, công ty đang tuyển chọn 70 lao động cho Nhà máy Sản xuất văn phòng phẩm Cheewah Corporation; 85 lao động cho Nhà máy Sản xuất kính bảo hộ A.Jiya Safety; 100 lao động nữ cho Nhà máy Điện tử Sony; 50 lao động cho Nhà máy Sản xuất găng tay cao su Uni Gloves... Đây là những đơn hàng tốt, thu nhập của người lao động đạt bình quân từ 1.000 – 1.100 RM/tháng trở lên (vào website Thế giới việc làm của bạn: http://vieclam.nld.com.vn để biết thêm chi tiết).
|
Bình luận (0)