Trong thời gian gần đây, ta thấy trên mặt báo có không ít câu thơ được trích dẫn lại sai với nguyên tác hoặc cũng câu thơ đó nhưng báo này in thế này, báo kia in thế khác. Chẳng hạn, câu thơ của Tế Hanh có nơi in “Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu”, có nơi lại là “Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu”. Vậy câu thơ nào là đúng?
Sử dụng văn bản còn tùy tiện
Muốn đánh giá, nhận định về sự nghiệp một nhà thơ, thậm chí trào lưu thơ của cả một giai đoạn văn học, theo tôi phải qua văn bản, bằng văn bản. Một văn bản có độ tin cậy cao nhất bao giờ cũng là đối tượng nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học nghiêm túc.
Chẳng hạn, với kiệt tác Truyện Kiều, đến nay chưa ai có thể “vỗ ngực xưng tên” đã tìm ra nguyên tác hoặc gần với nguyên tác của Nguyễn Du nhất. Tôi ngờ rằng, nếu tìm ra bản gốc như Nguyễn Du đã viết và công bố thì chưa chắc người đọc đồng ý với chữ này, câu kia như hàng trăm năm nay họ đã tiếp nhận. Nhưng Truyện Kiều là một trường hợp ngoại lệ vì nó quá phổ biến và trở thành viên ngọc không tì vết. |
Tiếc rằng, trên báo chí, xuất bản phẩm hiện nay, việc sử dụng văn bản còn khá tùy tiện. Chỉ xin nêu một ví dụ, tưởng rằng rất nhỏ, là theo nguyên tắc, dưới tựa bài thơ, nhà thơ đã ghi tặng ai thì chúng ta không có quyền bỏ. Thế nhưng, khi in lại tập Lửa thiêng của Huy Cận, với bài thơ Tràng Giang, người ta bỏ dòng “Tặng Trần Khánh Dư”; Giấc ngủ chiều, bỏ dòng “Tặng Hoàng Đạo”; Áo Trắng, bỏ dòng “Tặng Nhất Linh”... ; hoặc Nhớ rừng của Thế Lữ, người ta cũng cắt béng đi dòng “Tặng Nguyễn Tường Tam” v.v... Sự cẩu thả này chỉ được khắc phục khi nhà thơ Ý Nhi, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thực hiện “in lại theo đúng bản in lần đầu”. Việc làm này đã khôi phục lại văn bản đúng nhất với nguyên tác, rất đáng hoan nghênh.
Bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng với hai bản in khác nhau một trời một vực
Dị bản do chính tác giả gây ra
Cũng có trường hợp tác giả đã công bố, rồi sau đó tự sửa, ta chọn văn bản nào? Tập thơ Mấy vần thơ của Thế Lữ là một ví dụ tiêu biểu. So với bản in lần đầu (1935) với lần thứ hai (1941) có khá nhiều dị biệt. Chẳng hạn, với bài thơ nổi tiếng Nhớ rừng, ông đã sửa đến... 20 câu! Ví dụ, bản in lần đầu ông viết: “Ta đợi tắt mảnh mặt trời gay gắt”; bản in lần thứ hai, ông sửa: “Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt” v.v... Tương tự, bài thơ Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm)... hoặc nhiều bài thơ khác của nhiều nhà thơ nổi tiếng khác cũng có một hai dị bản. Thế thì, khi trích dẫn ta cần ghi cụ thể đã chọn bản nào.
Khi chính nhà thơ đã sửa, có thể câu thơ sẽ hay hơn nhưng cũng có thể sẽ kém đi. Dù không rõ chính tác giả tự sửa hoặc ai đã sửa, nhưng trường hợp của nhà thơ Quang Dũng là một sự đáng tiếc cho người yêu thơ. Chẳng hạn, bài Đôi mắt người Sơn Tây đã từ lâu, rất lâu công chúng đã nhớ đến nằm lòng: “Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều lưu lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây/ Cho nhẹ niềm nhớ thương/ Em mơ cùng ta nhé/ Bóng ngày mai quê hương/ Đường hoa khô ráo lệ”, nhưng trong tập thơ Mây đầu ô (NXB Tác phẩm mới - 1985) in lúc nhà thơ Quang Dũng còn sống, không rõ tại sao lại “biên tập” gọn lỏn: “Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều lưu lạc/ Thương vườn ruộng khôn khuây” (!?); hoặc “Vầng trán em vương trời quê hương/ Mắt em dìu dịu buồn Tây phương” lại thành “Vầng trán em mang trời quê hương/ Mắt em như giếng nước thôn làng” (!?). Thậm chí ngay tựa bài thơ cũng “biên tập” thành “Mắt người Sơn Tây”! Nếu không phải do chính tác giả sửa thì tác giả phải lên tiếng chứ !
Trường hợp này dứt khoát không phải do... in sai! Nhân đây cũng xin nhắc lại trường hợp biết sai, nhưng tác giả quyết... không sửa! Trong bài Trưa hè, Nguyễn Bính viết “Lấy thân làm bức thành đồng cho con”, nhưng khi đưa xuống nhà in, chẳng rõ mắt mũi kèm nhèm thế nào mà công nhân in xếp chữ thành “Lấy thân làm bức thành đồng che con”. Câu thơ sau hay hơn nhiều.
Trở lại với trường hợp của nhà thơ Quang Dũng, dù vì lý do gì đi nữa, công chúng vẫn không chấp nhận, họ vẫn yêu bài thơ như sự mách bảo của trí nhớ. Có lẽ do nhận thấy sửa thế là “giết thơ” nên trong Quang Dũng, tác phẩm chọn lọc (NXB Văn học - 1988), người ta đã “phục hồi” lại theo văn bản mà bạn đọc đã nhớ!
Rõ ràng, chọn lấy văn bản nào, như thế nào là điều không dễ dàng. Chẳng hạn, với bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm, ta thấy có bản in còn thêm bốn câu: “Mây thu đầu núi gió lên trăng/ Cơn lạnh chiều nao bóng đổ thầm/ Ngừng ở ven trời nghe tiếng khóc/ Tiếng đời xô động, tiếng lòng câm”. So với bản Thi nhân Việt
Sử dụng văn bản của thơ quả là không dễ dàng, nó đòi hỏi chúng ta phải có nhiều thao tác khác nhau nữa.
Cẩn trọng với văn bản trên internet Chọn lấy văn bản nào, như thế nào để đúng với nguyên tác nhất là điều không dễ dàng. Thông thường, chúng ta căn cứ vào bản in do chính tác giả công bố hoặc nó được thực hiện bởi NXB có uy tín và do các nhà nghiên cứu, phê bình “có nghề”, có tên tuổi tuyển chọn. Thiết nghĩ, trong thời đại công nghệ thông tin, cần cẩn trọng với các bản được công bố trên internet, bởi theo tìm hiểu của riêng tôi thì có không ít bài thơ bị nhập liệu sai, kể cả sai tên tác giả. Với công cụ tìm kiếm này, rõ ràng công việc tra cứu có phần thuận lợi, nhưng khi sử dụng cần cẩn thận, kiểm chứng lại bằng văn bản gốc vẫn hơn. Bài thơ Tiếng hát đi đày của Tố Hữu có mạng công bố: “Người đi quần áo chen chân”. Thế là sai! Đúng ra phải: “Người đi quấn áo chen chân” v.v... |
Bình luận (0)