TS- luật sư PHAN TRUNG HOÀI (Đoàn Luật sư TPHCM):
Cần hết sức thận trọng
Qua thông tin trên báo và một số tài liệu được tham khảo, chúng tôi nhận thấy:
Một là, mặc dù cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều thừa nhận có những thiếu sót về tố tụng, nhưng không cho đó là nghiêm trọng, từ đó vẫn căn cứ vào lời nhận tội và một số lời khai nhân chứng để tuyên phạt bị cáo Hồ Duy Hải mức án tử hình về tội “giết người”. Theo quan điểm của chúng tôi, việc cơ quan điều tra không thu giữ được cái thớt tròn và con dao Thái Lan bị coi là hung khí do bị cáo thực hiện hành vi giết người, cơ quan giám định không xác định được nhóm máu và dấu vân tay liên quan đến Hồ Duy Hải…- những vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội - là những thiếu sót nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, có ảnh hưởng đến việc đánh giá chứng cứ trong vụ án. Đó là chưa kể, các luật sư đã phát hiện việc chưa phù hợp về thời gian nạn nhân chết, các vết tích trên thân thể nạn nhân, tài sản bị chiếm đoạt đi bán...
Hai là, cũng cần đánh giá khách quan về lời khai nhận tội của bị cáo Hồ Duy Hải. Bản án phúc thẩm ghi nhận, mặc dù có lúc bị cáo Hải khai tại tòa không phạm tội nhưng trong hồ sơ có tới 20 bản cung, bản tự khai (trong đó một số bản cung, tự khai có sự chứng kiến của luật sư) cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo thừa nhận mình là thủ phạm giết 2 nạn nhân và trong đơn kháng cáo ngày 5-12-2008, bị cáo không kêu oan mà chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Điều này cho thấy về mặt chủ quan, bị cáo Hồ Duy Hải có lời khai nhận tội trong điều kiện chứng kiến của luật sư, không bị ép cung, dụ cung… Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 điều 72 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003, lời nhận tội của Hồ Duy Hải chỉ được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.
Từ những suy nghĩ nêu trên, chúng tôi cho rằng mặc dù bị cáo Hồ Duy Hải đã có lúc thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng lời khai nhận đó chưa phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, quá trình điều tra, truy tố, xét xử bộc lộ nhiều thiếu sót nghiêm trọng về thủ tục tố tụng nên việc tuyên án với mức hình phạt cao nhất chưa thuyết phục, chưa bảo đảm căn cứ về mặt pháp lý.
Vì phán quyết nói trên liên quan đến tính mạng của một con người, nên cần hết sức thận trọng, để không làm oan người vô tội, đồng thời tránh việc bỏ lọt tội phạm. Căn cứ theo khoản 2 và 3 điều 273 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003, có căn cứ để đề nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TPHCM):
Vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng
Tôi thật sự băn khoăn khi việc cả hai tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều thừa nhận có thiếu sót về tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng nhưng vẫn tuyên án tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải.
Cả 3 dấu hiệu của mặt khách quan của tội phạm về hành vi phạm tội xảy ra; thời gian, địa điểm thực hiện tội phạm; công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án trên đều chưa làm rõ. Thế nhưng cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều đã tuyên án tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải, trong khi đều thừa nhận thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Long An đã xác nhận: “Dù dao và thớt không thu được nhưng qua lời khai của các nhân chứng đã thể hiện hoàn toàn phù hợp... Đặc biệt là vết máu thu giữ tại hiện trường khi giám định không phải là của bị cáo. Các thiếu sót trên không lớn”. Điều 64 của Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định mà cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án. Chứng cứ được xác định bằng vật chứng; kết luận giám định và lời khai của người làm chứng, biên bản về hoạt động điều tra và các tài liệu đó”.
Như vậy, cả hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên án chủ yếu chỉ dựa vào một nguồn chứng cứ là lời khai của nhân chứng mà quên rằng nếu chỉ dựa vào lời khai của nhân chứng thì không thể thể hiện được đầy đủ mặt khách quan của tội phạm. Nếu không có mặt khách quan của tội phạm thì không thể có tội phạm xảy ra.
Tôi cho rằng những thiếu sót của các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án là nghiêm trọng. Do vậy, đề nghị Chánh án TAND Tối cao nên xem xét lại vụ án này và kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại TPHCM.
Bình luận (0)