Chẳng có gì lạ lẫm nếu nhà đầu tư (NĐT) bán cổ phiếu của mình để chốt lời hoặc cắt lỗ. Điều đáng nói là số ít NĐT vay cổ phiếu của người khác để bán, sau đó chờ cổ phiếu giảm giá mua lại, trả nợ số cổ phiếu đã vay hưởng chênh lệch (thường gọi là “chơi” cổ phiếu giá xuống).
Bán khi thị trường đi xuống
Để “chơi” cổ phiếu giá xuống, thông thường NĐT vay cổ phiếu của NĐT bạn hoặc của các tổ chức, rồi bán số cổ phiếu đã vay vào thời điểm thị trường bắt đầu đi xuống. Qua nhiều phiên giao dịch, giá cổ phiếu sụt giảm dần và đến một mức giá thích hợp, NĐT mua lại số cổ phiếu đã bán, thu lợi nhuận.
Chị T., một NĐT trên sàn chứng khoán Phố Wall, cho biết đầu tháng 7-2009, thời điểm VN-Index 454 điểm chị đã vay cổ phiếu của một người bạn rồi bán. “Mười phiên giao dịch kế tiếp, thị trường có đến 8 phiên giảm điểm, chỉ số VN-Index xuống còn 412 điểm (ngày 20-7).
“Cổ phiếu mà tôi đã bán cũng giảm giá như mong muốn. Tôi đề nghị bên cho vay đặt lệnh mua để chốt lời”, chị nói. Do cổ phiếu thuộc quyền sở hữu của người cho vay nên bên cho vay sẽ thực hiện giao dịch theo yêu cầu của bên vay. Trường hợp giá cổ phiếu tăng, bên vay yêu cầu bên cho vay mua lại để cắt lỗ. Ngoài ra, bên cho vay yêu cầu bên vay thế chấp một số tiền nhất định để phòng ngừa tình huống “bỏ của chạy lấy người”.
Giao dịch tại sàn chứng khoán Đông Á. Ảnh: H.Thúy
Theo giám đốc đầu tư của một công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội, một số công ty chứng khoán còn làm trung gian cho các phi vụ “chơi” cổ phiếu giá xuống. Bởi bên vay e ngại bên cho vay chậm trễ thực hiện bán - mua cổ phiếu. Vì thế, NĐT “nhờ” công ty chứng khoán theo dõi tài khoản của hai bên để kịp thời xử lý khi một trong hai bên không thực hiện giao dịch.
Công ty chứng khoán cũng cho vay
Một số người thông thạo thị trường còn cho biết công ty chứng khoán cũng cho khách hàng ruột vay cổ phiếu để “chơi” giá xuống. NĐT và công ty chứng khoán tiến hành hợp đồng giao dịch (thực chất là giấy tay), trong đó thời hạn vay tối đa 30 ngày, lãi suất thấp nhất 0,5% trên giá trị số cổ phiếu tính theo thị giá... Giả sử NĐT vay 1.000 cổ phiếu A có giá 35.000 đồng/cổ phiếu. Công ty chứng khoán yêu cầu bên vay thế chấp 50 triệu đồng.
Như vậy, khi NĐT yêu cầu công ty chứng khoán bán 1.000 cổ phiếu A sẽ có được 35 triệu đồng. Sau 10 ngày, giá cổ phiếu A xuống còn 33.000 đồng/cổ phiếu, NĐT yêu cầu công ty chứng khoán mua lại 1.000 cổ phiếu A, tất toán hợp đồng, thu về 2 triệu đồng tiền lãi và số tiền đã thế chấp (chưa tính chi phí vay cổ phiếu, giao dịch).
Công ty chứng khoán có thêm nguồn thu từ phí giao dịch và lãi suất cho vay cổ phiếu. Ngược lại, nếu cổ phiếu A tăng lên 40.000 đồng/cổ phiếu, tính ra NĐT lỗ 5 triệu đồng. Công ty chứng khoán sẽ khấu trừ số tiền thua lỗ, lãi suất cho vay, phí giao dịch từ số tiền thế chấp 50 triệu đồng.
Núp bóng bán khống Tuy phương thức vay cổ phiếu để bán làm tăng thanh khoản thị trường nhưng nhiều người cho rằng giao dịch này gần giống với phương thức bán khống cổ phiếu. Bên cho vay và bên vay cổ phiếu là các thành phần núp bóng bán khống chứng khoán. Trong khi đó, Luật Chứng khoán chưa cho phép giao dịch khống cổ phiếu. Người vay hoàn toàn thất thế bởi bên cho vay là chủ sở hữu chứng khoán, nắm trong tay số tiền mà bên vay thế chấp. Chỉ cần bên cho vay từ chối mua lại cổ phiếu, khi đó bên vay không biết kêu ai. Việc nhà đầu tư “nhờ” công ty chứng khoán làm trung gian chẳng qua để gia tăng độ tin cậy. Khi bên vay và bên cho vay cổ phiếu phát sinh mâu thuẫn, công ty chứng khoán không có quyền phong tỏa hay giải tỏa tài khoản của nhà đầu tư. |
Bình luận (0)